| Hotline: 0983.970.780

Miền quê đáng sống bên dòng Đồng Nai

Chủ Nhật 09/02/2025 , 06:03 (GMT+7)

Không chỉ bình yên, trù phú, cù lao nhỏ được bao bọc bởi dòng sông Đồng Nai huyền thoại này còn là chứng nhân lịch sử 300 năm, từ thuở cha ông đi mở cõi.

Đó là cù lao Tân Triều (ấp Tân Triều, xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai), quê hương của trái bưởi đặc sản nức tiếng thơm ngon. Không chỉ thế, cù lao nhỏ “Chao nghiêng bến bãi - Sông ngoài sông trong” này còn là khu dân cư kiểu mẫu cấp tỉnh. Khung cảnh yên bình và đẹp như một bức tranh.

Những giai thoại

Nằm cách trung tâm thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai chừng 10 cây số, Cù lao Tân Triều được bao bọc bởi con sông nội địa dài nhất Việt Nam, sông Đồng Nai, dài 586km.

Ông Phan Hùng Dũng, 64 tuổi, Bí thư kiêm Trưởng ấp Tân Triều, đang kể cho PV nghe về vùng đất Tân Triều. Ảnh: Phúc Lập.

Ông Phan Hùng Dũng, 64 tuổi, Bí thư kiêm Trưởng ấp Tân Triều, đang kể cho PV nghe về vùng đất Tân Triều. Ảnh: Phúc Lập.

Theo lời kể của ông Phan Hùng Dũng, 64 tuổi, Bí thư kiêm Trưởng ấp Tân Triều, một trong số những người rất am hiểu về lịch sử, văn hoá vùng cù lao này, thì những chủ nhân của cù lao này vốn trước đó sống ở vùng Cù lao Phố (thuộc Biên Hòa ngày nay), một thương cảng trên phố dưới thuyền tấp nập, sầm uất nhất xứ Đàng Trong ở thế kỷ 18. Nhưng cũng chính vì sự sầm uất này đã khiến nhiều phe nhóm nảy lòng tham, muốn toàn quyền nắm giữ và thao túng thương cảng này. Từ đó, những cuộc binh lao, bạo loạn xảy ra liên miên. Điển hình là cuộc bạo loạn năm 1747, do một nhóm thương hồ người Phúc Kiến gây ra. Cuộc bạo loạn đã khiến khung cảnh thương cảng sầm uất này hoang tàn, đổ nát. “Nhưng, cuộc binh biến năm 1776 mới thực sự khiến thương cảng này bị tàn phá không còn gì. Dân lành dắt díu nhau tìm đường lánh nạn. Và nơi họ đến chính là cù lao Tân Triều này. Sau khi thấy vùng đất này trù phú, đất đai màu mỡ, họ dịnh cư và đặt tên là Tân Bình, nghĩa là vùng đất bình yên mới”, ông Dũng kể.

Ông Huỳnh Đức Huệ, người có công nâng tầm cho đặc sản bưởi TânTriều. Ảnh: Phúc Lập.

Ông Huỳnh Đức Huệ, người có công nâng tầm cho đặc sản bưởi TânTriều. Ảnh: Phúc Lập.

“Vậy còn cái tên Tân Triều?”, tôi hỏi. Ông Dũng kể tiếp: “Theo như các cụ kể lại, thì có 2 giả thuyết. Đầu tiên vào khoảng những thập niên đầu thế kỷ 19, cù lao này người ta chủ yếu trồng ngô (bắp), vì đất phù sa rất phù hợp với cây ngô, nên cù lao này còn có tên là cù lao Ngô. Năm 1844, vùng này xảy ra 1 trận lụt lớn, mọi thứ chìm dưới biển nước mênh mông. Sau khi nước rút, địa hình cù lao thay đổi như ngày nay, tầng thổ nhưỡng cao hơn nhờ lớp phù sa dày, những kênh, rạch nhỏ bị san phẳng. Chỉ còn 1 con rạch lớn thông từ sông Đồng Nai bao quanh cù lao như bây giờ. Còn sông Đồng Nai cũng thay đổi dòng chảy, bên lở bên bồi theo mùa mưa, mùa khô. Vì thế, người ta mới gọi cù lao này là Tân Triều, tức dòng thủy triều mới. Và một giả thuyết khác là khoảng gần cuối thế kỷ 18, Vua Gia Long trên đường bôn tẩu, trốn chạy sự truy đuổi của quân Tây Sơn, đã có khoảng thời gian dừng chân tại cù lao này. Khung cảnh cù lao yên bình, đất đai trù phú, cây cối tốt tươi, khiến Chúa Nguyễn thích thú, muốn gắn bó lâu dài nên đã đạt tên cho cù lao này là Tân Triều (một triều đại mới)”.

Ông Ngô Văn Sơn, một trong số ít những người làm bưởi giỏi nhất cù lao Tân Triều. Ảnh: Trần Thanh.

Ông Ngô Văn Sơn, một trong số ít những người làm bưởi giỏi nhất cù lao Tân Triều. Ảnh: Trần Thanh.

Nói về đặc sản bưởi Tân Triều, ông Dũng cho biết, ngoài cây ngô, thứ cây trồng nổi tiếng ở Tân Triều là trầu. Lá trầu Tân Triều nổi tiếng cay, thơm nồng, thương lái đến thu mua mang đi khắp cả nước. Còn cây bưởi mới chỉ du nhập vào Tân Triều khoảng giữa thế kỷ 19, do một vị cha xứ ở nhà thờ Tân Triều mang từ Brazil sang trồng trước sân nhà thờ. Đó là giống bưởi đường lá cam, bưởi đường cao nốm (hay còn gọi cau núm, vì phía dưới trái bưởi có núm như trái cau) và bưởi ổi.

Có lẽ do hợp thổ nhưỡng nên bưởi ở Tân Triều không chỉ sai trĩu quả, mà vỏ mỏng, múi mềm, vị ngọt thanh, thơm. Vì thế, chỉ một thời gian ngắn, hầu như nhà nào ở Tân Triều cũng có vài cây bưởi, nhưng thời ấy, bưởi chỉ là loại quả ăn chơi chứ không thể thay thế lương thực, nên không ai trồng nhiều. Thứ có thể mang ra chợ bán thu tiền nhiều vẫn là lương thực như lúa, ngô, khoai, và lá trầu.

“Năm 1952, cù lao Tân Triều tiếp tục bị một trận lụt lớn, làm những vườn trầu chết sạch, riêng cây bưởi thì không sao. Khi nước rút, người ta muốn gây lại vườn trầu, nhưng không được, có lẽ do chất đất đã thay đổi, không còn phù hợp chăng? Cuối cùng, chỉ còn cây bưởi. Và cái tên bưởi Tân Triều vang danh thiên hạ, nổi tiếng khắp nơi như Sài Gòn, Bình Dương, miền Tây… là nhờ những ghe tàu thương lái dập dìu ngược xuôi trên dòng sông Đồng Nai này”, ông Dũng kể.

Ông Sơn giói thiệu khuôn tạo hình bưởi Tài Lộc chưng Tết và trái bưởi đã tạo hình thành công, có giá khoảng 2 triệu đồng 1 cặp. Ảnh: Phúc Lập.
Ông Sơn giói thiệu khuôn tạo hình bưởi Tài Lộc chưng Tết và trái bưởi đã tạo hình thành công, có giá khoảng 2 triệu đồng 1 cặp. Ảnh: Phúc Lập.

Ông Sơn giói thiệu khuôn tạo hình bưởi Tài Lộc chưng Tết và trái bưởi đã tạo hình thành công, có giá khoảng 2 triệu đồng 1 cặp. Ảnh: Phúc Lập.

Hương bưởi bay xa

Cách đây 15-20 năm, trái bưởi Tân Triều vốn là đặc sản duy nhất của cù lao này, là thứ (có lẽ) là duy nhất để người ta biết đến địa danh này. Nhưng những năm gần đây, bưởi Tân Triều càng nổi tiếng hơn, khi được “nâng tầm” bằng việc chế biên sâu, tạo ra nhiều sản phẩm từ bưởi và liên quan đến bưởi như làng du lịch sinh thái vườn bưởi.

Một trong những người đi tiên phong làm mô hình làng du lịch sinh thái vườn bưởi ở cù lao Tân Triều là ông Huỳnh Đức Huệ, năm nay 82 tuổi. Ông Huệ không chỉ nâng tầm giá trị trái bưởi bằng những sản phẩm chế biến sâu từ trái bưởi như gỏi bưởi, rượu bưởi, tinh dầu bưởi, mà còn phát triển mô hình du lịch sinh thái vườn bưởi với quy trình canh tác thuần tự nhiên.

Cây bưởi ổi có gốc to cổ thụ trong vườn ông Sơn, nhưng chỉ có 3 trái. Ảnh: Phúc Lập.
Cây bưởi ổi có gốc to cổ thụ trong vườn ông Sơn, nhưng chỉ có 3 trái. Ảnh: Phúc Lập.

Cây bưởi ổi có gốc to cổ thụ trong vườn ông Sơn, nhưng chỉ có 3 trái. Ảnh: Phúc Lập.

Từ nhiều năm nay, nhắc đến Tân Triều, người ta nghĩ ngay đến làng bưởi Tân Triều của ông Năm Huệ, mặc dù vườn bưởi, cũng là khu du lịch sinh thái của gia đình ông Huệ không nằm ở ấp Tân Triều, mà ở ấp Vĩnh Hiệp, kế bên ấp Tân Triều. Có thể nói, ông Huệ là người có công rất lớn trong việc xây dựng thương hiệu bưởi và du lịch sinh thái Tân Triều.

“Tôi là đời thứ 6 sinh ra và lớn lên ở cù lao Tân Triều này. Ngay từ nhỏ, tôi đã thấy quê mình chỉ có cây bưởi là đặc sản. Vậy nhưng, người trồng bưởi không khá nổi vì thị trường chưa biết, chưa hiểu hết giá trị của bưởi quê mình. Vì thế, tôi luôn trăn trở, làm sao để nâng tầm giá trị bưởi Tân Triều quê nhà, và giúp người nông dân nhận được nhiều hơn những gì họ bỏ ra cho những gốc bưởi. Đó là lý do tôi quyết tâm đầu tư cho vườn bưởi 2ha của cha mẹ để lại được nhiều người biết đến hơn”, ông Huệ nói.

Vườn bưởi của ông Năm Huệ có diện tích 1,5ha, trồng 500 gốc, được chăm sóc theo quy trình hữu cơ. Ngoài việc đảm bảo an toàn cho khách tham quan, thì vỏ trái bưởi hữu cơ được chế biến thành các món ăn như chè, nem, mứt, hay dùng bộ vỏ trái bưởi làm chiếc đĩa đựng món gỏi trộn tép bưởi. Ông Huệ cho biết, từ trái bưởi có thể chế biến ra hơn 20 loại sản phẩm khác nhau.

Ông Phan Hùng Dũng và vườn bưởi canh tác VietGAP. Ảnh: Trần Thanh.

Ông Phan Hùng Dũng và vườn bưởi canh tác VietGAP. Ảnh: Trần Thanh.

Một “kỹ sư” nông dân cũng nổi tiếng không kém ông Huệ là ông Ngô Văn Sơn (út Sơn), 53 tuổi, chủ nhân vườn bưởi 2ha ở cách làng bưởi Năm Huệ không xa. Ông Sơn không chỉ là một nông dân sản xuất giỏi, hiểu bưởi như lòng bàn tay, mà còn là người “sáng chế” ra những sản phẩm độc đáo từ trái bưởi như bưởi chưng Tết hình hồ lô, hay có chữ Tài, Lộc. Nhờ vậy mà giá trị từ trái bưởi của ông Sơn nâng lên gấp nhiều lần.

Vào thăm vườn bưởi 20 năm tuổi của ông Sơn ở ấp Vĩnh Hiệp, tôi ngỡ ngàng khi thấy những hàng bưởi đều tăm tắp, tán xòe rộng, trên các cành, trái treo lúc lỉu. Trong đó có nhiều trái tạo hình chữ tài, lộc khách đặt để chưng Tết. Ông Sơn cho biết, mỗi cặp bưởi tài lộc có giá gần 2 triệu đồng. Còn bưởi thường có giá từ 600-800 ngàn đồng 1 chục 12 trái.

Là người cả đời gắn bó với những cây bưởi, ông Sơn tự hào là người làm bưởi giỏi không thua ai ở cái cù lao này. “Nếu là người địa phương, hoặc người đã quen với bưởi Tân Triều, thì chỉ cần nhìn qua múi bưởi là nhận ra ngay có phải bưởi xứ này hay không Riêng tôi, không cần nhìn, chỉ cần sờ bên ngoài, hoặc ngửi mùi cũng biết đó là trái bưởi gì, chín đến độ nào, mới hái hay hái đã lâu…”, ông khoe.

Ông Sơn cho biết, đặc điểm của bưởi đường lá cam là có hình dạng giống quả lê thấp, cuống đầu quả dạng lồi, vỏ có màu xanh vàng khi chín, múi bưởi cân đối, tép bưởi thon nhỏ bó chặt, màu vàng ngà và ngọt, trọng lượng trái bình quân từ 1 – 1,3kg. Cũng có nhiều trái lên tới 1,5kg. Điều đặc biệt của bưởi Tân Triều là vỏ rất mỏng. Để chứng minh, ông Sơn hái 1 trái bưởi loại nhỏ, ước chừng 6-7 lạng trên cành, có hình thức vỏ khá xấu, nhưng khi lớp vỏ lột ra, diện tích phần múi bên trong giảm không đáng kể so với trước khi lột. “Đừng nghĩ nó nhỏ, xấu vậy mà ăn không được nha”, ông Sơn nói rồi đưa cho tôi múi bưởi nhỏ lột sẵn. Cầm múi bưởi mềm, mát đưa lên miệng, tôi cảm nhận một mùi thơm nhẹ, ngọt dịu và không có vị đắng nhẫn như các loại bưởi khác. “Đó là một trong những điểm khác biệt của bưởi Tân Triều so với các loại bưởi khác”, ông Sơn nói.

Ông Dũng cho biết, thời điểm hiện tại, bưởi Tết đã có khách đặt mua hết. Nếu may mắn thì gia đình còn ít trái để chưng Tết. Không thì phải đi mua. Ảnh: Phúc Lập.

Ông Dũng cho biết, thời điểm hiện tại, bưởi Tết đã có khách đặt mua hết. Nếu may mắn thì gia đình còn ít trái để chưng Tết. Không thì phải đi mua. Ảnh: Phúc Lập.

Dẫn tôi lại chỗ mấy cây bưởi to, có dáng khác lạ so với đa số cây bưởi khác, ông Sơn giới thiệu: “Đây là bưởi ổi. Một trong số những giống bưởi độc đáo ở Tân Triều. Bưởi ổi ngọt thanh, mềm, vừa có mùi thơm của ổi chín, lại phảng phất mùi cam. Đặc biệt là bưởi ổi hái xuống có thể để 5-6 tháng không hư, đến mức vỏ đã héo quắt, nhưng lột ra, để bên cạnh trái bưởi vừa hái, không có điểm gì khác biệt, thậm chí trái để lâu vị ngọt còn thanh hơn. Chính vì những điểm đặc biệt này, nên giá bưởi ổi cao gấp vài lần các loại bưởi khác mà không có bán. Nhưng, giống bưởi này rất ít người trồng, vì khó chăm, năng suất thấp, dù cây phát triển rất tốt, nhưng có những năm cả cây không bói trái nào. Vì thế, cả vườn bưởi hơn 2ha, tôi chỉ trồng 5 cây”, ông Sơn cho biết.

