Qua hơn 10 năm triển khai, Chương trình OCOP đã lan tỏa rộng khắp đến các địa phương trong toàn tỉnh, tạo nên khí thế thi đua sôi nổi và trở thành điểm nhấn quan trọng để nâng cao chất và lượng của chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới.
Đến nay, tỉnh Quảng Ninh hiện có 417 sản phẩm OCOP của 13 địa phương đạt từ 3-5 sao. Đặc biệt có những sản phẩm đến từ chủ thể là người dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, hải đảo…
Để khích lệ, động viên các tổ chức, cá nhân tham gia xây dựng các sản phẩm OCOP, Ban chỉ đạo OCOP và các địa phương đã và đang thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ, hướng dẫn kịp thời. Trong đó ưu tiên hỗ trợ đối với các chủ thể sau khi được công nhận OCOP đạt hạng 3 sao trở lên có quy mô sản xuất nhỏ, khó đáp ứng thị trường tiếp tục duy trì, cải tiến, nâng cao năng lực sản xuất, đảm bảo số lượng, chất lượng để đáp ứng nhu cầu thị trường.
Đồng thời tích cực hướng dẫn các chủ thể nâng hạng sản phẩm. Để nâng hạng từ 3 sao lên 4 sao, các chủ thể cần đầu tư, cải tiến dây chuyền, quy trình sản xuất, đóng gói, nâng cấp bao bì… Trong trường hợp nâng hạng từ 4 sao lên 5 sao, cần phải xây dựng được nguồn nguyên liệu ổn định, sản xuất chuyên nghiệp, có hệ thống phân phối sản phẩm trên quy mô toàn quốc và có sản phẩm được thị trường thế giới chấp nhận.
Song hành cùng với đó, tỉnh Quảng Ninh đặc biệt quan tâm đến hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu cho sản phẩm OCOP. Hiện nay, toàn tỉnh có 23 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP cùng 161 website đã đăng ký, thông báo bán hàng với Bộ Công Thương.
Trong 6 tháng đầu năm, tỉnh đã tổ chức 2 hội chợ OCOP cấp tỉnh, 12 hội chợ trên địa bàn tỉnh, tham gia 4 chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài nước. Theo thống kê, các hội chợ đã thu hút trên 120 nghìn lượt người đến tham quan mua sắm, doanh thu của khu gian hàng các địa phương trong toàn tỉnh đạt 12 tỷ đồng.
Không chỉ dừng lại ở việc xúc tiến thương mại, công tác quản lý, giám sát chất lượng các sản phẩm OCOP cũng luôn được các ngành chức năng quan tâm. Hàng năm tỉnh Quảng Ninh đều tổ chức Hội nghị đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP để rà soát các sản phẩm không đảm bảo chất lượng; đồng thời khích lệ các chủ thể cải tiến sản phẩm hàng hóa theo đúng tiêu chuẩn, có kiểu dáng bao bì đẹp, hiện đại, dễ dàng truy xuất nguồn gốc…
Vừa qua, Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh đã tổ chức cuộc thi Sáng tạo bao bì, nhãn hàng hoá, giỏ quà và câu chuyện sản phẩm OCOP với sự tham gia của 16 đơn vị, tác giả với 68 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao đến 5 sao. Đây là lần đầu tiên cuộc thi được tổ chức, qua đó thúc đẩy sự đổi mới trong thiết kế bao bì, nhãn hàng hóa và từ đó thu hút người tiêu dùng, tăng cạnh tranh trên thị trường.
Ông Nguyễn Văn Vọng, Phó Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh cho biết: “Cuộc thi là cơ hội để các chủ thể cải thiện, nâng cao thẩm mỹ và chất lượng của các sản phẩm. Thông qua cuộc thi này, chúng tôi mong muốn sẽ tạo ra được giỏ quà tặng bao gồm các sản phẩm OCOP đặc trưng của địa phương; nâng cao chất lượng bao bì, nhãn mác, tạo lợi thế cạnh tranh; xây dựng câu chuyện gắn với xuất xứ của sản phẩm, thể hiện tính truyền thống, văn hóa của từng vùng miền”.