| Hotline: 0983.970.780

Mơ màng bên bến Ô Lâu

Thứ Bảy 24/04/2021 , 09:45 (GMT+7)

Hàng trăm năm trước ai muốn vào kinh thành Huế thường phải đi đường sông. Đường bộ không tiện vì lắm trở ngại.

Bến sông Ô Lâu.

Bến sông Ô Lâu.

Ngựa chở hàng cũng chỉ tới bến sông Ô Lâu phải dừng lại. Tất cả hàng và người đều xuống tàu thuyền xuôi dòng Ô Lâu hàng chục cây số quanh co uốn khúc. Sau đó tàu thuyền phải đi qua phá Tam Giang rồi rẽ ngược sông Hương vào Kinh thành. Đúng là: “Đường vô xứ Huế quanh quanh/ Non xanh nước biếc như tranh họa đồ”

Huế lâu nay thường gắn với sông Hương thơ mộng hiền hòa. Dòng sông Ô Lâu ít được nhắc tới. Nhưng biết bao tiến trình lịch sử và những cuộc tình đã ghi dấu ấn trên bến sông xưa. Ô Lâu là con sông bắt nguồn từ dãy núi phía Tây Thừa Thiên (thuộc dẫy Trường Sơn) kéo dài chừng 100 cây số. Sông được coi là ranh giới của Quảng Bình và Thừa Thiên Huế.

Xa xưa sông Ô Lâu đã gắn với câu ca dao: “Trăm năm còn lỗi hẹn hò/ Cây đa bến nước con đò khác xưa/ Con đò đã thác năm xưa/ Cây đa, bến cũ còn lưa bóng người”.

Đó là dấu ấn một cuộc tình lỡ làng của cô lái đò bên bến Ô Lâu với một thí sinh trên đường vào trường thi Huế. Chàng học trò nghèo bất ngờ bị ốm đau và túng đói bên sông. Cô lái đò đã chăm sóc và nuôi dưỡng ngày đêm. Bệnh tình qua khỏi chàng yêu thương nàng say đắm. Họ hẹn hò tái ngộ sẽ nối lại mối duyên tình. Đúng ngày chàng lên đường vào hội thi.

Tháng ngày dần trôi. Cô lái đò chờ đợi mong ngóng ngày đêm chờ người thương quay về. Nhưng đã mấy mùa lá rụng. Tin chàng vẫn vời vợi ngàn trùng. Cô lái đò sinh ốm và tuyệt vọng. Cây đa, bến nước trong một ngày giá lạnh đã không còn cô lái đò xuất hiện. Nấm mộ cô lái đò đã được mọi người trồng những loài hoa trắng muốt trên đồi cỏ xanh.

Nhưng oái ăm sao mùa thu năm ấy chàng học trò nghèo kia trở lại. Chàng đã công thành danh toại sau mấy mùa thi cử tranh ngôi. Mọi người dẫn chàng đến mộ người yêu. Chàng học trò xưa đã khóc đến cạn khô nước mắt rồi để lại những lời thơ ai oán. Nấm mộ cỏ xanh rờn và rừng hoa lau trắng bạt ngàn vẫn còn đó. Dòng sông Ô Lâu càng thêm quanh co với những khúc đổi dòng liên tục tựa nỗi đau quặn thắt trong trái tim người.

Cây đa bến nước Ô Lâu còn chứng kiến bao mối tình dang dở và đau khổ khác. Nhưng có lẽ cuộc chia tay giữa cha con vua Trần Anh Tông với công chúa Huyền Trân là day dứt trăm bề. Câu chuyện xảy ra vào năm 1336.

Để chấm dứt những cuộc chiến tranh giữa Đại Việt và Chiêm Thành hai bên đã có kết giao hòa hảo. Chế Mân đã dâng hai châu Ô (Quảng Trị) và Lý (Thừa Thiên - Huế) để làm sính lễ cưới công chúa Huyền Trân. Bến sông Ô Lâu chính là điểm hẹn giao ước. Huyền Trân công chúa xuống thuyền đi về xứ sở Chăm Pa làm dâu xứ người. Cuộc chia tay đầy nước mắt.