Miền quê đáng sống

Hơn 18 giờ chiều, khi ánh điện đã chiếu sáng mọi nẻo đường, tôi mới tìm đến nhà ông Phan Hùng Dũng, 64 tuổi, Bí thư kiêm Trưởng ấp Tân Triều. Đi trên con ngõ rộng khoảng hơn 3 mét, trải bê tông của tổ 1, ấp Tân Triều để vào nhà ông Dũng, tôi có cảm giác như đang đi trong một khu dân cư cao cấp. Đường bê tông sạch bong, đèn chiếu sáng từ trên cao rọi xuống đường, soi rõ những hàng rào trồng hoa, được chăm sóc cắt tỉa rất đẹp. Còn 2 bên đường là những ngôi nhà khang trang, nép bên vườn cây trái sum suê. Khung cảnh không chỉ đẹp, mà còn cảm giác yên bình đến lạ.

Tại khu dân cư kiểu mẫu, các hộ tự quản khu vực mình sống. Ảnh: Phúc Lập.

Tại khu dân cư kiểu mẫu, các hộ tự quản khu vực mình sống. Ảnh: Phúc Lập.

Mặc có thâm niên hơn chục năm làm cán bộ thôn, nhưng trí nhớ của ông Dũng vẫn làm tôi ngạc nhiên khi ngồi nói vanh vách các số liệu về thôn, về mọi thứ liên quan đến kinh tế, văn hoá, lịch sử của vùng đất này, không chỉ ở hiện tại mà còn cả những kiến thức phải tìm đọc qua nhiều tài liệu mới biết.

“Ấp Tân Triều có 636 hộ, với hơn 2.821 khẩu, chia thành 18 tổ tự quản. Mỗi hộ tự quản khu vực mình sống, ví dụ như nhà tôi, hàng ngày phải quét, vệ sinh đoạn đường trước nhà, chăm đoạn hàng rào trồng hoa. Nếu cây chết mình phải bỏ tiền mua trồng lại. Mỗi người, mỗi hộ tự ý thức, tôn trọng, hỗ trợ nhau khi cần. Mỗi khi nhà nào có công to việc lớn, dù không phải bà con cũng sẵn sàng giúp nhau đến khi xong việc. Vì thế, lâu nay, làng xóm không xảy ra xích mích, cãi lộn. Đặc biệt, vấn đề an ninh tuyệt đối tốt. Nhiều năm nay, khu dân cư không có trộm cắp, tệ nạn các loại. Đó là lý do Tân Triều giữ vững danh hiệu khu dân cư kiểu mẫu cấp tỉnh.

Về đời sống kinh tế thì bình quân mỗi hộ có từ 1-2 sào vườn, chủ yếu trồng bưởi. Nhờ chịu khó làm ăn và tuân thủ quy trình canh tác sạch, bưởi lại có thương hiệu sẵn, nên bưởi Tết Tân Triều năm nào cũng cháy hàng. Như của gia đình tôi, nhiều năm còn không có để ăn nữa. anh tác bền vững, mà nhiều năm nay, kinh tế các hộ trong ấp đều từ trung bình đến khá, giàu, chứ nhiều năm nay không còn hộ nào khó khăn”, ông Dũng cho biết.

Ông Dũng khẳng định bao năm nay, khu dân cư chưa từng xảy ra trộm cắp, nên ban đêm, xe máy các loại vẫn để ngoài sân, không cần dắt vào nhà. Ảnh: Phúc Lập.

Ông Dũng khẳng định bao năm nay, khu dân cư chưa từng xảy ra trộm cắp, nên ban đêm, xe máy các loại vẫn để ngoài sân, không cần dắt vào nhà. Ảnh: Phúc Lập.

Theo ông Dũng, Tân Triều có được những thành quả đáng mơ ước này, ngoài những thuận lợi như đất đai màu mỡ, thời tiết thuận hoà, không khí trong lành, cách không xa Biên Hoà, Bình Dương hay TP.HCM, thì còn một lý do nữa, rất quan trọng, đó là yếu tố con người, những cư dân ở đây chịu thương chịu khó, hòa đồng, đoàn kết, nghĩa tình. Nhờ vậy mà môi trường sống ngày càng tốt đẹp hơn. “Đã có không ít khách du lịch sau khi đến Tân Triều 1 lần, đã về đầu tư mua luôn miếng đất, mảnh vườn ở đây rồi làm nhà, cứ cuối tuần lại về ở mấy ngày. Có người sau khi về hưu, đã bán luôn nhà Sài Gòn, chuyển hẳn về đây sống”, ông Dũng nói.

Ông Đinh Quốc Việt, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Bình cho biết, lâu nay, hầu hết các hộ trồng bưởi ở ấp Tân Triều và nhiều ấp khác trong xã Tân Bình như Vĩnh Hiệp, Bình Ý, Bình Lục, các hộ trồng bưởi đều canh tác theo quy trình VietGAP, cao hơn là tiêu chuẩn GlobalGap, hữu cơ như vườn bưởi ông út Sơn, hay ông Năm Huệ. Bưởi Tân Triều đã xuất khẩu đi Mỹ, Nhật, nhưng không nhiều, do sản lượng không lớn trong khi nhu cầu tiêu thụ nội địa khá cao. “Tháng 3/2024 vừa qua, Sở Văn hóa - Thể thao và du lịch tỉnh Đồng Nai đã ban hành kế hoạch xây dựng và phát triển mô hình du lịch cộng đồng gắn với nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Trong đó, Tân Triều sẽ được xây dựng mô hình Làng văn hóa - du lịch tiêu biểu phía Nam. Mô hình được kỳ vọng sẽ là sản phẩm OCOP về du lịch cộng đồng đầu tiên của Đồng Nai”, ông Việt cho biết.

Xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai có tổng diện tích tự nhiên là 1.116ha, trong đó diện tích lúa và bưởi hơn 600ha. Xã có 3 khu dân cư kiểu mẫu. Trong đó, Tân Triều là khu dân cư kiểu mẫu cấp tỉnh. Đây là một trong những ngôi làng cổ của Đồng Nai với lịch sử khẩn hoang hơn 300 năm. Không chỉ có bề dày lịch sử, văn hoá, tôn giáo đặc trưng, mà Tân Triều còn là vùng đất có nhiều nét đặc thù, phù hợp phát triển du lịch canh nông. Trong đó có sản phẩm bưởi Tân Triều nổi tiếng.

Xem thêm
TP.HCM đẩy mạnh cho vay cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn

UBND TP.Hồ Chí Minh vừa ban hành văn bản triển khai chính sách tín dụng thực hiện cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tại 5 huyện ngoại thành.

Biến rác thải thành điểm tham quan hấp dẫn

QUẢNG NINH HTX Green Life Hạ Long đã trở thành điểm tham quan, trải nghiệm lối sống xanh của rất nhiều du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài khi đến với Quảng Ninh.

Sản phẩm OCOP làm quà biếu nổi bật thị trường dịp Tết

Những sản phẩm OCOP được đầu tư bao bì, nhãn mác, thậm chí kết hợp nhiều loại khác nhau để tạo thành những set quà giá trị dịp Tết.

Bình luận mới nhất