Theo Ủy hội sông Mekong quốc tế, các nhà điều hành dự án đập Xayaburi đã gửi thông báo đến Bộ Năng lượng và Mỏ của Lào về việc sẽ xả nước trong những ngày tới. Nguyên nhân là do mưa lớn liên tục ở Lào và việc xả nước từ các nhà máy thủy điện khác ở thượng nguồn khiến cho dòng chảy vào đập Xayaburi tăng lên.
Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam cho biết, đập Xayaburi thông báo về kế hoạch xả nước, nhưng các thông tin chỉ chung chung, không nói rõ thời gian và lưu lượng xả bao nhiêu. Vì vậy, Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam đã đưa ra kịch bản xả và kết quả tính truyền lũ về đầu nguồn sông Cửu Long.
Theo đó, ước tính lưu lượng tại Chiang Saen hiện nay khoảng 2.100 m3/s. Diện tích lưu vực từ Chiang Saen đến Xayaburi khoảng 103.000 km2. Mưa bình quân 7 ngày vừa qua trên khu vực khoảng 15,2 mm/ngày. Lưu lượng nước sinh ra bình quân là 6.200 m3/s. Lưu lượng qua tuabin 5.000 m3/s, xả qua tràn 3.000m3/s.
Như vậy, lượng nước xả về hạ lưu là 8.000 m3/s. Tính truyền về đến Kratie tăng cao hơn so với khi không xả khoảng 2.000 m3/s. Sử dụng mô hình toán thực hiện tính toán truyền lũ từ Kratie về đầu nguồn sông Cửu Long với lượng xả như trên cho thấy mực nước dâng lên so với không xả tại Tân Châu bình quân là 3,0 cm, lớn nhất là 5,0 cm.
Hiện nay, lũ đầu nguồn sông Cửu Long tại Tân Châu và Châu Đốc đang ở mức thấp và có xu thế giảm theo triều trong tuần vừa qua. Đến ngày 13/8 mực nước lớn nhất ngày tại Tân Châu đạt 1,99 m, mực nước lớn nhất ngày tại Châu Đốc đạt 1,88 m. Mực nước dự báo tăng với cường suất trung bình 5,0 cm/ngày trong 5 ngày tới theo xu thế triều cường.
Lũ đầu nguồn sông Cửu Long đang ở mức thấp, hiện chỉ cao hơn cùng kỳ năm 2019 nhưng thấp hơn cùng kỳ năm 2015 và thấp hơn khá nhiều cùng kỳ năm 2022, và trung bình nhiều năm. Vì vậy, với nhận định tác động của việc xả đập Xayaburi ở Thượng Lào làm mực nước lũ đầu nguồn sông Cửu Long tại Tân Châu chỉ tăng từ 3-5 cm là không đáng lo ngại, được xem là tác động không đáng kể.
Đập Xayaburi là công trình thủy điện đầu tiên trên dòng chính sông Mekong ở hạ lưu lưu vực cách biên giới Việt Nam - Campuchia khoảng 1.657 km. Công trình nằm ở phía Thượng Lào được xây dựng từ 2012, hoàn thành năm 2017, đưa vào hoạt động tháng 10/2019.
Thông số thiết kế của đập gồm: Dòng chảy đến trung bình 3.990 m3/s; cột nước phát điện 32,5 m; lưu lượng tuabin 5.000 m3/s; số tổ máy 8; công suất lắp máy 1.280 MW; mực nước dâng bình thường 275 m; mực nước chết 270 m; dung tích hữu ích 225 triệu m3; sản lượng điện hàng năm 7.406 (GWh).