| Hotline: 0983.970.780

Mang hơi ấm tình người trong mưa lũ

Thứ Sáu 13/09/2024 , 15:24 (GMT+7)

Mưa lũ có thể cuốn trôi tất cả, khiến nhiều địa phương phía Bắc bị tê liệt nhưng hơi ấm tình người càng thêm thắt chặt.

Nhà sập kệ đi, nấu cơm cứu người cái đã!

Thành phố Yên Bái vốn thơ mộng, sôi động là thế nhưng từ đêm 9/9, hoàn lưu bão số 3 mang theo mưa lớn, lũ ầm ầm kéo về “nuốt chửng” tất cả.

Lũ dâng lên nhanh khiến nhiều hộ dân không kịp trở tay. Điện mất, nước sạch mất, giao thông chia cắt, viễn thông gián đoạn, tiếng kêu cứu, tiếng khóc than, tiếng trẻ thơ hoảng loạn… vang trời.

Hàng trăm ngôi nhà, hàng ngàn người chỉ trong tích tắc mắc kẹt trong biển nước. Đất đá trên các quả núi bao quanh khu dân cư đã uống no nước, chỉ trực chờ ập xuống bất cứ khi nào. Thông tin có người thiệt mạng, mất tích, nhà cửa bị đổ sập, cuốn trôi liên tục được đưa về không khác gì những nhát dao sắc lẹm cứa rỉ máu từng con tim đang mong ngóng. Cầu nguyện được bình an, tai qua nạn khỏi là việc duy nhất người dân có thể làm.

Mưa lũ khiến hàng nghìn hộ dân ở các địa phương phía Bắc mắc kẹt, thiếu thốn trăm bề. Ảnh: Trung Quân.

Mưa lũ khiến hàng nghìn hộ dân ở các địa phương phía Bắc mắc kẹt, thiếu thốn trăm bề. Ảnh: Trung Quân.

Trời bừng sáng cũng là lúc những gương mặt hốc hác, mệt mỏi vì trắng đêm chạy lũ, sống trong lo sợ tiếp tục cuộc chiến với cái đói, cái khát. Dòng nước chảy xiết khiến lực lượng chức năng khó khăn để tiếp cận; lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm không kịp mang theo; những đôi chân bắt đầu run lên vì kiệt sức.

“Khu vực nào có người còn mắc kẹt chưa có đồ ăn, an tâm lát nữa sẽ có ngay”, giọng nói đanh thép của bà Nguyễn Thị Hằng, tổ dân phố 13, cảng Hương Lý, thị trấn Yên Bình khi trao đổi qua điện thoại với lực lượng chức năng đang làm công tác cứu trợ trong thành phố Yên Bái như tia sáng hiếm hoi trong khung cảnh xám xịt.

Bà Hằng chia sẻ, khu vực gia đình bà sinh sống may mắn không bị ngập nước, lại sẵn có xe tải và tàu thuyền nên khi thấy thông tin người dân thành phố Yên Bái và các khu vực khác mắc kẹt cầu cứu, bà đứng ngồi không yên. Suy nghĩ phải làm một cái gì đó để giúp đồng bào mình đã thôi thúc bà ngay lập tức huy động người thân trong gia đình nấu các suất cơm miễn phí để hỗ trợ những người bị mắc kẹt. Mấy chục, rồi mấy trăm suất cơm được đưa đi. Các bếp củi đỏ lửa cả ngày lẫn đêm không phút ngơi nghỉ.

Bà Nguyễn Thị Biên (áo vàng) gác lại nỗi lo sập nhà, tích cực tham gia tổ nấu cơm miễn phí hỗ trợ các hộ bị mắc kẹt trong lũ tại thành phố Yên Bái. Ảnh: Trung Quân.

Bà Nguyễn Thị Biên (áo vàng) gác lại nỗi lo sập nhà, tích cực tham gia tổ nấu cơm miễn phí hỗ trợ các hộ bị mắc kẹt trong lũ tại thành phố Yên Bái. Ảnh: Trung Quân.

Những hộ trong tổ dân phố, trong vùng, người thân sinh sống ở nơi khác chưa bị ảnh hưởng khi hay tin đã chủ động đến đề nghị được tham gia cùng bà Hằng. Nồi niêu, xoang, chảo, gạo, rau, thịt… liên tục được đưa về. Phụ nữ cắt cử nhau chế biến thực phẩm, đàn ông vận chuyển đưa tới những điểm cần. Công việc luôn tay, mệt mỏi, có khi bỏ bữa nhưng chẳng ai kêu than nửa lời.

“Mình thế này còn sướng chán, những nơi ngập sâu, sạt lở còn khổ hơn nhiều. Làm được gì giúp mọi người thì mình cố gắng làm” - câu nói của bà Nguyễn Thị Biên, tổ dân phố 12 (cảng Hương Lý, thị trấn Yên Bình) - thành viên tham gia nấu cơm như lời khẳng định cho những giá trị nhân văn, truyền thống tốt đẹp “lá lành đùm lá rách”, tương thân tương ái của người dân đất Việt.

Chính ngôi nhà của gia đình bà Biên cũng bị nứt toác, nguy cơ đổ sập do mưa lũ. Khi các thành viên trong gia đình di chuyển tới nơi an toàn, ngay lập tức bà tỏa đi các hướng để hỗ trợ những gia đình khó khăn hơn.

“Chỉ biết cầu mong ngôi nhà đứng vững trong mưa lũ chứ chẳng làm được gì. Khi nào tình hình ổn định quay lại rồi tính sau, giờ nấu cơm đi cứu người cái đã”, bà Biên chia sẻ.

Nhờ tinh thần lạc quan, tình thương vô hạn đó từ những con người nhỏ bé như bà Biên, bà Chinh, bà Thu…, hàng ngàn suất ăn đầy đủ dinh dưỡng, nước uống từ điểm cứu trợ nhà bà Hằng được đưa đi khắp Thành phố ở những điểm ngập lụt. Những đôi chân được tiếp thêm sức mạnh, tiếp tục đứng vững trong cuộc chiến không cân sức với thảm họa thiên nhiên.

Anh Hoàng Văn Lượng vượt 60km trong đêm đưa thuyền tới hỗ trợ người dân thành phố Tuyên Quang ngập trong biển nước. Ảnh: Trung Quân.

Anh Hoàng Văn Lượng vượt 60km trong đêm đưa thuyền tới hỗ trợ người dân thành phố Tuyên Quang ngập trong biển nước. Ảnh: Trung Quân.

Nghe tin cầu cứu là vác thuyền lên đường

Mưa lớn, cùng với nước lũ sông Lô liên tục tăng cao đã khiến nhiều điểm trong thành phố Tuyên Quang ngập sâu trong nước. Nhiều hộ dân có lẽ chẳng bao giờ quên khung cảnh hỗn loạn trong đêm 10/9 khi Thành phố mất điện. Lũ dâng nhanh, người dân chỉ biết chạy lên tầng cao, nóc nhà tránh trú. Thông tin cầu cứu lan đi nhanh chóng trên các phương tiện thông tin đại chúng, nền tảng mạng xã hội. Những ai xem được không khỏi xót xa. Anh Hoàng Văn Lượng (xã Ninh Lai, huyện Sơn Dương) cũng không ngoại lệ.

Ngay trong đêm, khi xem được thông tin trên báo chí, facebook có nhiều người dân tại thành phố Tuyên Quang mắc kẹt, cầu cứu thuyền bè hỗ trợ di chuyển thoát nạn, chàng trai 32 tuổi lòng như lửa đốt, gấp vội mấy bộ quần áo, căn dặn vợ và 2 con rồi cùng người chú chạy khắp làng trên xóm dưới mượn thuyền, đưa lên xe cẩu của gia đình lên đường đi hỗ trợ. Vượt qua chặng đường hơn 60km, 4h sáng ngày 11/9, hai chú cháu có mặt tại thành phố Tuyên Quang, uống vội ngụm nước rồi bắt tay ngay vào việc cứu trợ.

Anh Lượng nhớ lại, điện mất, nước dâng cao, viễn thông gián đoạn, tiếng kêu thất thanh vang lên khắp nơi khiến hai chú cháu lần đầu tham gia cứu trợ tại một địa bàn có diện tích ngập lớn không khỏi giật mình.

Hàng trăm đoàn cứu trợ từ khắp các vùng miền đến với bà con các tỉnh phía Bắc, tiếp thêm sức mạnh để người dân vượt qua mất mát do thiên tai. Ảnh: Trung Quân.

Hàng trăm đoàn cứu trợ từ khắp các vùng miền đến với bà con các tỉnh phía Bắc, tiếp thêm sức mạnh để người dân vượt qua mất mát do thiên tai. Ảnh: Trung Quân.

Không thông thạo địa hình, được sự dẫn đường của một người dân vừa thoát ra khỏi vùng nguy hiểm, con thuyền theo ánh đèn pin yếu ớt, dò dẫm trong đêm tối. Nghe thấy chỗ nào kêu cứu là thuyền di chuyển vào đưa người mắc kẹt ra nơi an toàn. Nhiều chỗ nước chảy xiết như sông, có đá không ai dám vào, 2 chú cháu vẫn cố gắng phát huy hết kinh nghiệm của người quanh năm lăn lộn trên sông nước để tiếp cận.

“Lúc đó chẳng đếm được mình đến được bao nhiêu nhà, bao nhiêu người, cứ bơi vào đầy thuyền lại bơi ra”, anh Lượng kể. Con thuyền nhỏ hoạt động bằng sức người băng băng trong đêm tối tới tận khi trời sáng. Khi lực lượng chức năng đã kiểm soát tình hình, con thuyền lại chuyển sang vận chuyển đồ ăn, nước uống, nhu yếu phẩm cho các hộ còn mắc kẹt.

Từ 4h sáng tới tận 18h, con thuyền đi khắp ngõ ngách từ khu vực gần Tỉnh đội, đến địa bàn xã Lưỡng Vượng. Hai chú cháu chỉ kịp chợp mắt 30p trên chiếc giường gấp tại hành lang UBND xã Lưỡng Vượng rồi tiếp tục công việc của mình.

“Là con người ai cũng đều mong muốn được hạnh phúc, bình an, nhưng thiên tai, bão lũ thì không chừa một ai. Mình may mắn hơn thì giúp được người nào sẽ cố gắng giúp hết mình”, anh lượng bộc bạch.

Xem thêm
Sắp xếp bộ máy địa phương trước 20/2

Ban Chỉ đạo yêu cầu công tác sắp xếp, tổ chức cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, huyện hoạt động đồng bộ với việc tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ.

Việt Nam cam kết chuyển giao kỹ thuật sản xuất lúa gạo hỗ trợ Ma Rốc

Cần Thơ Ma Rốc đang nỗ lực cải thiện sản xuất lúa gạo trong nước, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cam kết chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao kỹ thuật cho nước bạn.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Xuân về trên đỉnh mù sương

Chớm xuân, Y Tý rét cắt da cắt thịt, mây mù bao phủ khắp nơi còn người Hà Nhì đã sẵn sàng đón Tết trong những mái nhà trình tường ấm cúng.

Bình luận mới nhất