| Hotline: 0983.970.780

'Mỏ vàng' trên sông nước

Thứ Năm 04/01/2024 , 15:44 (GMT+7)

ĐBSCL Phát triển du lịch nông nghiệp gắn với sông nước là nét đặc trưng ở ĐBSCL, đầu tư khai thác, nâng cao chất lượng mà vẫn giữ được cái hồn văn hóa là thành công.

Tiềm năng du lịch khai thác tài nguyên mặt nước ở Đồng bằng sông Cửu Long còn rất nhiều dư địa. Ảnh: Kim Anh.

Tiềm năng du lịch khai thác tài nguyên mặt nước ở Đồng bằng sông Cửu Long còn rất nhiều dư địa. Ảnh: Kim Anh.

“Mỏ vàng” tài nguyên trên mặt nước

Khác với miền Trung, miền Bắc, vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được thiên nhiên ưu đãi nguồn tài nguyên mặt nước phong phú. Nói theo lời nhà nghiên cứu văn hóa Nhâm Hùng, sông, rạch, búng, lung, bào… đều có thể khai thác để tạo ra những sản phẩm du lịch cho vùng.

Sông nước phủ kín đồng bằng, người dân lập nghiệp cũng từ sông nước, cưới vợ gả chồng, phát triển đô thị hay du lịch đều dựa vào sông nước.

Dòng sông mà thế giới gọi là huyền thoại, sông MeKong, chảy vào vùng ĐBSCL mang theo phù sa bồi đắp cho những cánh đồng lúa tốt tươi, vườn trái cây trĩu quả; đưa ĐBSCL trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn cho du khách gần xa.

Điểm thú vị gắn liền với sông nước vùng ĐBSCL, đó là cuộc sống trên sông lẫn hai bên bờ rất đa dạng, bao gồm hoạt động nghề chài lưới, sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt của xóm làng. Thậm chí nhiều lễ hội của đồng bào dân tộc Hoa, Chăm, Khmer cũng diễn ra trên sông...

Ông Phan Đình Huê, Giám đốc Công ty du lịch Vòng Tròn Việt cho rằng, dư địa để ĐBSCL phát triển du lịch nông nghiệp còn rất lớn, đặc biệt là khai thác tài nguyên mặt nước. Bởi hiện nay, phần lớn các tour, tuyến chỉ khai thác trong kênh rạch, lợi thế bờ sông còn rất lớn.

Đại diện đơn vị lữ hành này đánh giá, ĐBSCL đang ở trên “mỏ vàng” tài nguyên mặt nước để phát triển du lịch, nhưng cần phải khai thác tốt hơn thời gian tới. Đồng thời, vùng cần có chiến lược để đa dạng hóa sản phẩm du lịch nông nghiệp, xây dựng thương hiệu vùng sông nước riêng và phát triển hạ tầng đi kèm.

Gắn liền với sông nước vùng ĐBSCL là đời sống sản xuất nông nghiệp, tạo thành điểm hấp dẫn riêng mời gọi du khách. Ảnh: Kim Anh.

Gắn liền với sông nước vùng ĐBSCL là đời sống sản xuất nông nghiệp, tạo thành điểm hấp dẫn riêng mời gọi du khách. Ảnh: Kim Anh.

Theo nhận định của PGS.TS. Đào Ngọc Cảnh, Trưởng khoa Du lịch và Quản trị nhà hàng khách sạn Trường Đại học Nam Cần Thơ, phát triển du lịch nông nghiệp trên mặt nước là loại hình du lịch đặc thù của ĐBSCL.

Một đơn vị lữ hành chuyên khai thác và phát triển khách du lịch Pháp tại TP Hồ Chí Minh chỉ ra, thực tế các sản phẩm du lịch ở ĐBSCL rất đa dạng, mang nét đặc thù của từng địa phương. Như tỉnh Bến Tre có mô hình chèo đò vào những con rạch nhỏ xuyên qua những rặng dừa nước. Còn tại tỉnh An Giang là mô hình làng bè nổi trên sông hay chợ nổi Long Xuyên.

Nói về trải nghiệm của du khách khi đến du lịch tại ĐBSCL, vị này nhận thấy, du khách thích được trải nghiệm trên sông nước, ngoài việc thưởng ngoạn cảnh quan thiên nhiên, còn thích thú khám phá cuộc sống, sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp của người dân địa phương 2 bên bờ sông. Do đó, để phát triển loại hình du lịch đường sông, cần chú ý đến 4 yếu tố là: Lộ trình tham quan, cơ sở vật chất dịch vụ, giữ được bản sắc văn hóa tự nhiên sông nước Nam bộ và kỹ năng phục vụ du khách của bà con nông dân làm du lịch nông nghiệp sông nước.

Hiện nay, du lịch nông nghiệp tại ĐBSCL không chỉ thu hút khách quốc tế mà còn thu hút mạnh khách nội địa. Do đó, trong tương lai, ngoài việc định hướng về chiến lược sản phẩm, cần phải định hướng thêm chiến lược truyền thông gắn với thương hiệu của vùng ĐBSCL.

PGS.TS. Lê Anh Tuấn, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (Đại học Cần Thơ) trong một dịp trò chuyện với một số hướng dẫn viên du lịch tại ĐBSCL, cho rằng, du lịch sông nước không chỉ đơn thuần là giới thiệu về cảnh quan, mà làm sao “thổi hồn” để lột tả giá trị lịch sử, văn hóa.

Ví dụ như, tại sao có chữ MeKong, tại sao vùng ĐBSCL có nhiều địa danh mang chữ Cái Răng, Cái Bè... Hay vì sao mỗi chiếc ghe đều được vẽ 2 con mắt, vùng nước lợ sẽ có các sản phẩm ngon hơn các vùng khác, gạo ST25, con cá kèo nguồn gốc từ đâu, giá trị như thế nào?...

Phát triển du lịch trên chợ nổi là một thị trường lớn, do đó cần kết nối hoạt động chợ nổi với các dịch vụ trên bờ nhiều hơn. Ảnh: Kim Anh.

Phát triển du lịch trên chợ nổi là một thị trường lớn, do đó cần kết nối hoạt động chợ nổi với các dịch vụ trên bờ nhiều hơn. Ảnh: Kim Anh.

Không nằm ngoài xu thế, hiện nay, phát triển du lịch nông nghiệp phải gắn với yếu tố bền vững. Nghĩa là không chỉ đảm bảo về môi trường, mà còn bảo tồn giá trị bản sắc văn hóa riêng của vùng sông nước Nam bộ. Trong quá trình phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch nông nghiệp, sông nước phải đảm bảo kinh tế địa phương và bà con nông dân.

Chợ nổi là thế mạnh đặc thù

Một trong những sản phẩm đặc thù của du lịch nông nghiệp khai thác thế mạnh trên sông nước đó là chợ nổi. TP Cần Thơ có chợ nổi Cái Răng, nơi một thời từng là địa điểm mua bán sầm uất của thương hồ và nhà vườn, giữ gìn hồn cốt cho đồng bằng. Thế nhưng giờ đây, đa phần là dân thương hồ trao đổi mua bán.

Chợ nổi là một trong những sản phẩm du lịch nông nghiệp đặc thù, khai thác thế mạnh trên sông nước ở vùng ĐBSCL. Ảnh: Kim Anh.

Chợ nổi là một trong những sản phẩm du lịch nông nghiệp đặc thù, khai thác thế mạnh trên sông nước ở vùng ĐBSCL. Ảnh: Kim Anh.

Sự phát triển của du lịch đã khiến chợ nổi Cái Răng dịch chuyển, biến đổi văn hóa từ tự nhiên sang tự tạo. Theo một số nhà nghiên cứu, đây là điều vừa mừng lại đáng lo, vì cái gốc văn hóa của chợ nổi đã kết thúc.

Nằm ở vị trí giao nhau của 5 con sông: Cà Mau, Vĩnh Quới, Long Mỹ, Thạnh Trị và Phụng Hiệp, chợ nổi Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng, có lịch sử hình thành khá lâu đời và là một trong những khu chợ trên sông nhộn nhịp nhất đồng bằng.

So với một số chợ nổi khác trong vùng, việc phát triển du lịch tại chợ nổi Ngã Năm còn hạn chế, trong đó vẫn còn lưu giữ lại nét hoang sơ bình dị.

Tầm 4 giờ sáng, chúng tôi theo ghe chở trái cây của một người quen tại địa phương, ra chợ nổi Ngã Năm. Chợ họp từ 3 – 5 giờ sáng, đến khi mặt trời vừa lên cũng là lúc bà con hoàn thành buổi chợ.

Đa phần các sản phẩm trên chợ nổi là các mặt hàng nông sản như rau, củ, trái cây, thức ăn, nước uống, hải sản…

Chị Nguyễn Mỹ Hạnh một tiểu thương buôn bán trên chợ nổi kể lại, từ sau dịch Covid-19, người dân buôn bán trên chợ nổi Ngã Năm bắt đầu thưa dần. Giao thông đường bộ phát triển, ghe xuồng đậu dọc 2 bên bờ, rồi bà con chuyển lên bờ để mua bán.

Theo ghi nhận, du khách đến trải nghiệm chợ nổi Ngã Năm mỗi sáng khá đông. Hai bên bờ rải rác vài chiếc thuyền của những cô chú hành nghề đưa khách tham quan trên chợ nổi hoạt động.

Được biết, ngoài chợ nổi, khu vực trung tâm TX Ngã Năm còn nhiều điểm tham quan như: vườn cò Tân Long; di tích quốc gia Miếu Bà Mỹ Ðông, Chiến thắng Chi khu Ngã Năm; di tích đặc trưng của đồng bào dân tộc Khmer chùa Ô Chum… Ngoài ra, du khách còn có thể trải nghiệm vùng nguyên liệu và quy trình sản xuất trà mãng cầu, vườn cây ăn trái, mô hình đan lục bình…

Việc kết nối các giá trị từ văn hóa, lịch sử với các mô hình sản xuất nông nghiệp của người dân địa phương đã thúc đẩy việc phát triển du lịch nông nghiệp của vùng ĐBSCL phát triển.

Phát triển du lịch trên sông nước không chỉ đơn thuần là giới thiệu về cảnh quan, mà làm sao 'thổi hồn' để lột tả giá trị lịch sử, văn hóa. Ảnh:Kim Anh.

Phát triển du lịch trên sông nước không chỉ đơn thuần là giới thiệu về cảnh quan, mà làm sao “thổi hồn” để lột tả giá trị lịch sử, văn hóa. Ảnh:Kim Anh.

Trong khi nhiều chợ nổi đang có nguy cơ “chìm” thì tại tỉnh An Giang, chợ nổi Long Xuyên được đánh giá là đang lưu giữ nét bình dị và nguyên sơ vốn có của một chợ nổi ĐBSCL.

Chợ “thức giấc” lúc 5 giờ sáng, tiếng cười nói, gọi mời bạn hàng lấn át cả âm thanh của những chiếc xuồng máy. Buổi chợ hôm đó, chúng tôi được trải nghiệm cảm giác tròng trành ngồi ăn tô bún riêu trên thuyền, cũng mua được rất nhiều trái cây với giá rẻ “tận vườn”.

Dù giao thông phát triển, hoạt động buôn bán của dân thương hồ và các nhà vườn trên chợ nổi Long Xuyên vẫn rất nhộn nhịp. Hầu hết các mặt hàng nông sản buôn bán tại chợ do nhà vườn chở ra, trao đổi mua bán rất nhanh chóng và ít xảy ra tình trạng mặc cả.

Hiện nay, để thúc đẩy phát triển du lịch, nhất là khai thác giá trị văn hóa mang lại từ chợ nổi, nhiều địa phương trong vùng đã ban hành nhiều chương trình đề án để khôi phục, phát triển chợ nổi.

Các chuyên gia cho rằng, phát triển du lịch trên chợ nổi là một thị trường lớn. Do đó, các chương trình phát triển du lịch cần kết nối hoạt động chợ nổi với các dịch vụ trên bờ nhiều hơn. Các tàu du lịch sử dụng máy nổ cũng vô tình làm phá vỡ không gian cũng như môi trường trên chợ nổi. Do đó, tổ chức lại hoạt động chợ nổi rất cần thiết, đồng thời quan tâm, tạo cơ hội cho người dân thương hồ được mua bán trên chợ nổi.

Xem thêm
Lễ trao Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ VII tổ chức vào 29/11

Lễ trao Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ VII năm 2024 sẽ diễn ra vào ngày 29/11, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, với nhiều điểm mới.

Thông tin mới chuyên án tiếp viên hàng không xách ma túy từ Pháp về

Công an TPHCM tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh, mở rộng chuyên án; lần theo dòng chảy ma túy để khui từng vỏ bọc của các 'ông trùm' ma túy.

Nadal lên sẵn kịch bản giải nghệ

Tay vợt người Tây Ban Nha cho biết có tinh thần thoải mái sẵn sàng thi đấu Davis Cup 2024 trên sân nhà cũng như việc sẽ giải nghệ ở đây.

VFF phạt nặng Nguyễn Xuân Nam và Vũ Văn Sơn

Ban kỷ luật VFF đã chính thức đưa ra án phạt. Theo đó, cả Nguyễn Xuân Nam và Vũ Văn Sơn đều bị phạt 20 triệu đồng và treo giò 4 trận