| Hotline: 0983.970.780

Một dòng Hương giang chảy giữa đất vải Thanh Hà

Thứ Hai 26/06/2023 , 15:22 (GMT+7)

Nhắc đến sông Hương, nhiều người nghĩ ngay đến Huế nhưng không biết có một dòng sông cũng tên gọi như thế chảy qua bạt ngàn vải ở huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương.

Cả vùng biết ơn ông Cơm, ông Tạn

Tôi xuôi dòng Hương giang trên chiếc thuyền chài trong một buổi chiều lặng gió đến mức mặt sông phẳng như mặt gương, phản chiếu mây trời và cảnh vật sinh động đôi bờ. Bên này là Thanh Xá trĩu trịt những vườn vải chín đỏ, bên kia là Thanh Xuân xanh ngát những vườn ổi soi bóng. Sông Hương rộng 150-200m, dài 21,5 km chảy qua địa bàn 9 xã, thị trấn của huyện Thanh Hà đẹp như một bức tranh thủy mặc, nơi có dự án du lịch sinh thái đã được tỉnh Hải Dương xác định là chiếc chìa khóa vàng khai mở cho tương lai.  

Các điểm kết nối trên tuyến du lịch sông Hương được hoạch định gồm: Thăm cây vải tổ ở thôn Thúy Lâm, xã Thanh Sơn; Trải nghiệm miệt vườn ở tiểu khu đồng Mẩn, xã Thanh Khê; Thăm vườn ổi ở xã Liên Mạc; Thăm khu sơ chế vải xuất khẩu của Công ty Amei ở xã Thanh Xá; Trải nghiệm phường múa rối ở xã Thanh Hải; Thăm Chùa Hương ở thị trấn Thanh Hà.

Ngoài ra còn có thể mở rộng ra cả vùng rươi cáy của xã Vĩnh Lập, Thanh Xuân. Cho đến nay đã triển khai được các tiểu dự án như điểm đón tiếp tại các xã Cẩm Chế, Thanh Thủy, điểm dừng nghỉ tại xã Thanh Xá.

Cảnh đẹp của sông Hương, đoạn nhìn từ xã Thanh Xá. Ảnh: Dương Đình Tường.

Cảnh đẹp của sông Hương, đoạn nhìn từ xã Thanh Xá. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ngoài lãnh đạo tỉnh, huyện, có lẽ tôi là một trong những du khách đầu tiên của tuyến du lịch mới chỉ là trên ý tưởng ấy. Tốc độ của chiếc thuyền chài chầm chậm đủ để tôi thảnh thơi ngắm cảnh đẹp đôi bờ. Chạy khoảng 2 km thì đến bến du lịch ở thôn 4 xã Thanh Xá nhưng lại chưa có đường kết nối nên chúng tôi đành ngược thuyền về. Trời lúc này bỗng trở gió, đủ để làm hong khô mồ hôi trên người và làm mặt sông lao xao sóng vỗ…

Lên bờ, tôi ghé thôn 3, xã Thanh Xá để cùng bà Hoàng Thị Được đi hái vải trong 3 khu vườn của gia đình. Nông dân ở đây thường đeo đèn, hái vải từ khi trời còn tối đến khi nắng lên thì dừng bởi quả vải khô sương, ăn không còn ngon, ngọt nữa. Nhẩn nha tôi thử đủ loại vải từ u hồng, u thâm, Tàu lai đến thiều nhưng thích nhất là vị của u thâm vì nó thơm mát, ngọt thanh và có hậu vị đọng rất lâu trên lưỡi. Thấy tôi nhận xét như thế, bà Được tỏ ra thích thú và bảo: “Cháu nói đúng đấy, vải u thâm thời điểm này ăn là ngon nhất, còn vải thiều chưa được ngon lắm, phải đợi mấy ngày nữa cơ”…

Bà Hoàng Thị Được đang giới thiệu với tôi về những chùm vải của vườn nhà. Ảnh: Dương Đình Tường.

Bà Hoàng Thị Được đang giới thiệu với tôi về những chùm vải của vườn nhà. Ảnh: Dương Đình Tường.

Chuyện rằng, ông Hoàng Văn Cơm năm 1870 khi đi dự tiệc với người Hoa kiều tại Hải Phòng đã được họ thết đãi một loại vải ngon nên đã đem 3 hạt về gieo trồng ở vườn nhà tại thôn Thúy Lâm, xã Thanh Sơn, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương. Từ cây vải tổ này, ông đã chiết cành nhân khắp vườn và cho một số bà con chòm xóm.

Nhà bác học Lê Quý Đôn đã từng nhận xét về quả vải thiều như sau: “Mã ngoài tự như lụa hồng tơ tía, thịt vải như thủy tinh, như dáng tuyết, vị ngọt đậm, ăn vào thấy thơm, tưởng chừng như thứ rượu tiên trên trời”. Nhưng cả thế kỷ sau đó, quả vải vẫn chỉ là thứ ăn chơi, được trồng trong một số vườn ở đất Thanh Hà.

Cách đây hơn 30 năm, thấy việc trồng lúa kém hiệu quả một số hộ dân ở xã Thanh Sơn đã lén lút chuyển ruộng sang trồng vải bằng cách đào rãnh, đắp đất, lập vườn. Xã thấy dân tự ý “phá rào”, sợ vi phạm chính sách liền báo lên huyện. Huyện báo cáo lên tỉnh. Trước “việc tày trời” đó tỉnh không dám quyết liền báo cáo lên Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp Thực phẩm. Ông Nguyễn Công Tạn - Bộ trưởng khi đó mà sau này là Phó Thủ tướng biết, đã về tận nơi thị sát, lắng nghe ý kiến của dân rồi khoát tay, cho phép họ chính thức được chuyển đổi sang vải.

Đóng gói vải xuất khẩu tại Công ty Amei, cơ sở đặt ở xã Thanh Xá. Ảnh: Dương Đình Tường.

Đóng gói vải xuất khẩu tại Công ty Amei, cơ sở đặt ở xã Thanh Xá. Ảnh: Dương Đình Tường.

Nhờ ơn ông Tạn mà người dân Thanh Hà sau này trong sổ đỏ còn có loại được ghi là đất chuyển đổi, thời hạn sử dụng 50 năm, có giá trị cao hơn hẳn so với đất lúa. Kể từ năm 1992 đến nay huyện Thanh Hà đã chuyển đổi cơ cấu, đưa diện tích vải lên 3.267/7.049 ha cây ăn quả, trong đó có 500 ha VietGAP, 50 ha GlobalGAP. Lứa sớm có u trứng, u hồng, Tàu lai, lứa chính vụ là vải thiều với diện tích trên 1.500 ha. Huyện cũng đang có 168 mã số vùng trồng với khoảng 700 ha…

Cơm trưa xong, ông Quách Trung Tới chồng bà Được thủng thẳng kể cho tôi về cái thời mình mới trở về quê sau 4 năm trong quân ngũ, cấy tới 2 mẫu ruộng mà nộp thuế gần hết, chỉ còn lại vài ba tạ thóc. Nhìn cảnh nheo nhóc đó, ông không thể cầm lòng nên bàn với vợ kéo đất ruộng, lên luống trồng vài sào vải năm 1993, sớm nhất làng. Chỉ 3 năm sau, họ đã có trong tay 10 triệu đồng mà đất ngoài đường liên xã chỉ 3 triệu đồng/suất. Hồi đó cây vải được mệnh danh là cây vàng bởi mỗi gốc cho thu 3-4 triệu, tương đương 1 cây vàng, có nhà đạt kỷ lục tới 6 triệu. Thấy thu nhập cao quá, một số người dân của Thị xã Hải Dương còn về Thanh Hà để làm vườn.

Trồng nhiều, sản lượng tăng vọt, thị trường vải dần bão hòa. Giờ ngoài phải đa dạng chủng loại như vải thiều, vải u hồng, u thâm, trứng gai, Tàu lai, ông còn sản xuất theo lối an toàn để mong bán được giá: “Trước đây mót một tí vải đem bán là có thể mua được một đôi vịt. Giờ cả hai vợ chồng tôi bẻ mỏi tay cả buổi cũng chỉ được có đôi vịt mà thôi”.

Đoạn sông Hương chảy qua xã Thanh Xá, đôi bờ đều rợp bóng cây như thế này. Ảnh: Dương Đình Tường.

Đoạn sông Hương chảy qua xã Thanh Xá, đôi bờ đều rợp bóng cây như thế này. Ảnh: Dương Đình Tường.

Gặp “cô Phượng vải”

Quách Thị Phượng - cô con gái ông Tới năm xưa lẫm chẫm theo bố mẹ ra ruộng lúa thấy cảnh móc đất, vượt luống để trồng vải còn nhảy xuống vầy nghịch dưới rãnh nay đã thành tổ trưởng tổ VietGAP 06 của xã Thanh Xá. Trong cái nóng như đổ lửa, tôi tìm đến địa điểm cân vải của cô đang tấp nập người vào nhập hàng đi Dubai. Phượng người nhỏ nhưng làm việc luôn tay, nói năng luôn miệng, không chỉ dẫn dắt tổ mình đứng đầu 7 tổ ở xã mà còn thuộc vào hàng nhất nhì trong các tổ ở huyện Thanh Hà.

Cô kể: “Năm 2007 em mới lấy chồng, được cử làm tổ trưởng đầu tiên của xã để thực hiện liên kết ba nhà. Lúc đó vườn của người dân manh mún, tự do phun đủ thứ thuốc. Bố mẹ cũng trồng vải nên em biết nỗi khổ của bà con. Có thời điểm bẻ cả tạ vải đem đi chợ bán mà chỉ đủ mua cân thịt hay mấy bìa đậu phụ và uống vài cốc bia là hết bởi giá chỉ 2.000đ/kg.

Dù không có công nhưng gắn với trách nhiệm của một khuyến nông viên xã, với lý tưởng sẽ một ngày xuất khẩu được quả vải quê mình đi các nước em nên chấp nhận làm tổ trưởng. Em cung cấp thuốc BVTV, phân bón cho bà con, chỉ đạo họ làm đúng theo kỹ thuật rồi kết nối với các doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm. Hiện tổ có 12,4 ha, năm nay thời tiết bất thuận, sản lượng chỉ khoảng 200 tấn, dự kiến trên 100 tấn sẽ xuất đi Trung Đông”.

Quách Thị Phượng đang kiểm tra vải khi cân. Ảnh: Dương Đình Tường.

Quách Thị Phượng đang kiểm tra vải khi cân. Ảnh: Dương Đình Tường.

Tiện tay tôi giở quyển sổ nhật ký của cô ở trên bàn. Nét chữ thoáng và dễ đọc. “Nhật ký ra hoa vải 2023, thứ 5, 6 (5, 6 tháng 5) nắng to, sau 2 ngày u gai (một loại vải) bị đốm nứt, trứng đầy cùi, hồng đầy cùi, Tàu lai ½ cùi, thiều vào cùi. 12, 13 tháng 5 mát trời thiều 1/3-1/2 cùi, gần đẫy, có hiện tượng bệnh sang u hồng, Tàu lai”…

Xã Thanh Xá có 260 ha vải, sản lượng mỗi vụ cỡ 4.000 tấn nhưng chỉ 20 tấn xuất đi Nhật của tổ 06 năm 2022 đã làm làng trên xóm dưới xôn xao cả tháng bởi việc đó khó khăn chẳng khác gì lên trời.

Tổ 06 dù đã có kinh nghiệm mấy năm xuất khẩu ở một số thị trường khác, được tập huấn kỹ thuật thường xuyên nhưng trước yêu cầu khắt khe của thị trường Nhật, dư lượng thuốc phải “về mo”, 89 thành viên vẫn cảm thấy chùn tay. Hợp đồng đã ký rồi mà không ai dám làm. Họ sợ thuốc nhẹ mà giá cao. Họ sợ dừng thuốc sớm vải nhanh bị hỏng. Họ sợ tốn công. Họ sợ làm ra không bán được…

Bởi thế lúc đầu Phượng phải vận động người nhà mình làm trước, được đâu chừng hơn 10 hộ. Khi thành công, sản phẩm bán được giá, dân lại trách: “Mày chỉ đưa người nhà vào làm hàng xuất Nhật”. Tuy thế, khi cô gọi đến đăng ký một số vẫn chối vì… sợ.

