Thứ Ba, 21/1/2025 14:59 (GMT +7)

| Hotline: 0983.970.780

Nuôi bò 3B thâm canh, tăng trọng gần 1kg/ngày

Thứ Tư 15/01/2025 , 07:38 (GMT+7)

QUẢNG TRỊ Qua theo dõi, bò lai BBB nuôi theo hình thức thâm canh tăng trọng trung bình 0,9kg/con/ngày, tương ứng 27kg/con/tháng.

Lợi nhuận cao gấp 1,5 - 2 lần giống bò lai khác

Kế thừa thành tựu con giống của Chương trình Cải tạo đàn bò chuyên thịt các năm trước, năm 2024, Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị triển khai mô hình ‘‘Nuôi bò thịt thâm canh hỗ trợ liên kết tiêu thụ sản phẩm’’ tại xã Hải Phú (huyện Hải Lăng) và xã Triệu Thượng (huyện Triệu Phong). Qua đó nhằm phát triển mô hình chăn nuôi bò thịt thâm canh trên địa bàn tỉnh.

Mô hình chăn nuôi thâm canh bò BBB tại hộ anh Trần Kim Quang (thôn Long Hưng, xã Hải Phú, huyện Hải Lăng). Ảnh: Việt Toàn.

Mô hình chăn nuôi thâm canh bò BBB tại hộ anh Trần Kim Quang (thôn Long Hưng, xã Hải Phú, huyện Hải Lăng). Ảnh: Việt Toàn.

Đàn bò được chăm sóc, nuôi dưỡng, cân đối khẩu phần ăn hằng ngày theo tiêu chuẩn phù hợp với lứa tuổi, từng giai đoạn sinh trưởng. Khẩu phần ăn được phối hợp căn cứ vào tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, đảm bảo hàm lượng dinh dưỡng, chi phí thấp. Ngoài ra, đàn bò được bổ sung khoáng đa lượng, vi lượng bằng tảng đá liếm. Đặc biệt, mô hình sử dụng cao đạm cá tự ủ thay thế bột cá công nghiệp để cân đối hàm lượng dinh dưỡng trong khẩu phần ăn của bò, giúp bò tiêu hóa thuận lợi.

Giống bò lai BBB (3B) nuôi tại mô hình được chọn lọc căn cứ vào các tiêu chuẩn của bò hướng thịt trên địa bàn tỉnh Quảng Trị với độ tuổi từ 10 - 12 tháng, trọng lượng trung bình 230kg/con, quy mô 10 con/mô hình.

Qua quá trình nuôi cho thấy đây là giống bò có khả năng sinh trưởng tốt, khả năng chống chịu cao, hình thể to lớn vượt trội hơn so với các giống khác.

Tham gia mô hình, hộ anh Trần Kim Quang (thôn Long Hưng, xã Hải Phú, huyện Hải Lăng) được cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh phối hợp cùng Tổ Khuyến nông cộng đồng các xã chỉ đạo, theo dõi, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng, phối trộn, chế biến, dự trữ thức ăn, phòng dịch bệnh cho đàn bò thịt và xử lý chất thải chăn nuôi làm phân bón cho cây trồng.

Qua theo dõi, bò lai BBB trong mô hình tăng trọng trung bình mỗi ngày gần 1kg. Ảnh: Việt Toàn.

Qua theo dõi, bò lai BBB trong mô hình tăng trọng trung bình mỗi ngày gần 1kg. Ảnh: Việt Toàn.

Anh Quang cho biết: "Trước đây gia đình anh nuôi các giống bò như Brahman hay bò Lào nhập về nhưng đều thấy hiệu quả không cao. Đến khi tìm hiểu giống bò 3B và được sự hỗ trợ từ Trung tâm Khuyến nông tỉnh, mình thấy nuôi rất đạt, tốc độ tăng trưởng tốt, thân hình rất đẹp. Bò 3B phàm ăn, cỏ gì cũng ăn được. Hiện bò của gia đình tôi đã có 2 đầu mối liên kết ở Hà Nội và Quảng Nam đặt mua để tiêu thụ vào dịp Tết với giá cao hơn thị trường 1 giá. Dự kiến sang năm mình sẽ mở rộng quy mô, tăng đàn’’.

Qua theo dõi, nuôi bò theo hình thức thâm canh, tăng trọng trung bình của bò lai BBB là 0,9kg/con/ngày, tương ứng 27kg/con/tháng. Khả năng tăng trọng của bò lai BBB cao hơn 1,3 - 1,5 lần so với các giống bò tại địa phương như bò lai Zebu, bò lai Brahman. 

Với giá bán hiện nay khoảng 80.000đ/kg hơi, sau gần 10 tháng nuôi, doanh thu của mỗi mô hình đạt trên 445 triệu đồng, đem lại lợi nhuận gần 110 triệu đồng/mô hình. Thực tế cho thấy, nuôi bò lai BBB lợi nhuận cao gấp 1,5 - 2 lần so với bò lai Zebu, đây là thu nhập đáng kể cho lao động nông thôn.

Thúc đẩy nông nghiệp tuần hoàn, hữu cơ

Mô hình triển khai đã có tác động tích cực, hiệu quả lớn trên cả 3 mặt kinh tế - xã hội và môi trường. Việc tận dụng phụ phẩm nông nghiệp, cỏ, ngô sinh khối làm thức ăn ủ chua, dự trữ rơm đã tạo được nguồn thức ăn dồi dào, đáp ứng khẩu phần ăn quanh năm cho bò, từ đó hạ giá thành chăn nuôi, tăng lợi nhuận.

