Đối với sản xuất nông nghiệp, đã thu hoạch được 54.450/72.911ha lúa mùa. Qua kiểm đếm, có 1.125ha lúa bị ảnh hưởng, trong đó diện tích bị thiệt hại trên 70% là 52ha, diện tích lúa bị thiệt hại từ 30 - 70% là 1.073ha. Ước tính giá trị thiệt hại 21,6 tỉ đồng.
Diện tích cây vụ đông bị ảnh hưởng là 6.610ha, trong đó diện tích bị thiệt hại trên 70% là 905ha, diện tích bị thiệt hại từ 30 - 70% là 1.800ha. Ước giá trị thiệt hại 4,5 tỷ đồng. Như vậy, giá trị thiệt hại đối với sản xuất nông nghiệp ước tính 26,1 tỉ đồng.
Đối với hệ thống đê điều, sau mưa bão đã gây sạt, sập một số vị trí đê, kè thuộc tuyến đê trên địa bàn tỉnh; ước tính thiệt hại 41,7 tỉ đồng.
Theo đó, tại huyện Hải Hậu, kè Hải Thịnh 3 đã sập, sạt với tổng diện tích các hố sập, sạt là 278m2. Kè bãi tắm Thịnh Long sạt toàn bộ kè, có đoạn sạt lở vào tới mặt đường nhựa khu du lịch với chiều dài 700m.
Kè bãi tắm Quất Lâm (huyện Giao Thủy) bị sạt diện tích khoảng 10m2. Tuyến đê biển Thanh Hương (huyện Nghĩa Hưng) lở 4 vị trí, chiều dài 90m, chiều sâu hố từ 0,6 - 1m.
Tuyến đê bối Đồng Tâm (huyện Vụ Bản) bị sạt lở phía sông, xói mòn vào tận bờ 0,5 - 2m; chiều dài 90m. Sạt lở phía đồng, xói mòn vào tận bờ 0,5 - 1,5m; chiều dài 15m.
Bối Hồng Hà (huyện Mỹ Lộc) bị sạt lở tại bãi hạ lưu kè Hồng Hà với chiều dài 200m, có những vị trí ăn sâu vào tận bãi 3 - 5m, tạo thành vách đứng hở hàm ếch.
Đê hữu Ninh (huyện Trực Ninh) xuất hiện rò rỉ thẩm thấu, nước chảy thành dòng tại K27+700 - K27+800.