Dòng sông Ô Lâu cuồn cuộn sóng trào. Đó là bản tráng ca bi kịch của người con gái đã tình nguyện dấn thân để đem lại hòa bình cho hai dân tộc. Chế Mân đón Huyền Trân công chúa về và phong Hoàng hậu với cái tên Paramec-Varti.

Vua cha Trần Anh Tông như chết lặng giữa thuyền rồng trong cơn mưa gió tơi bời trên bến sông Ô Lâu. Lòng ngài ẩn ức u hoài với cảm thán: “Hai châu Ô Lý vuông ngàn dặm/ Một gái Huyền Trân của mấy mươi”.

Cánh đồng nằm cạnh dòng Ô Lâu.

Cánh đồng nằm cạnh dòng Ô Lâu.

Dòng sông Ô Lâu thời chúa Nguyễn Hoàng luôn tấp nập tàu thuyền đi về Phú Xuân (kinh đô Huế). Dọc hai bờ sông hình thành những làng nghề gốm, mộc, chiếu đay, kim hoàn. Không khí hoạt động náo nức đêm ngày. Vì đây là ranh giới của đất Kinh đô nên trở thành đường kinh lý của mọi nơi tụ về nhộn nhịp.

Nếu sông Hương chảy qua kinh thành nổi tiếng là dịu hiền mơ mộng thì Ô Lâu lại có nhiều khúc quanh đổi dòng liên tục. Đồng thời do địa hình rất phức tap Ô Lâu luôn đem lại sự cuồng phong dữ dội. Trước khi đổ vào hệ thống đầm, phá, sông Ô Lâu có một vùng nước sâu tạo nên những luồng xoáy nước đầy nguy hiểm.

Hàng trăm tàu thuyền đã bị nhấn chìm ở đây. Những con thuyền nhỏ thường không dám đi qua. Nhất là vào mùa lũ thì dòng xoáy càng dữ tợn. Xưa trong dân gian truyền lại câu ca dao: “Thương em anh cũng muốn vô/Sợ truông nhà Hồ, sợ Phá Tam Giang”.

Truông nhà Hồ là miền đất nhiều cướp ở giáp ranh giữa Quảng Bình và Quảng Trị. Phá Tam Giang chính là nói đến vùng nước chảy ngược có dòng xoáy chết người trên sông Ô Lâu.

Vậy nên câu ca : “Đường vô xứ Huế quanh quanh. Non xanh nước biếc như tranh họa đồ” chỉ mới đúng một nửa. Dòng sông Ô Lâu đã hòa nhập cả hai mầu sắc hiền hòa và dữ dội của đất Huế. Sau này để khắc phục dòng xoáy chết người trên sông Ô Lâu, vua nhà Nguyễn đã cử quan Nội tán Nguyễn Khoa Đăng ra trị thủy (năm 1772).

Ông đã cho đào thêm những kênh rạch và khơi rộng dòng của ba nhánh sông chảy vào đầm nước lớn. Đồng thời Nguyễn Khoa Đăng còn cho quân lính đến trị đám cướp tại truông nhà Hồ dẹp yên cho dân. Nhiều năm sau này dân quanh vùng cả mấy huyện chung quanh vẫn ca ngợi: “Phá Tam Giang ngày rày đã cạn/ Truông nhà Hồ nội tán phá tan/ Đường vô muôn dặm quan san/ Anh vô anh được bình an em mừng”

Phá chính là đầm hồ rộng lớn bị chặn bởi cồn cát kéo dài ngăn với biển đông. Vì sông Ô Lâu có ba nhánh chảy vào Phá nên có tên là Phá Tam Giang (cách TP Huế 15 km). Diện tích Phá Tam Giang rộng tới 52.000 ha và kéo dài 25 cây số. Phá Tam Giang nối liền sông Ô Lâu với sông Hương rồi chảy ra cửa biển Thuận An. Vì sát bên biển nên Phá Tam Giang dễ gặp hiểm họa sóng lừng và bão tố thường xuyên đổ vào.

Phá Tam Giang là nơi đã in dấu chân chúa Nguyễn Hoàng có lần bị bại trận thủy chiến đã bị gió bão lùa vào Phá Tam Giang. Quân lính mải miết chèo thuyền về kinh thành thì bị đứt dây chão quai chèo. Thuyền rồng không thể nhúc nhích.

