| Hotline: 0983.970.780

Mỗi cây xanh được trồng là món quà vô giá gửi đến tương lai

Thứ Năm 15/02/2024 , 11:38 (GMT+7)

Tham dự Tết trồng cây xuân Giáp Thìn 2024 tại tỉnh Tuyên Quang, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nhấn mạnh: ‘Mỗi cây xanh được trồng là món quà vô giá gửi đến tương lai’.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng: Mỗi cây được trồng là món quà vô giá gửi đến tương lai. Ảnh: Bảo Thắng.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng: Mỗi cây được trồng là món quà vô giá gửi đến tương lai. Ảnh: Bảo Thắng.

Trồng cây bằng tình yêu, lòng biết ơn

Ngày 15/2 (mùng 6 Tết) tại xã Kim Phú, thành phố Tuyên Quang, Bộ NN-PTNT phối hợp với UBND tỉnh Tuyên Quang đã tổ chức Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ xuân Giáp Thìn năm 2024. Dự Tết trồng cây có Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cho biết, mùa xuân là mùa của chồi non, lộc biếc, mùa của gieo niềm hy vọng. Trồng cây là hành động đẹp và ý nghĩa. Mỗi cây được trồng là món quà vô giá gửi đến tương lai cho thế hệ mai sau. Cây cối đã giúp cho sự sống của chúng ta, vì vậy chúng ta cần bảo vệ và trồng nhiều cây hơn nữa bằng tình yêu, lòng biết ơn và sự khiêm nhường đối với thiên nhiên tươi đẹp.

Đó cũng là hành động, góp phần xây dựng đất nước ngày càng xanh, sạch, đẹp và phát triển bền vững, khẳng định một Việt Nam có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế trong việc gìn giữ và bảo vệ môi trường, chung tay giải quyết các thách thức toàn cầu vì một trái đất xanh.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và các đại biểu tham gia Tết trồng cây tại Tuyên Quang. Ảnh: Bảo Thắng.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và các đại biểu tham gia Tết trồng cây tại Tuyên Quang. Ảnh: Bảo Thắng.

Theo Chủ tịch nước, thì việc bảo vệ rừng có chuyển biến tích cực. Lần đầu tiên nước ta thực hiện thành công giảm phát thải 10,3 triệu tấn các bon trị giá gần 1.200 tỷ đồng. Cùng với cả nước phát huy truyền thống vùng đất cách mạng giàu lịch sử, bản sắc văn hóa, tỉnh Tuyên Quang luôn là địa phương đi đầu về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Nêu cao quyết tâm phát triển lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp thành ngành kinh tế chủ lực, góp phần không nhỏ vào mục tiêu xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh của tỉnh.

Đời sống của người dân ngày càng tiến bộ, các thành tích về tỷ lệ trồng rừng mới hằng năm của Tuyên Quang đều đạt trên 11.000ha. Tỷ lệ che phủ rừng luôn được giữ vững, ổn định trên 65% đứng nhóm đầu cả nước. Tuyên Quang là tỉnh đứng thứ 2 cả nước về quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế, kinh tế lâm nghiệp phát triển mạnh mẽ, góp phần vào sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương và cả nước.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đánh giá cao và biểu dương kết quả mà tỉnh Tuyên Quang đã đạt được, biểu dương các địa phương, cơ quan, đơn vị có nhiều sáng kiến, cách làm hay thiết thực hiệu quả trong thực hiện phong trào Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ.

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu ngày càng gay gắt, đa dạng sinh học bị suy giảm, chủ trương nhất quán và xuyên suốt của Việt Nam là hướng đến phát triển bền vững, quyết tâm ứng phó với biến đổi khí hậu, xây dựng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn thân thiện với môi trường. Việt Nam đang từng bước thực hiện mạnh mẽ các cam kết cùng với sự hỗ trợ của các nước phát triển về công nghệ và tài chính, để đạt phát thải ròng bằng không vào năm 2025.

Trong dịp Tết trồng cây, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và các đại biểu đã trồng được 2ha rừng. Ảnh: Bảo Thắng.

Trong dịp Tết trồng cây, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và các đại biểu đã trồng được 2ha rừng. Ảnh: Bảo Thắng.

Chủ tịch nước mong muốn các cấp ủy, chính quyền, mặt trận tổ quốc, đoàn thể và nhân dân Tuyên Quang với truyền thống quê hương cách mạng vẻ vang, với khát vọng xây dựng quê hương đất nước ngày càng tươi đẹp và phồn vinh, sẽ có kế hoạch và chương trình hành động cụ thể, thiết thực; gắn trồng cây gây rừng, bảo tồn đa dạng sinh học với giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống, xây dựng nông thôn mới, nâng cao chất lượng đời sống cho nhân dân, góp phần xây dựng Tuyên Quang phát triển nhanh và bền vững.

Chủ tịch nước đề nghị các ngành, các cấp tổ chức tốt hoạt động tuyên truyền, giáo dục để thấy rõ được lợi ích của việc trồng cây, bảo vệ phát triển rừng, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, góp phần bảo vệ bền vững môi trường sinh thái. Việc tổ chức trồng cây phải đảm bảo chất lượng, thiệt thực, hiệu quả; chú trọng lựa chọn cây trồng bản địa, cây rừng đa tác dụng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, mùa vụ trên địa bàn. Đảm bảo cây sau khi trồng có tỷ lệ sống cao, sinh trưởng phát triển tốt.

770 triệu cây xanh đã được trồng

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Quốc Trị phát biểu tại Tết trồng cây. Ảnh: Bảo Thắng.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Quốc Trị phát biểu tại Tết trồng cây. Ảnh: Bảo Thắng.

