| Hotline: 0983.970.780

Lễ hội, tín ngưỡng là câu chuyện văn hóa, không phải xin xỏ, trục lợi

Thứ Ba 11/02/2020 , 16:30 (GMT+7)

"Những hiện tượng xảy ra trong lễ hội chính là chỉ dấu cho những vấn đề của xã hội hiện nay".

son1103249735

Đó là nhận định của PGS.TS Bùi Hoài Sơn (ảnh) - Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam (Viện VHNTQG, Bộ VH-TT&DL) trong cuộc đối thoại với Báo NNVN vào đầu mùa các lễ hội xuân Canh Tý.

Thưa ông, chúng ta luôn mong muốn lễ hội văn minh hơn, tuy nhiên hiện nay trong thực tế thì năm nào cũng vậy, tết đến xuân về, một trong những vấn đề dư luận quan tâm là sự biến tướng trong lễ hội. Đã có nhiều cảnh ẩu đả, tranh cướp trong lễ hội gây bức xúc dư luận xã hội. Từ góc độ văn hóa, ông có bình luận như thế nào về những hiện tượng tiêu cực này?

Đây là câu chuyện tương đối dài. Lễ hội là một hiện tượng xã hội tổng thể vì thế lễ hội hiện nay chính là kết tinh của nhiều vấn đề xã hội khác nhau. Muốn hiểu lễ hội bây giờ thì chúng ta phải hiểu theo hai chiều. Một là lịch đại, hai là đồng đại.

Đầu tiên, chúng ta cùng nhau tìm hiểu từ cách tiếp cận lịch sử một chút. Lễ hội của chúng ta ngày hôm nay có được là kết tinh của văn hóa, của xã hội Việt Nam trong dòng lịch sử, và phải nói thực lòng rằng, lễ hội là nơi lắng đọng và thể hiện bản sắc văn hóa của dân tộc.

Tức là, chúng ta muốn tìm hiểu về văn hóa dân tộc thì nhiều khi chỉ cần tìm hiểu lễ hội là chúng ta đã hiểu được những cái liên quan đến đặc điểm, bản sắc văn hóa, những giá trị văn hóa mà chúng ta từng đề cao ở trong quá khứ (thậm chí cả những mong muốn ở thì hiện tại và tương lai của mỗi người, cộng đồng hay toàn xã hội).

Cảnh cướp phết khốc liệt ở Hiền Quan khi còn tổ chức lễ hội.

Cảnh cướp phết khốc liệt ở Hiền Quan khi còn tổ chức lễ hội.

Lễ hội của chúng ta có sự thay đổi đặc biệt quan trọng từ sau năm 1954 trở lại đây. Năm 1943, chúng ta có Đề cương Văn hóa Việt Nam do Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo. Đề cương Văn hóa Việt Nam đề ra 3 nguyên tắc vận động phát triển của văn hóa Việt Nam là Dân tộc - Khoa học - Đại chúng.

Ba nguyên tắc vận động phát triển văn hóa này tác động rất mạnh đến sinh hoạt văn hóa cổ truyền, trong đó có lễ hội, đặc biệt là nguyên tắc khoa học hóa. Khoa học ở đây được hiểu theo một mức độ nào đó chính là văn minh. Tức là chúng ta hướng đến những lối sống văn minh, ứng xử văn minh…

Chúng ta thấy được rằng, trải qua một thời kỳ dài phong kiến, đến khi tiếp xúc với văn hóa phương Tây, thì những yếu tố văn minh phương Tây đã được nhiều người, đặc biệt là giới trí thức, coi như khuôn mẫu, đã trở thành cái đáng ao ước.

Phát triển theo mô hình văn minh phương Tây để chúng ta có những thành tựu về văn hóa, về công nghệ hay về các lĩnh vực xã hội khác, chính là mong muốn xây dựng văn hóa Việt Nam theo nguyên tắc khoa học hóa vào thời điểm đó.

Từ nguyên tắc này, các phong tục, tập quán, trong đó có những hoạt động lễ hội, được nhìn bằng con mắt phán xét mê tín dị đoan hay không mê tín dị đoan; lễ hội được phân chia thành các loại lễ hội khác nhau để xác định phù hợp hay không phù hợp, nên khuyến khích tổ chức hay không nên. Sau một thời gian, các lễ hội được khuyến khích tiếp tục tổ chức, duy trì hay thay đổi cách thức tổ chức, nghi lễ trở nên phổ biến hơn từ sau năm 1956.

Cụ thể hơn, những chuyện gì đã xảy ra đối với việc tổ chức các lễ hội truyền thống và những vấn đề gì của lịch sử đang được phản ánh vào lễ hội, thưa ông?

Ngay sau khi chúng ta giành được độc lập hoàn toàn cho miền Bắc (1954), chúng ta triệt để phát triển văn hóa theo hướng này (khoa học hóa), vì thế cho nên, chúng ta thấy rằng rất nhiều thiết chế văn hóa cổ truyền, là nơi tổ chức lễ hội như đình, đền, chùa hay những thiết chế xã hội khác đã bị chuyển đổi chức năng thành trụ sở ủy ban, kho thóc, trường học… Điều đó khiến cho rất nhiều lễ hội trong một thời gian tương đối dài không được tổ chức.

Ai cũng có quyền đến với những cơ sở tín ngưỡng, thờ tự, đến với lễ hội, từ người cấp cao xuống người bình dân, tức là chúng ta không cấm bất kỳ một ai đến với lễ hội. Đó chính là quyền văn hóa của mỗi người. Nhưng đến với tư cách gì thì lại phải tính. Tức là chúng ta đến với lễ hội là phải đến với tư cách một công dân chứ không phải đến với tư cách một lãnh đạo. Khi đến với tư cách một công dân thì khác, sẽ đến như một người bình thường chứ không phải đi có xe dẹp đường, đi là có bảo vệ tách khỏi số đông. Khi một ai đó đứng trên người khác để đến với các thiết chế tâm linh hay đến với lễ hội nó dẫn đến câu chuyện là nó tạo ra một tâm lý cho người khác dõi theo những người có chức có quyền, có địa vị cao trong xã hội, từ đó tạo ra những tin đồn đoán trong dư luận...

Có một điều chúng ta cần biết, giai đoạn 1955 - 1956 chúng ta vẫn còn tổ chức nhiều lễ hội, thậm chí chúng ta có hẳn văn bản khuyến khích tổ chức lễ hội để tạo không khí phấn khởi hơn, xua tan bầu không khí không tốt sau cải cách ruộng đất, nhưng sau đó, từ sau năm 1957 trở đi, rất nhiều lễ hội không được tổ chức nữa để nhường cho một mục tiêu cao cả là giải phóng dân tộc, thống nhất toàn vẹn đất nước.

Nhiều lễ hội được tổ chức thì giảm quy mô và hướng đến việc tôn vinh đất nước, danh nhân lịch sử, lồng ghép vào những báo cáo công tác của địa phương trong thời kỳ đó.

Sau này, đặc biệt từ khi chúng ta tiến hành công cuộc Đổi mới, thay đổi về tư duy quản lý, sự cởi mở trong sinh hoạt xã hội giúp các lễ hội dần được phục hồi.

Tuy nhiên, sau một thời gian dài nhiều lễ hội dừng tổ chức. Quán tính lịch sử và hệ lụy của việc tổ chức lễ hội trong thời kỳ chiến tranh khiến cho lễ hội giờ đây không còn giống như trước năm 1954 nữa.

Tôi lấy ví dụ, do thời gian chiến tranh, các lễ hội truyền thống tổ chức luôn được thêm vào phần mit tinh, trong đó quan trọng nhất là diễn văn của lãnh đạo địa phương có nội dung là tình hình phát triển kinh tế - xã hội, thế nên chúng ta mới thấy hiện nay, nhiều lễ hội phần đầu tiên vẫn còn đoạn ông chủ tịch UBND xã hay ông chủ tịch UBND huyện tùy quy mô của lễ hội mà đứng lên phát biểu những thành tựu trong năm… Trước đây chúng ta không bao giờ có những câu chuyện như thế!

Bây giờ, sau khi các lễ hội được phục dựng lại, vì nhiều người nắm giữ bí quyết liên quan đến việc tổ chức lễ hội do tuổi già, họ không còn nhớ nổi hoặc đã mất đi rồi, cho nên khi phục dựng lễ hội, những người tổ chức mới chỉ còn biết mô phỏng những lễ hội mà người ta đã biết để áp dụng cho lễ hội của mình thôi.

Điều đó dẫn đến nhiều lễ hội của chúng ta giống nhau, nó làm mất đi bản chất của lễ hội “Trống làng nào làng ấy đánh, Thánh làng nào làng ấy thờ”.

Cái độc đáo của lễ hội sau thời gian gần đây bị biến mất, vì thế, hiện nay chỉ những lễ hội còn giữ lại được những giá trị vô cùng độc đáo thì những lễ hội đó thu hút được rất nhiều du khách. Đấy là chiều lịch đại.

Còn theo chiều đương đại hiện nay, chúng ta đang sống trong một xã hội mà có rất nhiều thay đổi. Những thay đổi này được phản ánh trong lễ hội.

Một trong những yếu tố đầu tiên là lễ hội của chúng ta đang được tổ chức trong một nền kinh tế thị trường. Trong nền kinh tế thị trường thì quy luật cung cầu là quan trọng nhất. Quy luật cung cầu không chỉ nằm trong kinh tế mà còn đi vào chính trị, văn hóa, giáo dục và vào trong tất cả các lĩnh vực khác.

Trong lễ hội của chúng ta cũng tương tự như vậy. Khi người ta tổ chức lễ hội thì người ta cũng làm kinh tế trong văn hóa luôn. Tức là những người tổ chức lễ hội người ta dựa vào nhu cầu của những người đến với lễ hội. Nhu cầu này có sự thay đổi. Ngày trước lễ hội được tổ chức trong phạm vi một làng.

Khi đó, đa phần những người đến với lễ hội là người dân của làng là chính, trừ các lễ hội có quy mô to hơn. Không gian thì rộng, số lượng người thì ít, những người đến lễ hội thường vì nhu cầu tâm linh, vì tính thiêng của lễ hội làng mình…

Trong khi hiện nay, lễ hội của chúng ta lại khác. Nhiều lễ hội tổ chức theo nhu cầu của du khách đến dự hội. Mà du khách đến dự hội không phải chỉ có dân làng, không phải chỉ vì tính thiêng của lễ hội nữa mà người ta đến lễ hội vì nhiều mục đích khác nhau. Từ đó dẫn đến câu chuyện có nhiều lộn xộn trong lễ hội là như vậy.

Tất nhiên, bản chất lễ hội đã là quá tải rồi dù ở bất kỳ thời nào, thế nên người ta mới nói “Tả tơi xem hội”. Có những thứ liên quan đến bản chất của lễ hội thì bây giờ chúng ta cũng không thể nào loại bỏ hoàn toàn được, đó là tình trạng lộn xộn, chen lấn trong lễ hội.

Vì thế, nếu bây giờ, trong quản lý, chúng ta đòi hỏi không để xảy ra hiện tượng lộn xộn trong lễ hội, thì tôi chắc chắn rắng, điều đó không bao giờ xảy ra, vì đó là bản chất của lễ hội.

Dù bản chất của lễ hội là lộn xộn, là “tả tơi” nhưng phần nào nguyên nhân cũng là bởi vì nơi tổ chức có phần dễ dãi với du khách thập phương phải không thưa ông?

Một trong những nguyên nhân chính vì người ta tổ chức lễ hội theo nhu cầu của những người đến dự lễ hội, cho nên dẫn đến những hoạt động hội mới chẳng hạn như những tục thiêng, kỵ hèm, trước kia chỉ diễn ra trong phạm vi hẹp, không gian thiêng, thời gian thiêng, bây giờ người ta sẵn sàng tổ chức cho du khách xem.

Ví dụ như tục chém lợn ở Ném Thượng hay một số tục thiêng khác. Đáng lẽ những tục thiêng ấy được tổ chức vào thời gian thiêng hoặc không gian thiêng thì bây giờ thời gian thiêng và không gian thiêng bị giải thiêng để phục vụ du khách, do đó dẫn đễn tình trạng thương mại hóa thái quá lễ hội.

Lễ hội làng Ném Thượng.

Lễ hội làng Ném Thượng.

Khi người ta đến lễ hội vì duy nhất một tính thiêng là chính thì câu chuyện nó khác. Vì tính thiêng, người ta còn sợ thánh thần trong di tích, trong lễ hội đó. Còn bây giờ người ta đến với nhiều mục đích: Đến để tham quan, đến để vui chơi, đến để giải trí, đến để cầu tài, cầu lộc, cầu danh… Nó dẫn đến rất nhiều hiện tượng lộn xộn, nào là ăn mặc phản cảm, nào là tranh cướp, nào là đánh nhau trong lễ hội. Hay như không gian lễ hội bây giờ chật hẹp hơn, người đến thì đông hơn, dẫn đến quá tải lễ hội.

Tiếp theo nữa là chúng ta thấy việc đi lễ hội có rất nhiều nguyên nhân, trong đó phản ánh những vấn đề của xã hội. Những vấn đề như lối sống đề cao giá trị vật chất, háo danh, những vấn đề luật pháp chưa được tuân thủ nghiêm minh, kể cả chúng ta có thể lý giải vấn nạn tham nhũng, hối lộ qua hành vi đi lễ của người dân.

Những khó hiểu của cuộc sống luôn khiến con người đi tìm câu trả lời từ tôn giáo, tín ngưỡng, và đó là một trong số những động cơ khiến người ta đến với lễ hội hiện nay.

Người ta không biết được tại sao một người có thể giàu lên một cách nhanh chóng? Tại sao một người có thể thăng quan tiến chức thần tốc? Khi xã hội xuất hiện những hiện tượng khó lý giải thì đó là nguyên nhân dẫn con người ta đến với tôn giáo, đến với tín ngưỡng. Theo tôi, đây chính là một trong những lý do quan trọng nhất khiến các lễ hội bùng nổ trong giai đoạn hiện nay. Đó là những lý do xã hội của lễ hội!

Chúng ta cũng cần lưu ý thêm câu chuyện làm gương trong việc tổ chức và tham gia lễ hội trong bối cảnh xã hội hôm nay. Nhiều vị lãnh đạo đến lễ hội, đến với các đình, các đền, các chùa, thậm chí là xây dựng đình đền chùa, để tạo ra các lễ hội mới.

Khi sự làm gương trong xã hội không tốt, dẫn đến câu chuyện xã hội Việt Nam, qua văn hóa có tâm lý đám đông, khi người ta thấy một người có vị trí cao trong xã hội, có uy tín trong xã hội, tham gia những lễ hội nhất định nào đó, thì một đồn mười, mười đồn trăm, người ta sẽ đi theo. Đấy là câu chuyện xảy ra ở đền Trần và một số lễ hội khác.

Năm 2015, khi PV Báo NNVN trò chuyện cùng nhà văn hóa Hữu Ngọc, ông cũng nhấn mạnh đến vấn đề làm gương. Theo ông Hữu Ngọc, cấp trên phải làm gương. Làm gương từ những người đứng đầu làng xã đến trung ương. Còn người dân cần hiểu rằng tâm linh là không thể mua bán được vì thế mang theo tâm lý hối lộ thánh thần vào các lễ hội...

Không chỉ riêng câu chuyện làm gương, hoặc như câu chuyện phong bì chẳng hạn, cũng được phản ánh vào lễ hội. Với tâm lý “đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn” khi người ta đi đến bất cứ nơi nào như gặp công an, gặp bác sĩ, gặp y tá… đều đưa phong bì thì mọi chuyện mới được giải quyết nhanh chóng, dẫn đến một xã hội phong bì, và dẫn đến câu chuyện người ta vào đình đền chùa là người ta rải tiền lẻ như một thói quen của đời sống thực lan vào đời sống tâm linh, một kiểu hối lộ thánh thần. Đó là câu chuyện trong ta thấy được trong lễ hội.

Như vậy, chúng ta thấy rất nhiều thay đổi trong quá khứ lẫn trong hiện tại tác động vào lễ hội. Những hiện tượng xảy ra trong lễ hội, nếu chúng ta nhìn thật kỹ, chính là chỉ dấu cho những vấn đề của xã hội hiện nay.

Cho nên muốn giải quyết những vấn đề của lễ hội hiện nay, chúng ta phải giải quyết những nguyên nhân xã hội của lễ hội, chứ không phải chỉ giải quyết những vấn đề ở trong lễ hội. Nếu chúng ta chỉ giải quyết những vấn đề ở trong lễ hội thì không bao giờ chúng ta xử lý được những nguyên nhân xâu xa nhất, nguyên nhân bản chất của lễ hội cả.

Khi chúng ta hiểu được câu chuyện đến với tôn giáo tín ngưỡng là đến với câu chuyện văn hóa xã hội, đến với truyền thống văn hóa dân tộc chứ không phải câu chuyện chúng ta xin xỏ thánh thần, không phải câu chuyện trục lợi tâm linh, dựa trên nhu cầu của người dân…

Các lễ hội của chúng ta đa phần là lễ hội nông nghiệp. Theo truyền thống, các lễ hội này đều giữ những nét đẹp của thuần phong mỹ tục. Vì sao đến nay lại có những biến tướng dữ dội như vậy, thưa ông?

Trong văn hóa, theo cắt nghĩa của Giáo sư Trần Quốc Vượng, người Việt Nam mang ba hằng số văn hóa, đó là nông dân, nông nghiệp và nông thôn. Ba hằng số đấy đến ngày hôm nay vẫn chi phối xã hội Việt Nam. Nông dân là chúng ta luôn làm việc không chuyên nghiệp, phụ thuộc vào các yếu tố bên ngoài (như thời tiết chẳng hạn), vì thế nên tính chuyên nghiệp của chúng ta rất kém trong công việc.

Ở đây, chúng ta vẫn coi văn hóa là động lực của sư phát triển đất nước nhưng đôi khi văn hóa, ở một nghĩa nào đó như những thói quen, phong tục chẳng hạn, lại là nguyên nhân cản trở sự phát triển của đất nước.

Vì thế nên, bản chất nông dân của chúng ta, ngoài nhiều ưu điểm, nhiều điểm tốt nhưng cũng có nhiều nhược điểm, có nhiều điểm xấu. Một trong những điểm xấu, đó là manh mún, không chuyên nghiệp, ăn xổi ở thì. Nó có thể có ích trong những thời điểm nào đó, trong những trường hợp nào đó, nhưng trong bối cảnh xã hội hiện nay thì nhiều khi nó ảnh hưởng đến sự phát triển của xã hội.

Vì thế nên trong các lễ hội của chúng ta cũng thể hiện tính không chuyên nghiệp như thế. Nó là những hiện tượng, hoạt động tự phát, tự do… trong lễ hội. Nhiều khi quy định của Nhà nước không đi vào được trong việc tổ chức lễ hội là vì thế. Người ta không tuân theo quy định pháp luật của Nhà nước, mà vẫn hành xử theo lối riêng của địa phương tổ chức lễ hội, như thể hiện ở câu “Phép vua thua lệ làng”.

Thứ hai, nước ta làm nông nghiệp nên mọi thứ theo vòng đời của cây trồng. Lễ hội chỉ tập trung vào một số thời điểm nhất định nên nhiều khi chúng ta thấy quá nhiều lễ hội.

Thực tế không phải như vậy. Vì tập trung vào thời điểm nhất định, đó là mùa nông nhàn, người ta cấy lúa xong rồi, người ta mới tổ chức lễ hội nên chúng ta mới cảm giác có quá nhiều lễ hội, còn trên thực tế không phải như vậy.

