| Hotline: 0983.970.780

Mơ Hương Tích, của ngon chỉ còn chút này mà thôi

Thứ Bảy 19/08/2023 , 07:49 (GMT+7)

Giữa tiết trời nóng nực, tôi uống ừng ực cốc nước mơ từ tay ông Kiện đưa cho. Nó chua dìu dịu, thơm nhè nhẹ, mát thấu tới tận ruột gan.

Rừng mơ của thơ và mộng

Xong rồi tôi lại cắn vào quả mơ tong teo kêu cốp một tiếng để nhằn hạt lấy nhân. Chao ôi, nó mới bùi và ngậy làm sao. “Không loại mơ nào lại có cái nhân hạt quý như mơ Hương Tích (mơ chùa Hương) này đâu. Ngủ kém chỉ cần ăn 3-5 nhân hạt là có thể ngủ ngon ngay. Bởi thế sau khi ngâm lần đầu, chúng tôi lấy hạt ra đập dập, tách nhân rồi lại bọc vào túi để ngâm tiếp lần hai”. Ông Vương Ngọc Kiện năm nay 62 tuổi- chủ nhân của vườn mơ rộng 3 ha ở xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội khẳng định chắc nịnh.

Xưa nhiều tao nhân, mặc khách từng len lỏi qua những khu rừng mơ quê ông để vào động Tuyết Sơn lễ Phật, vãng cảnh...Màu trắng thanh tao của hoa mơ lúc vào xuân, hay màu vàng như kén tằm của quả mơ lúc vào hạ đã bắt mất hồn của họ, để lại những áng văn, thơ bất hủ. Bài “Cô hái mơ” của nhà thơ Nguyễn Bính là một ví dụ tiêu biểu: “Thơ thẩn đường chiều một khách thơ. Say nhìn xa rặng núi xanh lơ. Khí trời lặng lẽ và trong trẻo. Thấp thoáng rừng mơ cô hái mơ. Hỡi cô con gái hái mơ già! Cô chửa về ư? Đường thì xa. Mà ánh trời hôm dần một tắt. Hay cô ở lại về cùng ta?...”

Chum mơ ngâm của nhà ông Kiện. Ảnh: Dương Đình Tường.

Chum mơ ngâm của nhà ông Kiện. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ông Kiện thủng thẳng, trước đây rừng mơ bạt ngàn khắp khu Sũng Xàm, Thung Tráng, Thung Chùa, còn ở Đục, Yến cũng có nhưng phân tán hơn. Đến mùa, vợ ông vẫn vào lấy mơ cho các cụ mà giờ nếu còn sống đều trên 100 tuổi cả rồi. Ấy vậy mà rừng mơ trên núi còn nhiều tuổi hơn họ, gốc to như cái thùng sơn, vỏ mốc meo như da rắn. Chẳng hiểu vì sao sau đó chúng cứ chết dần:

“Tôi đi bộ đội về thì mơ trên núi đã chết gần hết. Đợt ông Mạn đưa tôi vào núi khai thác ít xoan về làm nhà, thấy những gốc mơ to mối ăn còn trơ lại. Lúc đó không nghĩ ra chứ lấy được ít lõi lão mai ấy thì quý lắm, chỉ cần băm mấy miếng đun lấy nước uống thì những người ăn vào mà mãi không đói sẽ đói ngay. Hơn thế lão mai lại giải nhiệt rất tốt.

Cây mơ sót lại cuối cùng không biết do ông Thức trồng trên núi Hóc Quýt hay ăn hạt vứt xuống mà mọc thành. Tôi đi chăn dê, nhặt ốc thấy quả của nó sáng đẹp mới cầu kỳ mang một ba lô đất lên chiết 7, 8 cành nhưng chỉ được 4, 5 cành. Tôi mang 4, 5 cành chiết đó về trồng được một thời gian thì cánh ông Ngân, ông Sự cũng bỏ luôn không làm vườn ở trên núi Hóc Quýt nữa, cuối cùng cây mơ bị dây leo cuốn chết”.

Vườn mơ nhà ông Kiện. Ảnh: Dương Đình Tường.

Vườn mơ nhà ông Kiện. Ảnh: Dương Đình Tường.

Không tuyệt giống nhưng khó mở rộng  

Chuyện rừng mơ trên núi là thế, còn ở dưới vườn phận mơ cũng lắm nỗi long đong. Ông Kiện kể tiếp: “Xưa những người có nhiều mơ cũng giàu có lắm. Vườn mơ nhà anh tôi có cây lấy được hàng chục bao tải, mỗi bao hơn 20 kg, bán không biết bao tiền. Mơ già làm ô mai bán ra Hà Nội, còn mơ chín thì chở bằng xe đạp thồ ra tận trại giam Ba Sao ở Hà Nam bán. Mấy ông cán bộ ở đó rất giỏi làm rượu mơ nhưng chẳng hiểu sau này nghỉ hưu hay sao mà không nhập hàng nữa.

Cỡ 30 năm về trước do biến đổi khí hậu mà nhiều năm liền mơ không đậu quả. Hơn nữa dân làng lúc đó đói đã trồng sắn quanh những gốc mơ để lấy cái ăn chứ không biết làm như thế là hại cây. Giống mơ khi bị cuốc xung quanh rễ bị đứt rồi nhiễm khuẩn mà chết dần.

Ông Đinh lúc còn tỉnh táo tôi xuống hỏi ngày xưa trồng mơ các cụ ươm thế nào, chiết thế nào. Ông nói ra rồi tôi về tập làm. Lúc đầu chỉ đạt 30-40% thôi, nhưng  kiên trì, xoay sở đủ kiểu mới thành công. Từ 4, 5 cành chiết ở cây mơ trên núi, cộng với mấy chục cành chiết ở cây mơ trong vườn của bố vợ trước khi nó bị chặt tôi cứ trồng thêm dần.

Những gốc mơ quý được nhà khoa học đánh số. Ảnh: Dương Đình Tường.

Những gốc mơ quý được nhà khoa học đánh số. Ảnh: Dương Đình Tường.

Về sau tôi có 4 loại mơ gồm mơ ta tức mơ giống mang trên núi về; mơ Vân Nam, Trung Quốc di thực về đây cỡ hơn 30 năm; mơ Yên Bái và cuối cùng là mơ Yên Bái ghép với mơ ta. Giống mơ Yên Bái mã vàng như kén, gần như 100% có chấm son, khi chín quả đậu trên cây rất lâu, mỗi tội hạt to, cùi mỏng, không thơm mấy. Tôi đặt Đại học Nông lâm Thái Nguyên ghép cho mấy ngàn thân mơ ta lên gốc mơ Yên Bái, định bụng sẽ trồng thành cả vùng lớn.

Thế nhưng khi cấp giống, cấp tiền công trồng cho bà con thì họ lấy tiền mua sắm xong vứt cả cây giống đi khiến tôi cứ tiếc mãi. Hiện tôi có 3 ha mơ gồm 100 gốc mơ ta, 100 gốc mơ Vân Nam, hơn 40 gốc mơ Yên Bái và 100 gốc mơ ghép. Quả mơ Yên Bái hình tròn, còn quả mơ ta hình trái đào, nhìn thoáng là nhận ra ngay.

Tiếc cái 5 gốc mơ cổ thụ trong vườn đều đã chết cả. Chuyện là, khi tôi quây vườn  để nuôi lợn rừng cũng đã rào lưới B40 xung quanh gốc cây nhưng sai lầm không thể lường được. Các gốc mơ cổ thụ mọi năm đều ra quả rất đẹp mà năm đó xuống lá quá nhanh. Hóa ra lợn rừng tuy không cày xới gốc mơ được nhưng chúng lại đái, ỉa xung quanh khiến cây xót và chết”.

Ông Kiện đang xem một cành mơ đã chiết. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ông Kiện đang xem một cành mơ đã chiết. Ảnh: Dương Đình Tường.

Xưa vườn nhà anh Lê Văn Kít ở Thung Chùa cũng toàn là mơ. Những cây mơ  tỏa tán rộng cỡ 150-160 m2 còn nhiều tuổi hơn cả bố mẹ anh. Nhưng kể từ năm 1998 lúc vợ chồng anh ra ở riêng, vườn mơ đã không có quả rồi. Liên tục 15 năm như thế, cuối cùng sốt ruột quá họ đành phải chặt bỏ. Rất nhiều hộ ở cái Thung Chùa này cũng đã phá bỏ mơ như thế.

Theo ông Kiện ước lượng cả xã chỉ có khoảng 10 hộ còn mơ, tổng diện tích 5-7 ha trong đó mơ ta cỡ 200 gốc nhưng không chắc sót gốc mơ cổ nào. Ngoài nhà ông có nhiều nhất, còn các hộ như Đinh Thị Vĩnh có 70-80 gốc, Đinh Văn Sinh có 50-60 gốc, Hồ Văn Thanh có 30-40 gốc, Lê Văn Thìn có 30-40 gốc. Sản lượng rất thất thường, mỗi vụ không quá 3-4 tấn quả. Như 3 ha mơ của nhà ông năm nay chỉ được 1,3 tấn do nắng to, còn năm ngoái thời tiết thuận hơn được 1,5 tấn. Trong vùng có nhà trồng mai nhưng lại nói là mơ nhưng ông bảo, đã là đất Phật phải nói cho đúng. Cây mai rất giống cây mơ nhưng quả tròn chứ không trái đào như mơ.

Trước thực trạng ấy, nhiều nhà khoa học cũng đã về Hương Sơn. Nào Viện Nghiên cứu Kinh tế Châu Á Thái Bình Dương. Nào Đại học Sư phạm 2. Nào Học viện Nông nghiệp. Họ ăn ngủ nhiều ngày trong nhà của ông Kiện để nghiên cứu cách chăm bón, mỗi tháng lại đo xem tán phát triển được bao nhiêu, gốc phát triển được bao nhiêu, sự khác biệt giữa các loại mơ như thế nào…Nhiều người hoàn thành đề tài thạc sĩ, tiến sĩ về cây mơ nhưng rồi khi ra đi chẳng để lại một dữ liệu gì.

Một gốc mơ to trong vườn nhà ông Kiện. Ảnh: Dương Đình Tường.

Một gốc mơ to trong vườn nhà ông Kiện. Ảnh: Dương Đình Tường.

“Về cảm quan bên ngoài thì mơ chùa Hương quả to, mã đẹp, hạt nhỏ, cùi dày nhưng phải chứng minh được sự khác biệt bên trong của nó so với các loại mơ khác ra sao. Cái mà người dân mong muốn là khoa học kỹ thuật. Phải nghiên cứu khí hậu ở đây, phải xem trong đất ở đây còn thiếu vi lượng gì để người dân chăm bón cho cân đối. Chưa có cơ quan nào nghiên cứu nào giúp chúng tôi việc ấy cả.

Thứ nữa, đất ở đây sử dụng đã nhiều đời, khi bán vườn phải làm lễ xin âm dương để xem tổ tiên có đồng ý hay không nhưng tới giờ cũng chẳng có giấy tờ xác nhận. Đường đi lối lại không có, làm cái gì cũng khó, chúng tôi toàn phải tự bươn chải. Tôi là người phụ trách chuỗi rau sắng của 60, 70 hộ liên kết với nhau nhưng thành tích thì trên nhận, còn khó khăn thì chẳng thấy ai tháo gỡ. Hoa quả cũng thế. Ai đời nhãn hương chi ở đây rất ngon bán có 5.000đ/kg”…

Ông có nghĩ mơ Hương Tích sẽ bị thất truyền không? Tôi hỏi. Ông Kiện lắc đầu: “Không, vì tôi trồng thấy có hiệu quả, không phải đi chợ mà tiêu thụ ngay tại chỗ đã 100.000đ/kg, không phân biệt là loại nào. Ngoài mơ tươi tôi còn chế biến siro bán 300.000đ/lít, rượu bán 150.000đ/lít. Chi phí cho mơ không đáng là bao, tổng thu 150 triệu thì tính ra lãi 100 triệu. Năm nay nhuận, mơ chín sớm, nhiều người không kịp đặt chứ có mấy tấn cũng bán hết.

Thấy chúng tôi bán được tiền, nhiều người cũng muốn mua giống để trồng theo nhưng tôi không bán bởi vẫn bực chuyện khi trước đã đưa tiền, đưa giống cho họ mà còn vứt đi. Giờ, để vài năm nữa khi chúng tôi có thu nhập khá rồi mới bán giống”. 

Mơ Hương Tích đã được Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội đưa vào danh mục một số nguồn gen cây trồng đặc sản. Từ năm 2011, thành phố đã triển khai dự án "Khôi phục, cải tạo và phát triển một số cây đặc sản quý hiếm tại rừng đặc dụng Hương Sơn" trong đó có mơ nhưng hiện nay diện tích trồng vẫn còn rất khiêm tốn và vẫn chưa xây dựng được thương hiệu.  

Xem thêm
Báo chí phải phản ánh hào khí và sức vươn lên của dân tộc

Kỷ nguyên mới đặt ra yêu cầu nhiệm vụ mới, cao hơn đối với báo chí cách mạng, đòi hỏi báo chí cũng phải phát triển tương xứng, vươn mình cùng dân tộc, xứng tầm nền báo chí chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại.

Lai Vung tỏa sáng Ngày hội tôn vinh nghề truyền thống

Đồng Tháp Ngày hội tôn vinh Nghề truyền thống không chỉ là sự kiện giao lưu văn hóa mà là nền tảng xây dựng huyện Lai Vung hiện đại, văn minh và mang bản sắc đậm đà.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Trường Sơn: Hương tóc, hương rừng

Những ngày cuối năm, đồng bào PaKô, Vân Kiều thôn Trăng – Tà Puồng, mang a chói (gùi) sau lưng, lũ lượt vào rừng hái bồ kết đem về phơi khô, bán cho thương lái...