Sáng 20/12, tại số 12 Phùng Khắc Khoan, phường Đa Kao, Quận 1, TP.HCM, Cơ quan Văn phòng Bộ NN-PTNT tại TP.HCM cùng Trung tâm Dịch vụ Thương mại Nôngnghiệp, Công ty TNHH Sản xuất Quốc tế Bảo Ngọc Sài Gòn tổ chức sự kiện “Kết nối sản phẩm OCOP thường kỳ tại TP.HCM” với chủ đề “Lễ hội nông sản”.
Sự kiện diễn ra trong ba ngày, từ 20- 22/12, quy tụ 60 gian hàng gồm các sản phẩm nông sản tiêu biểu, sản phẩm OCOP từ 3-5 sao của các tỉnh thành trên cả nước như ốc gác bếp Bavin (Vĩnh Long); trâu, thịt lợn gác bếp (Cao Bằng); nước mắm Hằng Nam - Ba Hàng (Thanh Hóa); trà Oolong Sen (Đồng Tháp); các sản phẩm chế biến từ gạo, khoai lang như bún, phở, nui Bông Lúa; các loại trái cây như măng cụt, mận, nhãn, mãng cầu... (Vĩnh Long, Bến Tre), yến sào (Khánh Hòa), mật ong (Đăk Lăk)...
Ông Lê Viết Bình, Phó Chánh Văn Phòng; Trưởng đại diện khu vực phía Nam, Bộ NN-PTNT cho biết, tính đến hết tháng 11/2024, cả nước có gần 14.650 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên. Sản phẩm OCOP đã và đang từng bước khẳng định được giá trị và chất lượng trên thị trường, được người dân tín nhiệm, thể hiện vai trò chủ lực trong việc khẳng định giá trị của sản phẩm nông thôn, giúp các sản phẩm từ khắp mọi miền Tổ quốc không chỉ đi đến gần hơn với người tiêu dùng trong nước mà còn vươn xa ra thị trường quốc tế.
Đặc biệt, các sản phẩm OCOP 5 sao đã trở thành niềm tự hào của quốc gia, được lãnh đạo Đảng và Nhà nước tin tưởng, lựa chọn làm quà tặng trong các hội nghị quan trọng và các chuyến công tác nước ngoài. Đồng thời, cũng được các Bộ, ngành, địa phương và lãnh đạo các địa phương sử dụng, giới thiệu tại các hội nghị quan trọng, các cuộc làm việc với các đối tác nước ngoài.
Sản phẩm OCOP đã mang lại nguồn lợi về kinh tế, thu nhập bền vững cho người dân nông thôn, đồng thời góp phần chuyển dịch sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa trở thành một nội lực quan trọng trong phong trào xây dựng nông thôn mới trên cả nước.
Tuy nhiên, ông Lê Viết Bình nhìn nhận, các sản phẩm OCOP hiện vẫn đang gặp khó khăn trong khâu thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ. Do vậy, cần sự chung tay của nhiều bên.
"Sự kiện "Kết nối sản phẩm OCOP thường kỳ tại TP.HCM" nhằm góp thêm một không gian trải nghiệm, giới thiệu, quảng bá, kết nối các sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu cho người tiêu dùng TP.HCM nói riêng và người tiêu dùng cả nước nói chung", ông Lê Viết Bình nói.
Theo ông Đỗ Văn Tiến, Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ Thương mại nông nghiệp, Bộ NN-PTNT, trong khuôn khổ sự kiện có 12 đơn vị là các siêu thị nhỏ ở châu Âu đến tham quan và đặt vấn đề kết nối giao thương với các doanh nghiệp, HTX.
"Đến với sự kiện, người tiêu dùng cũng như du khách có thể được nghe những câu chuyện của mỗi sản phẩm OCOP gắn với lịch sử, văn hóa của địa phương", ông Đỗ Văn Tiến nói và cho biết, trong khuôn khổ sự kiện có các phiên chợ trực tuyến, livestream bán nông sản, sản phẩm OCOP. Ngoài ra, còn có các tour trải nghiệm mua sắm đặc biệt dành cho người tiêu dùng thành phố cũng như du khách trong và ngoài nước.
Mang tới các sản phẩm đặc sản, OCOP 4 sao của tỉnh Cao Bằng như thịt xông khói, lạp xưởng, miến dong, chẩm chéo... chị Nguyễn Mỹ Loan, HTX Tâm Hòa mong muốn mang tới khẩu vị, hương vị của đồng bào vùng cao tới người tiêu dùng TP.HCM.
Từ thành phố Đà Nẵng, chị Nguyễn Thị Thanh Tâm, Công ty Nhiên Tâm Food mang tới các mặt hàng chế biến từ bưởi non, táo, nho, dừa. "Tôi mong muốn được kết nối, tìm kiếm các đối tác, nhà phân phối tại TP.HCM", chị Tâm nói.
Xuyên suốt “Lễ hội nông sản” sẽ có các chương trình văn nghệ, biểu diễn thời trang, ảo thuật, xiếc phục vụ trẻ em và người lớn hằng đêm khi tham quan, trải nghiệm sự kiện.
Ban tổ chức cũng sẽ tổ chức các đoàn tham quan kết nối giao thương, nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp; thực hiện chương trình ưu đãi giúp 100% khách tham quan, mua sắm đều nhận được voucher giảm giá lên đến 50%.