| Hotline: 0983.970.780

Lấy người dân làm trung tâm trong xây dựng đề án

Thứ Ba 02/08/2022 , 17:35 (GMT+7)

Bộ trưởng Lê Minh Hoan yêu cầu các đơn vị trực thuộc Bộ NN-PTNT phối hợp chặt chẽ hơn nữa, nhằm phát huy sức mạnh tổng thể của ngành trong các tháng cuối năm 2022.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan chủ trì cuộc Họp giao ban Bộ NN-PTNT tháng 7. Ảnh: Bảo Thắng.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan chủ trì cuộc Họp giao ban Bộ NN-PTNT tháng 7. Ảnh: Bảo Thắng.

Hai thách thức

Tại cuộc Họp giao ban Bộ NN-PTNT ngày 2/8, hai khó khăn chính được xác định là tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công và giá trị xuất khẩu lâm nghiệp có xu hướng chững lại.

Cụ thể, Cục Quản lý xây dựng công trình cho biết, sau 7 tháng đầu năm, Bộ đã phân bổ hết 6.438 tỷ đồng. Trong đó, vốn trong nước là 4.538 tỷ đồng, vốn ODA 1.900 tỷ đồng. Khối lượng giải ngân đạt khoảng 1.595 tỷ đồng, đạt 24,8% - thấp hơn mức trung bình chung cả nước (hiện là 34,5%). Đa số dự án hiện bị vướng trong việc điều chỉnh chủ trương đầu tư hoặc điều chỉnh hợp phần đầu tư, điển hình là dự án Cánh Tạng, Bản Mồng. 

Về vấn đề này, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp chia sẻ, trong số ngân sách dành cho ngành năm 2022, khoảng 3 nghìn tỷ đồng là dành cho việc xây dựng các công trình mới. Hiện những dự án này mới phê duyệt chủ trương đầu tư và phải tới tháng 11, 12 mới hoàn thành giải ngân.

Một nguyên nhân nữa là các đơn vị trực thuộc Bộ NN-PTNT hiện đều xin rút, giảm số dự án đã đăng ký đầu năm. Điều này khiến tốc độ giải ngân vốn bị đình lại.

Theo Thứ trưởng, vốn đầu tư trung hạn 5 năm cho ngành nông nghiệp là khoảng 80 nghìn tỷ đồng. Con số này tăng thêm thành 100 nghìn tỷ đồng nếu tính cả vốn ODA. Chia trung bình, mỗi năm Bộ NN-PTNT cần giải ngân vốn đầu tư công khoảng 20 nghìn đồng. Trong khi đó, kỷ lục giải ngân vốn của Bộ một năm hiện là 16 nghìn tỷ. Trên cơ sở đó, ông kêu gọi các đơn vị, nhất là cấp Tổng cục, rà soát, thẩm định dự án một cách kỹ lưỡng, sớm đưa chủ trương thành hành động cụ thể.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến. Ảnh: Bảo Thắng.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến. Ảnh: Bảo Thắng.

Về xuất khẩu gỗ và lâm sản, giá trị nhóm lâm sản chính 7 tháng đầu năm đạt trên 10,4 tỷ USD, tăng trưởng 1,3% so với cùng kỳ. Đây là mức tăng thấp nhất trong vòng vài năm qua.

Lý giải về điều này, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh chia sẻ, sau 5 năm tăng trưởng mạnh (với mức tăng trưởng 2 con số), ngành gỗ bị chững lại trong tháng 7. Nguyên nhân chủ yếu nằm ở thị trường Mỹ giảm 4,9% do chính sách thắt chặt tín dụng để kìm hãm lạm phát. Nhu cầu tiêu dùng của thị trường này bị kéo giảm, khiến tốc độ tăng trưởng chung của toàn ngành không đạt kỳ vọng, dù xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc tăng trưởng trên 13%.

Thứ trưởng cũng nêu trở ngại về việc xây dựng nhà máy chế biến gỗ hiện tập trung chủ yếu ở Đông Nam bộ, trong khi tại khu vực miền Bắc và Trung hầu như không có. Trên cơ sở đó, ông lưu ý Tổng cục Lâm nghiệp phối hợp Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn xây dựng đề án phát triển vùng nguyên liệu, tránh nguy cơ thiếu hụt nguyên liệu gỗ.

Nhìn một cách căn cơ, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh thông tin, rằng nhu cầu sản xuất dăm gỗ và viên nén hiện tăng mạnh. Giá thu mua các sản phẩm loại này nhiều nơi tăng đột biến, khiến một số chủ rừng có xu hướng thu hoạch sớm với rừng trồng 3-4 tuổi, gây ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế và đời sống dân sinh.

Thừa nhận những thách thức, nhưng Thứ trưởng Lê Quốc Doanh coi đây là cơ hội cho ngành gỗ tái cơ cấu, phát huy hơn nữa hiệu quả từ Quy hoạch Lâm nghiệp quốc gia và Đề án Phát triển lâm nghiệp bền vững.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh: Nhu cầu tiêu dùng của thị trường Hoa Kỳ bị kéo giảm, khiến tốc độ tăng trưởng chung của toàn ngành không đạt kỳ vọng . Ảnh: Bảo Thắng.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh: Nhu cầu tiêu dùng của thị trường Hoa Kỳ bị kéo giảm, khiến tốc độ tăng trưởng chung của toàn ngành không đạt kỳ vọng . Ảnh: Bảo Thắng.

Lấy người dân làm trung tâm

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến bày tỏ, hiện nhiều quốc gia châu Âu muốn thâm nhập vào thị trường ASEAN thông qua Việt Nam. Đây là cơ hội để kinh tế - xã hội cả nước nói chung, ngành nông nghiệp nói riêng khai thác các FTA thế hệ mới, phát huy tối đa hiệu quả của nền kinh tế mở.

Đối với diễn biến phức tạp, khó lường của bối cảnh địa chính trị thế giới, cũng như các vấn đề về dịch bệnh, biến đổi khí hậu, Thứ trưởng cho rằng ngành nông nghiệp cần lên sẵn nhiều kịch bản, giữ vững thế chủ động như khi xử lý Dịch tả lợn châu Phi hồi năm 2019, và thông thương vải thiều sang Trung Quốc năm 2020.

Về điểm nghẽn của xuất khẩu ngành gỗ, Thứ trưởng gợi mở giải pháp thúc đẩy những ngành có giá trị xuất khẩu cao, nhằm bù đắp cho lượng suy giảm. Chẳng hạn, 4 sản phẩm/nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu trên 2 tỷ USD trong 7 tháng đầu năm như: cà phê, gạo, tôm, sản phẩm gỗ; hoặc một số mặt hàng có tốc độ tăng trưởng cao như cà phê đạt 2,6 tỷ USD (tăng 46,2%), sắn và sản phẩm sắn khoảng 904 triệu USD (tăng 32,1%), cá tra là 1,6 tỷ USD (tăng 83,6%), tôm ước trên 2,7 tỷ USD (tăng 26,2%).

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp. Ảnh: Bảo Thắng.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp. Ảnh: Bảo Thắng.

Lắng nghe các ý kiến, Bộ trưởng Lê Minh Hoan định hướng nhiệm vụ tháng 8 và các tháng cuối năm 2022. Ông giao Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn làm rõ khái niệm giữa sản xuất và phát triển kinh tế nông nghiệp, đồng thời tham mưu những cơ chế, chính sách hỗ trợ, kêu gọi người dân, doanh nghiệp tham gia sâu, rộng hơn vào các dự án.

Ngoài ra, Vụ Kế hoạch được giao xây dựng hệ quy chiếu, bộ chỉ tiêu để làm rõ nét từng thành tố của quá trình xây dựng, phát triển kinh tế nông nghiệp.

Người đứng đầu Bộ NN-PTNT cũng nhắc việc Thủ tướng Phạm Minh Chính chuẩn bị có buổi làm việc với Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP). Ông định hướng, đây là bước khởi đầu để đưa các hiệp hội, ngành hàng vào quỹ đạo chung của nền nông nghiệp.

Về tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công, Bộ trưởng Lê Minh Hoan gợi mở Cục Quản lý xây dựng công trình  xây dựng một kế hoạch tổng thể đến hết trung hạn, thay vì tập trung vào giải ngân riêng lẻ qua từng năm.

Cuối cùng, Bộ trưởng chỉ đạo các đơn vị xây dựng chiến lược, đề án đều phải tích hợp đa giá trị, lấy người dân làm trung tâm, nông thôn là nền tảng; hình thành dần tư duy "tiếp thị chính sách" và chia nhỏ các kế hoạch, chương trình, rồi sơ kết theo từng tháng hoặc nửa tháng.

Một trong những thành tựu của ngành nông nghiệp trong tháng 7, là Trung Quốc đồng ý nhập khẩu chanh leo và sầu riêng. Tuy nhiên, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) Hoàng Trung nêu thực tại, là người dân, HTX, doanh nghiệp hiện canh tác chanh leo chủ yếu để chế biến và chưa có quy trình chuẩn để xuất khẩu quả tươi.

Cuối tháng 7 vừa qua, Trung Quốc công bố quy định nhập khẩu sầu riêng tươi từ Việt Nam. Tuy nhiên, lãnh đạo Cục BVTV chia sẻ, là hiện chưa có doanh nghiệp nào đăng ký xuất sang Trung Quốc. Ngoài việc mẫu mã, chất lượng, sầu riêng nước ta còn không đủ nguồn hàng để xuất, dù chỉ là 5 container.

Xem thêm
Tổng Bí thư tiếp Đại sứ Úc Andrew Goledzinowski đến chào từ biệt

Chiều 23/12, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Australia tại Việt Nam Andrew Goledzinowski đến chào từ biệt, kết thúc nhiệm kỳ công tác.

Xuất khẩu thủy sản đạt 10 tỷ USD, kỳ vọng vào 2025

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam tổ chức Lễ mừng xuất khẩu thủy sản đạt 10 tỷ USD năm 2024, kỳ vọng tăng trưởng tốt hơn trong năm 2025.

Khánh Hòa dự báo mưa lớn, nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất

Theo dự báo, từ đêm 23 - 25/12, tỉnh Khánh Hòa có mưa vừa, mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to và dông, nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất…