| Hotline: 0983.970.780

Cù lao, sông nước - đến rồi lưu luyến mãi không thôi

Thứ Hai 31/08/2020 , 13:10 (GMT+7)

Vĩnh Long là tỉnh đi đầu của du lịch sông nước miệt vườn tại ĐBSCL. Loại hình này phát triển mạnh tại 4 xã cù lao của huyện Long Hồ, nhất là xã An Bình.

Du khách đi qua phà An Bình để lên các xã cù lao. Ảnh: Minh Đãm.

Du khách đi qua phà An Bình để lên các xã cù lao. Ảnh: Minh Đãm.

Có vườn trái cây nghĩ đến làm du lịch

Để đến được 4 xã cù lao này, từ Trung tâm thành phố Vĩnh Long, thành phố thơ mộng bên bờ sông Cổ Chiên, du khách hỏi thăm đường công viên Sông Tiền. Du khách đi qua phà An Bình để lên các xã cù lao. Vừa lên phà, du khách sẽ nhìn thấy các biển hướng dẫn lối đi đến các địa điểm tham quan, khu homestay, vườn trái cây.

Theo tuyến đường nhựa lớn vào trung tâm xã An Bình, mỗi bước đi du khách sẽ cảm nhận được lối sống bình dị của người dân miền sông nước. Như cái tên gọi xã An Bình. Vất vả nhưng yên bình làm sao! Trong quán cóc bên đường, chúng tôi bắt gặp những hình ảnh người dân mang trái cây đi bán.

Hai người đàn ông, một nông dân, một thương lái ngồi trao đổi với nhau về câu chuyện giá ổi mùa này, đôi tay nhanh nhẹn không quên chuyền ổi sang. Chúng tôi nghe loáng thoáng câu chuyện giá trái cây năm nay. Đâu đó, có vui có có buồn như bao câu chuyện thời nay.

Hôm chúng tôi đến An Bình khi trời đã cao quá sào. Vừa qua phà, chúng tôi men theo đường vào UBND xã An Bình. Đến đây, chúng tôi thấy hẳn một cái bản đồ du lịch mà chính quyền địa phương đã dựng sẵn để cho du khách tự tìm hiểu khám phá. Dần dà, tìm hiểu thêm với người dân bản xứ, địa điểm đầu tiên chúng tôi đến là vườn mận Bé Sáu cách chỗ này không xa lắm, độ chừng 500m ở ấp An Thành.

Đón chúng tôi là chị Lê Thị Thuỳ Phương, con gái thứ hai (đầu lòng) của chủ vườn Bé Sáu. Chị Phương cho biết, vườn mận của gia đình đã mở cửa đón khách tham quan, đến vui chơi giải trí đã trên mười ba năm nay. Với quy mô vườn khoảng 6.000m2 gia đình trồng nhiều loại trái cây đặc sản của xứ cù lao như chôm chôm Java, chôm chôm Thái, mận An Phước, mận Hồng Thái, ổi…

Khách đến, ăn bao no. Hái đem về thì sẽ tính tiền như giá mua ngoài chợ. Nhưng với loại hình du lịch sinh thái này khách đến được trải nghiệm cách trồng và chăm cây, trái cây sạch, chín tự nhiên. Tự lựa trái chín theo ý muốn, ăn thỏa thích đến chán mấy thôi. Vườn mận trên 10 năm, nhiều bóng râm che rất mát.

Du khách trải nghiệm bơi xuồng trong vườn trái cây. Ảnh: Minh Đãm.

Du khách trải nghiệm bơi xuồng trong vườn trái cây. Ảnh: Minh Đãm.

Tuy thời điểm, mà giá vé vào vườn sẽ khác nhau. Như mùa chôm chôm chín giá vé khoảng 60.000 đồng/người, mùa mận thì 40.000 - 50.000 đồng/người.

Theo chị Phương, gia đình chủ yếu lấy công làm lời, chứ ít thuê mướn thêm người làm mô hình kinh doanh này tuy hơi vất vả nhưng không sợ trái cây ế khi vào mùa. Những khi trái cây chín nhiều, thì gia đình sẽ hái đem đi chợ bán. Thu nhập cũng khá hơn so với làm vườn truyền thống.

Cũng cùng cách làm như gia đình chị Phương, gia đình ông Hai Công ở ấp An Thới, xã An Bình đã mở cửa đón khách tham quan vườn nhãn và chôm chôm cũng trên mười năm nay.

Ông Hai Công cho biết: Nhà tôi có 6 công trồng chôm chôm và nhãn. Vụ thuận thì cây cho trái ra chín tự nhiên rồi. Bên cạnh đó, tôi còn xử nghịch vụ để đón được khách tham quan quanh năm. Mỗi đợt mình xử lý chừng vài chục cây chín thôi.

Xử lý làm sao để cây cho trái chuyền, có trái chín quanh năm. Mỗi đợt trái chín mình có thể khai thác du lịch đến gần 1,5 tháng. Như đợt này, dịp 2/9 khách đến sẽ có chôm chôm chín để thưởng thức.

Theo ông Hai Công, khách đến tham quan vườn rất đa dạng nào là khách ở ĐBSCL, ở TP.HCM, miền Trung, miền Bắc còn có cả khách Tây. Khách đến nhiều vào những ngày thứ bảy, chủ nhật. Ở đây, ông bà Hai còn đăng ký nấu ăn để phục vụ khách đến tham quan đến sơm muốn ở lại vui chơi đến xế chiều. Ông bà nấu các món dân dã như cháo gà, cháo vịt, tôm luộc nước dừa, ốc đắng hấp sả, cá sông nấu lẩu… Khách đến miệt cù lao ăn một lần rồi nhớ mãi.

Cháu trai chủ vườn Hai Công hái chôm chôm đãi khách. Ảnh: Minh Đãm.

Cháu trai chủ vườn Hai Công hái chôm chôm đãi khách. Ảnh: Minh Đãm.

Khách trong nước thì mới dùng nhiều trái cây, chứ khách nước ngoài thì ăn một hai trái lấy vị cho biết chứ ít khi nào ăn liền một mạch cả bụng. Khách Tây thường chỉ thích đến tham quan, chụp ảnh rồi họ nhanh chóng rời đi để đi được nhiều điểm hơn.

Chị Hoàng, chủ homestay Ngọc Phượng ở ấp Bình Lương, xã An Bình cho biết: “Buổi đầu còn bỡ ngỡ chứ làm du lịch lâu rồi thì chẳng ai xa lạ gì nữa. Khách Tây đến đây thích đạp xe đi lòng vòng, tìm hiểu đời sống của người dân mình hơn. Ai mà biết nói tiếng Anh, nói chuyện với họ, họ rất thích. Gặp nhà nào đám giỗ, đám cưới mời họ vô ăn cơm, nhậu vài ba ly bia, ly rượu là họ thích lắm, vô liền hà.

Làm du lịch nông thôn, nông nghiệp tôi thấy mỗi người dân phải là một hướng dẫn viên du lịch. Vì vậy, học tiếng Anh quan trọng lắm. Còn khách nội địa mình cũng muốn tìm hiểu nhưng phải thật lạ chứ du lịch ở đâu cũng mang máng cách làm như nhau thì khách nội địa không hứng thú. Họ chỉ cần chỗ vui chơi, ăn uống thoải mái là được”.

Tự mình khám phá

Vĩnh Long là tỉnh có diện tích trái cây lớn thứ nhì tại ĐBSCL với nhiều loại trái cây, rau củ đặc sản như chôm chôm, nhãn, sầu riêng, cam, bưởi, thanh trà, xà lách, dấp cá... Tỉnh cũng có nhiều cù lao trên sông Cổ Chiên và sông Hậu. Đây là những điều kiện rất thuận lợi để phát triển du lịch sông nước miệt vườn nói riêng và du lịch nông nghiệp nói chung.

Tại các xã cù lao này, đất bãi bồi bà con trồng rất nhiều loại trái cây đặc sản rất tốt. Buổi đầu bà con làm du lịch cũng là tự phát. Sau này, ngành nông nghiệp cũng đã phối hợp với các cơ quan ban ngành khác của tỉnh dần dần từng bước hình thành các vùng chuyên canh cây ăn trái đặc sản, an toàn với đa dạng trái cây có quanh năm bốn mùa. Từ đó, du lịch sông nước miệt vườn ở xứ sở cù lao này càng ngày nở rộ, phát triển mạnh.

Chị Lê Thị Thuỳ Phương, con gái thứ hai (đầu lòng) của cô chủ vườn Bé Sáu. Ảnh: Minh Đãm.

Chị Lê Thị Thuỳ Phương, con gái thứ hai (đầu lòng) của cô chủ vườn Bé Sáu. Ảnh: Minh Đãm.

Du khách đến Vĩnh Long được đưa về 4 xã cù lao An Bình, vào tham quan các vườn chôm chôm, mận, xoài, nhãn, sầu riêng, măng cụt... và thưởng thức trái cây chín tại vườn, mua về làm quà cho bạn bè và gia đình. Du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng phát triển rất sớm ở 4 xã cù lao An Bình, khách ngủ nhà dân (homestay), đi xe đạp qua các xã để tìm hiểu cảnh quan sinh hoạt, văn hóa của làng quê Việt Nam.

Khách du lịch tìm đến các nhà vườn để tìm hiểu cách sản xuất chăm sóc vườn cây, thưởng ngoạn những vườn cây oằn sai và thích nhất là tự tay mình hái những trái từ trên cây xuống thưởng thức. Du khách xuống xuồng được các chàng trai, cô gái bản địa đưa đi trên các con sông thưởng ngoạn cảnh sông nước của một vùng cù lao đa dạng cây con sinh sống hai bên bờ sông và cảnh sinh hoạt, sản xuất của nhân dân trên hai bờ sông.

Hiện nay, nhờ chương trình xây dựng nông thôn mới các xã cù lao đang ngày ngày trở mình. Đường sá đang được đầu tư dần khang trang hơn trước. Các xã cù lao đang từng bước mang dáng dấp của một vùng thôn quê hiện đại với những con lộ tráng nhựa, trải đan. Hai bên đường là hàng cây xanh oằn trái, những mái nhà tường kiểu dáng của trời Âu đang hiện lên giữa một vùng quê. Khách đến cảm nhận được người dân quê hiền lành chất phác, mộc mạc giản dị dễ gần đến rồi lưu luyến mãi không thôi.

Loại hình du lịch này phát triển mạnh vào thập niên 80, 90 của thế kỷ trước và có nhiều cách gọi, như ở Anh gọi là "Du lịch nông thôn", ở Mỹ là "Du lịch trang trại", Nhật Bản gọi "Du lịch xanh", ở Pháp gọi "Du lịch cỏ cây". Ở Áo, du lịch nông nghiệp được tổ chức rất chuyên nghiệp mặc dù người làm nông nghiệp chỉ chiếm 3% dân số. Ở Hàn Quốc, các tour du lịch nông nghiệp đã triển khai từ năm 2006 và được xem như một trong những chiến lược phát triển nông nghiệp chính yếu, nhằm giúp người nông dân bù đắp sự giảm sút thu nhập từ nông nghiệp.

Xem thêm
Chương trình hành động của Chính phủ chống khai thác IUU

Mục đích của Chương trình hành động là xác định chống khai thác IUU là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, có ý nghĩa lâu dài đối với phát triển bền vững ngành thủy sản.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hai giám đốc sở chỉ đạo cứu lúa trên cánh đồng Mường Lò

Giám đốc hai Sở: NN-PTNT và Công thương tỉnh Yên Bái trực tiếp chỉ đạo chống hạn cho diện tích lúa tại cánh đồng Mường Lò (thị xã Nghĩa Lộ).