| Hotline: 0983.970.780

Mở rộng mạng lưới nước sạch ở nông thôn Yên Bái

Thứ Hai 12/10/2020 , 09:39 (GMT+7)

Quyết định 62/2004/QĐ-TTg và Chương trình Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn đã và đang hoàn chỉnh mạng lưới nước sạch đến từng hộ gia đình ở Yên Bái…

Nước sạch cho người nghèo

Ngày 16/4/2004 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 62/2004/QĐ-TTg về việc cho những hộ gia đình ở nông thôn vay vốn xây dựng hệ thống nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Đây là chương trình tín dụng ưu đãi đối với những hộ nghèo được tiếp cận nguồn vốn tín dụng của Chính phủ để xây mới, nâng cấp, sửa chữa hoặc cải tạo công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

Niềm vui của người dân có nước sạch. Ảnh: TS

Niềm vui của người dân có nước sạch. Ảnh: TS

Từ 2004 đến nay Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Yên Bái (NHCS) đã ký hợp đồng ủy thác với 623 tổ chức hội, đoàn thể cấp xã, 2.357 tổ vay vốn thôn bản, hàng năm tổ chức trên 2.200 phiên giao dịch tại các xã để phục vụ người dân.

Theo thống kê từ năm 2006- 2019 NHCS tỉnh Yên Bái đã cho vay 625,9 tỷ cho trên 50 ngàn lượt hộ được vay vốn để xây dựng 55.000 công trình nước sạch và 54.000 công trình vệ sinh. Nâng tổng số hộ được sử dụng nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn là 148.322 hộ cuối năm 2019.

Năm 2020 NHCS tỉnh Yên Bái đã cho vay 5.434 lượt hộ với số tiền 108,5 tỷ để xây dựng 22.232 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Đưa tổng số hộ được sử dụng nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn là 153.756 hộ trên tổng số 168.548 hộ của tỉnh Yên Bái.

Trấn Yên là huyện đầu tiên của tỉnh Yên Bái đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có sự đóng góp rất lớn của NHCS không chỉ giúp cho hàng ngàn hộ thoát nghèo mà còn giúp họ có nước sạch và nhà vệ sinh. Từ đầu năm 2020 đến nay đã cho 909 lượt hộ vay 18,180 tỷ để xây dựng hệ thống nước sạch và nhà hợp vệ sinh.

Bà Nguyễn Thị Bích Ngân - GĐ phòng giao dịch NHCS huyện Trấn Yên đã cùng chúng tôi đến thăm hai hộ gia đình ở thôn 5 xã Hòa Cuông. Bà Đinh Thị Nga, tổ trưởng tổ vay vốn cho biết: Thôn 5 có 60 hộ vay vốn NHCS, trong đó có 10 hộ vay vốn để xây dựng nước sạch và nhà vệ sinh, tổng số dư nợ hiện nay là hơn 2 tỷ đồng.

Bà Nga dẫn chúng tôi đến thăm gia đình bà Đỗ Thị Thủy vay vốn NHCS để khoan giếng. Bà Thủy chỉ chiếc giếng đào sâu 8m nhưng không có nước. Do nằm trên nền mỏ quặng Graphit, nên nước giếng chỉ có về mùa mưa, còn 6 tháng mùa khô không đủ nước dùng, hôm nào mưa to nước dâng lên mặt giếng, đục ngầu, tanh không sử dụng được.

Năm 2016 gia đình bà vay NHCS 12 triệu khoan giếng sâu 25m, bơm nước lên téc nước cao trên 3m để cung cấp nước ăn, nhà vệ sinh và để tưới rau, chăn nuôi. Bà Thủy cười sung sướng: Gia đình tôi cũng vừa trả xong nợ ngân hàng, từ năm 2016 đến nay không còn lo nước ăn khi mùa khô đến nữa…

Cách gia đình bà Thủy một đoạn là gia đình chị Định Thị Luyến, chị mới xây được ngôi nhà nhưng không đủ tiền để khoan giếng và làm nhà vệ sinh, may sao nhờ vốn NHCS chị vay 20 triệu để khoan giếng sâu gần 30m cung cấp nước cho cả gia đình bố chồng là ông Nguyễn Văn Ngân.

World Bank đồng hành

Từ năm 2017 tỉnh Yên Bái thực hiện Chương trình Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn do Ngân hàng Thế giới (World Bank) cho vay để xây dựng 26 công trình cấp nước ăn tập trung.

Cán bộ tổ tín dụng kiểm tra sử dụng vốn khoan giếng của gia định chị Đinh Thị Luyến. Ảnh: TS

Cán bộ tổ tín dụng kiểm tra sử dụng vốn khoan giếng của gia định chị Đinh Thị Luyến. Ảnh: TS

Đến cuối năm 2019 đã có 19 công trình cấp nước sinh hoạt cho hơn 7.000 hộ dân các xã: Y Can, Đông An, Hưng Khánh, Phong Dụ Thượng, Yên Phú, Cát Thịnh…Giai đoạn 2020-2021 xây dựng thêm 7 công trình cấp nước ăn tập trung, nhằm đạt mục tiêu của Chương trình là 11.185 hộ có nước sinh hoạt hợp vệ sinh.

Tính đến nay Yên Bái đã có 354 công trình cấp nước ăn tập trung, chủ yếu là cấp nước tự chảy do nhiều nguồn vốn khác nhau đầu tư xây dựng, trong đó có một phần vốn của World Bank. Đến hết năm 2019 có 608.382 người dân Yên Bái được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 90% dân số.

Như vậy có thể thấy mạng lưới nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đến nay của tỉnh Yên Bái tương đối hoàn chỉnh, chỉ còn một số xã vùng cao, vùng sâu tập trung ở hai huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải sẽ được hoàn thiện trong vài năm tới.

Theo đánh giá của Sở Nông nghiêp-PTNT Yên Bái: Tất cả các công trình cấp nước tập trung xây dựng năm 2018- 2019 đều được xét nghiệm, chất lượng nước đảm bảo, đáp ứng được các chỉ tiêu theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng do Bộ Y tế ban hành. 

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm