Xuất thân từ gia đình thuần nông nên ông Vũ Văn Dung (sinh năm 1964) ở xóm 2, thôn Hồng Thắng, xã Yên Mạc, huyện Yên Mô (Ninh Bình) hơn ai hết thấu hiểu nỗi vất vả, nhọc nhằn trên đồng ruộng, nhất là vào vụ cấy cày. Vì vậy, ông đã mày mò, nghiên cứu và sáng chế ra nhiều loại máy như máy cấy lúa không động cơ nhỏ gọn, máy cày đa năng, máy cắt cỏ, máy làm gạch...
Từ đam mê với nghề sửa xe máy
Trong cơn mưa bất chợt, chúng tôi tìm về xóm 2, thôn Hồng Thắng, xã Yên Mạc để gặp “kỹ sư chân đất” sáng chế ra hàng loạt máy nông nghiệp đa năng khiến người dân địa phương không khỏi trầm trồ, thán phục. Tại xưởng cơ khí chế tạo của lão nông Vũ Văn Dung luôn tấp nập người ra vào nhờ sửa chữa, chế tạo các loại máy nông cụ.
Mời vội chúng tôi chén nước trà nóng hổi mới pha, chân tay còn dính đầy dầu mỡ từ công việc sửa chữa, chế tạo máy móc, ông Dung kể: Ngày nhỏ, ông được sinh ra trong gia đình đông anh em và kinh tế gặp nhiều khó khăn nên chỉ được học hết lớp 5 trường làng. Thời trai trẻ, ông cũng bôn ba nhiều nơi, học và làm nhiều nghề để mưu sinh, nhưng không có nghề nào ông Dung ưng như nghề sửa xe máy để rồi nó vận vào thân cho đến tận ngày hôm nay.
“Trước đây, tôi mưu sinh bằng nghề sửa chữa xe máy. Năm 2005, trong một lần tình cờ ra đồng ruộng, thấy nông dân lội dưới bùn lầy để vác, kéo... từng bó lúa lên bờ mà thương. Về đến nhà, tôi suy nghĩ, trăn trở phải làm gì đó giúp bà con tăng năng suất lao động, tiết kiệm sức người trong khi thu hoạch lúa. Nghĩ là làm, tôi tận dụng sử dụng động cơ của xe máy cũ chế thành chiếc máy kéo lúa. Khi đem ra đồng thực nghiệm, máy kéo lúa thấy hiệu quả hơn ngoài sức mong đợi, bà con phấn khởi, tôi cũng thấy vui theo”, ông Dung tâm sự.
Trong suốt thời gian này, ông Dung gặp không ít khó khăn do ban đầu chưa có kinh nghiệm nên ông tháo ra lắp vào rồi thất bại không dưới 10 lần. Nhiều người dân khi thấy ông “chểnh mảng” việc làm ăn, suốt ngày say sưa tháo lắp bèn đến nhà khuyên ngăn ông dừng ý tưởng dở hơi ấy kẻo mất tiền, tốn sức, phí thời gian vô ích..., thậm chí còn buông lời dèm pha, nói ông viển vông, thiếu thực tế. Người thân trong gia đình cũng khuyên ông khi thấy số tiền bỏ ra đã lớn mà chả thu lại được gì. Nhưng ông Dung không từ bỏ, vẫn tiếp tục miệt mài, kiên trì với chiếc máy kéo lúa của mình.
Để có được thành công ban đầu với chiếc máy tời lúa và sau này là hàng loạt những chiếc máy nông nghiệp đa năng như máy phát điện, máy cấy lúa không động cơ, máy cày đa năng, máy bơm nước, máy phay..., ông Dung đã lặn lội đến nhiều nơi tìm hiểu đặc điểm địa hình, lao động của nông dân, tiếp cận được chi tiết của quá trình vận hành, xử lý máy móc trong những điều kiện cụ thể. Bên cạnh đó, ông còn đến tận các xưởng cơ khí ở trong, ngoài tỉnh để học hỏi, tìm gặp những người đi trước trong lĩnh vực chế tạo máy móc nông nghiệp để nắm bắt thị trường, đọc thêm kiến thức trên sách báo, internet...
“Chính bà con nông dân đã đưa ra những bài toán, những tình huống, những thao tác của công việc khác nhau để tôi lên ý tưởng nghiên cứu, cải tiến máy móc. Ví dụ như trồng cây bưởi, cuối năm bà con sẽ phải dùng cuốc, xẻng để xẻ rãnh xung quanh gốc cây, ép xanh, chặt rễ để mùa sau cây ra trái ngon hơn. Tôi phải tính toán làm thế nào để chiếc máy nông nghiệp của mình chạy vòng quanh gốc cây, vừa chặt được rễ, vừa tạo thành bồn, rãnh; lưỡi dao của máy phải chạy theo hướng nào, tốc độ bao nhiêu. Đối với ruộng triền dốc bậc thang, người không thể đi theo điều khiển chiếc máy nông nghiệp, phải nghĩ cách thiết kế máy như thế nào để máy tự đi, máy không bị lật, không bị trôi....”, ông Dung tâm sự.
Hàng loạt máy nông nghiệp từ phụ tùng xe máy hỏng
Tháng 3/2014, ông Dung nghiên cứu và quyết tâm chế tạo chiếc máy máy vặt lạc. Theo ông Dung, để hoàn thiện chiếc máy với các tính năng đảm bảo an toàn cho người sử dụng, hạt lạc khi được quay qua hệ thống bánh răng không bị dập, vỡ, ông phải làm đi làm lại cải tiến rất nhiều lần.
Chiếc máy vặt lạc có cấu tạo, kích thước nhỏ gọn, gồm khung máy được làm bằng thép hộp mạ kẽm không gỉ, hệ thống bánh răng, động cơ và hai khay đựng giúp người dùng di chuyển dễ dàng và sử dụng trong mọi địa hình.
Máy vặt hạt lạc hoạt động rất đơn giản, phụ nữ hay người lớn tuổi cũng có thể sử dụng. Người dùng có thể cắm điện, động cơ chạy tác động khiến hệ thống bánh răng chuyển động thông qua trục. Sau khi người sử dụng đưa gốc lạc vào, hệ thống bánh răng sẽ làm nhiệm vụ quay để hạt lạc rơi xuống khay sàng bằng lưới. Tại đây, hệ thống rung lắc giúp đất và rác nhỏ bám trên củ lạc rụng xuống khay bên dưới, còn củ sạch sẽ rơi ra ngoài. So với cách làm truyền thống, máy vặt lạc giúp giảm sức lao động gấp nhiều lần. Mỗi một chiếc máy vặt lạc có kích thước 65x90×90 cm, trọng lượng 42 kg, năng suất tách hạt lạc đạt 2 – 3 tạ/giờ với giá 3 triệu đồng/chiếc.
Tâm đắc nhất của “kỹ sư chân đất” Vũ Văn Dung là sáng chế ra chiếc máy cấy lúa không động cơ với nhiều ưu việt như: Giảm chi phí công sức, hàng lúa đều, đẹp; lúa phát triển tốt, dễ chăm sóc, khi thu hoạch cho năng suất cao.
Được biết, nguyên liệu chính để sản xuất ra máy cấy được ông Dung tận dụng từ những bộ phận của xe máy đã hỏng, dễ sửa chữa, thay thế, máy có trọng lượng từ 23 - 25kg, vận hành dễ dàng, sử dụng được trên nhiều loại hình đồng đất với công suất khoảng 1 sào/giờ ruộng cấy. Điều đáng nói là chiếc máy cấy lúa không động cơ được ông Dung sáng chế có nhiều ưu điểm vượt trội hơn so với các loại máy cấy đang sử dụng trên thị trường, đó là nguyên liệu dễ kiếm, quá trình sản xuất nhanh, kích cỡ nhỏ gọn và nguyên lý vận hành đơn giản hơn.
Ông Dung chia sẻ: “Các bộ phận của chiếc xe máy cũ nếu đem bán sắt vụn thì không đáng giá gì, nhưng khi chế lại để dùng cho việc khác thì lại rất bền. Vì thế, các sản phẩm mà tôi làm ra từ xe máy hư luôn được người dân tin tưởng sử dụng bởi luôn có độ bền đẹp, độ chính xác rất cao, dùng ít nhiên liệu, giá thành rẻ... Đặc biệt, tính thuận tiện cao, phụ tùng thay thế luôn có sẵn nên được mọi người ưa chuộng”.
Cũng theo ông Dung: Theo cách cấy lúa truyền thống, người lao động một ngày trung bình chỉ cấy được 1 sào. Mỗi gia đình có từ 4 - 5 sào ruộng thường phải mất từ 4 - 5 ngày cấy liên tục mới xong. Vào thời vụ, thời gian cấy kéo dài khiến cho lúa phát triển không đồng đều, tăng nguy cơ sâu bệnh và không thuận lợi cho việc chăm bón. Khi sử dụng máy cấy không động cơ, mỗi gia đình 4 - 5 sào ruộng chỉ cấy trong 1 ngày là xong, không chỉ đảm bảo kỹ thuật, công lao động mà còn đảm bảo kế hoạch thời vụ gieo cấy.
“Tôi đã từng sửa chữa xe máy nên cũng có chút vốn liếng am hiểu về máy móc. Vì vậy, tôi muốn thử sức mình đến đâu, nếu thành công thì giúp đỡ cái khó của nông dân, còn thất bại cũng chẳng sao, coi như là lần trải nghiệm. Bắt tay vào việc, sau 4 tháng mày mò lắp vào tháo ra liên tục, tôi đã trình làng chiếc máy cày trang bị động cơ xi-lanh dung tích 110 phân khối của xe Wave Alpha và giao tận nhà cho khách. Ngay tối hôm sau, người chồng đã mang đủ 7 triệu đồng đến trả cho tôi. Điều vui nhất là anh nông dân kia rất phấn khởi vì đám đất mà trước kia hai vợ chồng cày bằng trâu mất 3 ngày thì với chiếc máy cày chỉ cần một ngày là xong”, ông Dung kể lại.
Không dừng lại ở đó, vào cuối năm 2016, ông Dung còn “thai nghén” và cho ra đời chiếc máy cày đa năng. Chiếc máy cày đa năng làm được các công việc: Lên luống 1 rãnh, 2 rãnh, cày tơi xốp đất, vun đất và xén, nạo cỏ. Sở dĩ một chiếc máy làm được nhiều công việc trên là nhờ một bộ phận đa năng có thể lắp, thay ra 3 chiếc lưỡi cày, vun và xén.
Động cơ nổ được làm từ lốc máy của xe máy, bánh răng, xích nhông cũng được ông Dung tận dụng làm nhông chuyền. Thân máy xới đất là bánh răng có bán kính 80cm cũng được ông tự tay hàn có gắn các thanh sắt làm lực đẩy đồng thời cày xới đất. Chiếc máy hoàn chỉnh có chiều dài khoảng 1.45m, chiều ngang khoảng 50cm, nặng khoảng 55kg.
Những sáng chế của “kỹ sư chân đất” Vũ Văn Dung chế tạo ra chiếc máy nào có người đặt mua hết. Có những chiếc máy chưa xong, đã có người đến đặt hàng bởi máy của ông làm ra có nhiều chức năng và dễ dàng sử dụng.
“Chiếc máy cày này tuy nhỏ gọn nhưng rất hiệu quả bởi nó vừa rọc hàng, vừa cày, tỉa, lấp đất mà không cần bà con nông dân phải nhúng tay vào làm. Hiệu quả của nó cao gấp 10 – 15 lần so với lao động của người bình thường và rất có ý nghĩa khi rọc và gieo tỉa các loại cây xen canh trên đất đang trồng, trong khi đó các loại máy cày hiện có không thể làm được. Hệ thống ga và cần số được thiết kế đặt ngay cạnh tay lái nên mọi người dễ dàng chuyển đổi vận tốc và cơ cấu sang số. Chiếc máy này chỉ cần 1 lít xăng, chạy 1 tiếng đồng hồ thì bà con nông dân có thể làm đến 4 - 5 sào ruộng và có thể làm 40 - 50 sào/ngày”, ông Dung khẳng định.
Tiếng lành đồn xa, không chỉ riêng ở tỉnh Ninh Bình, mà nhiều nông dân ở các tỉnh lân cận như Hà Nam, Hà Nội... và khu vực Tây Nguyên, ĐBSCL... cũng đến tận nơi đặt hàng mua máy nông nghiệp của ông Dung. Đến nay, ông Dung đã xuất xưởng lên đến hơn 1.000 chiếc máy nông nghiệp, có thời điểm một ngày ông bán cả chục chiếc máy với giá 3 – 5 triệu đồng/chiếc.
Hiện xưởng cơ khí chế tạo của gia đình ông Dung đang tạo công ăn việc làm ổn định cho 3 lao động với mức lương thỏa thuận 5,5 triệu đồng/người/tháng. Mỗi năm, trừ các khoản chi phí, doanh thu tại xưởng cơ khí chế tạo Tiến Dung thu lãi 400 triệu đồng.
Với sáng chế máy cấy không động cơ, ông Vũ Văn Dung đã vinh dự được Bộ trưởng Bộ NN-PTNT tặng bằng khen vì đã góp phần vào sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông thôn Việt Nam. Bên cạnh đó, ông còn được tôn vinh là 1 trong 17 nông dân có sáng chế, sáng kiến, cải tiến về công nghệ, kỹ thuật, máy móc, sản phẩm thuộc ngành NN-PTNT mang lại hiệu quả cao hơn so với trước.