| Hotline: 0983.970.780

Mong manh Tràm Chim giữa mùa lũ kiệt

Thứ Tư 21/10/2020 , 11:05 (GMT+7)

Vườn quốc gia Tràm Chim, một khu đất ngập nước điển hình của nước ta, đang trong tình trạng lũ kiệt.

Lũ kiệt nên mực nước đang kém hơn lũ lớn 2-3 mét.

Lũ kiệt nên mực nước đang kém hơn lũ lớn 2-3 mét.

Rộn ràng chuyện cá    

Lũ kiệt, nước trong Vườn quốc gia Tràm Chim đang thấp hơn lũ lớn khoảng 2-3m và nước trong những con kênh có màu xanh lạ.

Một người sinh ra ở vùng Đồng Tháp Mười, từng tham gia đoàn nghiên cứu ĐBSCL nhiều năm và nguyên Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp - khu chế xuất Cần Thơ, Kỹ sư Võ Thanh Hùng cho biết, đó là màu xanh của nước phèn nhôm, rất độc với các loài cá, có thể làm nổ mắt chúng. Nước phèn Đồng Tháp Mười có hai loại, phèn nhôm màu xanh, phèn sắt màu đỏ; phèn sắt có thể dùng vôi để trung hòa còn phèn nhôm thì chưa có cách gì xử lý được. Vườn quốc gia Tràm Chim thuộc vùng phèn nhôm.

Cho nên giữa mùa lũ mà việc bảo tồn cá nước ngọt ở đây vẫn được đặt ra nghiêm ngặt. Ông Đặng Văn Chuyên, người lâu năm gắn bó với Vườn quốc gia Tràm Chim (công tác từ năm 1983 và giai đoạn 2006 - 2015 làm Giám đốc) cho biết, Vườn rộng 7.313 ha có 130 loài cá nước ngọt. Như thế, ở đây đang bảo tồn hơn 28% tổng số 462 loài cá nước ngọt của ĐBSCL.

Số liệu của Vườn, năm qua công tác giám sát thủy sản ghi nhận được 77 loài thủy sản từ các hoạt động chất chà thu mẫu và theo dõi tại các miệng cống. Trong đó có 13 loài quý hiếm, nguy cơ tuyệt chủng cao và 3 loài ngoại lai. Những loài quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng cao là cá hô, ét mọi, leo, lóc bông, dày, duồng, ngựa nam, trèn bầu, trê vàng, trê trắng, mề rỗ, mây đá và thát lát còm. Còn 3 loài ngoại lai là cá lau kiếng, rô phi vằn và mè hoa. Cũng trong năm đã thả bổ sung các loài cá quý hiếm vào Vườn gồm 4.200 con cá hô và 50 kg cá trắm cỏ.

Nhiều loài cá có thể trên sông Tiền, sông Hậu chưa hiếm hoi đến mức nguy cấp nhưng trong Vườn đang phải bảo tồn ráo riết. Và nói chung, cá ở vùng rốn Đồng Tháp Mười đã cạn kiệt nhiều so với cách nay chưa quá xa. Một vị cựu hiệu trưởng trường phổ thông ở thị trấn Tràm Chim, ông Đỗ Ngọc Hà kể lại thời “cá đầy sông” cách nay nửa thể kỷ. Theo ông, hồi đó vùng này còn hoang vu và xa xôi, từ trường lên huyện họp chừng 30 cây số mà chỉ có đi đò, nửa đêm dậy đón đò dọc và mờ sáng mới tới. Vì hoang vu nên hay nhậu, ngồi chờ đò cũng nhậu, lại có nhiều cá dưới sông nên cứ nướng thơm lừng. Ông giáo già kể, chọn lúc nước đứng, giăng tay lưới mấy chục mét ngang kênh một hồi kéo lên được chục ký cá các loại, giữ con lớn để ăn, con nhỏ thả trở lại sông. “Chuyện thời đó nay như huyền thoại”, ông giáo già cười.

Kênh giữa Vườn quốc gia Tràm Chim nước xanh phèn nhôm và bờ tràm trơ gốc.

Kênh giữa Vườn quốc gia Tràm Chim nước xanh phèn nhôm và bờ tràm trơ gốc.

Bảo tồn có nhiều khó khăn  

Vườn quốc gia Tràm Chim được đánh giá là một trong những vườn quốc gia đẹp ở Việt Nam, sở hữu nhiều hệ sinh thái đặc trưng. Ngoài cá còn có 231 loài chim, chiếm hơn 1/4 số loài chim sinh sống ở Việt Nam. Những loài chim quý hiếm như ngan cánh trắng, cốc đế, công đất, bồ nông chân xám, đặc biệt là sếu đầu đỏ - một trong những loài chim lớn nhất họ nhà Hạc có tên trong sách đỏ thế giới. Bên cạnh là nhiều loại thực vật tên tuổi như tràm, lúa ma (lúa hoang), sen với hệ sinh thái đầm lầy rất phong phú.

