| Hotline: 0983.970.780

Thứ Tư 12/07/2023 , 16:37 (GMT+7)
Lê Thiếu Nhơn

Lê Thiếu Nhơn

Nhà thơ 16:37 - 12/07/2023

Món quà cám ơn nằm ngoài đường băng chuyến bay giải cứu

Món quà cám ơn những cán bộ, không hề mang ý nghĩa chân tình, mà xem như khoản phí bắt buộc để các doanh nghiệp được tham gia thực hiện chuyến bay giải cứu.

“Món quà cám ơn” không còn giữ nguyên khái niệm vốn có, trong đại án “chuyến bay giải cứu” đang được Tòa án Nhân dân Hà Nội xét xử công khai. “Món quà cám ơn” có giá trị từ vài trăm triệu đồng đến vài tỷ đồng, thì quan hệ giữa người đưa và người nhận đã nằm ở một cấp độ khác, phức tạp hơn và éo le hơn.

“Món quà cám ơn” hao hao một uyển ngữ mà các cựu cán bộ tỏ ra thích thú sử dụng để ngụy biện cho hành vi nhận hối lộ, khi trình bày trước cơ quan điều tra và hội đồng sơ thẩm.

Chỉ riêng bị cáo Hoàng Diệu Mơ, Tổng giám đốc Công ty TNHH Thương mại du lịch dịch vụ hàng không An Bình, khai rằng đã đưa “món quà cám ơn” đến 26 lần cho các lãnh đạo ở Bộ Ngoại giao. Cụ thể, 8 “món quà cám ơn” cho cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng có tổng số tiền là 8,5 tỷ đồng, 11 “món quà cám ơn” cho cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự Nguyễn Thị Hương Lan có tổng số tiền là 13,2 tỷ đồng và 7 “món quà cám ơn” cho cựu Cục phó Cục Lãnh sự Đỗ Hoàng Tùng có tổng số tiền là 2,6 tỷ đồng.  

Những "món quà cám ơn" được giao dịch trong bóng tối, đều nằm ngoài đường băng của chuyến bay giải cứu. Thậm chí, với thái độ có vẻ thật thà, cựu Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chử Xuân Dũng còn không nhớ đã nhận bao nhiêu “món quà cám ơn” mà phải nhờ các bị cáo khác nhắc nhở dùm.

Cũng may, bị cáo Lê Thị Ngọc Anh (cựu chuyên viên Phòng Nhà khách Vụ Lễ tân, Ban Đối ngoại Trung ương) không bị mắc chứng mất trí nhớ, nên khai đã gặp và đưa “món quà cám ơn” cho cựu Phó Chủ tịch UBND Hà Nội Chử Xuân Dũng tổng cộng 54.000 USD và 300 triệu đồng.

Qua cáo trạng dài hơn 100 trang mà Viện Kiểm sát truy tố 54 bị cáo trong đại án “chuyến bay giải cứu”, người thờ ơ nhất cũng phải giật mình về sự lắt léo và sự táo tợn của những “món quà cám ơn”. Với tổ công tác 5 bộ triển khai “chuyến bay giải cứu”, thì trừ Bộ Quốc phòng, những “món quà cám ơn” đã xuất hiện ở Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế, Bộ Công an và Bộ Giao thông - Vận tải.

Các chủ doanh nghiệp liên quan đến tội danh “đưa hối lộ” đều cho biết, phải có “món quà cám ơn” cho cán bộ vì muốn tạo điều kiện cấp phép “chuyến bay giải cứu”. Do những “món quà cám ơn” không xuất phát từ sự tự nguyện nên có nhiều màu sắc lâm ly. Bị cáo Nguyễn Thị Dung Hạnh, Giám đốc Công ty G19, thú nhận: “Bị cáo có tham khảo một số công ty khác và được khuyên nên gửi món quà cám ơn, nên bị cáo đưa. Đứng ở tòa, bị cáo nhận thức được hành vi của mình là đưa hối lộ. Trước đó suy nghĩ của bị cáo là mọi người làm việc vất vả nên gửi món quà cám ơn”. 

Chỉ có một điều, các bị cáo không dám nói rõ là những “món quà cám ơn” đều trắng trợn lấy từ túi tiền eo hẹp của hàng vạn người Việt xa xứ vào thời điểm hoang mang và sợ hãi Covid-19, chỉ ao ước được trở về quê hương yên ổn ứng phó đại dịch toàn cầu.