| Hotline: 0983.970.780

100 tấn cá chết ở hồ Sông Mây: 'Nước cạn đáy, mật độ nuôi quá dày nên thiếu oxy'

Thứ Bảy 04/05/2024 , 07:51 (GMT+7)

ĐỒNG NAI Nguyên nhân cá chết hàng loạt ở hồ Sông Mây là do nước hồ cạn đáy, mật độ cá nuôi quá dày nên thiếu oxy và đơn vị nuôi thủy sản còn chủ quan.

Ông Trần Đình Minh, Phó giám đốc phụ trách Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai, dẫn đầu đoàn kiểm tra liên ngành tại hồ Sông Mây. Ảnh: Minh Sáng. 

Ông Trần Đình Minh, Phó giám đốc phụ trách Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai, dẫn đầu đoàn kiểm tra liên ngành tại hồ Sông Mây. Ảnh: Minh Sáng. 

Đó là nhận định của Đoàn liên ngành tỉnh Đồng Nai khi kiểm tra công tác xử lý cá chết và tìm hiểu nguyên nhân cũng như tiến độ xử lý môi trường tại hồ Sông Mây, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai.

Theo thông tin từ Đội nuôi trồng thủy sản, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Đồng Nai, đơn vị thuê mặt nước nuôi cá. Từ ngày 28/4 đến 2/5, việc vớt hơn 100 tấn xác cá chết dưới hồ Sông Mây đã hoàn thành. Hiện đơn vị nuôi trồng thủy sản đang phối hợp với lực lượng chức năng tiến hành xử lý môi trường, rải vôi trên khắp mặt hồ để khử mùi hôi, khử trùng khu vực hồ và ủ số cá chết trên làm phân vi sinh.

Sau khi nhận được thông báo của Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Đồng Nai về việc thực hiện dự án cải tạo hồ Sông Mây, đơn vị đã tập trung thu hoạch cá được khoảng 80% và không thả cá mới cho vụ năm nay. Do vậy, đây chỉ là lượng cá còn tồn đọng của năm trước, do cá còn nhỏ chỉ từ 1-2 lạng một con nên không đủ chuẩn để xuất bán.

Thượng úy Lê Minh Tấn, Đội trưởng Đội nuôi trồng thủy sản cho biết: “Tổng lượng cá chết trên hồ Sông Mây trong những ngày qua là hơn 100 tấn, gồm các loại cá tra, cá mè, cá rô phi và một số loại cá da trơn khác. Đơn vị chúng tôi đã huy động tất cả cán bộ, chiến sĩ, nhân viên làm việc xuyên suốt mấy ngày lễ để liên tục vớt, đưa số cá chết trên hồ lên bờ để hạn chế gây ô nhiễm môi trường”.

Tổng lượng cá chết trên hồ Sông Mây trong những ngày qua là hơn 100 tấn. Ảnh: Hữu Khoa/Dân Trí.

Tổng lượng cá chết trên hồ Sông Mây trong những ngày qua là hơn 100 tấn. Ảnh: Hữu Khoa/Dân Trí.

Theo Thượng úy Tấn, để khắc phục nhanh sự cố cá chết và kịp triển khai cho vụ nuôi cá tiếp theo khi mùa mưa tới, Đội nuôi trồng thủy sản tận dụng những ao xung quanh khu vực để tạo lại nguồn giống mới. Hiện tại, đơn vị cũng đã tiến hành tạo nguồn cá giống được hơn 10 tấn (2 tháng tuổi) để sẵn sàng thả nuôi khi mùa mưa đến hồ có nước.

Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt, bảo vệ thực vật và thủy lợi tỉnh Đồng Nai Vũ Quốc Việt cho biết, diện tích mặt nước của hồ Sông Mây tại thời điểm cao trình đỉnh đập đạt gần 196,6ha, nhưng khi xảy ra cá chết hàng loạt thì diện tích mặt nước chỉ còn khoảng 2ha, độ sâu mặt nước thấp, nơi sâu nhất chỉ cao khoảng 1m so với đáy hồ.

Trong khi đó, cùng thời điểm này hằng năm, hồ Sông Mây vẫn còn khoảng 4-5 triệu m3 nước phục vụ sản xuất vụ hè thu. Tuy nhiên, năm nay do thực hiện thi công công trình cải tạo, sửa chữa hồ Sông Mây nên mực nước tại hồ xả cạn đáy hơn mọi năm.

Đơn vị quản lý và đơn vị nuôi cá đang cố gắng xử lý số cá chết và nguồn nước nhằm đảm bảo môi trường cho khu vực thi công cũng như không để xảy ra mùi hôi ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Ảnh: Minh Sáng.

Đơn vị quản lý và đơn vị nuôi cá đang cố gắng xử lý số cá chết và nguồn nước nhằm đảm bảo môi trường cho khu vực thi công cũng như không để xảy ra mùi hôi ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Ảnh: Minh Sáng.

Ông Nguyễn Hưng, Trạm trưởng Trạm Quản lý khai thác công trình thủy lợi Biên Hòa - Thống Nhất - Vĩnh Cửu - Trảng Bom khẳng định, thời gian qua, hồ Sông Mây phải ưu tiên xả nước để phục vụ cho tưới tiêu, nuôi trồng thủy sản vụ đông xuân với diện tích khoảng 800ha thuộc khu vực huyện Trảng Bom và huyện Vĩnh Cửu. Mùa khô năm nay hạn hán, nắng nóng gay gắt, kéo dài và không có mưa suốt thời gian dài khiến lượng nước bổ sung vào hồ từ các suối tự nhiên và nguồn nước mưa không còn.

Ngoài ra, hiện nay Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Đồng Nai đang triển khai thực hiện công trình cải tạo, sửa chữa hồ Sông Mây, với thời gian thực hiện từ năm 2024 - 2025. Do thi công công trình nên mực nước ở hồ Sông Mây buộc phải chủ động cho giảm nhiều so với mọi năm trước.

Đơn vị thi công dự án cải tạo, sửa chữa hồ Sông Mây cho biết, đơn vị đang cố gắng đẩy nhanh tiến độ để sớm trả lại hiện trạng cho hồ trong mùa mưa tới. Ông Trung Tuấn Anh, Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn kỹ thuật xây dựng Đồng Nai, đơn vị thi công cho biết: “Công trình theo tiến độ là 18 tháng, nhưng đơn vị thi công chúng tôi phấn đấu đến cuối năm nay sẽ hoàn thành khoảng 80% khối lượng công trình trước mùa mưa”.

Đội nuôi trồng thủy sản đã huy động tất cả cán bộ, chiến sĩ, nhân viên làm việc xuyên suốt mấy ngày lễ để liên tục vớt, đưa số cá chết trên hồ lên bờ để hạn chế gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: Minh Sáng.

Đội nuôi trồng thủy sản đã huy động tất cả cán bộ, chiến sĩ, nhân viên làm việc xuyên suốt mấy ngày lễ để liên tục vớt, đưa số cá chết trên hồ lên bờ để hạn chế gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: Minh Sáng.

Trao đổi với PV Báo Nông nghiệp Việt Nam, ông Trần Đình Minh, Phó Giám đốc phụ trách Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai khẳng định: "Nguyên nhân cá chết hàng loạt trong những ngày qua là do lượng nước trong hồ xuống thấp, đáy hồ khô cạn, trong khi đó mật độ cá nuôi trong hồ còn quá dày đặc nên cá bị thiếu oxy. Bên cạnh đó, mặc dù đã được các đơn vị quản lý và thi công sớm cảnh báo về việc thu hoạch cá trong lòng hồ để phục vụ thi công dự án cải tạo, sửa chữa hồ Sông Mây nhưng đội nuôi trồng thủy sản còn chủ quan”.

Ông Minh đề nghị đơn vị nuôi trồng thủy sản phối hợp với đơn vị thi công khẩn trương khắc phục môi trường, cho nạo vét hút hết lượng bùn và nước bị ô nhiễm trong lòng hồ vì hiện vẫn còn mùi hôi xung quanh hồ. Trong tháng 5, toàn bộ lòng hồ và các cống cần phải được xử lý thông thoáng và đảm bảo an toàn cho công trình. 

Xem thêm
Tập huấn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản

CÀ MAU Ngày 19/12 tại TP Cà Mau, Cục Kiểm ngư phối hợp với Sở NN-PTNT Cà Mau tổ chức tập huấn hướng dẫn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.