| Hotline: 0983.970.780

Mỗi nhà một két bạc...

Thứ Tư 06/02/2008 , 08:18 (GMT+7)

Người Chiềng Sung (Mai Sơn, Sơn La) có một thú lạ mua ô tô để đi làm nương. Họ tính toán đi ô tô còn rẻ hơn xe máy bởi lúc về ô tô sẽ "cõng" cả người và ngô. Và, cũng chính từ những phép tính khôn ngoan tương tự nên cái đói, cái nghèo ở đây chỉ còn trong... kí ức!

Một két bạc, một bếp gas và...

Chiềng Sung nghĩa là bản cao. Người dân gọi vui, nơi đây là vùng sâu của vùng xa. Thế nhưng, khi đặt chân lên lần đầu, cách đây tròn một năm, tôi thấy choáng ngợp bởi nhẽ mọi thứ cứ như ở một khu nghỉ dưỡng. Những ngôi nhà nguy nga đến nỗi những “đại gia” phố thị cũng chỉ dám... nằm mơ.

Trưởng bản Cao Sơn Hoàng Văn Long khoe rằng, bản của ông bói không ra một hộ nghèo. Ít ai ngờ rằng, ông trưởng bản trước đây cũng từng mò mẫm lên rừng đào từng củ mài để cứu đói cho cả gia đình. Giờ thì đã khác. Ông Long ngồi chễm trệ trên bộ ghế sôpha bọc da sang trọng, tíu tít nghe điện thoại di động. Vợ ông mê mải ngồi xem bộ phim Hàn Quốc trên chiếc tivi siêu mỏng rộng thênh thang. Ngó trong nhà, tôi còn thấy một chiếc tủ lạnh to vật vã, điện thoại bàn rung reng ầm ĩ. Chiếc két sắt sừng sững đầy kiêu hãnh ở góc nhà. Khu nhà bếp chẳng thiếu thứ gì: Bếp ga, xoong chảo đẹp đẽ. Khu vệ sinh thì rất vệ sinh...

Ông Long cười khà khà: “Chú chớ có ngạc nhiên, ở bản Cao Sơn cỡ nhà anh thì cũng chỉ... xoàng xoàng thôi. Không riêng gì ở đây, cả Chiềng Sung này, mô hình mỗi nhà là: Két bạc + xe máy + tủ lạnh + bếp ga + điện thoại... tóm lại là chả thiếu thứ gì”. Nhìn vợ chồng anh Long nói cười mãn nguyện, no đủ thì không ai nghĩ họ đang ở bản có cái tên nghe đã thấy heo hút, xa xôi: Cao Sơn.

Giàu có ở đây không phải thứ giàu của kẻ trọc phú. Bằng chứng là người dân biết lo và lo xa cho tương lai của con em mình bằng cách tạo mọi điều kiện để chúng được học hành tới nơi tới chốn. Tôi phải ngả mũ kính phục khi ông Long cho hay, hiện nay bản Cao Sơn có tới 25 em đang học Đại học và Cao đẳng, còn trung cấp thì...    không tính. Một làng ở dưới xuôi, được thế đã nể, đằng này ở một bản miền núi, sự học trăm bề khó khăn, thành tích không đáng biểu dương sao đành?

Ngồi ở bản Cao Sơn, chốc chốc lại có chiếc ôtô lướt nhẹ nhàng, ông Long bấm ngón tay nói nhẹ bâng: “Trước thì nhiều, bây giờ bán đi bán lại, bản chỉ còn... 10 chiếc ôtô”.

Biết cách “bắt tay”...

Không phải ngẫu nhiên mà người dân Chiềng Sung giàu. Trong kí ức của ông Lường Thanh Bình - Chủ tịch UBND xã, thì Chiềng Sung cũng “rách” lắm. Năm ông Bình 12 tuổi, bản Búc của ông chỉ vỏn vẹn 24 hộ dân. Đất bằng, mầu mỡ quanh nhà bát ngát nhưng tất cả “thích” lội bộ 8km đường rừng lên nương... phá rừng để tồn tại. Ông Bình nói vui mà đắng đót: “Trước đây, người dân không biết sử dụng đất bằng phẳng để làm gì”. Cái tư duy thích đi thâu đêm trong rừng bắt được dù chỉ một con chuột vẫn khoái hơn là ở nhà chuột chạy tung tăng, ném chiếc dép cũng chết vài con, vẫn ngự trị nặng nề trong “đấng mày râu”.

Đất đai mầu mỡ, người dân lười nhác nên nơi đây đã từng là rốn trồng cây anh túc. Nhưng cũng rất may thời gian tội lỗi ấy cũng chỉ kéo dài 3 năm, không thì dân Chiềng Sung cũng đã rơi rụng vãn vì nghiện, vì tù tội – ông Bình hài hước nói.

Sau cây anh túc hàng loạt cây mới được đưa vào đây trồng thí nghiệm như cây chẩu, dâu tằm, cà phê... nhưng vẫn chưa hợp với thổ nhưỡng. Dân chúng vẫn đói khổ miên man. Bằng chứng, qua lời kể của ông Hoàng Văn Long, con đường từ Chiềng Sung ra thị trấn Hát Lót (huyện lỵ Mai Sơn) chỉ vỏn vẹn 20 cây số nhưng xe ba gác phải chạy vật vã 2 ngày 1 đêm mới tới nơi, chậm hơn cả đi bộ.

Vậy điều kì diệu nào khiến Chiềng Sung giàu có? Chủ tịch Lường Thanh Bình trả lời dứt khoát: Cây ngô. Và, ngô được gọi là cây “phép mầu” ở đây.

“Phép mầu” đó đến với Chiềng Sung vào những năm 1994, 1995. Nhưng, thời điểm ấy bà con phải “làm chui” hay nói cách khác là đi trước chủ trương. Nhà báo lão thành Hữu Thọ quả nhiên đúng khi ông nói đại ý rằng, mọi chủ trương đều là “con đẻ” của thực tiễn. Và, chính cách “làm chui” này mở ra một chân trời mới cho Chiềng Sung.

Tôi đi khắp làng trên xóm dưới, gặp ai cũng câu trước câu sau nói rằng nhờ có Cty Cổ phần Nông nghiệp Chiềng Sung (tiền thân là Nông trường Chiềng Sung) mà cuộc sống của họ sung sung túc. Nông trường là nơi mang về giống ngô lai VM1, TSB1... đầu tiên. Người dân là thế, ơn ai thì ơn suốt đời.

Nhưng, sự trù phú mà Chiềng Sung có được, nói theo Anh hùng lao động Lê Xuân – nguyên Giám đốc Sở NN – PTNT tỉnh Sơn La, mới nhậm chức Cục trưởng Cục Chế biến, Thương mại nông lâm thuỷ sản và nghề muối (Bộ NN – PTNT) thì đó là cuộc “bắt tay” và cách “bắt tay” giữa nông dân và Cty CP Nông nghiệp Chiềng Sung. Ông Xuân cũng nhấn mạnh rằng, Cty Chiềng Sung đã làm tốt vai trò “bà đỡ” cho người nông dân.

Nông nghiệp Việt Nam từng có bài điều tra “Thủ phủ ngô đầm đìa trong nợ” phản ánh nỗi khốn đốn của người trồng ngô ở Mai Sơn bị tư thương “hút máu”. Tư thương cho vay tiền, vay giống với giá cắt cổ, ngô chưa kịp chắc hạt người dân đã bị bắt nợ trên nương nên ở đây có câu nói cửa miệng đắng đót để ví những người dân bần cùng này là “con gà không nhìn thấy mặt hạt ngô”. Nhưng, cách làm giữa người dân và Cty Chiềng Sung thì khác hoàn toàn.

Ông Lộc Mậu Triển – Giám đốc Cty Chiềng Sung cho hay Cty của ông và bà con thực sự “bắt tay” nhau làm giàu chính đáng với mục đích tối thượng là hai bên đều thấy mãn nguyện. Mỗi năm Cty giúp hộ nghèo 100 tấn ngô với hình thức trả chậm theo Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất chỉ là 0,6% trong khi Cty vẫn phải nghiến răng đi vay với giá 1,1%. Điều đặc biệt là không có chuyện Cty bắt nợ trên nương. Nếu ai trồng ngô thương phẩm thì tuỳ, muốn bán cho ai thì bán còn nếu ai chấp nhận trồng ngô giống thì hợp đồng bán cho Cty với giá hợp lý. Không có bất cứ sự chèn ép nào.

Tôi biết được điều này là qua Chủ tịch xã Lường Thanh Bình. Anh Lò Văn Phòng (bản Nong Sơn) đến nay vẫn còn mừng cuống khi nói về cuộc “bắt tay” giữa anh và Cty Chiềng Sung. Số là, anh Phòng ở tận huyện Mường La, vợ mất sớm. Năm 1993, anh dạt sang đây “đi bước nữa” nhưng trong túi không có nổi lấy một cắc nên đành xin ở gầm nhà sàn người quen. Cuộc sống hai vợ chồng thời đó vất vả thì khỏi phải kể nữa. Sau đó, Cty Chiềng Sung cấp đất để làm nhà, cung ứng giống, “cầm tay chỉ việc” cho trồng ngô. Nay thì anh Phòng đã trở thành triệu phú với đầy đủ xe máy, ti vi, tủ lạnh, điện thoại… Mỗi vụ anh cũng thu được chừng 40 tấn ngô, vứt đi cũng có 150 triệu đồng. Mọi thứ đến ào ạt như một giấc mơ!

Vào thăm nhà nào ở Chiềng Sung cũng thích. Nhà nào nhà nấy ngô nứt cả cót, tràn cả ra sân. Thường thì thu hoạch xong, người dân đã vội bán ngô nhưng riêng ở đây và cũng có thể là duy nhất, người dân tích ngô qua Tết đợi giá đội lên tới 4.000 đồng/kg thậm chí còn cao hơn nữa mới bán. “Bài” này cũng do Cty Chiềng Sung “mách” cho.

Tôi hỏi ông Lộc Mậu Triển rằng, đầu tư như thế phía Cty được gì? Ông Triển thẳng thắn nói rằng, nếu “bắt chẹt” người dân để làm giàu thì không phải khó nhưng Cty đã không làm thế, đổi lại tạo được mội trường làm ăn bền lâu, an ninh trật tự tốt. Khi Cty muốn mở rộng sản xuất ngô giống, người dân ủng hộ vui vẻ, bởi Cty chỉ có vỏn vẹn 190ha đất.

Thật hiếm có nơi đâu, một xã vùng sâu, xa xôi lại giàu có như ở Chiềng Sung.

Xem thêm
Cần sớm ban hành tiêu chuẩn cho các mặt hàng rau quả chủ lực

Hiệp hội Rau quả kiến nghị Bộ NN-PTNT có thêm những chương trình, chính sách để hỗ trợ ngành hàng nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm và xuất khẩu bền vững.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Startup Việt thắng giải WorldCup về công nghệ nông nghiệp

Enfarm, doanh nghiệp ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và Internet vạn vật (IoT) nhằm đo và tư vấn cho nông dân về dinh dưỡng cây trồng, đã xuất sắc đạt danh hiệu Market.

Đề nghị mở rộng tuyến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên lên 6 làn xe

Mới đây, Bộ GTVT đã có văn bản trả lời cử tri Thái Nguyên về việc đề nghị mở rộng, nâng cấp đoạn cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên lên 6 làn xe.