Cuối tháng 9, đầu tháng 10 vừa qua, mưa lũ dồn dập khiến nước sông La đoạn qua huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh dâng cao, gây ngập lụt diện rộng. Trong đó, có những điểm như thôn Tiền Phong, xã Quang Vĩnh ngập sâu hơn 1m, gây nguy hiểm đến tính mạng người dân. Lúc này nhà văn hóa cộng đồng kết hợp tránh trú bão lũ của thôn đã trở thành “phao cứu sinh” cho hàng trăm con người.
Cụ ông Nguyễn Hữu Hiền (85 tuổi), trú thôn Tiền Phong, xã Quang Vĩnh, huyện Đức Thọ nhớ như in, ngày 29/9 trên trời mưa như trút nước còn dưới sông La (Hà Tĩnh), sông Cả (Nghệ An) lũ dâng lên cuồn cuộn. Ngôi nhà cấp bốn gần bờ sông của gia đình ông nhanh chóng bị nước lũ tràn vào rồi ngập sâu hơn 1m. Trước tình huống khẩn cấp, thôn Tiền Phong đã huy động người dân tới hỗ trợ kê cao đồ đạc trong nhà và dùng thuyền chở cụ sơ tán tới nhà văn hóa cộng đồng kết hợp tránh trú bão, lũ của thôn.
Thời điểm cụ Hiền được đưa tới nhà văn hóa cộng đồng, tại đây cũng đã có nhiều người khác tới tránh trú. Bởi nhà của họ đã bị nước lũ bủa vây, buộc phải sơ tán để đảm bảo an toàn.
“Lũ lên nhanh lắm. Ban đầu mới chỉ thấy mấp mé ở sân nhưng lúc sau đã tràn vào nhà. May mắn là có anh em, xóm làng giúp tôi tới tránh trú an toàn tại nhà văn hóa thôn”, cụ Hiền chậm rãi chia sẻ.
Ông Nguyễn Quang Việt, Chủ tịch UBND xã Quang Vĩnh thông tin, trong đợt mưa lũ hồi đầu tháng 10, ít nhất 30 người, chủ yếu là người già, phụ nữ mới sinh, trẻ nhỏ thôn Tiền Phong được đưa tới nhà văn hóa cộng đồng để tránh lũ. Quá trình ở đây, họ được người thân tiếp tế thức ăn, chính quyền địa phương hỗ trợ nhu yếu phẩm cần thiết.
Đến thời điểm này, Ban Chỉ đạo 22 tỉnh Hà Tĩnh và ban chỉ đạo các huyện, thành phố, thị xã đã huy động được hơn 100 tỷ 250 triệu đồng xây dựng 50 nhà văn hóa cộng đồng kết hợp tránh trú bão, lũ. Trong số này, Ban Chỉ đạo 22 của tỉnh huy động, hỗ trợ xây dựng 33 nhà; ban chỉ đạo các địa phương huy động, đầu tư xây dựng 17 nhà. Mỗi nhà văn hóa được hỗ trợ trên dưới 2 tỷ đồng.
“Nhà văn hóa thôn giờ không chỉ là nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng, nâng cao đời sống tinh thần cho bà con, thắt chặt tình làng nghĩa xóm mà còn là địa điểm tránh trú bão lũ an toàn cho người dân. Đây thực sự là công trình có ý nghĩa hết sức thiết thực với vùng quê thường xuyên chịu thiệt hại do mưa lũ như thôn Tiền Phong”, ông Nguyễn Quang Việt nói.
Thôn Tiền Phong là vùng ngoài đê La Giang của huyện Đức Thọ, địa hình thấp trũng. Vào mùa mưa lũ, nước từ thượng nguồn sông La và sông Cả cùng đổ về khiến vùng quê này là một trong những nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất của huyện Đức Thọ.
Nắm rõ được tình trạng này, chính quyền và người dân địa phương luôn chủ động thực hiện các giải pháp ứng phó, song không tránh khỏi thiệt hại về người và tài sản.
Đầu tháng 1/2021, Ban Chỉ đạo 22 tỉnh Hà Tĩnh quyết định huy động 2,2 tỷ đồng hỗ trợ đầu tư xây dựng nhà văn hóa cộng đồng kết hợp tránh trú bão, lũ cho người dân Tiền Phong. Công trình có quy mô 2 tầng, diện tích sàn 400m2, với tầng một phục vụ nhu cầu vui chơi sinh hoạt cộng đồng; tầng hai gồm phòng sinh hoạt cộng đồng, phòng tránh trú bão lũ, sân khấu, bếp, kho và khu vệ sinh chung. Cuối tháng 5/2021, công trình đã được khánh thành, đưa vào sử dụng.
“Mùa mưa lũ những năm trước còn phải lo lắng tìm nơi tránh trú nhưng năm nay thì đã có nơi đảm bảo an toàn cho bà con. Người dân chúng tôi thực sự cảm ơn các cấp chính quyền, các nhà hảo tâm đã hỗ trợ xây dựng công trình kiên cố, có giá trị tuyệt vời này”, một cụ bà từng tránh lũ tại nhà văn hóa cộng đồng bày tỏ.
Ngoài thôn Tiền Phong, xã Quang Vĩnh, trên địa bàn huyện Đức Thọ còn có 3 công trình nhà văn hóa cộng đồng kết hợp tránh trú bão, lũ ở các xã Tùng Châu và Hòa Lạc.
Theo ông Nguyễn Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Thọ, các địa điểm xây dựng nhà văn hóa cộng đồng đều là những nơi thường xuyên chịu ảnh hưởng của mưa lũ. Có “phao cứu sinh” này, địa phương và người dân bớt phần lo lắng đi rất nhiều.
Một lần nữa phải khẳng định, công trình “2 trong 1” xây dựng khắp các địa phương ở Hà Tĩnh, trong đó có những vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai như: Hương Khê, Vũ Quang, Hương Sơn, Đức Thọ, Kỳ Anh, Thạch Hà, Cẩm Xuyên... không chỉ đáp ứng nhu cầu về hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, kinh tế, chính trị, thắt chặt mối đại đoàn kết toàn dân mà còn là nơi tránh trú an toàn, hiệu quả cho người dân khi bão, lũ xảy ra.