Trong lúc quan quân lo sợ thì xuất hiện một bà lão đưa đến một gánh tơ (còn gọi là tay lưới) giúp quân đội bện lại quai chèo. Nhờ thế mà chúa Nguyễn Hoàng cùng binh lính thoát hiểm. Sau hỏi ra mới biết đó là bà lão Trần Thị Tơ người làng Bác Vọng huyện Phong Điền.

Thâm trầm chùa Thiên Mụ.

Thâm trầm chùa Thiên Mụ.

Để đền đáp công ơn được cứu mạng, chúa Nguyễn Hoàng đã ban cho bà Tơ một ân huệ. Chúa đã cho thả bã mía từ cửa sông Bồ. Bã mía trôi đến đâu dừng lại. Đó sẽ là vùng đất mà bà Tơ có quyền cai quản. Miền đất đó thuộc về làng Bác Vọng. Khi bà Tơ mất chúa Nguyễn đã cho xây miếu thờ.

Dân làng Bác Vọng thường tổ chức cúng lễ bà vào ngày 11 và 12 tháng Giêng hàng năm. Trong miếu thờ bà vẫn còn câu đối khắc ghi: “Mặt nước hưởng nhờ ơn vũ lộ/ Dây tơ cứu khỏi trận phong ba”. Sau này lễ tế miếu bà Tơ đã được đưa vào “Lễ hội Sóng nước Tam Giang” của thành phố Huế.

Sông Ô Lâu có hình thù giống như chữ S và được coi là biên giới hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Nhưng khi dòng sông chảy qua làng Tuy Phước (Phong Điền-Huế) chừng dăm cây số bỗng ngoặt sang địa phận huyện Hải Lăng (Quảng Trị).

Sau khi ngược dòng chừng mươi cây số sông Ô Lâu mới quay lại đất Phong Điền (Huế). Hải Lăng là quê hương của nhạc sĩ Trần Hoàn. Còn Phong Điền là quê của nhà thơ Thanh Hải. Dòng sông Ô Lâu in dấu bao ký ức tuổi thơ của hai người. Cả hai đều hoạt động cách mạng ở mặt trận Bình Trị Thiên. Nhà thơ Thanh Hải đã viết bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” nói về con sông quê hương Ô Lâu vào thời kháng chiến cứu nước.

Bài thơ đã được nhạc sĩ Trần Hoàn phổ nhạc năm 1980. Tác phẩm là kỷ niệm sâu sắc của hai người cùng kề vai sát cánh chiến đấu trên chiến địa. Cho dù trải qua những gian nan và khốc liệt những vẫn đọng lại sự lạc quan và lãng mạn của người chiến sĩ cách mạng.

Lời thơ trong giai điệu trữ tình và ngọt ngào luôn vang trên dòng sông Ô Lâu: “Mọc giữa dòng sông xanh một bông hoa tím biếc/ Ơi con chim chiền chiện hót chi mà vang trời/ Từng giọt long lanh rơi tôi đưa tay hứng về/ Mùa xuân người cầm súng lộc giắc đầy trên lưng/ Mùa xuân người ra đồng trải dài nương lúa/ Mùa xuân, mùa xuân một mùa xuân nho nhỏ lặng lẽ dâng cho đời".

(Kiến thức gia đình số 16)

Xem thêm
Dàn nghệ sĩ khách mời 'đốt cháy' sân khấu 'Đêm mùa Đông #3: Nguyện'

Vừa qua, ca sĩ Will, Khải cùng Ngô Trúc Linh đã đem đến bữa tiệc cảm xúc tại đêm nhạc gây quỹ từ thiện 'Đêm mùa Đông #3: Nguyện'.

Liverpool đang được ví như Man.United thời huy hoàng

Đội bóng 'quỷ đỏ' thành phố cảng Liverpool của nước Anh đang thi đấu thăng hoa, bất khả chiến bại trên mọi đấu trường.

Hàng trăm thú cưng đọ tài sắc tại Vietnam Pet Festival 2024

TP.HCM Ngày 29/6, hàng trăm chó mèo được chủ nhân đưa đến Vietnam Pet Festival 2024 tổ chức tại quận 12 để tham gia các cuộc thi sắc đẹp, thi thời trang.