* Quốc hội quyết 3 mức tín nhiệm
* Làm cơ sở cho Đảng bố trí cán bộ
Với 81,4% ĐBQH tán thành, chiều 28/11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết (sửa đổi) về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội và HĐND bầu hoặc phê chuẩn.
Theo đó, Quốc hội và HĐND sẽ tổ chức lấy phiếu tín nhiệm một lần trong mỗi nhiệm kỳ vào kỳ họp thường lệ cuối năm thứ ba.
Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm bằng cách bỏ phiếu kín. Trên phiếu ghi rõ họ tên, chức vụ của những người được lấy phiếu tín nhiệm, các mức độ: “Tín nhiệm cao”, “Tín nhiệm”, “Tín nhiệm thấp”.
Người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội, ĐB HĐNDđánh giá “tín nhiệm thấp” thì có thể xin từ chức. Người được lấy phiếu tín nhiệm có từ 2/3 tổng số ĐBQH, ĐB HĐND trở lên đánh giá “tín nhiệm thấp” thì Ủy ban thường vụ Quốc hội trình Quốc hội, Thường trực HĐND trình HĐND bỏ phiếu tín nhiệm để làm cơ sở cho việc miễn nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm người không được Quốc hội và HĐND tín nhiệm.
Tại cuộc họp báo sau đó do Văn phòng Quốc hội tổ chức, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết thêm: “Việc lấy phiếu tín nhiệm là thực hiện theo Nghị quyết của Đảng. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm sẽ làm cơ sở để Đảng xem xét trong việc điều động, luân chuyển và bổ nhiệm cán bộ”.