Tiến Linh ăn mừng cú hat-trick vào lưới U22 Lào |
Mặt sân cỏ nhân tạo rất khác so với mặt cỏ tự nhiên. Sau lượt trận ra quân, LĐBĐ Campuchia đăng tải nhiều hình ảnh cầu thủ nước này bị trầy da, chảy máu vì ngã trên mặt cỏ.
Đó là điều rất khó xảy ra nếu đá trên mặt cỏ tự nhiên, nơi cỏ mềm, được tưới thường xuyên và dưới cỏ còn có lớp đất dày. Ngược lại, dưới mặt cỏ nhân tạo là lớp cao su và nhiều sỏi nhỏ. Chỉ cần sơ ý, cầu thủ sẽ bị đau.
Ngoài chuyện chấn thương, cái khác lớn nhất trên mặt cỏ nhân tạo là tốc độ lăn của trái bóng. Khi lướt trên cỏ, bóng có ít ma sát hơn và sẽ lăn với tốc độ nhanh hơn. Bên cạnh đó, nếu cầu thủ nào chơi kỹ thuật, chuyền bóng bằng má (trong hoặc ngoài) đưa bóng lướt trên mặt đất, trái bóng sẽ thiếu độ cuộn và xoáy so với thông thường.
Những sự sai khác ấy hiện rõ ở bàn nâng tỷ số lên 2-0 của Tiến Linh. Đó là pha bóng tiền đạo Bình Dương dốc bóng thoải mái, trước mặt không có hậu vệ truy cản, sau khi được Hồ Tấn Tài xé toang hàng thủ U22 Lào.
Trong quãng đường gần 30m dốc bóng, Tiến Linh chỉ đẩy bóng đúng một lần, và thậm chí khiến trái bóng ở nhịp chạm này nhanh hơn suy nghĩ của anh. Một giây trước khi co chân sút, Tiến Linh hơi lỗi nhịp chân, nhưng bằng kinh nghiệm, anh chờ trái bóng lăn thêm, và ghi bàn.
Pha xử lý của Tiến Linh là hết sức cơ bản của một tiền đạo, nhưng tiềm ẩn sau đó là những điều không đơn giản. Nếu không có cảm giác đủ tốt, cầu thủ rất có thể sẽ dấn thêm nhịp thứ hai, trong một pha dốc bóng dài 30m. Hoặc tệ hơn, cầu thủ sẽ lỗi nhịp sút, và có thể đưa bóng đi không như ý.
Một cầu thủ kỹ thuật như Quang Hải cũng phải rất cẩn thận khi đá trên mặt cỏ nhân tạo |
Trước ngày lên đường sang Philippines, những cầu thủ có lối chơi máu lửa của U22 Việt Nam như Trọng Hoàng, Văn Hậu đã được ban huấn luyện gọi riêng để nhắc nhở về những rủi ro chấn thương khi đá mặt sân nhân tạo. Trong trận gặp U22 Lào, HLV Park Hang-seo phải gọi riêng Văn Hậu ra lúc giữa hiệp một để nhắc lại vấn đề này.
Lo lắng của ông Park và ban huấn luyện không thừa. Bởi trước đó, cũng trong một pha va chạm giữa Quang Hải và hậu vệ U22 Lào, Quả bóng vàng Việt Nam gần như phải lộn người để kịp chống tay xuống đất, thay vì ôm chân ngã xuống như trên mặt cỏ tự nhiên. Đó là một pha tự vệ cần thiết, khi mà mặt sân cứng chính là tác nhân gây ra những tổn thương nghiêm trọng ở phần đầu gối, hoặc cổ chân.
Dĩ nhiên, ban huấn luyện U22 Việt Nam đã lường trước được những khó khăn này. Trong buổi họp chiến thuật trước trận, HLV Park Hang-seo đã chỉ đạo cho đội trưởng Quang Hải rằng phải chọn phần sân thuận gió trong hiệp 1.
Đó cũng là lý do khiến U22 Việt Nam bị chói mắt liên tục trong 45 phút đầu tiên (vì thuận gió nhưng ngược nắng). Tuy nhiên, chính bởi cách chọn này đã giúp trái bóng của Tiến Linh trôi nhanh hơn, và dẫn tới bàn thắng ở phút 17.
SEA Games từ lâu nay được xem là một ngày "hội làng", nơi mọi đoàn tham gia phải sẵn sàng chấp nhận và xử lý mọi thử thách theo kiểu không lường trước. Mặt sân cỏ nhân tạo ở Philippines không phải ngoại lệ. Chúng ta không được phép kêu ca, nếu còn nuôi mộng giành vàng SEA Games.
Cách duy nhất lúc này là học cách "Sống chung với lũ". Phải biết cách tùy cơ ứng biến và chiến đấu từng trận một.