| Hotline: 0983.970.780

Thanh Hóa: Đẩy mạnh đào tạo nghề, tạo việc làm, góp phần xóa đói giảm nghèo

Thứ Ba 24/12/2024 , 15:28 (GMT+7)

Việc đào tạo nghề, tạo việc làm cho lao động, nhất là lao động miền núi được tỉnh Thanh Hóa đặc biệt quan tâm, góp phần nâng cao thu nhập cho bà con.

Nhiều lao động tại xã Yên Nhân, huyện Thường Xuân được đào tạo nghề, tạo việc làm. Ảnh: NNVN.

Nhiều lao động tại xã Yên Nhân, huyện Thường Xuân được đào tạo nghề, tạo việc làm. Ảnh: NNVN.

Trao sinh kế cho đồng bào dân tộc miền núi

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đặc biệt đối với lao động miền núi, là một trong những yếu tố quan trọng giúp tạo việc làm, tăng thu nhập cho bà con, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế, giảm nghèo bền vững. Những năm qua, tỉnh Thanh Hóa đã đẩy mạnh công tác dạy nghề, đặc biệt là dạy nghề cho lao động nông thôn, lao động miền núi và đạt được nhiều kết quả tích cực.

Đơn cử huyện Thường Xuân (Thanh Hóa), cấp ủy chính quyền địa phương đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường đào tạo nghề cho lao động nông thôn nhằm góp phần thay đổi diện mạo nông nghiệp, nông thôn, thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển. Tại xã Yên Nhân, nhiều lớp dạy đan lát cho đồng bào dân tộc thiểu số được thành lập; bà con tham gia lớp học được cầm tay chỉ việc và hỗ trợ chi phí đến lớp. Sau khi hoàn thành việc đào tạo nghề, huyện Thường Xuân đã tìm kiếm các đơn hàng, giúp học viên có thêm thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống.

“Trên địa bàn xã không có công ty nên ngoài làm việc nương rẫy, bà con tranh thủ thời gian rỗi đi học và làm thêm nghề đan lát. Trước đây, chỉ có người già mới ngồi đan lát thì nay người dân không phân biệt già, trẻ, gái, trai đều tham gia lớp học, đào tạo nghề, tạo việc làm. Sau khi hoàn thành khóa học, nhờ sự giúp đỡ của chính quyền địa phương trong việc tìm kiếm đơn hàng mà người dân có việc làm và thu nhập đều”, bà Vy Thị Tâm (xã Yên Nhân, Thường Xuân) chia sẻ.

Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn huyện Thường Xuân có trên 65 nghìn người trong độ tuổi lao động. Để tạo việc làm cho lao động nông thôn, những năm qua, huyện đã đưa vấn đề giải quyết việc làm cho lao động nông thôn là nhiệm vụ trọng tâm, trong đó định hướng phát triển nguồn nhân lực từ lao động tự do thành lao động được đào tạo có thể đáp ứng làm việc tại các cơ sở, doanh nghiệp trên địa bàn huyện.

Hằng năm, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội và Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp, Giáo dục thường xuyên chủ động phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn, các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện tốt công tác điều tra, khảo sát và dự báo nhu cầu dạy nghề cho lao động nông thôn. Trong đó đặc biệt quan tâm và ưu tiên các đối tượng lao động là đồng bào dân tộc thiểu số, chưa qua đào tạo nghề.

Theo thống kê, từ năm 2023 đến nay, huyện Thường Xuân đã đào tạo nghề cho hơn 2.000 lượt lao động nông thôn, trong đó thông qua Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Thường Xuân đã phối hợp với Trung tâm nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học - công nghệ (Trường Đại học Hồng Đức); Công ty TNHH ong giống thùng, mật ong và người tàn tật Thanh Hóa; Công ty TNHH - Trung tâm đào tạo du lịch và tổ chức sự kiện Thanh Hóa mở được 17 lớp đào tào nghề cho lao động nông thôn, với hơn 500 lao động tham gia.

