| Hotline: 0983.970.780

Nuôi rươi không bao giờ lo bị ế

Một tối trải nghiệm cùng Giám đốc HTX rươi ở Thanh Hà

Thứ Năm 03/08/2023 , 06:00 (GMT+7)

Hải Dương 20 năm nay, con vật đó dù giá cao tới cả chỉ vàng/kg hay xuống vài trăm ngàn/kg thì cũng chẳng bao giờ ế bởi đơn giản là rất ít nơi đủ điều kiện nuôi.

Học nghề… thầy cúng để làm dân vận

“Hôm nay đã có con rươi nào chưa bà?”. Ông Lê Văn Quạt - Giám đốc HTX Bảo tồn và Khai thác rươi cáy tự nhiên xã Vĩnh Lập (huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương) hỏi vợ trong lúc đang dở tay vặt lông gà làm mồi cho cuộc rượu tối. Vừa từ bờ ao về, chân còn dính đấy bùn, bà vợ trả lời: “Mới có một hai con thôi ông ạ” rồi vội lui cui vào bếp.

Chẳng mấy chốc, một chiếc bàn với mấy cái ghế đã được bày ra ngay bờ sông lộng gió. Khi cuộc rượu tàn, cuộc trà được đôi ba lần nước thì vợ ông Quạt khệ nệ bê cái xô nhựa vào, bên trong đó chứa khoảng 7kg rươi. Bà sa rươi với nước sạch rồi đóng thùng xốp, bỏ cục đá vào giữa để cho chúng có thể sống được vài ngày. Đó là buổi thứ tư ao nhà ông Quạt có rươi. Tối đầu tiên thu 20kg. Tối thứ hai thu 250kg. Tối thứ ba thu 30kg.

Bà vợ ông Quạt đang tháo xăm để trút rươi ra xô. Ảnh: Dương Đình Tường.

Bà vợ ông Quạt đang tháo xăm để trút rươi ra xô. Ảnh: Dương Đình Tường.

Bài liên quan

Rươi lên giữa “Những trưa tháng sáu/ Nước như ai nấu/ Chết cả cá cờ/ Cua ngoi lên bờ” (thơ Trần Đăng Khoa) là điều trước đây, khi còn đánh bắt tự nhiên chưa bao giờ người ta dám nghĩ. Vụ rươi chiêm từ tháng giêng đến hết tháng 5 âm, vụ rươi mùa từ tháng 8 trở đến tháng 12 âm, mỗi tháng có hai con nước, cứ một con nước có rươi thì con nước kia không. Rươi chiêm lên ít, chỉ ở ngoài đê bối mới có nên trong 5 cái ao rộng tổng cộng 12 mẫu (giá thị trường 1,5 tỉ/mẫu - PV) của nhà ông Quạt, mỗi cái ao 6 mẫu nơi tôi ngủ trên bờ đêm đó là xuất hiện. Gặp những nước rươi đêm, số lượng nhiều người ta có thể nghe thấy tiếng xèo xèo khi chúng đồng loạt lách mình lên khỏi mặt bùn để thở.

 Ông Quạt thủng thẳng, thời xưa con rươi còn vào đến tận chân làng, hễ nước tháng mười, tháng mười một là cả thôn lại cầm rổ đi vớt. Rồi sau này do dùng nhiều thuốc sâu khiến môi trường suy thoái, rươi chỉ còn lác đác từ năm 1977 - 1981 và vắng bóng đến mấy chục năm liền.

Năm 2013 ông Quạt xuống vùng rươi của huyện Tiên Lãng, TP Hải Phòng, thấy người ta bán buôn tại ruộng đã 600.000 đồng/kg ngang 1,5 chỉ vàng, còn bán lẻ cho người tiêu dùng trên phố 1,1 triệu/kg ngang 3 chỉ vàng mà mê. Về quê, ông quyết chí lập phương án vùng nuôi rươi rộng 13,5ha ngoài đê cùng mấy hộ chủ chốt, trình lên xã, huyện đều nhận được sự ủng hộ. Ngặt nỗi đó là đất nông nghiệp của dân chứ không phải công điền, liên quan đến 400 - 500 hộ mà đồng lòng chuyển nhượng thì rất khó.

Bà vợ ông Quạt đang sa rươi cho sạch nhớt, rác. Ảnh: Dương Đình Tường.

Bà vợ ông Quạt đang sa rươi cho sạch nhớt, rác. Ảnh: Dương Đình Tường.

Làng hơn 90% theo đạo Phật, có một ngôi chùa nhưng không sư sãi gì nên ông Quạt đã nghĩ ra cách dân vận bằng việc đi học nghề thầy cúng để cứ mỗi ngày rằm, mồng một lại cúng cho người trong thôn. Khi tạo được lòng tin rồi, ông mới nhờ trưởng thôn mời mọi người đến họp: “Nếu chúng ta cứ để ruộng đồng nhỏ lẻ như thế không thể cắt phiên nhau ra để coi “thềm lục địa” này trước bọn hút cát trộm được. Bà con giúp anh em chúng tôi bằng cách, một là chuyển nhượng cho với giá 15 triệu/sào, hai là cho đấu thầu dài hạn”. 95% dân sau đó chịu chuyển nhượng, số còn lại thì cho thầu.

Từ một vùng bãi hầu như năm nào cũng phải cấy đi cấy lại vì ngập lụt đã biến thành vùng bảo tồn rươi. Họ phải vay ngoài lãi suất cao để kẻ lô thửa, thuê máy múc để tạo thành ao, rồi làm đường điện, xây trên 10 cái cống qua đê lấy nước, tốn đến vài tỉ đồng. Ông trời như thử thách lòng người, suốt từ năm 2013 đến năm 2015 họ dựng lán trại trên bờ, chấp nhận cảnh rắn cạp nong, cạp nia bò vào tận gầm giường mà chẳng hề thu được con rươi nào.

Thấy mọi người chán nản, ông Quạt động viên: “Thôi chưa thu được rươi thì mình thu cá, mỗi đêm được cả yến, cả tạ cũng là khá tiền, anh em cứ bình tĩnh”. Nói thì nói vậy nhưng nhiều đêm ông suy nghĩ đến mất ngủ. Phán đoán rươi không có bởi mặt bãi còn cao nên ông mới xin phép huyện được hạ bãi xuống sâu thêm 50cm nữa.  

Chỉ trong năm sau, 2016 lỗ rươi bắt đầu kín dần nhưng lúc đó 5 anh em nuôi thì 1 đã không cầm cự nổi phải bán nhà bỏ xứ và 1 phải bán nhà để giữ bãi. Là người đứng đầu nhóm, ông Quạt buồn vì thấy bất lực. Phải mấy năm sau, khi rươi ra ổn định, thu nhập của mọi người khá lên, ông mới tạm yên tâm.

Ông Lê Văn Quạt - Giám đốc HTX Bảo tồn và Khai thác rươi cáy tự nhiên xã Vĩnh Lập bê khay rươi. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ông Lê Văn Quạt - Giám đốc HTX Bảo tồn và Khai thác rươi cáy tự nhiên xã Vĩnh Lập bê khay rươi. Ảnh: Dương Đình Tường.

“Trống canh giành bạc, rươi lên tuy có tháng nhưng thu lại rất gọn tiền. Trung bình mỗi sào thu 60kg với giá 300.000 đồng/kg là 18 triệu, trừ chi phí còn lãi 15 triệu. Đã có rươi rồi thì không cần tả là biết đất đó sạch bởi chúng rất nhạy cảm với hóa chất”.

Những cánh đồng không một dấu chân người

Năm 2018, ông Quạt thành lập HTX Bảo tồn và Khai thác rươi cáy tự nhiên để có tính pháp lý, về sau có thể xuất khẩu rươi chính ngạch. Hiện xã Vĩnh Lập có 55 hộ nuôi rươi với tổng diện 50ha, tất cả đều là thành viên của HTX. Hộ diện tích bé nhất chỉ 1 sào, còn lớn nhất là bố con ông Nguyễn Hữu Vách 20 mẫu, thứ nhì là ông Quạt 12 mẫu, thứ ba là các ông Khải, Tung, Bính 5 - 7 mẫu.

Ruộng rươi cũng một năm hai vụ cày bừa như lúa nhưng nông và rối hơn. Xong đâu đó thì bón chừng 40 - 50kg bột ngô/sào rồi để mặc cả cánh đồng không có một vết chân người bởi chỉ đọng một vũng nước là chỗ đó rươi không làm lỗ để lên thở được. Dân Vĩnh Lập có câu rằng: “Cách nhau có mỗi cái bờ/ Người thì hàng tạ, kẻ chờ từng con” bởi môi trường ruộng của các nhà không giống nhau.

