Năm 2024, tỉnh Nghệ An triển khai các nhiệm vụ phát triển KT-XH trong điều kiện gặp nhiều khó khăn, thách thức do dịch bệnh, thiên tai, lũ lụt diễn biến phức tạp gây thiệt hại nặng nề trên nhiều phương diện.
Trong bối cảnh đó, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh, Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An đã tích cực chủ động phối hợp với các sở, ngành, địa phương triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện nhiệm vụ về công tác dân tộc và đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần thực hiện thắng lợi nhiều nhiệm vụ, mục tiêu đề ra, đặc biệt là Chương trình MTQG phát triển KT-XH của đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN).
Bám sát định hướng, năm 2024 Ban Dân tộc cùng các đơn vị liên quan đã trực tiếp hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra quá trình thực hiện chương trình này để kịp thời tham mưu nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Nhập cuộc với tinh thần quyết liệt, trách nhiệm cao giúp chính sách lớn ngày một lan tỏa sâu rộng, qua đó nâng tầm toàn diện bộ mặt nông thôn tại miền núi Nghệ An.
Không hẹn mà gặp, tại các huyện vùng cao như Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông… đều cho thấy bước chuyển dịch rõ rệt về cơ cấu kinh tế, cây trồng, vật nuôi. Sản xuất cây công nghiệp ngắn ngày, chăn nuôi gia súc, gia cầm duy trì ổn định. Nhiều mô hình, điển hình sản xuất, hợp tác kinh doanh ở vùng đồng bào DTTS được hình thành và phát huy hiệu quả…
Đời sống được nâng tầm, không còn canh cánh nỗi lo cơm áo gạo tiền như xưa giúp người dân “tránh xa” những thói hư tập xấu, qua đó góp phần giữ vững trật tự xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng biên giới. Đây cũng được xem là chất xúc tác để các cấp ngành, chính quyền địa phương lan tỏa, phổ biến sâu rộng hơn các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Nhân đây xin được đưa ra một vài lát cắt điển hình để khắc họa tổng thể vấn đề. Trước tiên là Dự án 1 về “Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt”. Từ nguốn vốn đầu tư phát triển, năm 2024 đã thực hiện hỗ trợ cho 86 hộ, đến nay đã hoàn thành 45 căn nhà, 30 căn nhà khác đang hoàn thiện, số còn lại chuẩn bị khởi công.
Đối với mục hỗ trợ đất sản xuất, định mức kinh phí hỗ trợ là 22,5 triệu đồng/hộ. Kế hoạch năm 2024 sẽ có 725 hộ dân của 4 huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông và Quế Phong được thụ hưởng, hiện các địa phương đang rà soát, phê duyệt đối tượng để triển khai.
Dự án cũng đầu tư xây dựng công trình nước tập trung được cấp có thẩm quyền phê duyệt, trong đó ưu tiên cho người dân vùng thường xuyên xảy ra hạn hán, vùng đặc biệt khó khăn, vùng cao chưa có nguồn nước, hoặc thiếu nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Kế hoạch sẽ bố trí đầu tư 27 danh mục, đến nay các công trình đang triển khai.
Đối với dự án 9 về “Đầu tư phát triển nhóm dân tộc thiểu số rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn”, kế hoạch vốn ngân sách Trung ương năm 2024 gần 30 tỷ đồng, chủ yếu là vốn đầu tư, đến nay đã giải ngân được trên 64% kế hoạch.
Từ kinh phí được cấp đã đầu tư 6 danh mục dự án (Kè chống sạt lở, nước sinh hoạt tập trung, điện sinh hoạt, đường giao thông và trường học) nhằm phát triển bền vững người Đan Lai (thuộc dân tộc Thổ) gắn với bảo vệ phát triển rừng, môi trường sinh thái tại Vườn Quốc gia Pù Mát, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An.
Đầu tư xây dựng 2 danh mục dự án (đường giao thông và điện sinh hoạt) nhằm phát triển nhóm dân tộc thiểu số rất ít người (dân tộc Ơ Đu) tại bản Văng Môn đặc biệt khó khăn của xã Nga My, huyện Tương Dương.
Nhằm mục tiêu giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An đã tập trung đẩy mạnh Tiểu dự án 2 bằng cách xây dựng kế hoạch, dự toán kinh phí trình UBND tỉnh phê duyệt, phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức triển khai tập huấn, tuyên truyền rộng khắp.
Kế hoạch sẽ tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ báo cáo viên là lãnh đạo cấp ủy Đảng, chính quyền và đoàn thể cơ sở, tại thôn/bản với 640 học viên/8 lớp của 10 huyện miền núi. Tổ chức hoạt động “Hội thi tìm hiểu về luật hôn nhân gia đình, kiến thức về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống” tại 4 trường THCS với 360 học sinh (mỗi trường 90 người), đối tượng là các em học sinh từ lớp 6 đến lớp 9.