| Hotline: 0983.970.780

Mùa chống bệnh phấn trắng ở Công ty Cao su Mang Yang

Thứ Ba 28/02/2023 , 11:13 (GMT+7)

Trong bối cảnh khó khăn bủa vây, nhưng với quyết tâm cao Công ty Cao su Mang Yang đã vượt khó để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Trong chuyến công tác tại tỉnh Gia Lai chúng tôi có dịp ghé thăm Nông trường Đoàn Kết, đơn vị thuộc Công ty TNHH MTV Cao su Mang Yang (Công ty Cao su Mang Yang). Trước tầm mắt chúng tôi là một vùng ngút ngàn cây xanh đang hân hoan tắm đẫm nắng vàng của mặt trời chiều mùa khô ở Tây Nguyên trong tiết trời se lạnh. 

Trong không khí hồ hởi những ngày đầu năm mới, công nhân của Nông trường Đoàn Kết, người thì đang pha thuốc, người chuẩn bị máy móc để phun phòng ngừa bệnh phấn trắng cho cây cao su. Tiếng máy nổ nghe giòn giã, đằng sau chiếc máy phun lên tia nước trắng xóa tỏa ra hai bên đến vài mét và cao tới ngọn cây cao su. 

Bà H’Lanh, công nhân khai thác tổ 1, Nông trường Đoàn Kết, bồi hồi nhớ lại những ngày đầu mới vào làm công nhân. Năm 2004, khi mới được tuyển dụng vào làm việc, dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng Công ty cao su Mang Yang đặc biệt quan tâm đến các chế độ chính sách đối với công nhân là người đồng bào dân tộc thiểu số. Hiện nay, với mức thu nhập tiền lương hơn 7,2 triệu đồng/tháng. Bên cạnh đó, vào mùa khô Công ty còn hỗ trợ thêm cho công nhân là người người đồng bào dân tộc thiểu số mỗi tháng 300.000 đồng để đảm bảo thu nhập, đời sống của người lao động được nâng lên.

hình 1

Công nhân Nguyễn Văn Hiến đang pha thuốc để phun phòng bệnh phấn trắng cho vườn cao su. Ảnh: N.T.

Bà Huỳnh Thị Như Thảo, Phó Giám đốc Nông trường Đoàn Kết cho biết: Hiện nay, Nông trường đang quản lý, chăm sóc và khai thác 815 ha cao su. Ngày 8/1/2023 vừa qua, nông trường bắt đầu tiến hành phun thuốc phòng bệnh phấn trắng cho cây cao su. Trước khi phun thuốc, công nhân của nông trường tiến hành kiểm tra khi bộ lá của cây cao su ra lá chân chim từ 10-15% là tiến hành phun thuốc phòng ngừa bệnh phấn trắng. Nông trường có đội pha chế thuốc riêng, thuốc được sử dụng là: Hanovil 10SC, chất bám dính, BimixK-Master, cứ 2 lít thuốc pha 1.000 lít nước. Thời gian phun thuốc từ 3-9 giờ sáng, buổi chiều từ 16-23 giờ. Cách 9 ngày là phun lại lần 2 hoặc lần 3.

Theo bà Thảo, phun thuốc phòng bệnh phấn trắng cho cây cao su không phải lúc nào phun cũng được, khi nào thời tiết thuận mới mới phun, đến khi cây ra lá ổn định thì dừng. “Phun thuốc vào ban đêm sẽ hạn chế được nắng gắt, gió và lượng thuốc phun sẽ bám vào lá cây nhiều hơn. Nếu không phun thuốc kịp thời bệnh phấn trắng sẽ làm cho lá bị teo lại hư hại”, bà Thảo nói.

Bà Thảo nhớ lại, năm 2014 là thời điểm cực kỳ khó khăn của nông trường, lúc ấy thời tiết mưa nhiều, vườn cây ít được quan tâm nên bị bệnh phấn trắng hoành hành trên những diện tích cao su chủ lực, vườn cây yếu hẳn đi, phải đưa vào khai thác muộn. Thời kỳ đó giá cao su giảm sâu, nên việc phun thuốc phòng ngừa bệnh phấn trắng không được kịp thời do kinh phí ít nên số lần phun thuốc cũng giảm, đồng thời máy móc lạc hậu mỗi ngày phun chỉ được 1 ha nên sản lượng mủ giảm. 

Bây giờ đã khác, máy móc hiện đại hơn nên thời gian phun thuốc rất kịp thời, một ngày phun được đến 300 ha, nên vườn cây phát triển rất đồng đều. Nếu cây cao su có rụng lá thì cũng rụng đều, ra lá cũng đều và dày hơn nên năng suất vườn cây có tổ đạt trên 2 tấn/ha.

hình 3

Máy phun thuốc tại vườn cây ở Nông trường Đoàn Kết giúp giảm chi phí nhân công và phòng bệnh hiệu quả hơn. Ảnh: N.T.

 Ông Hoàng Trung Hưng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cao su Mang Yang, cho biết: Hiện nay, Công ty có 7 phòng chuyên môn, 1 Trung tâm y tế, 4 nông trường, 1 đội sản xuất trực thuộc, 1 xí nghiệp cơ bản. Công ty Cao su Mang Yang có 45 tổ sản xuất với tổng số lao động là 1.463 người, trong đó có 787 người là đồng dân tộc thiểu số. Với diện tích hơn 7.502 ha cao su, trong đó có 4.265,55 ha đã đưa khai thác.

Năm 2023, Tập đoàn Công  nghiệp Cao su Việt Nam giao cho đơn vị nhiệm vụ đạt sản lượng 6.300 tấn, Công ty sẽ phấn đấu vượt hơn 10% kế hoạch Tập đoàn giao. Năm nay, Công ty phấn đấu đạt tổng doanh thu 393,23 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 57,27 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 45,350 tỷ đồng, nộp vào ngân sách Nhà nước 22, 67 tỷ đồng, nộp Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp 27 tỷ đồng.

Để đạt được mục tiêu nói trên, ngay từ đầu năm 2023, Công ty đã phát động sâu rộng phong trào thi đua lao động sản xuất, triển khai công tác phòng trị bệnh trên vườn cây, đặc biệt bệnh phấn trắng trên vườn cây khai thác. Công tác bón phân, phòng trị bệnh cho vườn cây được chú trọng hơn. Ngoài ra, Công ty còn tổ chức đào tạo nhân lực, tuyển dụng đủ lao động để đảm đương hết những phần việc. Công tác phòng cháy chữa cháy cũng được đảm bảo, bố trí lực lượng trực gác 24/24 không để xảy ra cháy. 

Đầu năm nay, Công ty đã chi khoảng 6 tỷ đồng để thực hiện phun thuốc phòng trị bệnh phấn trắng cho hơn 5. 242 ha cao su. Đối với bệnh botryodiplodia và thối vỏ, Công ty đã thực hiện phun trị bệnh botryodiplodia cho 67.0425 cây, diện tích được phun tại Nông trường Hòa Bình và Nông trường Kdang là 158,77 ha; phun trị thối vỏ xì mủ cho 5.814 cây của vườn cây khai thác Nông trường Kdang và Nông trường Đoàn Kết với diện tích phun 96,09 ha.

Trong bối cảnh rất nhiều khó khăn bủa vây, nhưng với sự nỗ lực, quyết tâm cao nhất của toàn thể cán bộ công nhân viên, Công ty đã tạo được đoàn kết, cùng nhau vượt qua khó khăn và đã hoàn thành tốt nhiệm vụ đề ra. Hiện cao su của Công ty đạt năng suất bình quân 1,6 tấn/ha. Có 5 tổ sản xuất đạt năng suất trên 1,8 tấn/ha; có 6 tổ đạt năng suất trên 2 tấn/ha. Chất lượng mủ chế biến đảm bảo theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN 3769:2016, 100% sản phẩm do Công ty chế biến đạt tiêu chuẩn ISO 9001:2015, ISO 14001:2015 VRG TCCS 112:2017/TĐCNCSVN, riêng đối với mủ RSS Công ty đang xây dựng lộ trình sản xuất một phần sản lượng theo TCCS 104:2017.

hình 2

Công ty Cao su Mang Yang đưa máy móc vào sản xuất từ đó tăng năng xuất, hiệu quả công việc. Ảnh: N.T.

Được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam và sự ủng hộ của cấp Ủy, chính quyền địa phương nơi Công ty đứng chân và với tinh thần đoàn kết vượt khó, đơn vị đã tập trung làm tốt công tác tư tưởng trong cán bộ công nhân viên. Sắp xếp biên chế tổ chức, lao động phù hợp tình hình thực tế của Công ty. Tuyển dụng đủ lao động khai thác, triển khai phun thuốc phòng trị bệnh phấn trắng kịp thời, có hiệu quả, giữ được bộ lá. Đồng thời chỉ đạo quyết liệt công tác trang bị mái che mưa một cách đồng bộ có hiệu quả đảm bảo những ngày mưa vẫn khai thác được mủ.

Đặc biệt là thay đổi chủng loại phân bón (phân NPK đảm bảo chất lượng), quán triệt công tác chỉ đạo bón phân chặt chẽ đúng quy trình và không để thất thoát phân bón. Triển khai thực hiện đồng bộ các phương án tiết giảm chi phí nhằm hạ giá thành sản phẩm. Tăng cường công tác dân vận, bảo vệ tài sản, sản phẩm mủ cao su không để thất thoát.   

Đây chính là điểm mấu chốt làm nên thành công của Công ty không những về mặt bảo đảm đạt vượt kế hoạch hoạt động sản xuất mà còn thành công về mặt xã hội; giúp công nhân phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống nhờ vào cây cao su của Công ty. Để đạt được thành quả này là không dễ, bởi trình độ người lao động còn hạn chế, Công ty đã phải phân công cán bộ kỹ thuật bám lô, bám vườn kiểm tra uốn nắn tay nghề đối với công nhân.  

Xem thêm
Tôm Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ sẽ gánh thêm thuế chống trợ cấp

Tôm Việt Nam, Ấn Độ, Ecuador xuất khẩu sang Hoa Kỳ có thể bị buộc trả thuế chống trợ cấp sơ bộ với mức dao động từ dưới 2% đến tối đa 196%.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Chuyên gia: 'Thế giới có gì, Vinhomes Royal Island có đó, thậm chí còn có nhiều hơn'

Đảo Vũ Yên (Hải Phòng) đang là 'tâm chấn' của thị trường BĐS kể từ sau khi Vinhomes Royal Island chính thức ra mắt.

Bình luận mới nhất