
Hạn hán kéo dài khiến nhiều khu vực ở Tây Ban Nha khô cạn. Ảnh: Đại đoàn kết.
Gói hỗ trợ 98,6 triệu euro (106,7 triệu USD) dành cho nông dân của 5 quốc gia thành viên EU sẽ được phân bổ lần lượt là: 68 triệu euro cho Tây Ban Nha; 16,2 triệu euro cho Hungary; 6,7 triệu euro cho Croatia; 4,2 triệu euro cho Latvia và 3,5 triệu euro cho Síp. Khoản hỗ trợ nhằm giúp nông dân ở các quốc gia trên khắc phục thiệt hại và phục hồi sản xuất sau thiên tai.
Theo đề xuất từ Ủy ban châu Âu, các cơ quan quốc gia cần hoàn tất việc phân phối khoản viện trợ trước ngày 30/9 và phải đảm bảo rằng nông dân là những người hưởng lợi cuối cùng. Đến ngày 31/5, các quốc gia sẽ cần thông báo chi tiết về cách thức triển khai biện pháp hỗ trợ, bao gồm các tiêu chí cấp viện trợ, tác động dự kiến, kế hoạch thanh toán từng tháng và mức hỗ trợ bổ sung nếu có. Thông báo cần chỉ rõ các biện pháp tránh gây cạnh tranh và tình trạng bồi thường quá mức.
Sau khi được các quốc gia thành viên chấp thuận, đề xuất của Ủy ban châu Âu sẽ được thông qua chính thức. Ngay khi được công bố trên Tạp chí Chính thức của Liên minh châu Âu, các biện pháp trên sẽ có hiệu lực, đảm bảo quá trình triển khai được thực hiện nhanh chóng.
Thời gian qua, nông dân từ 5 quốc gia thành viên EU đã phải đối mặt với những thiệt hại lớn và tổn thất kinh tế nghiêm trọng do các hiện tượng khí hậu cực đoan và thiên tai. Tây Ban Nha trải qua hạn hán do thiếu mưa và nắng nóng cực đoan mùa hè 2024. Cuối tháng 10 và đầu tháng 11, những cơn bão bắt nguồn từ hiện tượng DANA mang mưa lớn và lũ lụt, gây thiệt hại nặng nề đến ngành trái cây, rau củ, ô liu và chăn nuôi.
Trong khi đó, Síp đối mặt với tình trạng thiếu mưa và nhiệt độ cao trong nửa đầu năm 2024, ảnh hưởng đến ngành sản xuất ngũ cốc, ô liu và trái cây, rau củ. Latvia cũng trải qua mùa đông lạnh kỷ lục, sương giá vào mùa xuân và mưa lớn vào mùa hè, gây thiệt hại cho các cây trồng như ngũ cốc, cải dầu và khoai tây.
Nông dân Croatia và Hungary chịu ảnh hưởng bởi nhiệt độ cực cao và hạn hán trong mùa hè năm 2024, gây tổn thất cho các vụ trồng ngô, hướng dương, đậu nành và cây ăn quả.
Chính sách Nông nghiệp chung (CAP) 2023-2027 của EU đã dành 450 triệu euro mỗi năm để hỗ trợ các quốc gia thành viên đối phó với gián đoạn thị trường và các sự kiện đặc biệt ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp. Trước sự gia tăng của hiện tượng khí hậu cực đoan, Ủy ban châu Âu nhấn mạnh tầm quan trọng của việc củng cố các công cụ quản lý rủi ro và khuyến khích các quốc gia thành viên áp dụng các biện pháp chủ động, từ đó nâng cao khả năng chống chịu của ngành nông nghiệp trong tương lai.