Việc chăn nuôi bò thịt sử dụng nguồn giống tại địa phương là yếu tố then chốt để hạn chế lây lan dịch bệnh, thời gian nuôi thích nghi cũng như giá bò giống thấp... Với phương pháp chăn nuôi tập trung, lượng lớn phân bò sẽ được thu gom, ủ chế phẩm sinh học để làm phân bón bón cho vườn cam trong trang trại và các vườn cam trên địa bàn tỉnh. Qua đó thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn, thích ứng với biến đổi khí hậu...

Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị kiểm tra, đánh giá mô hình nuôi thâm canh bò lai 3B tại xã Triệu Thượng (huyện Triệu Phong). Ảnh: Việt Toàn.

Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị kiểm tra, đánh giá mô hình nuôi thâm canh bò lai 3B tại xã Triệu Thượng (huyện Triệu Phong). Ảnh: Việt Toàn.

Tại thôn thượng Phước (xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong), chị Trương Thị Hằng - chủ hộ tham gia mô hình cho biết, năm 2019, gia đình trồng 3ha cam Xã Đoài lòng vàng do Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ thuộc chương trình nông thôn mới. Năm nay cam đã vào kỳ kinh doanh, nhờ nguồn phân từ mô hình nuôi bò thâm canh, gia đình đã xử lý bằng chế phẩm vi sinh để bón cho cam nên tiết kiệm được rất lớn chi phí mua phân bón (khoảng 45 triệu đồng/năm). Cam được bón hoàn toàn bằng phân hữu cơ nên phát triển tốt, chất lượng thơm ngon.

Ông Nguyễn Phú Quốc - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Trị cho biết, mô hình nuôi bò thịt thâm canh đã giải quyết được đầu ra, mang lại hiệu quả kinh tế khá cao cho bà con nông dân, có thể tạo thành một nghề mới. Quảng Trị đang chuyển đổi dần hình thức chăn nuôi, cải tạo đàn bò sang phương thức nuôi nhốt, nuôi thâm canh gắn với liêu kết tiêu thụ sản phẩm. Tới đây, Sở NN-PTNT sẽ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh để có thêm chính sách hỗ trợ nông dân phát triển mô hình này như hỗ trợ con giống, trồng cỏ, xử lý chất thải, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật... Đồng thời tìm kiếm, liên kết giữa người chăn nuôi với các doanh nghiệp, lò mổ, các đơn vị tiêu thụ sản phẩm bò thịt trong và ngoài tỉnh.

Ngoài cải tạo tầm vóc đàn bò, việc chuyển sang hướng chăn nuôi bò thịt thâm canh sử dụng tinh bò ngoại sẽ giúp bà con nông dân tiết kiệm được công lao động, nâng cao năng suất chăn nuôi. Việc thiết lập được các mối liên kết tiêu thụ sản phẩm ổn định sẽ giúp người chăn nuôi yên tâm, tránh được rủi ro do giá cả biến động. 

Ông Trần Cẩn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị cho biết: Từ năm 2020 đến nay Trung tâm đã thực hiện phối thành công 23.824 con bò cái lai bằng tinh bò chuyên thịt nhập nội (giống BBB, Brahman), hàng năm ra đời hơn 5.000 bê lai chuyên thịt phục vụ cho chăn nuôi bò thịt thâm canh trong và ngoài tỉnh, mang lại thu nhập cao cho người chăn nuôi trên toàn tỉnh.

Ông Cẩn cho biết thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp tục triển khai chương trình cải tạo đàn bò chuyên thịt theo hướng tập trung. Triển khai nhân rộng mô hình chăn nuôi bò thịt thâm canh, vỗ béo đảm bảo an toàn sinh học, thực hiện các mô hình trình diễn giúp nông dân đến học tập. Qua đó giúp người chăn nuôi hiểu được lợi ích của việc cải tạo con giống, áp dụng các biện pháp kỹ thuật chăn nuôi bò thâm canh theo mô hình chăn nuôi hữu cơ, tuần hoàn.

Bên cạnh đó, hình thành các trang trại đạt chuẩn và phát triển các chuỗi khép kín, các chuỗi liên kết trong chăn nuôi bò giống và bò thịt trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, góp phần đảm bảo an toàn dịch bệnh, vệ sinh môi trường và hiệu quả kinh tế...

Cuối năm 2023, thành phố Hà Nội trao tặng cho tỉnh Quảng Trị 3.000 liều tinh bò BBB, Sở NN-PTNT tỉnh đã giao Trung tâm Khuyến nông tỉnh nhiệm vụ phối 2.500 liều tinh bò này trên địa bàn 7 xã thuộc 4 huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong và Hải Lăng và hiện đã có bê lai ra đời đảm bảo chất lượng, phục vụ chăn nuôi bò thịt trong thời gian tới.

Xem thêm
Thanh, kiểm tra đột xuất các cơ sở giết mổ động vật dịp Tết Ất Tỵ

Thời gian qua, các phương tiện thông tin truyền thông liên tục phản ánh về việc phát hiện các cơ sở giết mổ trong quá trình hoạt động vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm.

Hành vụ đông bội thu

HẢI DƯƠNG Mỗi sào hành vụ đông thu lãi từ 4 - 6 triệu đồng, bằng 8 - 10 sào lúa.

Chọn tạo thành công hàng chục dòng thuần giống cà chua Beef

Việc nghiên cứu thành công các dòng thuần cà chua Beef có ý nghĩa rất lớn để từng bước chủ động sản xuất hạt giống cà chua Beef F1 cho sản xuất trong nước.