| Hotline: 0983.970.780

Nam sinh lớp 9 bị bạn đâm chết ngay tại trường

Thứ Tư 05/11/2014 , 09:48 (GMT+7)

Cầm chiếc ghế định đánh người làm rách áo mình, nam sinh lớp 9 bị cậu này đâm hai nhát, gục chết khi bỏ chạy đến sân trường.

Ngày 4/11, Thượng tá Nguyễn Văn Bôn, Trưởng Phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội (PC 45) Công an tỉnh Đăk Lăk cho biết đã bắt khẩn cấp Phan Chí Bằng, học sinh lớp 9D trường THCS Võ Thị Sáu (xã Hòa An, huyện Krông Păk). Cậu bé 14 tuổi này bị xác định đã đâm chết Lê Hoàng Đức (15 tuổi) học lớp 9B cùng trường sáng hôm qua.

Theo Thượng tá Bôn, Bằng sinh ra trong gia đình lao động nghèo, bố mẹ làm nương rẫy. Bản thân nam sinh cũng không phải là học sinh cá biệt, chỉ vì một mâu thuẫn nhỏ, bột phát nên giết người. Do Bằng đã hơn 14 tuổi, đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự nên cơ quan điều tra sẽ lập hồ sơ xử lý.

Tại cơ quan điều tra, cậu học trò tỏ ra khá lo lắng. Giọng rụt rè, Bằng cho biết có mâu thuẫn với một số thanh niên ngoài trường học nên trước hôm xảy ra vụ án đã đến chợ thị trấn Phước An mua con dao nhọn giá 10.000 đồng giấu trong cặp.

Trong giờ giải lao sáng 3/11 sau khi kết thúc 2 tiết học đầu, Bằng và Đức đứng ở cầu thang trêu chọc nhau dẫn đến xô xát. Trong lúc ẩu đả, Bằng làm rách áo bạn. Để chuộc lỗi, cậu cởi áo khoác đưa cho bạn mặc nhưng Đức đã được một người bạn khác cho mượn áo.


Chiếc ghế nghi Đức định đánh Bằng trước khi bị đâm. Ảnh: Kh.Uyên

Sự việc tạm lắng xuống được một lúc thì Đức nghe người bạn trong lớp xúi nên sang lớp của Bằng tiếp tục đôi co. Nam sinh này đã dùng chiếc ghế định đánh kẻ làm rách áo mình và bị Bằng rút dao trong cặp đâm một nhát vào cổ.

“Khi bạn ấy bỏ chạy, em cầm dao rượt theo. Đức đến cầu thang thì bị ngã nên em đâm tiếp một nhát nữa vào ngực", Bằng lí nhí khai.

Nói về cậu học trò lầm lỡ, cô Đặng Thị Thu Sương, chủ nhiệm lớp 9D cho biết, Bằng trước đây từng học lớp 6 tại trường Võ Thị Sáu nhưng sau đó gia đình chuyển qua xã Ea Hiu, huyện Krông Păk làm kinh tế nên nam sinh theo vào đó học. Khoảng 2 tháng trước Bằng chuyển về lại trường Võ Thị Sáu và được phân vào lớp của cô Sương.

“Bằng không có biểu hiện gì khác thường cho đến lúc em gây ra án mạng. Sự việc quá bất ngờ nên thầy cô không kịp can ngăn. Nhà trường đã lập tức đưa em Đức đi cấp cứu nhưng không kịp”, cô Sương buồn bã và cho biết mọi người trong trường rất bàng hoàng về sự việc.


Mẹ Đức ngã khuỵ bên xác con. Ảnh: Kh.Uyên

Suốt từ hôm qua, không khí tang thương bao trùm ngôi nhà nhỏ của gia đình Đức ở thôn 3, xã Hoà An. Trong căn nhà gỗ đã xuống cấp, bên bàn thờ con, bà Vương Thị Hằng (48 tuổi, mẹ Đức) khóc đến khàn giọng. “Đức ơi, đừng bỏ má, con ơi. Ngày nào đi học về, con cũng thưa má sao nay con về không nói câu nào, sao con lại bỏ má mà đi”, bà Hằng gọi tên con rồi ngất lịm.

Ngồi lặng một góc, ông Lê Văn Phúc (52 tuổi, bố Đức) mái tóc đã ngả bạc, nói trong nước mắt: “Nghe tin nó bị người ta đâm chết, tôi như chết đứng. Sự việc diễn ra quá đột ngột, tới bây giờ tôi vẫn không tin cháu đã bỏ tôi mà đi”.

"Đức vốn là đứa ngoan hiền, một người con hiếu thảo được bạn bè, thầy cô và cả xóm này quý mến. Ngoài giờ học ở trường, cháu còn đi cắt cỏ cho bò, phụ giúp gia đình những việc lặt vặt khác", chị Nguyễn Thị Hiếu (37 tuổi) kéo áo lau nước mắt khi nói về cậu bé hàng xóm.

Ông Nguyễn Văn Cảnh, trưởng thôn 3 cho biết, Đức là con út trong 5 người con của vợ chồng ông Phúc. Quê tận Quảng Nam, vì kinh tế khó khăn nên cả nhà ông Phúc phải chuyển vào Đăk Lăk làm kinh tế mới. Để có tiền nuôi các con ăn học, ngoài công việc nương rẫy, ông Phúc đi phụ hồ để kiếm thêm thu nhập. Còn bà Hằng thường đi rửa chén bát thuê cho một dịch vụ đám cưới trong thôn.

 

VnExpress

Xem thêm
Tạm giữ 300 chiếc xe đạp không rõ nguồn gốc

THÁI NGUYÊN 300 chiếc xe đạp vi phạm có tổng trị giá 300 triệu đồng, trên vỏ hộp và hàng hoá không có thông tin về nơi sản xuất, xuất xứ.

Bắt tạm giam 3 nguyên Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo ở Quảng Nam

Các bị can đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, thỏa thuận và nhận hối lộ để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trong đấu thầu thiết bị giáo dục.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm