| Hotline: 0983.970.780

Nam Định: Lúa đổ hàng loạt do mưa lớn

Chủ Nhật 18/10/2020 , 20:15 (GMT+7)

Trước những thiệt hại do mưa bão gây ra, ngành nông nghiệp Nam Định khuyến cáo bà con nông dân khẩn trương xuống đồng cứu lúa mùa; tránh ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng.

Nông dân Nam Định xuống đồng cứu lúa. Ảnh: Mai Chiến.

Nông dân Nam Định xuống đồng cứu lúa. Ảnh: Mai Chiến.

Theo Sở NN-PTNT Nam Định, do ảnh hưởng của bão số 7, gây mưa to, gió lớn trên diện rộng toàn tỉnh đã khiến 5.370ha lúa mùa, 6.610ha cây vụ đông bị ảnh hưởng. Riêng cây vụ đông đã có những diện tích thiệt hại >70%, không có khả năng phục hồi.

Tại huyện Nam Trực, tranh thủ thời tiết tạnh ráo, bà con nông dân đã xuống đồng cứu lúa. Vừa dùng tay nâng từng khóm lúa bị đổ, bà Trần Thị Cương (xã Nam Toàn) vừa nói: Bão số 7 đi qua đã làm nhiều diện tích lúa mùa ở đây bị đổ gãy, chìm sâu trong nước, trong đó có diện tích lúa của gia đình bà.

“Chăm bẵm mấy tháng trời mới được bông lúa, giờ lúa bị đổ, ngập trong nước, tôi xót lắm. Đã hai ngày nay, tôi phải cặm cụi dưới ruộng để buộc những khóm lúa lại với nhau, tránh thóc nảy mầm. Hi vọng cây lúa không bị nhũn, thối gốc…”, bà Cương buồn bã.

Gần 2 sào lúa nếp của gia đình chị Nguyễn Thị Bảy (xã Nam Toàn) bị ngập sau trong nước nhiều ngày nay, có nguy cơ hỏng đến 70%. Gia đình chị đang gặt lúa bằng tay để đưa về nhà phơi phóng, được tí nào hay tí đó, còn lại cho gà ăn; bởi lúa vẫn còn xanh, chưa chín hẳn và đang có dấu hiệu nảy mầm.

Chị Bảy rầu rĩ: “Khu này ruộng bị trũng, gặp mưa bão là ruộng đầy nước ngay, nước không tiêu thoát đi đâu được. Nhà nông chúng tôi, làm ruộng lấy công làm lãi, vứt bỏ đi thì tiếc, mà gặt đưa về thì chẳng được bao nhiêu”.

Toàn tỉnh Nam Định hiện có 5.370ha lúa mùa bị ảnh hưởng. Ảnh: Mai Chiến.

Toàn tỉnh Nam Định hiện có 5.370ha lúa mùa bị ảnh hưởng. Ảnh: Mai Chiến.

Bà con nông dân trên địa bàn huyện Trực Ninh cũng đang tức tốc cứu lúa. Đi dọc các tuyến đường dẫn ra ruộng, không khó bắt gặp những trà lúa mùa muộn (chủ yếu là lúa nếp) đang trong giai đoạn chắc hạt bị gió quật đổ, nằm chìm trong biển nước.

Nông dân Lê Thị Hòa (xã Trực Chính) than thở: Vụ này, gia đình tôi canh tác 2,5 sào lúa nếp. Lúa đang trong giai đoạn chín tới, bông lúa đẹp, nặng hạt. Cứ tưởng rằng, vụ này thắng lớn, ai ngờ trận mưa to kéo dài vừa qua đã làm đổ gần một nửa ruộng.

“Do bị ngâm trong nước nhiều ngày liền nên cây lúa không còn cứng, gây khó khăn cho việc buộc lại. Hiện, đã có khóm lúa đang có dấu hiệu thối gốc vì bị gãy, dập; trong khi đó dự kiến 20 ngày nữa mới đủ thời gian để thu hoạch…”, bà Hòa vừa cầm cây lúa vừa nói.

Các huyện ven biển như Giao Thủy, Hải Hậu, Xuân Trường, Nghĩa Hưng cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Vụ mùa năm nay, huyện Hải Hậu gieo cấy 9.743ha lúa, đã thực hiện thu hoạch gần 80% diện tích trước khi bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 7.

Qua kiểm đếm, huyện này bị thiệt hại 257ha lúa chưa thu hoạch, bị ngập trong nước. Trong đó, 187ha lúa mùa trung và 70ha lúa tám, nếp đặc sản bị thiệt hại, do một số bà con chủ quan không thực hiện phương châm “xanh nhà hơn già đồng”.

Do bị ngâm trong nước nhiều ngày liền nên cây lúa không còn cứng; mặc dù đã được buộc lại với nhau nhưng những khóm lúa nhìn rất siêu vẹo, ngả nghiêng. Ảnh: Mai Chiến.

Do bị ngâm trong nước nhiều ngày liền nên cây lúa không còn cứng; mặc dù đã được buộc lại với nhau nhưng những khóm lúa nhìn rất siêu vẹo, ngả nghiêng. Ảnh: Mai Chiến.

Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt - BVTV Nam Định, ông Trần Ngọc Chính cho hay, theo dự báo của Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, trong những ngày tới thời tiết trong khu vực còn diễn biến phức tạp, đặc biệt là ảnh hưởng của cơn bão số 8 kết hợp với không khí lạnh gây ảnh hưởng đến khu vực miền Bắc trong đó có tỉnh Nam Định.

Trước tình hình trên, để đảm bảo thu hoạch diện tích lúa mùa đã chín và gieo trồng cây vụ đông theo đúng kế hoạch, Sở NN-PTNT Nam Định đã ra công văn chỉ đạo các Công ty TNHH MTV KTCTTL tranh thủ tối đa thủy triều, huy động tối đa các phương tiện bơm tiêu úng nhanh để cứu lúa…

Các địa phương khẩn trương kiểm tra, đánh giá, phân loại mức độ thiệt hại của từng vùng, từng cánh đồng để có biện pháp chỉ đạo khắc phục kịp thời, phù hợp. Đối với những diện tích lúa đã chín sau khi đã tiêu rút nước, tranh thủ thời tiết thuận lợi, huy động tối đa mọi phương tiện, lực lượng khẩn trương thu hoạch nhanh, gọn để tránh thiệt hại đến năng suất, chất lượng.

Những diện tích lúa đang giai đoạn chắc xanh nhưng bị đổ ngã do mưa gió, hướng dẫn các hộ nông dân dựng lúa lên, cột thành chùm để tránh hạt lúa nảy mầm trên bông, tháo cạn nước trên mặt ruộng để tạo thuận lợi cho việc thu hoạch.

Đối với cây rau màu vụ đông, khẩn trương tận thu những diện tích rau đã đến kỳ thu hoạch. Thực hiện khơi thông dòng chảy, nạo vét mương máng, rãnh thoát nước trên ruộng; chuẩn bị đủ lượng và chủng loại hạt giống rau để sẵn sàng gieo trồng, trồng lại khi thời tiết hết mưa, tạnh ráo.

“Các huyện, thành phố phân công cán bộ tăng cường về các cơ sở, trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra, đánh giá và khắc phục hậu quả của mưa bão…”, ông Chính đề nghị.

Vụ mùa năm 2020, Nam Định gieo cấy 72.911ha lúa và 8.760ha rau màu Hè Thu. Về cây vụ đông, dự kiến gieo trồng 11.460ha, đến ngày 13/10 toàn tỉnh đã gieo trồng (hoặc vào bầu) được 6.610ha cây vụ đông các loại (trong đó ngô 1.830ha, cà chua 530ha, bí xanh 575ha và 3.675ha rau các loại).

Xem thêm
Chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt cho hộ nghèo ở Thanh Hóa

Tập đoàn Mavin và Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam (World Vision) vừa tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt tại huyện Thường Xuân, Thanh Hóa.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm