Sáu mươi năm lịch sử nền Điện ảnh Việt Nam chỉ vỏn vẹn chừng 20 bộ phim lịch sử. Trong số ấy cũng chỉ có ít bộ phim xem được, chưa có những bộ phim xuất sắc.
Quân Thanh tiến vào Thăng Long từ… Đà Lạt
Đó là một chi tiết được đạo diễn Đào Bá Sơn của "Long thành cầm giả ca" bật mí từ “hộp đen” của mình. Đạo diễn kể chuyện, khi làm phim đoàn binh mã của quân nhà Thanh tràn vào thành Thăng Long qua ải Chi Lăng, đạo diễn đã định quay ở ải Chi Lăng cho thật chân thực. Tuy nhiên, kiếm cả khu vực không có được quá chục con ngựa. Mà toàn ngựa bé, gầy thì không thể tái hiện được sức mạnh của quân xâm lược. Bởi vậy, đạo diễn đã phải chuyển cả đoàn lên Đà Lạt để quay. Ở đó có cả trang trại hàng trăm con ngựa to, đẹp phù hợp để thực hiện ý đồ của ông. Và thế là ải Chi Lăng lại được quay ở thung lũng Suối Vàng (Đà Lạt). Với kinh nghiệm làm phim của mình, Đào Bá Sơn đã không để khán giả “bắt thóp” được nhưng cũng là câu chuyện hài hước và đáng buồn của điện ảnh lịch sử Việt Nam.
Cảnh trong phim "Long thành cầm giả ca" của Đào Bá Sơn
Một ví dụ nữa để thấy việc làm phim manh mún của phim sử Việt Nam. Bộ phim lịch sử “Đêm hội Long Trì”, nói về kinh thành Thăng Long nhưng các nhà làm phim phải quay ở... kinh thành Huế. Rõ ràng, hai kinh thành này không thể giống nhau. Điều này cũng được bà Ngô Phương Lan, Cục trưởng Cục Điện ảnh (Bộ VHTTDL), thừa nhận là một nguyên nhân khiến phim lịch sử thiếu và yếu.
“Chúng ta đang thiếu trường quay. Ở Trung Quốc, Hàn Quốc... người ta chủ yếu quay phim lịch sử trong trường quay. Không có trường quay, các nhà làm phim gặp khó khăn trong việc xây dựng bối cảnh gắn với di tích lịch sử, vì khó để phục chế những di tích có sẵn sao cho đúng như thời điểm lịch sử của phim. Vì không có trường quay nên việc làm phim phụ thuộc vào những di tích có sẵn”, bà Lan nói.
Sau trường quay, điều khiến cho chất lượng phim lịch sử của nước ta cũng hạn chế là vì chúng ta thiếu những bộ tiểu thuyết lịch sử để làm nền cho kịch bản phim. Bà Lan cho biết, Cục Điện ảnh đã tổ chức những cuộc thi viết kịch bản, trong đó khuyến khích đề tài lịch sử và thấy rằng việc đào bới pho tư liệu lịch sử gặp rất nhiều khó khăn. Trong khi đó thì kinh phí hạn chế. Nhà nước đầu tư cho phim truyện lịch sử chiếu ở rạp chỉ trên dưới 10 tỉ đồng. Tư nhân bỏ tiền làm phim lịch sử- dã sử nghiêm túc như “Khát vọng Thăng Long”, “Thiên mệnh anh hùng” khoảng vài chục tỉ đồng đã đạt mức “đỉnh” về đầu tư.
Thiếu tài năng
Đã có rất nhiều cuộc hội thảo nói về thực trạng yếu kém của nền Điện ảnh Việt Nam nói chung và dòng phim lịch sử nói riêng nhưng lần đầu tiên, có một người “dám” nói lên điều này giữa chốn đông người, đó là nhà biên kịch Lê Phương.
Cuộc hội thảo ngày 6/11 của Hội Điện ảnh Việt Nam với chủ đề “Nhân vật lịch sử trong phim truyện Việt Nam” mới chỉ là bước khởi đầu để tổ chức một cuộc hội thảo khoa học toàn quốc về “Sáng tạo văn học nghệ thuật về đề tài lịch sử” sẽ diễn ra vào đầu tháng 12/2012. Cuộc hội thảo này được thực hiện bởi sự chỉ đạo của Ban Bí thư, Ban Tuyên giáo Trung ương và Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương. Hy vọng, với sự quan tâm từ cấp cao về vấn đề này, đề tài lịch sử không còn là điểm yếu của nền điện ảnh cũng như nền văn học nghệ thuật nước nhà. |
Ngoài tiền thì theo nhà biên kịch kỳ cựu này, cái quan trọng nhất là thiếu tài năng: “Chúng ta còn thiếu nhiều thứ như trường quay, kịch bản, tiền… nhưng làm phim lịch sử thì quan trọng nhất là liều và tài. Phải đầu tư cho người có tài. Hiện nay, chúng ta vẫn duy trì các làm chọn kịch bản theo phong trào, đấu thầu thì không thể có phim lịch sử hay được. Không ai đi đấu thầu người tài”.
Nhà biên kịch Lê Phương cũng cho rằng, Nhà nước cần quan tâm để làm phim lịch sử có bài bản chứ không chỉ vào dịp “giỗ”, trước mắt, chưa làm được phim có quy mô, tầm vóc lớn như phim triều đại thì chọn các danh nhân lịch sử phù hợp với thực tế đạo diễn, diễn viên, biên kịch… để thực hiện.
Điều này, cũng được đạo diễn Đào Bá Sơn ủng hộ. Tuy nhiên, đạo diễn của “Long thành cầm giả ca” cho rằng, giữa hàng trăm đạo diễn mới có được vài đạo diễn giỏi, nhưng không phải phim nào của đạo diễn giỏi cũng là phim hay. Một đạo diễn giỏi làm trăm phim thì cũng chỉ được một nửa phim hay là cùng. Bởi vậy, quan trọng là phải hình thành thói quen làm phim sử. Ví dụ, đạo diễn đã làm phim sử rồi, đã có kinh nghiệm rồi thì sẽ làm tốt hơn. Bởi vậy, khi chọn người để làm phim thì phải chọn cho đích đáng.