Ngoài ra, Phòng NN-PTNT huyện còn mở 5 lớp đào tạo nghề nông nghiệp, nông thôn cho gần 200 lượt người. Năm 2023, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề trên địa bàn huyện đạt 59% và tiếp tục tăng cao trong năm 2024. Bên cạnh đó, huyện tăng cường phối hợp với các trung tâm giới thiệu việc làm, doanh nghiệp tuyển dụng lao động, giải quyết việc làm.

Cùng với đó, huyện đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, vận động người dân đi xuất khẩu lao động có thời hạn tại nước ngoài. Theo thống kê, từ năm 2018 đến nay, toàn huyện đã có hơn 1.000 người đi xuất khẩu lao động, vượt chỉ tiêu đề ra, chủ yếu ở các thị trường có mức thu nhập cao, như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Nga, Rumani... với các ngành nghề cơ khí, hàn, xây dựng, may mặc, điều dưỡng, hộ lý, giúp việc gia đình...

Góp phần giảm nghèo bền vững

Thời gian qua, các địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện tập trung đa dạng hóa các loại hình đào tạo nghề gắn với các ngành nghề truyền thống của địa phương, như: Đan cói, dệt chiếu, mây tre đan và du nhập thêm một số ngành nghề mới như mộc, cơ khí, may mặc... nhằm khai thác hiệu quả nguồn nhân lực tại chỗ... Khi thực hiện các Chương trình Mục tiêu Quốc gia về Giảm nghèo bền vững; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; xây dựng nông thôn mới, các địa phương đều được Nhà nước hỗ trợ kinh phí để đào tạo nghề cho người lao động.

Nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Thanh Hóa đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường nước ngoài. Ảnh: NNVN.

Nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Thanh Hóa đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường nước ngoài. Ảnh: NNVN.

Kết quả, giai đoạn 2021-2024, các cơ sở đào tạo nghề nghiệp đã tuyển sinh và đào tạo nghề ước đạt gần 335 nghìn lượt người, tăng 6,34% so với giai đoạn 2016-2020; góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 75%, tăng 4% so với năm 2021, trong đó 30% có bằng cấp, chứng chỉ; toàn tỉnh đã tạo việc làm mới cho khoảng 239 nghìn lượt lao động (trung bình mỗi năm có thêm 62 nghìn lao động được giải quyết việc làm mới), vượt 8,8% so với kế hoạch đề ra cho giai đoạn 2021-2025... Qua đó, góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dự kiến xuống còn 2,5% vào cuối năm 2025, tỷ lệ thiếu việc làm ở khu vực nông thôn giảm xuống còn 5,5%.

Nhiều hợp tác xã mây tre đan đang tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho lao động nông thôn. Ảnh: NNVN. 

Nhiều hợp tác xã mây tre đan đang tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho lao động nông thôn. Ảnh: NNVN. 

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa cũng tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở Giáo dục nghề nghiệp triển khai thực hiện có hiệu quả các dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và các Chương trình Mục tiêu Quốc gia.

Sở đã tham mưu cho HĐND, UBND tỉnh phân bổ hơn 90 tỷ đồng nguồn vốn sự nghiệp từ Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững và Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cho 11 cơ sở Giáo dục nghề nghiệp để cải tạo, sửa chữa, mua sắm trang thiết bị dạy nghề; đồng thời, phân bổ nguồn vốn đầu tư hơn 80 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững cho 2 cơ sở Giáo dục nghề nghiệp để tổ chức triển khai thực hiện. Ngoài ra, hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho 122 lao động giúp duy trì việc làm với tổng số tiền hỗ trợ là 549 triệu đồng.

Xem thêm
Cao Bằng xóa gần 7.000 nhà tạm, nhà dột nát

Năm 2024, tỉnh Cao Bằng đã xóa được gần 7.000 nhà tạm, nhà dột nát, kinh tế của địa phương có bước tăng trưởng quan trọng. 

Mắm Lê Gia đạt OCOP 5 sao: Thành công là hành trình, không phải điểm đến

Sản phẩm nước mắm Lê Gia - Cốt đặc biệt 40N của Công ty TNHH Thực phẩm & TMDV Lê Gia vừa được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 5 sao.