| Hotline: 0983.970.780

Nuôi rươi không bao giờ lo ế

Chuyện mở hai cống lớn để đón con rươi vào đồng ở Tứ Kỳ

Thứ Sáu 04/08/2023 , 06:10 (GMT+7)

Nói về con rươi mà không nhắc đến huyện Tứ Kỳ là một thiếu sót lớn bởi từ lâu nơi đây đã nổi tiếng cả nước về nghề nuôi và chế biến rươi.

Từ đồng lúa sang ruộng rươi

12 năm về trước, một buổi mưa gió đầy trời tôi theo chân anh Nguyễn Đình Tính - Phó Phòng NN-PTNT huyện Tứ Kỳ lúc đó xuống thăm ruộng rươi của anh Phạm Văn Thắng ở xã An Thanh, có buổi thu 100 triệu đồng để viết "Mùa tiền nổi"; thăm ruộng cáy của anh Vũ Huy Du ngày ngày đút túi nửa triệu đồng để viết "Những đồng bạc biết bò ngang". Lúc đó An Thanh còn là một trong những xã nghèo nhất huyện và khu nuôi rươi, cáy vẫn còn sơ khai, chỉ như đứa bé mới được tượng hình trong bụng mẹ.

Giờ đứa bé ấy đã sắp thành một chàng trai vóc dáng vâm vam, khác lạ hẳn. Trong làng, 100% không còn nhà dột nát, riêng biệt thự xuất hiện mỗi lúc một nhiều, lấp ló ngói xanh, ngói đỏ dưới các tàng cây, ước đạt khoảng 40%. Ngoài đồng, hệ thống đường giao thông tương đối hoàn chỉnh, những ruộng rươi rộng thênh thang, vuông vắn như ô bàn cờ.

Một buổi rươi nổi ở An Thanh. Clip: Người dân An Thanh cung cấp.

Tôi đứng trên đỉnh cống Sồi lộng gió để ngó ra xung quanh bao la, bát ngát ruộng rươi. Người già kể rằng, thời Pháp thuộc ở đây cũng có một cái cống nhưng về sau bị hỏng đành phải lấp. Mãi đến năm 2019 tỉnh Hải Dương đã khôi phục lại để dẫn dòng nước đỏ nặng phù sa từ sông Thái Bình vào với mục tiêu biến 214ha trong đồng thành ruộng rươi cáy và trồng lúa một vụ.

Bài liên quan

 Nhu cầu nước của rươi, cáy khác hẳn với trồng lúa đơn thuần, phải có thủy triều lên nhanh và xuống nhanh mô phỏng giống như điều kiện tự nhiên. Hiện trong đồng dân An Thanh đã cải tạo được khoảng 120ha, dự định tới năm 2025 sẽ hoàn thành. Ở xã Quang Trung gần đó một cái cống mới có tên gọi Lều Vịt cũng đã được xây dựng với mục tiêu biến 80ha ruộng lúa bên trong đồng thành ruộng rươi, hiện đã cải tạo được 35ha.

Anh Phạm Xuân Luận - Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp An Thanh kể, con rươi đã ở đất này từ thời thượng cổ, trước chỉ được dân làng đánh bắt hoàn toàn tự nhiên. Đến năm 2005 có một số người nghĩ khác như ông Trọng, Hời, Du, Thắng bắt đầu tích tụ đất ngoài bãi vốn trồng đay, cói hay cấy lúa bấp bênh để giữ môi trường, tạo điều kiện cho con rươi, cáy phát triển. Đến năm 2013 xã An Thanh dồn điền đổi thửa xong thì cái đà biến đất bãi thành ruộng rươi lại càng phát triển nhanh chóng. Khu vực này cách ly với vùng canh tác thông thường xung quanh bằng con đê vững chắc, bằng rặng tre chắn sóng xanh ngắt quanh năm nên năng suất rươi ổn định 35 - 40 kg/sào, tương đương doanh thu 10 - 12 triệu đồng/sào.

Anh Phạm Xuân Luận - Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp An Thanh bên những ruộng rươi ngoài bãi của xã. Ảnh: Dương Đình Tường.

Anh Phạm Xuân Luận - Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp An Thanh bên những ruộng rươi ngoài bãi của xã. Ảnh: Dương Đình Tường.

Kể từ khi cống Sồi được mở ra, dân An Thanh với kinh nghiệm ở ngoài bãi giờ áp dụng vào trong đồng. Họ dừng hết tất cả các loại thuốc BVTV, trừ ốc, trừ cỏ và phân bón hóa học rồi đưa máy xúc vào đắp bờ, quây vùng, xây cống điều tiết nước cho từng ô thửa một. Họ cải tạo đất bằng phương pháp nuôi phân bón tại chỗ như trồng chuối trên bờ, khi chúng lớn thì băm nhỏ ra bỏ xuống ruộng cùng với rơm rạ để làm đất thêm tơi xốp. Ngoài ra họ còn rắc bột ngô để nuôi màu thêm cho đất.

Chỉ mới sang năm thứ hai rươi cáy đã ra nhiều, người dân phấn khởi gọi điện khoe ngay lãnh đạo HTX. Với năng suất khoảng 20kg rươi/sào tương đương doanh thu 7 triệu đồng cũng gấp gần chục lần cấy lúa. Nuôi rươi tốn kém nhất là khâu tích tụ đất đai, đắp bờ, xây cống còn một khi đã bắt đầu khai thác thì hiệu quả kinh tế cao và khá ổn định.

Cống Sồi dẫn nước sông Thái Bình vào để chuyển đổi cánh đồng thành ruộng rươi. Ảnh: Dương Đình Tường.

Cống Sồi dẫn nước sông Thái Bình vào để chuyển đổi cánh đồng thành ruộng rươi. Ảnh: Dương Đình Tường.

Khác với ở xã Vĩnh Lập (huyện Thanh Hà) cánh đồng chuyên rươi, không một vết chân người, ở xã An Thanh (huyện Tứ Kỳ) người ta vẫn nuôi rươi kết hợp với trồng lúa một vụ. Anh Luận giải thích: “Không phải chúng tôi muốn thu nhập từ lúa mà cấy để lúa che chở cho rươi khi thời tiết khắc nghiệt. Nuôi rươi nhưng dân vẫn cày bừa, làm cỏ, đi lại trên ruộng như bình thường. Tổng sản lượng rươi của xã mỗi năm đạt 110 tấn, cáy đạt 40 tấn, lúa đạt 450 tấn”.

Theo anh Luận, chất lượng của con rươi phụ thuộc chính vào nguồn nước và độ mặn. Nước càng nhạt càng ngon (độ mặn của sông Thái Bình ở xã An Thanh khoảng chỉ khoảng 0,1%), càng giáp cửa biển, nước mặn càng kém. Như ở huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng nhiều chỗ đang mất dần rươi vì độ mặn trong nước gần đây tăng quá cao.

"Còn ai đó bảo rươi đỏ hơn sẽ chất lượng hơn cũng chưa hẳn. Bình thường rươi có ba màu sắc vàng, xanh chính là phần trứng, còn đỏ là phần tinh trùng. Chúng ta đang ăn bộ phận sinh dục của rươi chứ không phải là cả con rươi và mật độ đực cái, tức vàng, xanh, đỏ đều nhau mới là tự nhiên", anh Phạm Xuân Luận - Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp An Thanh.

Chị Hiền đang khai nước cho mặt ruộng thoáng để rươi dễ thở. Ảnh: Dương Đình Tường.

Chị Hiền đang khai nước cho mặt ruộng thoáng để rươi dễ thở. Ảnh: Dương Đình Tường.

Trời ngả về chiều nhưng nắng vẫn còn gay gắt. Cả cánh đồng bên trong cống Sồi chỉ có mình chị Phạm Hiền đang cặm cụi khai nước trên mặt ruộng cho thoáng để rươi dễ thở. Chị kể, 7 sào ruộng này là của đứa cháu, vụ đầu được hơn 10kg rươi, vụ thứ hai được 70kg rươi, vụ thứ ba này chưa bắt đầu nhưng thấy nhiều lỗ thế hẳn là trúng khá.

Nhìn trên bờ cỏ cháy úa, tôi hỏi chị mới phun thuốc trừ cỏ à? Chị xác nhận: “Cỏ cứ tốt như rừng ấy, cấy lúa chuột ăn nên tôi mới phun”. Nghe đến đây, anh Luận khuyên: “Năm sau chị đừng phun thuốc trừ cỏ nữa mà dùng máy cắt cỏ ấy bởi rươi rất nhạy cảm với hóa chất”. Chị gật đầu, đồng tình.

Nông nghiệp đa tầng, đa giá trị

Anh Hoàng Tuấn Nhã - Chủ tịch UBND xã An Thanh kể, để thay đổi tư duy sản xuất lúa truyền thống của người dân sang nuôi rươi cáy thủa ban đầu rất khó khăn. Xuất phát từ quy hoạch vùng, rồi sau đó có công trình cống Sồi dẫn nước vào trong đồng mà địa phương vận động dần. Thấy ở ruộng rươi người dân cấy các giống lúa truyền thống như lúa hom, lúa gié, thóc chủ yếu dùng làm thức ăn chăn nuôi, giá trị thấp, chính quyền hỗ trợ đưa những giống lúa có giá trị kinh tế cao vào như gạo giống Nhật ngon nhất Việt Nam J02, gạo ngon nhất thế giới ST25.

Lúa J02 cấy ở ruộng rươi đạt năng suất 160 kg/sào, ST25 đạt năng suất 150kg/sào, bán tại đầu bờ đã hơn 9.000 đồng/kg. Gạo J02 cấy ở vùng ruộng rươi của Công ty Thế hệ mới đã đạt OCOP 4 sao cùng với các sản phẩm khác như rươi cấp đông, cáy cấp đông, còn chả rươi, rươi niêu đốt đạt OCOP 3 sao. Năm 2022, huyện tổ chức lễ hội lúa rươi, vinh dự xã được đón Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan về dự tạo tiếng vang rất lớn. Hiện cái mà xã An Thanh đang cần là Nhà nước hỗ trợ trong việc xây dựng mã số vùng trồng, vùng nuôi…

Vùng bảo tồn, khai thác rươi cáy của huyện Tứ Kỳ trải dài qua các xã An Thanh, Quang Trung, Bình Lãng, Chí Minh, Nguyên Giáp, Hà Thanh, Cộng Lạc… gồm 8 xã ven đê sông Thái Bình, 3 xã ven đê sông Luộc đang cho tổng sản lượng rươi 300 tấn, cáy 100 tấn, lúa 1.500 tấn, thu nhập 350 - 450 triệu/ha. Mỗi khi có nước rươi lên, mặt ruộng xuất hiện nhiều váng rớt bắt dính ở đầu ngọn cỏ, không khí dậy mùi thứ mùi đặc trưng là bất kể ngày đêm, thương lái cùng các đoàn khách du lịch lại đổ về đông nghẹt. Những nhà hàng được dịp tỏa khói nghi ngút các món chả rươi, rươi om, rươi đốt, thơm nức mũi.

Biệt thự lấp ló sau những khu vườn xanh mát ở An Thanh. Ảnh: Dương Đình Tường.

Biệt thự lấp ló sau những khu vườn xanh mát ở An Thanh. Ảnh: Dương Đình Tường.

Tranh thủ lúc trước giờ họp, chị Vũ Thị Hà - Chủ tịch UBND huyện Tứ Kỳ đã dành cho tôi ít phút để nói về con rươi, con cáy. Chị cho biết, tỉnh Hải Dương có đề án phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ; còn huyện Tứ Kỳ có đề án phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung, hiệu quả và bền vững giai đoạn 2021 - 2025 ban hành trước cả đề án của tỉnh, trọng tâm cũng là công nghệ cao và hữu cơ. Khi từ Sở NN-PTNT về nhận công tác ở UBND huyện, chị nhận thấy trên địa bàn của tỉnh Hải Dương thì Tứ Kỳ là có tiềm năng nhất về nông nghiệp hữu cơ. Hiện trạng lúc đó đã có trên 200ha vùng sản xuất rươi cáy ở ven sông Thái Bình và sông Luộc đã là hữu cơ rồi nhưng chưa được chứng nhận.

Từ năm 2021, Tứ Kỳ bắt đầu xây dựng kế hoạch hàng năm để thực hiện với kế hoạch đến năm 2025 sẽ đạt gần 700ha hữu cơ. Sang năm 2022 thì đã có những đột phá như chứng nhận hữu cơ tiêu chuẩn Việt Nam cho 137ha bãi của An Thanh với giá trị sản xuất đạt 500 - 700 triệu/ha. Đây là vùng sản xuất hữu cơ được công nhận đầu tiên của tỉnh Hải Dương. Tổ chức thành công lễ hội lúa rươi, góp phần quảng bá đến đông đảo doanh nghiệp và người tiêu dùng trong và ngoài nước sự đặc sắc của nông nghiệp Tứ Kỳ;

Quảng bá phương thức sản xuất nông nghiệp vị nhân sinh, đa tầng (trên bờ trồng chuối, cây ăn quả, dưới ruộng cấy lúa, dưới đất bảo tồn rươi), đa giá trị, không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế mà còn bảo vệ sức khỏe của người sản xuất, người tiêu dùng và môi trường. Liên kết được với nhiều công ty để bao tiêu sản phẩm trong đó trọn vùng hữu cơ 137ha.

Cận cảnh con rươi An Thanh. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Cận cảnh con rươi An Thanh. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Với mục tiêu mở rộng diện tích hữu cơ hơn nữa, từ năm 2021 UBND huyện đã triển khai chính sách hỗ trợ giống, chế phẩm sinh học, tập huấn kỹ thuật cho bà con vùng quy hoạch chuyển đổi trong đồng. Không chỉ có thế, một tuyến du lịch mới được vạch ra với các điểm dừng chân gồm làng nghề thêu ren ở xã Hưng Đạo, đền Lạc Dục ở xã Hưng Đạo, trang trại trồng nấm ở xã Quang Phục, vùng rươi cáy ở xã An Thanh, bãi cỏ hồng ven sông Thái Bình ở xã Chí Minh.

“Trong định hướng dài hơi, chúng tôi khuyến khích dân phát triển các trang trại sinh thái cho du lịch trải nghiệm để thu hút được khách quanh năm chứ không chỉ mỗi dịp rươi lên theo con nước “tháng chín đôi mươi, tháng mười mồng năm” nữa", chị Hà khẳng định.

Xem thêm
Đề xuất tăng chi ngân sách cho giáo dục, y tế

Nếu thực hiện tự chủ, các bệnh viện và trường đại học công lập có thể tăng viện phí hoặc học phí lên cao, khiến người bệnh, người học phải chi trả nhiều tiền hơn.

Tìm nguyên nhân khiến ngành chè 'ngại đổi mới'

'Cây chè là cây truyền thống và từng được bao cấp một cách triệt để về doanh nghiệp và đầu ra. Như vậy, đây có phải là nguyên nhân khiến ngành chè ngại đổi mới?' - nguyên Thứ trưởng Lê Quốc Doanh trăn trở.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Xuất hiện vết nứt trên núi Phú Gia, di dời khẩn cấp hàng chục hộ dân

THỪA THIÊN - HUẾ Trên núi Phú Gia xuất hiện vết nứt dài khoảng 50m, đã có 1 điểm lở xuống phía dưới, độ cao khoảng 20m có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản người dân.