| Hotline: 0983.970.780

Mật mã Tây Nguyên được viết trong sương mù Măng Đen

Thứ Ba 28/11/2023 , 15:50 (GMT+7)

Mật mã Tây Nguyên trở thành một phương tiện rung cảm để tác giả trẻ Nguyễn Đức Hưng ở Măng Đen, Kon Tum sáng tác tập thơ có tên gọi ‘Thế kỷ trống’.

Tác giả trẻ Nguyễn Đức Hưng.

Tác giả trẻ Nguyễn Đức Hưng.

“Mật mã Tây Nguyên” là một bài thơ giữ vị trí quan trọng trong tập thơ “Thế kỷ trống” của tác giả trẻ Nguyễn Đức Hưng. “Mật mã Tây Nguyên” đưa ra một hình dung: “hàng triệu năm trước/ trong cuộc di trú lang thang/ loài người hạnh phúc tìm ra hang đá/ hàng triệu năm sau/ trải qua biết bao chu trình tiến hóa/ loài người xây hang đá để chui vào”.

Mật mã Tây Nguyên mang theo bao nhiêu giấc mơ về đất, về người trên xứ sở đại ngàn. Tác giả trẻ Nguyễn Đức Hưng đang công tác tại Trung tâm Y tế huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum. Sương mù Măng Đen ẩn hiện trong đời và trong thơ anh những rung động khó quên để hình thành tập thơ đầu tay “Thế kỷ trống” do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành.  

Tập thơ “Thế kỷ trống” gồm 46 bài, được viết theo thể tự do, các bài dài ngắn đan xen, với giọng thơ mạnh, gấp đã tạo nên một nhân diện có thể nói là có chất riêng ít nhiều của Nguyễn Đức Hưng dù đây là thi tập đầu tiên của tác giả. Nguyễn Đức Hưng – cái tên còn khá mới trên văn đàn, nhưng là một trong các cây bút trẻ tiêu biểu của vùng đất đỏ Tây Nguyên, anh sáng tác trong im lặng, cần mẫm và nhiều khao khát.

Ta hoàn toàn có thể bắt gặp những khát khao mãnh liệt của anh trong thi tập này, và rõ nét nhất là các bài đề cập đến đất và người dân tộc thiểu số như: “Chạy đi em”, “Đêm trăng đại ngàn”, “Hồi ức”, “Phố đêm Kon Tum”, “Yã Tao ơi”… Những bài thơ đó đã tạo nên không gian sống mãnh liệt, và mong muốn được giải thoát khỏi những gì cũ kĩ, những gì bó buộc con người, làm chúng ta chật hẹp với bản thể chính ta: “vía của làng treo nơi đầu suối/ thèm một bát cơm tươi/ gạt những dây gai bám quanh phận người bé mọn/ ném chiếc dao cùng vào lửa cháy/ chưa bao giờ gọt nên hy vọng/ đạp gãy chiếc khung cửi già nua/ chưa bao giờ dệt nên số phận/ nếu cánh cổng làng quá chật/ chạy đi em”

Vốn biết mọi nguồn cơn đều bắt đầu từ kí ức, người Ba Na vẽ lại đời mình trên váy hoa, đôi mắt Raglai cháy đượm mùa màng, người B’râu lắng đọng, người Xơ Đăng nói những lời cổ tự, và tiếng chiêng vang khắp núi cùng điệu nhảy trên đôi chân trần Cơ Ho… Tất cả đã tạo nên một không gian sống đầy huyển ảo, truyền thống và tươi đẹp được nối tiếp, được truyền trao bằng “di chỉ còn là ánh mắt đồng vị” và không thể tách rời: ta khản giọng gọi nhau sợ mình bỏ quên khi trốn chạy/ mà ngón tay chưa móc chặt vào/ những con chim trên vòng tròn đồng tâm/ thiếu một con sẽ trở nên trống trải” (đêm Pù Luông).

Ngoài nhịp thơ mạnh, gấp, như những lúc tác giả trẻ Nguyễn Đức Hưng gào lên để duy lý một vấn đề gì đó liên quan đến tộc người, đến sự nối tiếp của thế hệ, đến điều anh xem là chân lý trên đất đỏ đầy nắng… Ta còn bắt gặp một Nguyễn Đức Hưng với giấc mơ cao nguyên lộng gió, trên ruộng rẫy đơn sơ, gần gũi như hơi thở, ngọn cỏ, cành cây, rừng già và đôi lúc như thú hoang tự do và rộng mở: “trong giấc mơ buổi trưa/ vàng lúa chín/ tuổi thơ bịn rịn/ ta gặp ta chới với ở bờ sông/ em kéo ta lên lưng trâu rồi bật cười khanh khách/ ta mắc kẹt trong câu hát đồng dao/ tập tầm vông/ chị lấy chồng em ở góa/ cổ tích của bà ân đền oán trả/ chuyện một con ma có nghĩa có tình” (mắc kẹt một giấc mơ).

Những tưởng để duy trì kết nối thì nhà thơ trẻ Nguyễn Đức Hưng chủ yếu triển khai các tứ thơ khẳng định, hùng biện. Nhưng không, ở đoạn trên ta thấy một giọng điệu hoàn toàn khác, anh thủ thỉ, trầm tĩnh và đôi khi trẻ con nữa, mà có lẽ, lúc ấy anh không là anh nữa, mà anh trở thành một người con của các dân tộc thiểu số nơi đây. Anh không phải chỉ khoác lên mình chiếc áo K’ho, hay trang sức chiếc tù và bán nơi cổng buôn, cổng làng, anh tôi nghe anh thổi tù và, tiếng tù và vang khắp núi đồi đánh thức Tây Nguyên ngàn đời, lay dậy già làng buôn xưa, và cầm tay các cô gái Bana nhảy lửa và say men rượu tình “mặt trời dời chân núi/ tiếng chiêng Tha âm trầm/ lời hồng hoang xưa cũ/ thấm đẫm chiều mênh mông” (Tiếng chiêng Tha).

Tập thơ 'Thế kỷ trống' của tác giả trẻ Nguyễn Đức Hưng.

Tập thơ "Thế kỷ trống" của tác giả trẻ Nguyễn Đức Hưng.

Hùng hồn đó, trầm tĩnh đó, thủ thỉ đó rồi lại tiếc nuối, một cơn cớ lớn của tập thơ “Thế kỷ trống” không thể khác hơn là mật mã buồn. Những cái buồn mênh mang như ruộng rẫy, ầm ào như thác, thâm u như rừng và dằng dặc như hoài niệm…

Độc giả đi theo mạch buồn của “Thế kỷ trống” từ âm điệu đại ngàn lao xao đến rừng cây im bặt, lắm khi tưởng tiếc “chú voi cuối cùng của bắc Tây Nguyên gục ngã// cả khu rừng Chu Mố/ không còn một chiếc xương đồng loại/ tìm đâu ra nghĩa địa của loài voi/ Yã Tao ơi… kẻ bị bỏ rơi”

 “Thế kỷ trống” là tập thơ đầu tay của tác giả trẻ Nguyễn Đức Hưng cho nên đâu đó còn mang ít nhiều thể nghiệm, mà thể nghiệm thì có thể hay và có thể chưa hay. Đâu đó trong “Thế kỷ trống” còn những cấu tứ dong dài chưa thật sự sắc nét, còn câu chữ thiếu bén ngọt để cắt sâu vào lòng người đọc hay có vấn đề triển khai chưa tận cùng của yêu thương hoặc đau khổ…

Dẫu sao cũng là bước chân đầu tiên của tác giả, công chúng hiểu thêm một “mật mã Tây Nguyên” được khám phá bởi một gã trai quê gốc Nghi Xuân, Hà Tĩnh đang đắm đuối mỗi ngày với từng triền dốc Măng Đen sương mù.

Xem thêm
Loạt phim chiếu rạp hè chất lượng trong năm 2024

Các bộ phim bom tấn Hollywood bắt đầu ra rạp, hứa hẹn tạo nên một mùa hè rực rỡ với nhiều kỳ vọng vào các cột mốc doanh thu ấn tượng.

Real Madrid thoát thua trên sân Bayern Munich

Với cú đúp của Vinicius, Real Madrid đã có được trận hòa 2-2 ngay trên sân của Bayern Munich tại bán kết lượt đi UEFA Champions League.

HLV Mai Đức Chung bất ngờ trở lại ĐT nữ Việt Nam

HLV Mai Đức Chung sắp trở lại với công việc làm HLV trưởng ĐT Nữ Việt Nam vì VFF chưa chốt được HLV mới.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.