| Hotline: 0983.970.780

Một năm nắng nóng điên rồ!

Thứ Sáu 28/06/2019 , 08:31 (GMT+7)

Theo Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, mùa hè năm 2019 đã ghi nhận những đợt nắng nóng với nhiệt độ vượt mọi kỷ lục từ trước tới nay.

* Trung Bộ có thể bị “thiêu đốt” đến tháng 8/2019

Cảnh bảo từ nay đến tháng 7/2019, nắng nóng gay gắt vẫn còn diễn ra tại các tỉnh Trung bộ và Đồng bằng Bắc bộ, thậm chí có thể kéo dài sang tháng 8/2019.

Trao đổi với NNVN, TS Hoàng Phúc Lâm, Phó GĐ Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia cho biết: Từ đầu năm 2019 đến nay, nền nhiệt ở hầu khắp các khu vực trên cả nước đều có xu hướng cao hơn trung bình nhiều năm (TBNN) từ 1 - 2oC, thậm chí trong tháng 4/2019, nền nhiệt trung bình tại các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Bình còn cao hơn so với trung bình hàng năm từ 3 - 4oC. Xét về số đợt nắng nóng, từ đầu năm đến nay trên cả nước phổ biến ở mức TBNN.

16-10-34_ts_hong_phuc_lm
TS Hoàng Phúc Lâm.

Tại miền Trung tính đến thời điểm này đã xảy ra 7 đợt nắng nóng, không nhiều so với TBNN, tuy nhiên cường độ nắng nóng lại rất gay gắt, trong đó đã ghi nhận những nơi xảy ra nắng nóng với nhiệt độ vượt mọi kỷ lục trong lịch sử.

Trung bộ đang oằn mình trước đợt nắng nóng đặc biệt gay gắt và kéo dài. Có gì bất thường về tình hình nắng trong mùa hè năm nay thưa ông?

Về thời gian nắng nóng kéo dài, có thể nói năm 2019, đợt nắng nóng kéo dài từ ngày 3/6 tới nay (tính đến ngày 27/6) đã là 25 ngày liên tiếp và như vậy nó chỉ kém đợt nắng nóng kéo dài 32 ngày (9/5/2014 - 10/6/2014), đợt 39 ngày từ 14/5 - 21/6/2015. Tuy nhiên với dự báo nắng nóng gay gắt sẽ còn kéo rất dài tại Trung bộ, thời gian của đợt nắng nóng hiện tại có thể vượt qua các kỷ lục trước đây.

Về cường độ, các đợt nắng nóng năm nay có thể đánh giá là đặc biệt gay gắt, cụ thể tại Hương Khê (Hà Tĩnh) vào ngày 20/4, nắng nóng đã làm cho nền nhiệt ở đây tăng cao tới 43,4oC, cao nhất từ trước tới giờ.

Trong tháng 6 ở Con Cuông (Nghệ An) ngày 22/6 đã đo được nhiệt độ là 43,3oC, vượt lịch sử gần đây nhất là 42,2oC (vào ngày 19/6/2010); Hương Khê (Hà Tĩnh) ngày 22/6 là 42,1oC, vượt lịch sử gần đây nhất là 41,2oC (vào ngày 11/6/2015); Tuyên Hóa (Quảng Bình) ngày 22/6 là 41,6oC, vượt lịch sử gần đây nhất là 41,4oC (vào ngày 1/6/2015).

Nhiều diện tích chè ở huyện Anh Sơn (Nghệ An) héo rũ do thiếu nước. Ảnh: CTV.

Tại Nghệ An, nhiệt độ đo được ngày 22/6 tại trạm là 41oC, vượt lịch sử suốt từ năm 1983 đến nay (kỷ lục cũ là 39,9oC vào ngày 20/6/1983). Tại Quỳ Hợp (Nghệ An) ngày 22/6 đã đo được nhiệt độ 43oC, vượt lịch sử gần đây nhất là 42oC (vào ngày 19/6/2010) và thiết lập giá trị nhiệt độ cao nhất từ trước tới nay ở Quỳ Hợp.

Trước đó, trong tháng 4 ở các tỉnh miền Trung đã xảy ra nắng nóng gay gắt trên diện rộng với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 37 - 40oC. Nhiệt độ đo được tại Tuyên Hóa (Quảng Bình) lên tới 43oC, đặc biệt tại Hương Khê (Hà Tĩnh) đã đo được nhiệt độ lên tới 43,4oC, cao nhất từ trước đến nay ở Việt Nam.

Vậy trong những tháng tới, có thể xảy ra những đợt nắng nóng gay gắt kéo dài như thời gian qua nữa không? Ông có cảnh báo nào về nguy cơ của nắng nóng tới đời sống cũng như thiệt hại tới ngành nông nghiệp trong thời gian tới?

Năm nay, chúng ta đang chịu ảnh hưởng của hiện tượng El Nino yếu, một hiện tượng có quy mô toàn cầu và đang ảnh hưởng đến nước ta.

Theo dự báo của chúng tôi, khoảng thời gian trong 3 tháng tới (từ tháng 7 - 10/2019), trên phạm vi toàn quốc nhiệt độ phổ biến sẽ ở mức cao hơn TBNN cùng thời kỳ khoảng 0,5 - 1oC. Riêng khu vực Bắc bộ và Bắc Trung bộ tháng 11 - 12 dự báo ở mức cao hơn so với TBNN từ 1,0 - 1,5oC.

Trong những tháng tới, Bắc bộ và các tỉnh miền Trung vẫn còn có khả năng xảy ra nắng nóng trên diện rộng, nhưng thời gian nắng nóng sẽ không kéo dài như đợt nóng đang diễn ra ở miền Trung. Dự báo từ nay đến tháng 8 còn xảy ra nắng nóng và có khả năng tập trung nhiều hơn vào nửa cuối tháng 7 tại khu vực Bắc bộ và Trung bộ, trong đó khu vực đồng bằng Bắc bộ và Trung bộ còn có khả năng xảy ra nắng nóng gay gắt.

16-10-34_14-52-20__2
Nắng nóng, hạn hán khốc liệt sẽ còn kéo dài tại Trung Bộ thời gian tới.

Nắng nóng với cường độ bức xạ mạnh, nhiệt độ tăng cao và độ ẩm không khí giảm thấp khiến cho độ bốc hơi tăng mạnh, nguồn nước bề mặt và cả nước ngầm đều suy giảm (thậm chí có nơi cạn kiệt).

Nguy cơ thiếu nước ở các hồ chứa, hạn hán và nguy cơ rất cao gây cháy rừng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến SX nông nghiệp của người dân khu vực miền Trung do ít mưa và nắng nóng đã xảy ra nhiều ngày. Từ tháng 4/2019 đến nay, khu vực miền Trung đã có 7 đợt nắng nóng và nắng nóng đặc biệt gay gắt trên diện rộng, không chỉ gây đảo lộn cuộc sống người dân còn gây thiệt hại lớn về SX nông nghiệp.

Dự báo thời gian tới, khu vực chịu tác động nghiêm trọng nhất của nắng nóng vẫn là các tỉnh duyên hải miền Trung, đặc biệt là khu vực vùng núi phía Tây của các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế do nhiệt độ tăng rất cao, đạt mức trên 40oC, có nơi 42 đến trên 43oC (ở ngưỡng nắng nóng đặc biệt gay gắt).

Ảnh: Tùng Đinh.

Mùa mưa bão ở các tỉnh phía Bắc năm nay có vẻ đến muộn so với mọi năm? Ông có thể khái quát về dự báo diễn biến mùa mưa bão năm 2019 có gì bất thường?

Mùa bão ở nước ta thường bắt đầu vào tháng 6, tuy nhiên năm nay, hiện đã đến hết tháng 6 nhưng vẫn chưa có bão hoặc áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) xuất hiện trên Biển Đông. Như vậy, mùa bão năm nay thực sự đã đến muộn so với trung bình hàng năm như chúng tôi đã dự báo từ đầu năm 2019.

Dự báo, số lượng bão và ATNĐ hoạt động trên khu vực Biển Đông và ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta trong năm 2019 có khả năng sẽ ít hơn so với TBNN. Cụ thể, có khả năng xuất hiện khoảng 10 - 12 cơn bão và ATNĐ hoạt động trên khu vực Biển Đông, trong đó chỉ có khoảng 4 - 5 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền. Phải từ tháng 7 đến tháng 8, mới có khả năng xuất hiện một số nhiễu động và hoàn lưu xoáy thuận nhiệt đới trên khu vực bắc Biển Đông và ảnh hưởng đến các tỉnh miền Bắc.

Sau đó, bão và ATNĐ có khả năng ảnh hưởng chủ yếu đến khu vực Trung Bộ. Số lượng bão và ATNĐ hoạt động trên Biển Đông dự báo thấp hơn so với TBNN nhưng cần đề phòng khả năng xuất hiện của những cơn bão mạnh và có quĩ đạo phức tạp.

Xin cảm ơn ông!

"Về nguyên nhân chính của nắng nóng của những đợt nóng gay gắt trong mùa hè năm nay, vẫn là do thấp nóng phía Tây và hiệu ứng gió phơn mạnh.

Tuy nhiên đó là nguyên nhân trực tiếp và mang tính quy mô thời tiết. Nguyên nhân có quy mô lớn hơn, đó chính là tác động của hiện tượng El Nino bắt đầu từ cuối năm 2018 đến nay, cùng với đó là những tác động của sự nóng lên toàn cầu, hiệu ứng đô thị hóa đã làm cho nhiệt độ trong các đợt nắng nóng có xu hướng gia tăng hơn so với trung bình".

(TS Hoàng Phúc Lâm)

 

Xem thêm
Việt Nam chưa đủ thông tin đánh giá tác động của dự án Funan Techo

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng khẳng định Việt Nam chưa đủ thông tin để có thể đánh giá tác động của dự án Funan Techo.

Bắc Kạn cần hướng đến sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững

FAO tại Việt Nam đánh giá, các hợp tác xã, tổ hợp tác tại tỉnh Bắc Kạn đã cải thiện năng lực tổ chức sản xuất, có nhiều mô hình hiệu quả, thân thiện với môi trường.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cựu binh Đồi A1 & ký ức 'máu trộn bùn non'

Tròn 70 chiến thắng Điện Biên Phủ nhưng những đồng đội, những nắm cơm, những chiến hào 'máu trộn bùn non'… vẫn còn mãi trong tâm trí nhà giáo ưu tú Đỗ Ca Sơn.

Bình luận mới nhất