Lễ tế Tổ Mẫu Âu Cơ theo nghi lễ truyền thống. Ảnh: Quý Trung/TTXVN.

Lễ tế Tổ Mẫu Âu Cơ theo nghi lễ truyền thống. Ảnh: Quý Trung/TTXVN.

Và đặc biệt lễ hội của chúng ta, dù sau này đã phủ lên những lớp lịch sử như thờ Đức Thánh Trần, thờ Mẫu Liễu Hạnh, hay thờ tướng vua Hùng hoặc thờ vua Hùng, song bản chất vẫn là những cái liên quan đến nông nghiệp, nào là phồn thực, nào là cầu mưa, cầu tạnh… Bản thân những lễ hội khi cầu như thế rất phù hợp với nhu cầu đầu năm của mọi người.

Đầu năm mới ai cũng cầu mong một cái gì đó tốt đẹp cho bản thân, cầu sức khỏe, an lành, quan lộc, hanh thông trong làm ăn buôn bán… Người ta cầu, xin để có “động lực tinh thần”, có sự an tâm về mặt tinh thần, từ đó có thêm quyết tâm để thực hiện các công việc của mình trong năm mới sắp đến. Cộng hưởng với tín ngưỡng người Việt thể hiện ở trong các lễ hội nông nghiệp vốn thiên về cầu lộc khiến cho nhiều người dân mong muốn đến với lễ hội hơn.

Thứ ba, chúng ta vốn là xã hội nông thôn, trong làng tất cả mọi người đều biết nhau. Văn hóa đấy khiến cho bên ngoài xã hội chúng ta gọi nhau theo kiểu gia đình, còn ở trong các khu vực nông thôn chúng ta vẫn xử lý vấn đề theo kiểu tình cảm “Một trăm cái lý không bằng một tý cái tình”.

Vì tình cảm nên nó ảnh hưởng rất nhiều đến luật pháp, đến việc tổ chức lễ hội của chúng ta. Đó là những câu chuyện mà chúng ta cần phải thống nhất với nhau để từ đó chúng ta hiểu thêm về lễ hội trong bối cảnh hiện nay.

Xin trân trọng cảm ơn những chia sẻ của ông!

Có hiện tượng, sự việc bị hay được những người chủ của những di tích hay lễ hội biến thành thương hiệu cho các lễ hội, thành thương hiệu cho các đình, đền, chùa.

Cho nên, có một việc mà tôi nghĩ rằng, chúng ta nên thay đổi trong thời gian tới, đó là việc trồng cây ở các di tích.

Trồng cây là tốt, đúng theo lời kêu gọi của Bác Hồ “Mùa xuân là Tết trồng cây”, nhưng chúng ta hãy làm theo đúng cách mà Bác Hồ đã làm. Đó là trồng cây thôi chứ không gắn tên người trồng dưới gốc cây nữa. 

Câu chuyện này đã rất nghiêm trọng ở chỗ, sau khi gắn tên dưới gốc cây như vậy, vô tình người trồng cây đã tạo ra thương hiệu cho di tích đó và những người chủ di tích, những người trông coi di tích lợi dụng những câu chuyện đó để tạo ra tính thiêng hay tạo ra độ nổi tiếng cho các di tích, cho các lễ hội.

Câu chuyện này không nên một chút nào. Hệ lụy của nó lớn hơn việc thể hiện sự quan tâm đối với di tích hay ý nghĩa chính của việc trồng cây.

Xem thêm
Quy Nhơn đăng cai giải đua mô tô nước thế giới

Từ ngày 22-24/3, tại thành phố Quy Nhơn (Bình Định) sẽ diễn ra Giải đua mô tô nước thế giới UIM-ABP Aquabike World Championship với sự tham gia của hơn 60 vận động viên…

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc với tỷ số 1-1 ở lượt trận thứ 3 vòng bảng tại vòng loại World Cup 2026.

HLV Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam

Ông Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam và chính thức không còn nắm giữ vị trí HLV trưởng của đội bóng sau trận thua muối mặt trước tuyển Indonesia.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất