| Hotline: 0983.970.780

Mùa khát vùng hoang mạc cùng nước mắt những người chăn cừu du mục

Thứ Tư 11/04/2018 , 10:20 (GMT+7)

Những đàn cừu khát nước, gục xuống bên những đồng cỏ cháy khô. Những người chăn cừu du mục rơi nước mắt vì thấy cừu chết mà không cứu nổi. Bán 1 con để giữ lấy 10 con, người du mục đang làm thế, nếu không cả cừu và người cùng chết.

10-08-51_2
Những đàn cừu đang khát nước ở Ninh Thuận

“Bầy cừu hơn 250 con giờ chết gần nửa! Không có nước, người còn chết huống chi cừu! Ngày nào cũng có cừu chết, tôi làm thuê chăn cừu thôi nhưng thấy cừu chết còn xót ruột huống gì ông chủ. Nên ngày nào có cừu chết tôi cũng không dám báo cho chủ biết, sợ ổng buồn!”, ông Nô, người dân tộc Chăm đang chăn cừu thuê cho chủ trang trại Nguyễn Công Bảy, xã Phước Trung, huyện Bác Ái (Ninh Thuận) gục gặc khi nói về đàn cừu mỗi ngày lại chết dần chết mòn dưới cái nắng và những cơn khát vùng sa mạc.

Cừu là vật nuôi có mặt rất sớm trên vùng đất Ninh Thuận, từ cách đây hơn 100 năm, do người Pháp thử nghiệm. Ninh Phước, Bác Ái và Thuận Bắc là 3 huyện có đàn cừu tập trung rất lớn. Ở Ninh Thuận, các gia đình người Chăm nuôi cừu thuê cho những ông chủ lớn. Họ sống cả gia đình trong trang trại nuôi cừu, thiếu nước sinh hoạt, xa chợ, trường học nên khá vất vả. Các hộ gia đình với quy mô chăn nuôi nhỏ từ vài chục đến 200 con cừu, thường thuê người dân xung quanh chăn dắt.

Xã Phước Trung bây giờ chỉ thấy cảnh ruộng đồng xơ xác vì nắng nóng, cây cỏ cháy vàng, đất ruộng nứt nẻ, khô khốc. Trong các trại chăn nuôi cừu của người dân nơi đây là những đàn cừu suy yếu, gầy guộc… vì đang thiếu thức ăn và nước uống. 3 năm gần đây hạn hán liên tiếp không chỉ đẩy cả tỉnh Ninh Thuận vào tình cảnh kiệt cùng nguồn nước, mà nắng với gió khốc liệt và kéo dài đã khiến những người chăn nuôi cừu khốn đốn vì cừu chết hàng loạt do thiếu thức ăn và nước uống.

Nắng nóng quá nên đồng khô, cỏ cháy, nước uống cũng thiếu nên ngày nào cũng có cừu chết. Những con cừu chết dọc đường đi kiếm ăn, chết trong những vũng bùn quánh lên khô khốc, chết trong chuồng trại trước mỗi bình minh. Ngày nào cũng vậy, những người chăn cừu du mục, những chủ trang trại nuôi cừu ở vùng đất hoang mạc này lại quặn that gan ruột nhìn những con cừu gục xuống. Cừu mẹ chết khát vì không có nước uống, cừu non chết khát vì không được bú mẹ. Nước chỉ để dành cho người. Mà người cũng phải tằn tiện từng chút một.

“Từ sau tết đến giờ khô hạn quá, đàn cừu hơn 250 con của tôi đã chết hơn một nửa. Trong chuồng giờ chỉ còn hơn 100 con cừu nhưng sợ cũng không qua khỏi mùa hạn năm nay. Nhiều con cừu cái đẻ con nhưng chỉ vài ngày sau là chết cả mẹ lẫn con. Nếu sắp tới trời không mưa, thiếu cỏ tươi, chắc bầy cừu chết hết”, ông Bảy nhìn đàn cừu mà thương. Thương vậy thôi, vì ông cũng bất lực. Và không chỉ riêng ông, hàng chục hộ chăn cừu nơi đây cũng đang phải chịu cảnh tương tự.

Hạn hán khủng khiếp mấy tháng nay đã rút cạn nguồn sống của không chỉ cừu mà còn của nhiều loài gia súc khác. Những khúc sông, những lòng hồ bốc hơi cạn trơ đáy, khi những đàn cừu đi qua bụi tung mịt trời. Vườn ruộng cạn kiệt, lòi gốc mạ. Mặt trời không buông tha cho vùng núi vốn đã nghèo sức sống. Nguồn thức ăn chính của cừu không thể sống nổi. Không nước uống, cỏ cũng chẳng còn. Người nuôi phải cho cừu ăn rơm rạ cầm hơi. Nhưng rơm rạ cũng có rẻ đâu.

“Mới khoảng 30 ngày, tôi tốn 30 triệu đồng để mua rơm cho cả bầy. Mươi bữa phải cho chúng uống thêm nước cám gạo để có chất. Nếu không, chết cả đàn là cái chắc”, ông Trần Cao Hòa, xã Phước Trung ngao ngán nói. Nắng hạn kéo dài, cây cỏ trơ trụi, đàn cừu chỉ còn gần 500 con của gia đình ông đành phải nhốt lại, nguồn thức ăn chính là cám, rơm khô hòa với ít mật đường.

Cừu vẫn ăn, cho gì ăn nấy. Nhưng nếu không phải là cỏ, thì trước sau gì chúng cũng sẽ chết. Cám và các loại thức ăn khác sẽ làm cừu mắc các bệnh như chướng hơi dạ cỏ, tức bụng, không tiêu hóa được. Ông tính, hàng ngày phải chi hơn 400.000 đồng mua thức ăn “cứu đói” đàn cừu.  Bình quân cứ 10 ngày phải bán bớt 4 con cừu để có đủ chi phí tiếp tục duy trì những con còn lại, nếu không cả đàn cừu chết, cả gia đình ông và những người chan cừu du mục thuê của ông cũng chết.

Trong theo giới cừu ở Ninh Thuận, những con cừu suy kiệt sẽ phát bệnh, lây lan cho bầy đàn là chuyện tất nhiên. Lo lắng, một vài chủ trang trại đã bán rẻ đàn cừu để vớt vát vốn liếng.

“Hôm qua, có người vừa bán gần 200 con cừu còn lại nhưng chỉ được vài chục triệu đồng, sau khi bị chết hơn 150 con. Cừu đực thì may ra có người mua 1,2- 1,5 triệu đồng/con để xẻ thịt, còn cừu cái rất khó bán”, ông Hòa cho biết. Hàng ngàn hộ chăn nuôi cừu đang rơi vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan vì giá cừu rớt thê thảm.

Hơn một tháng qua, các chủ trại nuôi cừu đã phải bán số cừu gầy còn lại để tránh bị thiệt hại nặng hơn, không ít chủ nuôi cừu đang đối mặt với chuyện mất hết vốn đầu tư. Giải pháp của nhiều người nuôi cừu là bán 1 con cừu giá 800.000 đồng để cứu 10 con cừu còn lại vượt qua đại hạn. “Đầu năm 2015 giá cừu bình quân từ 80.000 - 110.000 đồng/kg hơi, nay giảm xuống còn phân nửa. Với tình hình này, chắc tôi phải bán tháo đàn cừu chứ không thể chờ đến lúc giá cừu tăng lại”, ông Bảy nghẹn ngào nói.

Cá biệt có trang trại của ông Tư Kha, ở TP Phan Rang - Tháp Chàm đến đầu tư nuôi 450 con cừu, nhưng trong tháng 2 và 3/2018, số cừu chết gần 50% tổng đàn. Để tránh thua lỗ nặng, ông Tư Kha đã bán hết số cừu còn lại với giá 600 nghìn đồng/con và bỏ luôn cả trang trại từng đầu tư tiền tỷ trước đó.

Đã 3 tháng trôi qua, nơi đây không có một giọt mưa biến vùng đất này khô cằn, nắng chát như sa mạc. Và bầu trời vẫn rất cao, xanh ngắt đến lạnh lùng trước nỗi thống khổ nắng hạn. Bỏ qua tất cả mọi khó khăn, những người chăn cừu du mục vẫn cố gắng sống, vẫn không ngừng tìm cách mưu sinh với niềm hy vọng cuộc đời của con, của cháu mình sẽ ngày càng bớt cơ cực hơn. Có lẽ không có ai có thể tưởng tượng nổi cuộc sống cơ cực, khó khăn của những mảnh đời mưu sinh ở nơi cuối dãy Trường Sơn này.

Cho dù đến cả năm trời không có mưa, nắng như thiêu như đốt, đồng cỏ hoang trụi nhưng họ chưa từng nghĩ đến việc bỏ lại mảnh đất này mà ra đi, vẫn lặng lẽ sống, bỏ qua sự hoang dại của thiên nhiên nơi đây.

 

Xem thêm
Đề xuất tăng chi ngân sách cho giáo dục, y tế

Nếu thực hiện tự chủ, các bệnh viện và trường đại học công lập có thể tăng viện phí hoặc học phí lên cao, khiến người bệnh, người học phải chi trả nhiều tiền hơn.

Tìm nguyên nhân khiến ngành chè 'ngại đổi mới'

'Cây chè là cây truyền thống và từng được bao cấp một cách triệt để về doanh nghiệp và đầu ra. Như vậy, đây có phải là nguyên nhân khiến ngành chè ngại đổi mới?' - nguyên Thứ trưởng Lê Quốc Doanh trăn trở.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Người phụ nữ 'biến đổi' vùng đất nghèo thành vườn rau bội thu

SƠN LA Bà Luyến, một nông dân ngụ cư, đã nỗ lực thay đổi bản Tự Nhiên từ vùng đất nghèo khó thành điểm sáng nông nghiệp sạch, mang lại cuộc sống ấm no cho cộng đồng.