Mèo máy Doraemon được tác giả Fujiko F. Fujio (1934-2022) sáng tác thành bộ truyện tranh nhiều tập, xuất bản liên tục từ năm 1970 đến năm 1996. Hình ảnh mèo máy Doraemon vượt khỏi biên giới Nhật Bản và chinh phục độc giả khắp nơi trên thế giới.
Tại Việt Nam, bộ truyện tranh Doraemon đã tạo thành cơn sốt kéo dài hơn một thập niên với hàng triệu bản in. Và dĩ nhiên, mèo máy Doraemon đã trở thành ký ức tuổi thơ không thể nào quên của đông đảo công chúng.
Nữ họa sĩ Phan Tú Trân cũng yêu thích mèo máy Doraemon ngay từ nhỏ. Sau khi tốt nghiệp ngành sư phạm của Trường Đại học Mỹ thuật TP.HCM, nữ họa sĩ Phan Tú Trân đã không ít lần thực hành nghệ thuật phái sinh với nhân vật mèo máy Doraemon. Năm 2024, chị đoạt giải thưởng “Nghệ sỹ triển vọng” tại cuộc thi vẽ tranh UOB, với tác phẩm lấy cảm hứng mèo máy Doraemon.
Bước vào năm mới 2025, nữ họa sĩ Phan Tú Trân đánh dấu tuổi 35 của mình, bằng triển lãm “My little Dora” (Doraemon bé bỏng) tại Lehem Artspace, TP.HCM. Cả thảy 15 bức tranh miêu tả mèo máy Doraemon trong ý niệm mới, thực sự gây hứng thú cho giới mộ điệu.
Chị chia sẻ: “Bắt đầu với Doraemon cho tôi cảm giác mình được làm mọi thứ quen thuộc, gần gũi và tự tin nhất. Doraemon là nhân vật truyện tranh cho trẻ em, một hình tượng thường được nhớ đến với cảm giác trong sáng, tự nhiên và vui vẻ. Rất nhiều nghệ sĩ chọn thể hiện những góc tối hay nội tâm giằng xé của mình trong tác phẩm. Còn với tôi, tôi chọn bày tỏ sự ngây thơ mà bản thân có được”.
Qua triển lãm “My little Dora”, nữ họa sĩ Phan Tú Trân mong muốn tạo ra những tác phẩm nghệ thuật kết hợp cả hai yếu tố cổ điển và hiện đại. Kèm theo đó là những thông điệp vui tươi, ngộ nghĩnh phái sinh trong những chiều không gian và thời gian khác nhau đem lại cảm giác thú vị về một câu chuyện mới trong từng bức tranh. Mặt khác, chị muốn đem những giá trị của nghệ thuật cổ điển đến gần hơn với người xem ở nhiều độ tuổi khác nhau một cách tự nhiên và dí dỏm nhất bởi những thứ vui vẻ luôn khiến mọi người dễ dàng chấp nhận và khám phá.
Trở ngại lớn nhất của nữ họa sĩ Phan Tú Trân khi từ một cô giáo dạy vẽ quay sang thực hành nghệ thuật chuyên nghiệp là việc cụ thể hóa ý tưởng và cảm xúc lên bề mặt tác phẩm. Chị thổ lộ có một giai đoạn tiêu tốn rất nhiều thời gian và công sức, với không ít bản thảo phải chỉnh sửa liên tục. Tuy nhiên, khi chị đã tìm được lối thể hiện phù hợp, thì mọi thứ bắt đầu trở nên trơn tru và mượt mà hơn, như thể tác phẩm cuối cùng đã tìm được tiếng nói riêng của nó.
Hình ảnh mèo máy Doraemon bước vào tranh Phan Tú Trân với dáng vẻ khá nữ tính. Như vậy, giới tính của nhân vật truyện tranh đã được thay đổi dựa theo tiêu chí thẩm mỹ nào? Nữ họa sĩ Phan Tú Trân bày tỏ, việc tạo hình Doraemon trong tranh với vẻ nữ tính xuất phát từ hai lý do: “Thứ nhất, mặc dù Doraemon được biết đến như một nhân vật nam trong bộ truyện tranh cùng tên, tôi lại nhận thấy tính nữ trong bạn ấy rất rõ ràng. Điều này thể hiện qua cách Doraemon luôn chăm sóc Nobita và các nhân vật khác, rất tận tâm và chu đáo, một nét tính cách mà tôi thấy gần gũi và tương đồng với bản thân mình từ thời bé cho đến khi trưởng thành và có gia đình riêng.
Thứ hai, Doraemon vốn được thiết kế như một robot bảo mẫu, một hình tượng gắn liền với sự chăm sóc và bảo vệ. Điều này khiến tôi muốn phái sinh bạn ấy theo hướng nữ tính hơn, để kết nối với văn hóa mẫu hệ và những giá trị truyền thống của các nước Á Đông, đặc biệt là Việt Nam”.
Thị trường tranh Việt Nam đang chuyển biến sôi động với nhiều cơ hội mở ra cho các họa sĩ trẻ. Vì sao Phan Tú Trân lại chọn lựa con đường nghệ thuật phái sinh? Chị thẳng thắn bộc bạch: “Tôi không thường so sánh mình với những nghệ sỹ khác, bởi mỗi người có thế giới riêng và giá trị riêng. Nếu ai cho rằng phái sinh thiếu sáng tạo và dễ gây nhàm chán, có lẽ chính cuộc sống của họ đang thiếu sự mới mẻ. Khi hiểu rõ về khái niệm liên văn bản, chúng ta sẽ mở lòng hơn và biết trân trọng phái sinh, pop art, cũng như nghệ thuật đại chúng.
Trong những lĩnh vực này, nghệ sỹ không chỉ sáng tạo mà còn phải làm mới những giá trị cũ, đôi khi đến mức “làm cách mạng với chính mình” để tạo ra tác phẩm có sức hút. Ngược lại, nếu không làm được điều đó, bất kỳ trường phái nào cũng có thể trở nên nhàm chán”.
Sau triển lãm “My little Dora”, nữ họa sĩ Phan Tú Trân cho biết sẽ tiếp tục sáng tác cùng mèo máy Doraemon. Với tranh phái sinh, chị mong muốn truyền tải một thông điệp duy nhất, đó là sự tươi trẻ. Doraemon là nguồn cảm hứng lớn, nhưng chị không tái hiện hình tượng nguyên bản mà vẽ về một Doraemon trong ký ức tuổi thơ của mình, một hình tượng được chị tưởng tượng và biến hóa theo sở thích cá nhân.