Ngày 1/4/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 524/QĐ-TTg phê duyệt “Đề án trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025”. Kết quả sau 3 năm thực hiện Đề án, cả nước đã trồng được 770 triệu cây, đạt 121,4% so với kế hoạch 3 năm, gồm trồng mới 335 triệu cây xanh phân tán và trồng mới 435 triệu cây xanh tập trung (tương đương với 212.370ha).

Trong quá trình thực hiện Đề án, đã có nhiều địa phương trồng cây xanh đạt kết quả cao (trên 30 triệu cây), như các tỉnh Lào Cai, Phú Thọ, Long An, Gia Lai, Nghệ An. Các tỉnh trồng được trên 20 triệu cây như Lai Châu, Lâm Đồng, Kom Tum, Lạng Sơn, Thanh Hóa, Yên Bái, Sơn La và Cà Mau. Các bộ, ngành, cơ quan Trung ương như Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh đã tổ chức nhiều đợt và trồng được 49,2 triệu cây xanh. Bộ Quốc phòng tổ chức trồng được trên 9,58 triệu cây phân tán và hơn 4.800ha rừng trồng. Bộ Tài Nguyên Môi trường trồng được 605ha rừng trồng tập trung. Bộ Công an trồng được gần 328 ngàn cây...

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Quốc Trị (ngoài cùng bên phải) và các đại biểu trồng cây tại xã Kim Phú, thành phố Tuyên Quang. Ảnh: Đào Thanh.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Quốc Trị (ngoài cùng bên phải) và các đại biểu trồng cây tại xã Kim Phú, thành phố Tuyên Quang. Ảnh: Đào Thanh.

Nhiều tổ chức, doanh nghiệp đã tham gia tích cực như Công ty TNHH Xã hội Trồng và Phục hồi rừng Việt Nam, Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên GAIA, Ngân hàng Agribank, Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam, Công ty Toyota Việt Nam và rất nhiều tổ chức, cá nhân khác trên khắp mọi miền của tổ quốc. Trong 3 năm triển khai, đã thu hút được gần 9.450 tỷ đồng, từ nhiều nguồn vốn. Trong đó từ vốn xã hội hóa là 4.110 tỷ đồng, chiếm 43,5%; vốn ODA và nguồn vốn khác là 3.090 tỷ đồng, chiếm 32,7%; vốn ngân sách nhà nước là 2.250 tỷ đồng, chiếm 23,8%.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Quốc Trị cho biết, năm 2023, do tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, tình hình xung đột địa chính trị các nước trên thế giới diễn biến phức tạp, lạm phát thế giới ở mức cao, thị trường xuất khẩu lâm sản phục hồi chậm, đã ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông, lâm nghiệp trong nước.

Mặc dù vậy, với sự cố gắng của các địa phương, năm qua cả nước đã trồng được 260.000ha rừng trồng tập trung và 127 triệu cây xanh phân tán, góp phần đảm bảo nguồn cung cấp nguyên liệu ổn định cho công nghiệp chế biến. Giá trị xuất khẩu lâm sản đạt 14,4 tỷ USD, trong đó xuất siêu là 12,2 tỷ USD. Sản lượng khai thác đạt trên 22 triệu m3 gỗ; tỷ lệ che phủ rừng được duy trì 42,02%. Công tác bảo vệ rừng có chuyển biến tích cực, theo hướng giảm cả về số vụ vi phạm và diện tích rừng bị thiệt hại. Thu dịch vụ môi trường rừng đạt 4.130 tỷ đồng.

Các đại biểu tham gia trồng cây xanh. Ảnh: Đào Thanh.

Các đại biểu tham gia trồng cây xanh. Ảnh: Đào Thanh.

Đặc biệt lần đầu tiên nước ta thu được từ dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các bon của rừng với số tiền gần 1.200 tỷ đồng. Đây là nguồn tài chính quan trọng và bền vững của ngành, đóng vai trò quan trọng trong kết quả chung của toàn ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị cũng đưa ra các mục tiêu, kế hoạch năm 2024, với những chỉ tiêu cơ bản là: Tốc độ gia tăng sản xuất lâm nghiệp từ 3,5% đến 4,0%, trồng rừng 245 nghìn ha, trồng mới 127 triệu cây xanh, giá trị xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản ngoài gỗ 15,2 tỷ USD, thu dịch vụ môi trường rừng 3.200 tỷ đồng; duy trì tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 42,02%.

Sau lễ phát động Tết trồng cây, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và các đại biểu đã tham gia trồng 2ha rừng tại xã Kim Phú, thành phố Tuyên Quang.

Xem thêm
Tây Ninh phấn đấu là nơi đáng sống và động lực tăng trưởng vùng

TÂY NINH Với thiên thời, địa lợi, nhân hòa, 'nóc nhà Đông Nam bộ' đặt mục tiêu trở thành nơi đáng sống và động lực tăng trưởng cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Cho vay theo chuỗi giá trị, kênh 'bơm vốn' giảm rủi ro trong sản xuất nông nghiệp

Hội thảo 'Thực trạng cho vay theo chuỗi giá trị tại Việt Nam và một số nước Đông Nam Á' thảo luận về các kinh nghiệm tín dụng nông nghiệp hiện nay.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cựu binh Đồi A1 & ký ức 'máu trộn bùn non'

Tròn 70 chiến thắng Điện Biên Phủ nhưng những đồng đội, những nắm cơm, những chiến hào 'máu trộn bùn non'… vẫn còn mãi trong tâm trí nhà giáo ưu tú Đỗ Ca Sơn.