Theo dự báo của Trung tâm Đại dương và Khí quyển Quốc gia Hoa Kỳ (NOAA), lượng mưa ngày dự báo trên khu vực hạ lưu sông Mê Kông trong 6 ngày tới ở mức cao do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) trên biển Đông.
Lượng mưa cao tập trung ở khu vực trung Lào và hạ Lào vào các ngày 25 và 26/9, cao nhất vào 26/9 ở mức từ 40 - 100mm, một số nơi trên 100mm. Lượng mưa sau đó giảm xuống phổ biến dưới 20mm. Các khu vực khác lượng mưa phổ biến dưới 20mm.
Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam nhận định, do mưa xảy ra trên lưu vực sông Mê Kông trong 2 ngày 25 và 26/9 khá lớn nên nguồn nước trên dòng chính sông Mê Kông khu vực trung - hạ Lào và Campuchia trong các ngày tới sẽ tăng trở lại với cường suất khá cao.
Nguồn nước đầu nguồn sông Cửu Long tại Tân Châu và Châu Đốc nhận định tăng nhẹ trong 2 ngày tới, sau đó tăng mạnh hơn. Nếu trong 2 tuần đầu tháng 10, diễn biến mưa bão trên lưu vực sông Mê Kông không có gì bất thường thì nhiều khả năng lũ đầu nguồn sông Cửu Long sẽ đạt đỉnh chính vụ vào ngày 1 - 2/10 với mực nước tại Tân Châu đạt khoảng 2,9 – 3,1m, tại Châu Đốc khoảng 2,65 – 2,85m. Lũ nội đồng ĐBSCL dự báo có xu thế tăng trong tuần tới và biến đổi mạnh theo triều.
Mức lũ chính vụ theo nhận định như trên được xem là khá thuận lợi cho sản xuất vụ lúa thu đông. Tuy nhiên, triều cường năm 2023 được dự báo ở mức khá cao, đặc biệt trong kỳ triều cường đầu tháng 10 kết hợp lũ chính vụ và các kỳ triều cường cuối tháng 10, tháng 11, tháng 12 có nhiều nguy cơ gây ra tình trạng ngập lụt/úng trên các khu vực thấp trũng thuộc vùng giữa và vùng ven biển ĐBSCL. Tình trạng ngập lụt/úng sẽ nguy hiểm hơn trong trường hợp triều cường gặp mưa lớn.
Vì vậy, Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam kiến nghị các địa phương phải theo dõi chặt chẽ các thông tin dự báo từ các tổ chức như MRC, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, Đài Khí tượng Thủy văn các tỉnh, dự báo nguồn nước vùng ĐBSCL của Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam... để kịp thời xây dựng kế hoạch ứng phó phù hợp.