Quách Thị Phượng đang kiểm tra vải trên xe chuẩn bị xuất đi. Ảnh: Dương Đình Tường.

Quách Thị Phượng đang kiểm tra vải trên xe chuẩn bị xuất đi. Ảnh: Dương Đình Tường.

Cứ có cuộc họp, tập huấn nào về vải là Phượng tìm mọi cách để đi nghe, đi nhìn, đi học. Học từ việc chăm sóc đến bảo quản, tiêu thụ: “Em nhiều lúc nằm mơ cũng thấy vải. Quản lý tốt, nông dân nhận thức được về thuốc BVTV thì trước tiên có quả vải an toàn cho con cháu mình ăn, sau đó bớt thuốc BVTV không chỉ bớt tiền mà còn là bớt độc hại. Hiện tổ chúng em chỉ còn lăn tăn công đoạn bảo quản thế nào cho nó tươi lâu mà thôi”. Cô tâm sự.  

Nói là làm nên Phượng được địa phương “quàng” vào cổ tới 10 đầu việc, thấy quá tải cô mới xin rút xuống còn 5 đầu việc gồm Ban chấp hành phụ nữ, Ban chấp hành nông dân, Phó Giám đốc HTX, thú y viên, tổ trưởng tổ vải. Cô ước mơ: “Như nhà em muốn thí điểm làm du lịch nông nghiệp, tâm huyết có, điều kiện có bởi trước mặt là đường nhựa, phía sau vườn là sông nhưng do đất nông nghiệp nên không thể xây nhà lưu trú, dựng bãi đỗ xe được. Khách đến mà không có chỗ ngồi thì rất khó”.

Tiểu khu sinh thái Đồng Mẩn, đoạn bến tạm của vợ chồng nhà chị Liêm. Ảnh: Dương Đình Tường.

Tiểu khu sinh thái Đồng Mẩn, đoạn bến tạm của vợ chồng nhà chị Liêm. Ảnh: Dương Đình Tường.

Đồng Mẩn, nơi một bát cơm chan mười bát nước mắt

Tiểu khu du lịch Đồng Mẩn ở xã Thanh Khê như một miệt vườn Nam Bộ thu nhỏ, dưới là sông nước, kênh rạch, trên là xum xuê cây trái. Giữa trưa hè nóng bức lão nông Nguyễn Văn Khương 70 tuổi ngồi khoan thai nghỉ dưới gốc một cây vải thiều xanh ngắt màu địa y, nom như một tiên ông giữa chốn bồng lai cực lạc. Tôi lại cùng các đoàn khách men theo con đường nhỏ, len lỏi giữa tán vải xanh, lúc lỉu quả đỏ hồng để tới trải nghiệm khu vườn đẹp mộng mơ của vợ chồng chị Phạm Thị Liêm - Nguyễn Văn Thắng.

Điều ít ai ngờ, cách đây 20 năm đây chỉ là vùng đất hoang, chua phèn, không có đường đi lối lại với một con sông dày đặc bèo tây chảy quanh. Vợ chồng chị vừa đánh lưới trên khúc sông đó để mưu sinh và bắt đầu khai hoang đất để làm vườn từ năm 2008 và gom dần đất của bà con, được tổng cộng 1ha. Họ cũng là những người tiên phong áp dụng chuẩn VietGAP trên cây vải của huyện Thanh Hà, tuy vất vả nhưng hiệu quả kinh tế cũng khá.

Chị Phạm Thị Liêm đang giới thiệu về vải tại tiểu khu du lịch Đồng Mẩn. Ảnh: Dương Đình Tường.

Chị Phạm Thị Liêm đang giới thiệu về vải tại tiểu khu du lịch Đồng Mẩn. Ảnh: Dương Đình Tường.

Vừa ngớt lời hướng dẫn du khách, chị vừa tiếp chuyện: “Một lần tôi có nói với chồng: “Anh ơi, ở miền Tây họ có hai luống vườn nhỏ mà làm du lịch được. Vườn nhà mình chỗ này đẹp thế hay là vừa phát triển kinh tế vừa làm du lịch đi anh?”. Chồng tôi trả lời: “Không biết làm như thế người ta chịu có về hay không?”. Tôi thuyết phục tiếp: “Mới đầu có khó khăn thì mình phải khắc phục dần dần thôi anh ạ”.

Vợ chồng tôi nhoi nhói ở trong lòng ý định làm vườn kết hợp với du lịch bởi nếu làm như bình thường thì được mùa sẽ mất giá, được giá sẽ mất mùa. Còn làm du lịch mọi người sẽ đến tham quan, trải nghiệm, không bao giờ phải lo được mùa mất giá, được giá mất mùa nữa. Một cái duyên thêm, ngày 9/6 năm 2018 khi Thanh Hà mở lễ hội vải thiều, nghe đến Đồng Mẩn đã lâu nên Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương, ông Nguyễn Mạnh Hiển về thăm. Thấy cảnh đẹp, thích quá nên lúc đó ông có chỉ đạo cho lập tiểu khu du lịch Đồng Mẩn gắn liền với tuyến du lịch sinh thái sông Hương. Từ đó nơi đây đã được lãnh đạo của tỉnh, của huyện quan tâm, thúc đẩy, vợ chồng tôi được đà càng thêm cố gắng, mỗi ngày hoàn thiện thêm một chút.

Lão nông Nguyễn Văn Khương 70 tuổi ngồi khoan thai nghỉ dưới gốc vải. Ảnh: Dương Đình Tường. 

Lão nông Nguyễn Văn Khương 70 tuổi ngồi khoan thai nghỉ dưới gốc vải. Ảnh: Dương Đình Tường. 

Vừa làm nông chúng tôi vừa tiếp khách. Đầu tiên tôi mời những người quen rằng: “Đến vườn nhà em chơi đi mát lắm, đẹp lắm!”. 5, 6 năm liền như thế chúng tôi quảng bá cho quả vải Thanh Hà mà không thu tiền nên năm 2022 mới bắt đầu nghĩ, nếu cứ như thế sẽ không có điều kiện kinh tế để tái đầu tư. Chúng tôi bàn nhau thu 50.000đ/người vào vườn check in ăn vải thoải mái nhưng chỉ bẻ từng luống để giữ tạo cảnh quan, còn thuyền dịch vụ đưa khách đi chơi trên sông Đồng Mẩn thì thu 200.000/thuyền, chở tối đa 6 người”.

Cánh đồng vải VietGAP ở Đồng Mẩn rộng 11,5 ha nhưng chủ yếu bà con vẫn đi làm công nhân, chứ không mấy ai đi sâu vào nghề làm vườn, kết hợp du lịch như vợ chồng chị. Để đi được xa hơn, họ lập ra HTX gồm 7 hộ đều là anh em trong nhà, cùng liên kết với nhau để thêm sức thu hút các thành viên mới.   

Từ năm 2018 có quyết định hình thành tiểu khu du lịch đến nay mới làm được cái bến đỗ xe và nhà vệ sinh. Bến thuyền quy hoạch rồi nhưng vận động mà dân chưa đồng thuận. Con đường từ bến xe xuống trung tâm tiểu khu quy hoạch dài gần 200m, rộng 3 m rồi nhưng vận động mà dân không đồng tình hiến đất. Rồi khu nhà trưng bày sản phẩm vẫn chỉ là trên giấy…

Vừa đi thuyền vừa ngắm vải trên sông ở Đồng Mẩn. Ảnh: Dương Đình Tường.

Vừa đi thuyền vừa ngắm vải trên sông ở Đồng Mẩn. Ảnh: Dương Đình Tường.

Chờ đợi rất lâu mà không có bến nên anh chị tình nguyện lấy đất thổ cư của gia đình làm bến tạm bởi không có bến sẽ không có thuyền, không chở được khách du lịch trên sông. Chồng chất các khó khăn khác như khách muốn về ăn ở vài ngày nhưng chuyện làm nhà, xây bể bơi trên đất nông nghiệp là trái phép. Như vợ chồng chị chở khách trên sông nhưng người dân còn đóng cọc, căng dây không cho thuyền cập vào trước vườn nhà.

“Có khi, một bát cơm ăn chan mười bát nước mắt anh ạ. Chúng tôi xưa ít học nhưng nay con một đứa đang học ở Phần Lan, một đứa đang học ở Hàn Quốc. Chúng thường gọi điện về an ủi: “Mẹ đẻ chúng con, nuôi chúng con ăn học từ vườn vải này, giờ chúng con ra nước ngoài học kiến thức để sau này đóng góp cho quê hương nhưng mẹ được đồng tiền thì đừng để ai chà đạp. Mẹ làm cái gì miễn sao mình vui là được”.   

Nhiều lúc chúng tôi mệt quá, tủi quá cũng muốn bỏ cuộc đấy nhưng thấy khách du lịch đến đây hầu hết ai cũng hài lòng và khen, lại được các lãnh đạo từ xã, huyện, tỉnh động viên liên tục. Anh Đoàn Đình Goòng - Chủ tịch xã Thanh Khê động viên: “Em cố lên vì đam mê của mình, vì Thanh Khê, vì Thanh Hà”.

Anh Phạm Văn Hùng - Phó Bí thư Thường trực huyện động viên: “Em đã đi được 80% quãng đường rồi, đừng bỏ cuộc, sau này mọi người sẽ nghĩ đến em, không ai quên em đâu”. Còn anh Vũ Việt Anh - Chủ tịch huyện thì đi đâu cũng giới thiệu về mô hình du lịch Đồng Mẩn nơi có vợ chồng tôi dám tiên phong du kích đi đầu, đổ mồ hôi, máu và nước mắt. Không có những lời khen ngợi, tình thương và sự động viên ấy thì có lẽ chúng tôi đã bỏ cuộc rồi”.

Niềm vui được mùa tại Đồng Mẩn. Ảnh: Dương Đình Tường.

Niềm vui được mùa tại Đồng Mẩn. Ảnh: Dương Đình Tường.

Rời Đồng Mẩn, tôi về UBND huyện Thanh Hà, nơi ông Vũ Việt Anh - Chủ tịch UBND huyện đang tất bật chuẩn bị cho sự kiện công bố xuất khẩu vải thiều đi Nhật Bản, Mỹ, Australia, châu Âu năm 2023 và sự kiện vải thiều “bay” cùng thực khách.

Ông Vũ Việt Anh giới thiệu, thấy con sông Hương chảy qua vùng quê trù phú, thanh bình với những vườn vải, ổi, bưởi hợp với du lịch trải nghiệm nên năm 2016 huyện đã quy hoạch thành khu du lịch sinh thái. Hiện, địa phương đã mời những tập đoàn lớn như T&T, Kinh Bắc vào khảo sát đầu tư, từ đó hi vọng sẽ kích hoạt những vệ tinh gồm các hộ, HTX làm theo, chỉnh trang vườn cây, ao cá tạo ra một hệ sinh thái về du lịch.

"Tất cả mới chỉ là manh nha, phía trước vẫn còn khá nhiều việc phải làm. Du lịch đang vướng chính là đất tạo chỗ nghỉ ngơi, ăn uống cho khách. Nếu doanh nghiệp lớn, lập dự án thì vấn đề đó không khó nhưng với các hộ dân thì rất khó vì không thể làm dự án được, họ chủ yếu mới đem thửa ruộng, thửa vườn của nhà đem ra làm. Hiện cũng chưa có quy định nào về đất nông nghiệp kết hợp với du lịch sinh thái. Nút thắt là ở đây. Nếu mà gỡ được thì sẽ có nhiều hộ đầu tư vào để phát triển", ông Vũ Việt Anh.  

Xem thêm
Phú Thọ dự kiến giảm 48 đơn vị hành chính cấp xã

Trong giai đoạn 2023-2025 tỉnh Phú Thọ dự kiến sắp xếp 80 đơn vị hành chính cấp xã để thành lập 32 đơn vị hành chính, sau sắp xếp giảm 48 đơn vị.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hơn 300 cơ sở ở Thái Nguyên vi phạm quy định vệ sinh an toàn thực phẩm

Qua công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm, tỉnh Thái Nguyên đã phát hiện hơn 320 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh vi phạm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Cò đã trắng trên miền cát mặn

Một bầy cò trắng tranh nhau dầm những đôi chân khẳng khiu trong hồ nước hiếm hoi giữa miền cát trắng. Nghe tiếng động, chúng nháo nhác bay lên, sải những đôi cánh trắng muốt...

Bình luận mới nhất