Khác với nhiều nông sản, cái gì ngon đem xuất khẩu, rươi tháng chín, tháng mười ngon nhất lại chỉ dành cho tiêu thụ nội địa, giá đắt tới 500.000 đồng/kg nhưng bao nhiêu cũng hết. Sang tháng mười một, sản lượng dư thừa rươi mới được xuất sang Trung Quốc với giá rẻ hơn. Dân Trung Quốc biết chuộng ăn rươi từ xưa bởi cho rằng nó sáng mắt và bổ não. Quả thực, mắt rươi rất tinh, tai rươi rất thính, đêm đang ngoi lên ăn rào rào mà thấy bóng người hay nghe tiếng bước chân là thôi ngay.

Cận cảnh con rươi. Ảnh: Dương Đình Tường.

Cận cảnh con rươi. Ảnh: Dương Đình Tường.

50ha rươi ngoài bãi của xã Vĩnh Lập đạt năng suất trung bình 60 kg/sào, kỷ lục có những nhà thu 120 - 130 kg/sào, cho tổng sản lượng khoảng hơn 80 tấn rươi/năm. Ngoài ra người dân còn đang mở rộng 20 - 30 mẫu nuôi ở trong đê, nếu giá vải cứ thấp như năm nay thì chẳng mấy chốc đất lúa cũng thành ruộng rươi hết.

Ông Quạt giải thích, đã có nhiều rươi thì cáy ít và ngược lại. Từ năm 2014 đến 2016 đa số tiền trả lãi vay là nhờ vào bán cáy, bán cá. Nhưng hiện nay khi có rươi nhiều thì cáy lại ít. Như nhà ông 12 mẫu mỗi năm thu khoảng 100 triệu nhờ bán cáy và hơn 2 tỉ nhờ bán rươi.

“Nuôi rươi không sợ ế là bởi không phải ở đâu cũng đủ điều kiện, nước mặn quá cũng không có, ngọt quá cũng không có. Vào mùa ở đây xuất đi hàng chục tấn/ngày, người thăm còn đông hơn cả người mua. Họ muốn vớt rươi để hồi tưởng lại thời xưa hay để trải nghiệm, kể cả người Tây cũng thích tự tay bắt rồi tự tay rán chả.

Cao cấp nhất là món rươi khô xào với dọc cải đắng, ngon tuyệt tác! Làm rươi khô rất khó, phải bịt kín thau rươi tươi cho chúng chết rồi luộc và sấy. 7 - 8kg rươi tươi mới được 1kg rươi khô nên hiện chúng tôi chỉ làm thử để ăn chứ chưa thương mại. Cao cấp thứ nhì là món mắm rươi, giá 1 triệu/lít. Nếu bắc mắm rươi với lá gừng ở ngoài bãi thì trong làng vẫn còn ngửi thấy mùi thơm”.

Anh Nguyễn Hữu Khải đang kiểm tra rươi vừa bắt lên. Ảnh: Dương Đình Tường.

Anh Nguyễn Hữu Khải đang kiểm tra rươi vừa bắt lên. Ảnh: Dương Đình Tường.

Vào mùa rươi, có thời điểm xã Vĩnh Lập tắc đường như Hà Nội với hàng dài ô tô, xe máy, lái to, lái bé ồ ạt kéo về. Trong 1 - 2 tối cao điểm nhất của nước rươi tháng 10, tháng 11, rươi ra đông như rắc trấu, tới 40 - 50 kg/sào. Với 12 mẫu rươi, 2 tối cao điểm vợ chồng ông Quạt đút túi gọn gàng hơn 1,8 tỉ đồng.

Còn anh Nguyễn Hữu Khải với tổng diện tích 7 mẫu, bình quân thu 80 kg/sào mỗi năm cũng thu được 1,5 tỉ trong đó 80% là lãi. Cười rất tươi, anh bảo với tôi rằng năm nay khí hậu ít mưa, bãi khô không bị lấp lỗ, rươi lên nhiều nên dự kiến trong những tháng tới sẽ bội thu: “Làm vải đang hòa, thậm chí lỗ nên càng làm càng mệt. Còn làm rươi lãi lớn nên càng làm càng khỏe chú ạ. Bởi thế chúng tôi lội ruộng mà không hề cảm thấy cuồng cẳng”.

Sớm hôm sau, anh Lê Văn Hòa - Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp xã Vĩnh Lập mang chai mắm rươi đặc sánh đến tặng và chúng tôi ngồi xuống mâm luôn cùng thưởng thức nó với thịt lợn luộc. Mắm rươi ngậy nhất trong những thứ mắm tôi từng ăn, thơm, chua, mặn, ngọt như đủ vị của đất trời, của sông, ruộng. Đã chục năm nay nhà anh Hòa làm mắm rươi quy mô lớn, khoảng 100 lít mỗi vụ dựa trên kinh nghiệm của các cụ.

Anh Lê Văn Hòa - Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp xã Vĩnh Lập bên chai mắm rươi giá 1 triệu/lít. Ảnh: Dương Đình Tường.

Anh Lê Văn Hòa - Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp xã Vĩnh Lập bên chai mắm rươi giá 1 triệu/lít. Ảnh: Dương Đình Tường.

“Rươi làm mắm phải bắt từ cuối tháng 9 đến giữa tháng 11, lúc bên trong chứa nhiều bột nhất. Con cá ôi cũng làm mắm được nhưng con rươi làm mắm phải thật tươi. Một con hư trong rổ cũng phải chọn ra, sa (rửa) 6 - 7 lần cho hết nhớt. Muối hột khi sao tuyệt đối không dùng chảo vẫn rán nấu hàng ngày bởi có hơi mỡ mà phải là nồi gang thật sạch. Bắt đầu được mắm thì cho gai mây vào quấy để bã rươi bám vào, chỉ đọng lại phần tinh bột.

Muốn làm mắm tháng 9 để tháng 12 rét ăn với thịt ba chỉ thì cho tí gạo nếp, còn muốn làm mắm để quanh năm thì chỉ có rươi và muối mà thôi. Mắm rươi khi ăn thêm chút hành khô, gừng băm, chanh, ớt, chấm thịt lợn luộc có thể gây nghiện. Tôi cũng đang muốn đăng ký OCOP cho sản phẩm nhưng thủ tục phức tạp và tốn kém nên chưa làm”, anh Lê Văn Hòa tâm sự.  

Trong lúc ngồi nhắm thịt luộc với mắm rươi, tôi hỏi ông Quạt rằng: “Tại sao hễ nghĩ đến rươi ở Hải Dương người ta chỉ nhắc Tứ Kỳ mà không thấy nhắc Thanh Hà?”. Ông cười khà khà mà rằng: “Nếu từ tháng 9 - 10 hầu hết các huyện, các tỉnh lân cận đều về lấy rươi Thanh Hà để giới thiệu là sản phẩm địa phương mình, làm quà biếu cho các khách VIP. Con rươi Thanh Hà bao giờ cũng béo hơn, đỏ hơn, tinh bột nhiều hơn bởi nước chỉ hơi lợ, chứ những nơi nước mặn rươi cứng và chát”.

"Rươi của mình chất lượng tốt nhưng lại làm thương hiệu cho rươi nơi khác ông có thấy ngậm ngùi không?”, tôi hỏi tiếp. Ông Quạt trầm ngâm rằng: “Cũng trăn trở lắm, bán tươi thì không nói làm gì nhưng một khi làm các sản phẩm chế biến thì phải có nhãn mác, xuất xứ. Việc đăng ký an toàn thực phẩm chúng tôi đã làm hết rồi, giờ chỉ mong sao Nhà nước hỗ trợ xây dựng thương hiệu và làm đường kết nối ra trục chính của làng để phát triển thêm du lịch trải nghiệm”.

Năm 2022, sản lượng sản lượng rươi của huyện Thanh Hà đạt 223 tấn, doanh thu 65 tỉ đồng, tập trung ở khu Hà Đông gồm 4 xã Vĩnh Lập, Thanh Quang, Thanh Cường, Thanh Hồng.

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Mưa lớn, nhiều nơi ở Quảng Ngãi bị ngập sâu, chia cắt

Mưa lớn, nước từ thượng nguồn đổ về khiến nước các con sông ở tỉnh Quảng Ngãi dâng cao, gây ngập lụt một số khu dân cư và chia cắt giao thông.

Hơi ấm cộng đồng giúp người dân Lục Yên gượng dậy sau bão

Yên Bái Vượt qua những đau thương, mất mát do thiên tai càn quét, những ngày này chính quyền và người dân ở huyện Lục Yên đang gượng dậy khôi phục sản xuất, dựng lại nhà ở.