Theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, sáng sớm ngày 13/6, bão số 2 đã đi vào đất liền khu vực từ Thái Bình đến phía Bắc Nghệ An, với sức gió phổ biến mạnh cấp 6, giật cấp 8, gió mạnh nhất ghi nhận được tại Văn Lý (Nam Định) là cấp 8, giật cấp 10.
Hồi 5h này 13/6, bão ở trên đất liền ven biển khu vực từ Thái Bình đến phía Bắc Nghệ An, sau tiếp tục đi sâu vào đất liền và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
Theo báo cáo của Bộ đội biên phòng, các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Định đã thông báo, hướng dẫn, kiểm đếm tổng số 54.673 phương tiện/235.111 người biết diễn biến của bão để chủ động di chuyển vòng tránh, thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm của bão hoặc về nơi trú tránh. Tổ chức bắn pháo hiệu báo bão tại 33 điểm theo quy định.
Về sự cố tàu thuyền: Tàu cá TH91677 gồm 7 người khi di chuyển vào đảo Bạch Long Vĩ tránh bão bị sóng đánh chìm, 7 người trên tàu đã được tàu cá cùng tổ đội cứu vớt an toàn.
Các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh đã tổ chức cấm biển: Quảng Ninh (16h/12/6); Hải Phòng (17h/12/6); Thái Bình (12h/12/6); Nam Định (12h/12/6); Ninh Bình (19h/12/6); Thanh Hóa (20h/12/6); Nghệ An (0h/13/6); Hà Tĩnh (15h/12/6).
Nước ngập do mưa lớn đã rút tại các thành phố và khu vực dân cư vùng trũng thấp. Riêng tại tỉnh Hà Tĩnh, hiện còn khoảng 150ha lúa mới gieo cấy bị ngập.
Đến nay, các tỉnh Bắc Trung Bộ đã thu hoạch xong lúa Đông Xuân; các tỉnh đồng bằng sông Hồng và trung du miền núi phía Bắc đã thu hoạch được 652.000ha/736.000 ha, còn 84.000 ha (giảm 16.000ha so với báo cáo nhanh ngày 11/6).
Về tình hình đê điều, các địa phương đã tổ chức kiểm tra, rà soát các tuyến đê biển, đê cửa sông và triển khai phương án bảo vệ các vị trí xung yếu, công trình đang thi công (trên các tuyến đê biển, đê cửa sông từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh có 33 vị trí xung yếu; 6 công trình đang thi công dở dang). Đến nay chưa ghi nhận thông tin về sự cố công trình hồ chứa.