Thống kê vào mùa khô nhưng Vườn cũng có 2.583 ha tràm, 2.497 ha năn ống, 810 ha lúa ma, 210 ha sen và súng, 151 ha cỏ bắc, 280 ha mai dương, khoảng 17 ha lục bình trải dài 48 km trên các tuyến kênh. Chính lúa ma ở Đồng Tháp Mười năm 1996, GS Nguyễn Thị Lang mang mấy hạt sang Viện Nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI) để theo học về công nghệ sinh học và đạt được nhiều kết quả tốt đẹp trong lai tạo giống. Đặc điểm nổi bật của lúa ma là có nhiều gen quý kháng được sâu bệnh, qua nghiên cứu lai tạo của GS Lang đã được phát triển.

Nhiều sinh vật quý có trong vườn cũng đặt ra cho công tác bảo tồn và phát triển của Vườn không ít thách thức. Thống kê của Vườn, diện tích bãi chim sinh sản và số lượng chim tại các bãi đang giảm qua các năm. Năm qua, khảo sát một bãi chim sinh sản rộng mấy nghìn mét vuông thấy giảm hơn nửa so với năm trước, chỉ còn 512 tổ chim cồng cộc và 310 tổ chim điêng điểng. Nguyên nhân là mật độ tràm tại các khu vực giảm (chết do chim làm tổ), nguồn thức ăn giảm, tình trạng xâm nhập trái phép và ảnh hưởng của yếu tố thời tiết.

Cũng năm qua, Vườn thống kê ở 22 điểm cố định, ghi nhận có 114 loài chim, gồm 101 loài thông thường và 13 loài quý hiếm. Những loài quý hiếm là sếu đầu đỏ, già đẫy lớn, già đẫy nhỏ, giang sen, cò thìa, quắm đầu đen, cò trắng, bồ nông chân xám, điêng điểng, le khoang cổ, hạc cổ trắng, rồng rộc vàng, sẻ đồng ngực vàng. Trong năm cải tạo bãi ăn rộng 10 ha cho chim và ghi nhận 16 loài chim đến kiếm ăn (có nhiều chim quý) với tổng tần suất xuất hiện 17.610 lượt, số lượng và lượt xuất hiện đã nhiều hơn năm trước.

Công tác bảo tồn và phát triển sinh vật, Vườn hợp tác với nhiều cơ quan trong và ngoài nước. Trong đó có dự án hỗ trợ người dân quanh Vườn làm ăn cải thiện cuộc sống để không xâm nhập trái phép vào Vườn. Cựu Giám đốc Đặng Văn Chuyên cho biết thêm, từ lâu đã cấm hàng quán ở trong và xung quanh Vườn bán các loài rắn, rùa, chim và cá có nguy cơ tuyệt chủng. Kế hoạch năm 2020 của Vườn nhấn mạnh đến dự án hợp tác với trường đại học trong nước bảo tồn đa dạng sinh học thích ứng với biến đổi khí hậu.

Cần sự chia sẻ

Trong công tác bảo tồn, báo cáo việc thu chi ngân sách của Vườn mạnh dạn nêu lên một khó khăn là thu nhập của nhân viên, viên chức còn thấp. Có thông tin là nhân viên trong Vườn móc nối cho người ngoài vào Vườn khai thác trái phép tài nguyên. Việc nâng cao thu nhập lại khó khăn, báo cáo viết: “Do tính đặc thù của đơn vị bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển du lịch nên đơn vị phải tiếp nhiều đoàn khách từ các sở, ngành trong và ngoài tỉnh, các vườn quốc gia và khu bảo tồn đến giao lưu học hỏi kinh nghiệm tại Vườn, phát sinh nhiều chi phí, do đó kinh phí tiết kiệm để chi thu nhập tăng thêm cho viên chức, nhân viên trong đơn vị còn hạn chế”. Cho nên, kế hoạch năm 2020, Vườn nêu một nhiệm vụ là “tiết kiệm chi phí tiếp khách” với quy định cụ thể khi tiếp khách “mức chi tối đa là 200.000 đồng/suất”. Nhiệm vụ này lại mong các đoàn khách đến làm việc có sự chia sẻ thì Vườn mới hoàn thành.

Xem thêm
Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai bộ.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Dông lốc liên tiếp ở Yên Bái làm 150 nhà dân bị sập đổ

Mưa lớn, kèm theo dông lốc, gió giật mạnh trong đêm 19, rạng ngày 20/4 làm 2 người bị thương và hơn 150 ngôi nhà ở tỉnh Yên Bái bị thiệt hại, sập đổ.

Hai giám đốc sở chỉ đạo cứu lúa trên cánh đồng Mường Lò

Giám đốc hai Sở: NN-PTNT và Công thương tỉnh Yên Bái trực tiếp chỉ đạo chống hạn cho diện tích lúa tại cánh đồng Mường Lò (thị xã Nghĩa Lộ).

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm