Nguy cơ từ các sản phẩm nguồn gốc động vật
Sáng 7/1, Đoàn công tác của Bộ NN-PTNT do Thứ trưởng Trần Thanh Nam dẫn đầu làm việc với UBND TP Hà Nội về công tác đảm bảo nguồn cung thực phẩm nông lâm thuỷ sản dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.
Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hà Nội Nguyễn Đình Hoa cho biết, trong năm 2024, địa phương đã lấy hơn 2.000 mẫu giám sát về an toàn thực phẩm. Kết quả, chỉ 3% số mẫu vi phạm chỉ tiêu an toàn. Chi cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường đã yêu cầu khắc phục và truy xuất nguồn gốc, xác định nguyên nhân vi phạm.
Trong giai đoạn Tết Nguyên đán Ất Tỵ, Sở NN-PTNT tiếp tục phát triển hệ thống truy xuất nguồn gốc nông lâm thủy sản thực phẩm. Đến hiện tại, 3.533 cơ sở và 14.314 bộ mã truy xuất được cấp, đảm bảo đủ các tiêu chí về an toàn thực phẩm.
Vừa qua, dù bị ảnh hưởng bởi bão số 3, tốc độ tăng trưởng nông lâm thủy sản của Hà Nội đạt 2,52%, một số mặt hàng tăng khá, như thủy sản tăng 3,7%, thịt tăng 3%, trứng tăng 5%.
Về nguồn cung thực phẩm cho dịp Tết Nguyên đán, sản xuất nông nghiệp của Hà Nội cơ bản có thể đáp ứng nguồn cung thịt lợn, gà, trứng gia cầm, thuỷ sản (cá). Tuy nhiên, khả năng sản xuất của Hà Nội mới chỉ đáp ứng một phần nhu cầu, chẳng hạn rau, củ, gạo khoảng 60%, ít nhất là thịt trâu, bò đạt 20%. Số lượng còn thiếu và các sản phẩm đặc sản vùng miền được Hà Nội nhập từ các tỉnh, TP và nhập khẩu.
Sau chuyến kiểm tra, ông Ngô Hồng Phong, Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường đánh giá cao sự chuẩn bị của Hà Nội trong việc đảm bảo nguồn cung hàng hóa, với kế hoạch cụ thể từ UBND và sự phối hợp của các sở, ngành liên quan. Các đơn vị đã chủ động tăng cường lượng hàng hóa để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết.
Tuy nhiên, ông Phong cho rằng cần bổ sung số liệu về các cơ sở nhỏ lẻ đã ký cam kết và có kế hoạch hậu kiểm để đảm bảo thực hiện đúng cam kết về an toàn thực phẩm.
Về tỷ lệ 3% mẫu phẩm vi phạm quy định an toàn thực phẩm, ông Phong nhìn nhận, tuy tỷ lệ không cao nhưng xét theo khối lượng tiêu thụ thì đây là con số đáng chú ý. Ông đề nghị Sở NN-PTNT Hà Nội tiếp tục tham mưu UBND tăng cường giám sát, đặc biệt trong dịp Tết với các sản phẩm có lượng tiêu thụ cao như giò chả, rau củ quả.
Ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết thêm, rằng công tác thanh, kiểm tra cần được chi tiết hóa hơn, xác định cụ thể các mặt hàng có nguy cơ cao, từ đó, so sánh dữ liệu hiện tại với các giai đoạn trước đây để nhận diện xu hướng tiêu dùng của người dân, đồng thời đưa ra phân tích sâu về nguy cơ và rủi ro trong chuỗi cung ứng thực phẩm.
Bà Nguyễn Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục Thú y nhận định, do đặc thù nhập nhiều sản phẩm thịt trên địa bàn nên Sở NN-PTNT Hà Nội cần tăng cường chỉ đạo quyết liệt công tác kiểm soát, kiểm dịch đối với những sản phẩm có nguồn gốc từ động vật. Bên cạnh đó, nên bổ sung nguồn lực, tăng cường kiểm tra đột xuất những cơ sở không có lực lượng thú y thường trực trên địa bàn, đảm bảo an toàn cho chuỗi cung ứng ngay từ khâu chăn nuôi, giết mổ.
