Ông Hồ Tất Huấn, Chủ tịch xã A Ngo (huyện Đakrông) cho biết toàn xã hiện có 92 nhà tạm, nhà dột nát nằm trong diện được hỗ trợ xây mới, sửa chữa. Tuy nhiên, một số hộ không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, không đảm bảo tính pháp lý thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát theo quy định.

Quảng Trị còn gần 11 nghìn hộ dân sống trong những ngôi nhà tạm, nhà dột nát. Ảnh: Võ Dũng.
“Ở các xã vùng sâu vùng xa, đồng bào định cư lâu đời nhưng thường không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Chúng tôi đang thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân để xây nhà mới, sửa chữa, sớm hoàn thành mục tiêu đã đề ra”, ông Huấn cho hay.
Theo ông Thái Ngọc Châu, Chủ tịch UBND huyện Đakrông, đây là một trong những huyện có số lượng hộ dân cần được hỗ trợ nhà ở nhiều nhất tại tỉnh Quảng Trị. Trong quá trình rà soát tình hình sử dụng đất ở đối với các đối tượng cho thấy nhiều khó khăn vướng mắc. Một số hộ dân chưa có đất ở; một số hộ đã làm nhà trên đất chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc làm nhà trên đất đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên bố, mẹ, người thân. Một số hộ còn xây dựng nhà trên đất nông nghiệp, đất tự khai hoang, đất rừng sản xuất, đất do UBND xã quản lý… Những hộ thuộc diện này không đủ điều kiện nhận hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở theo quy định. Vì vậy, trong giai đoạn 1, UBND huyện chỉ phê duyệt thực hiện hỗ trợ cho 571 hộ dân.
“Tiêu chí để hỗ trợ là tất cả nhà tạm, nhà dột nát phải được xây dựng trên đất ở. Chúng tôi sẽ tăng cường tuyên truyền để người dân tích cực hoàn thiện các thủ tục pháp lý để được phê duyệt và hỗ trợ trong các đợt tiếp theo. Với những hộ được phê duyệt chúng tôi sẽ cố gắng hoàn thành đúng thời hạn đề ra”, ông Châu cho hay.
Quảng Trị có gần 10,7 nghìn hộ sống trong nhà tạm, nhà dột nát. Từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh đã hỗ trợ xây dựng mới trên 3,7 nghìn nhà, sửa chữa gần 700 nhà cho hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng khó khăn về nhà ở với tổng số tiền trên 213 tỉ đồng. Riêng Đề án “Huy động nguồn lực thực hiện chính sách hỗ trợ xây dựng mới nhà ở cho hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, giai đoạn 2022-2026” đã hỗ trợ xây dựng mới gần 1,9 nghìn nhà ở cho người nghèo với số kinh phí thực hiện trên 126 tỉ đồng. Từ năm 2021 đến nay, Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” cũng đã hỗ trợ xây mới 677 nhà, sửa chữa trên 170 nhà ở cho người có công, thân nhân Liệt sỹ...

Quảng Trị xác định, xóa nhà tạm, nhà dột nát là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng. Ảnh: Võ Dũng.
Ông Hoàng Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, số hộ nghèo, hộ cận nghèo phát sinh đã đăng ký trung ương hỗ trợ theo Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025 trên 3,4 nghìn hộ với tổng kinh phí thực hiện gần 420 tỉ đồng từ ngân sách trung ương, ngân sách địa phương, Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” và xã hội hóa. Dù khó khăn nhưng Quảng Trị đặt mục tiêu hoàn thành trước ngày 30/8/2025.
Xóa nhà tạm, nhà dột nát là nhiệm vụ chính trị quan trọng
Theo ông Hoàng Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, xóa nhà tạm, nhà dột nát là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng. Ban Chỉ đạo Chương trình kêu gọi cả hệ thống chính trị, Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp chung sức, đồng lòng. Các địa phương cần đề cao tinh thần tự lực, tự cường; đa dạng hóa nguồn lực, không trông chờ, ỷ lại; tất cả phải chủ động, tích cực để hoàn thành mục tiêu đề ra.