| Hotline: 0983.970.780

Một gia đình tự bỏ tiền xây dựng nhà văn hóa thôn

Thứ Ba 12/02/2019 , 08:29 (GMT+7)

Ông Hoàng Công Sự, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận xã Quảng Minh bàn với vợ là bà Nguyễn Thị Bát, dành khoản tiền do con gái đi XK lao động gửi về cho cha mẹ dưỡng tuổi già, để xây cho thôn Đông Thành một ngôi nhà văn hóa.

Đông Thành là thôn công giáo toàn tòng thuộc xã Quảng Minh, TX Ba Đồn (Quảng Bình), nằm giữa ngã ba sông Gianh. Ba bề bốn bên đều là nước mặn nên người dân chỉ trông chờ vào việc nuôi trồng và đánh bắt hải sản. Hàng tháng, đến ngày sinh hoạt chi bộ Đảng, hoặc hội họp thôn, cán bộ phải đi mượn nhà dân. Mỗi khi có đám cưới, người dân không có nơi nào để tổ chức cho tươm tất.

Do nhu cầu cấp thiết, chi bộ quyết định phát động bà con khẩn trương đóng góp tiền bạc xây dựng nhà văn hóa. Thế nhưng, tháng 4/2016 sự cố môi trường biển đã làm tôm cua của bà con bị chết hàng loạt. Bởi vậy ý định của chi bộ Đảng và nhân dân Đông Thành phải dừng lại. 

Đứng trước khó khăn này, ông Hoàng Công Sự, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận xã Quảng Minh bàn với vợ là bà Nguyễn Thị Bát, dành khoản tiền do con gái đi XK lao động gửi về cho cha mẹ dưỡng tuổi già, để xây cho thôn Đông Thành một ngôi nhà văn hóa. Ban đầu bà Bát không chịu, nhưng nghe giải thích thấu tình đạt lý, lại được con gái tán thành thế là ông bà bỏ ra 600 triệu đồng xây nhà văn hóa.

Ông Sự từng làm xã đội trưởng trong những năm kinh tế đất nước khó khăn nhất. Nhưng những năm đó việc tuyển quân luôn đạt chỉ tiêu. Ông được BCH Quân sự tỉnh tặng nhiều giấy khen. Được biết khi còn đang làm trưởng thôn, ông Sự đã nhiều lần kiến nghị với lãnh đạo huyện và tỉnh đề xuất dự án cáp ngầm vượt sông đưa điện sang chiếu sáng vùng cồn.

Ông cũng là người đầu tiên tham mưu cho Hiệu trưởng Trường Tiểu học Quảng Minh B đóng trên vùng cồn xây trường cao tầng. Đây là một trong những trường cao tầng được xây sớm nhất huyện. Ông còn xin được dự án làm kè chống sạt lở ven sông Gianh cho thôn Đông Thành.

Ông nói: “Muốn thuyết phục được bà con làm theo, trước hết mình phải gương mẫu đi đầu, phải giải thích rõ cho bà con biết mục đích, ý nghĩa của việc xây dựng NTM. Nếu thấy hiệu quả thiết thực, bà con sẽ hưởng ứng, làm theo ngay”. Ông đi trước ủng hộ thôn Đông Thành và thôn Cồn Nâm (quê vợ) 100 triệu đồng để bê tông hóa đường giao thông nông thôn.

Ông còn cho bà con vay không lấy lãi để đào hồ tôm, hồ cá và phát triển chăn nuôi. Thấy ông gương mẫu làm trước bà con theo sau, kẻ đóng góp tiền bạc, người hiến đất đai, chỉ trong một năm thôn Đông Thành đã đóng góp 220 triệu đồng làm hoàn thành tất cả các tuyến đường bằng bê tông.

Năm nay ông Hoàng Công Sự đã 64 tuổi, nhưng ông vẫn hăng hái tham gia xây dựng phong trào NTM ở địa phương, ông được người dân trong xã Quảng Minh tin yêu, mến phục.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Mô hình tuyến đường kiểu mẫu ở Đồng Tháp

Đồng Tháp Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Đồng Tháp góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững, tạo dựng một môi trường sống xanh, sạch, đẹp và văn minh.

Gạo ST25 được phân hạng tiềm năng OCOP 5 sao

Sóc Trăng Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh Sóc Trăng vừa tổ chức chấm điểm, phân hạng OCOP 5 sao đối với sản phẩm Gạo thơm ST25 của huyện Trần Đề.