Kiểm soát nguồn gốc xuất xứ sản phẩm
Chia sẻ tại buổi làm việc, ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo nguồn cung thực phẩm trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Với tiềm năng phát triển nông nghiệp và tỷ trọng tự cung tự cấp cao, thành phố đã chủ động thực hiện các chỉ đạo của Trung ương, Bộ NN-PTNT, đảm bảo phản ứng nhanh trong các tình huống bất ngờ về sản xuất, cung ứng và vận chuyển thực phẩm.
Ông Quyền cũng khuyến nghị một số nội dung cần tập trung ngay để đảm bảo nguồn cung đầy đủ và chất lượng trong thời gian tới, trong đó nhấn mạnh định hướng phát triển nông nghiệp của Thủ đô khác biệt so với các địa phương khác, với quan điểm nhất quán về phát triển đa giá trị và tập trung vào các lĩnh vực đặc thù phục vụ người dân Hà Nội.
Trên tinh thần tổ chức triển khai, thực hiện Nghị định 18 của Trung ương, Hà Nội sẽ tập trung xây dựng cơ chế quản lý chặt chẽ, liên ngành. Riêng về mảng an toàn thực phẩm, thành phố cam kết kiểm soát nguồn gốc xuất xứ, vệ sinh, an toàn thực phẩm tại tất cả hệ thống chợ, trung tâm thương mại, siêu thị trên địa bàn.
Đợt cao điểm này, Hà Nội đã ban hành Quyết định 6284/QĐ-UBND ngày 5/12 về việc thành lập đoàn kiểm tra liên ngành công tác an toàn thực phẩm dịp Tết, trong đó có Sở NN-PTNT, Sở Công thương, Sở Y tế, Cục Quản lý thị trường kiểm tra trên 30 quận, huyện, thị xã.
Để đảm bảo chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm dịp Tết, Hà Nội sẽ xây dựng, hình thành và củng cố các chuỗi liên kết nông sản, thực phẩm với những địa phương lân cận, đặc biệt là với những tỉnh có nhiều chuỗi liên kết với Hà Nội như: Sơn La 259 chuỗi, Lào Cai 60 chuỗi, Hòa Bình 54 chuỗi, Nam Định 42 chuỗi.
Chỉ đạo tại buổi làm việc, Thứ trưởng Trần Thanh Nam yêu cầu các Cục, Vụ, đơn vị trực thuộc Bộ NN-PTNT phối hợp, tăng cường kiểm tra an toàn thực phẩm không chỉ trên địa bàn Hà Nội, mà còn là 62 tỉnh, thành phố khác trên cả nước, nhằm đảm bảo nguồn cung thực phẩm an toàn, dồi dào, không những trong dịp Tết Nguyên đán mà còn các tháng tiếp theo.
Lãnh đạo Bộ NN-PTNT đề nghị các ngành chức năng của thành phố xây dựng kế hoạch cụ thể để tăng cường thanh tra và giám sát từ nay đến Tết Nguyên đán Ất Tỵ. Ông nhấn mạnh sự cần thiết của việc kiểm tra theo chuỗi, từ sản xuất đến tiêu thụ, với trọng tâm là kiểm tra nguồn gốc xuất xứ để đảm bảo sản phẩm từ các tỉnh lân cận đáp ứng mọi tiêu chuẩn an toàn. Trong đó, công tác phối hợp giữa Sở NN-PTNT và Sở Công thương được xem là yếu tố then chốt.
Thứ trưởng cũng chỉ đạo tăng cường kiểm tra đột xuất, đặc biệt với các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ - nhóm đối tượng thường tiềm ẩn nguy cơ cao về nguy cơ mất an toàn thực phẩm.
Ngoài Hà Nội, Bộ NN-PTNT hiện ký quy chế phối hợp với 2 địa phương nữa là TP.HCM và Cần Thơ. Sau trung hạn 2021-2025, Bộ sẽ tiến hành tổng kết và căn cứ những mô hình tốt, cách làm hay của Hà Nội để thí điểm, nhân rộng trên cả nước.
Hà Nội hiện có hơn 2.000 sản phẩm thuộc chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), một thương hiệu có giá trị và được người tiêu dùng quan tâm. Thứ trưởng Trần Thanh Nam yêu cầu kiểm tra và đánh giá các sản phẩm OCOP, đặc biệt nguồn cung cho thị trường dịp Tết, nhằm đảm bảo chất lượng, tránh tình trạng một số sản phẩm kém chất lượng làm ảnh hưởng đến uy tín chung của thương hiệu.