| Hotline: 0983.970.780

Năm thứ 3 Quảng Bình miễn học phí: Quyết định nức lòng dân

Thứ Tư 04/10/2023 , 16:00 (GMT+7)

QUẢNG BÌNH Học sinh vùng biên giới, miền núi, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển được miễn học phí cả năm; khu vực còn lại được miễn học phí kỳ I.

Sáng 2/10, HĐND tỉnh Quảng Bình thông qua Nghị quyết về miễn học phí năm học 2023 - 2024, nhằm giảm bớt khó khăn cho người dân. Dù đang là một tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, nhưng Quảng Bình cố gắng vượt lên để có năm thứ ba liên tiếp tỉnh miễn học phí cho học sinh.

Sẻ chia với người dân

Theo Nghị quyết HĐND tỉnh Quảng Bình, năm học này, học sinh ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới, miền núi, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển được miễn học phí cả năm. Các khu vực còn lại, học sinh được miễn học phí kỳ I. Các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập, cơ sở giáo dục thường xuyên bị giảm thu từ nguồn học phí sẽ được ngân sách hỗ trợ kinh phí.

HĐND tỉnh Quảng Bình biểu quyết thông qua Nghị quyết miễn giảm học phí năm học 2023-2024. Ảnh: N.Mai.

HĐND tỉnh Quảng Bình biểu quyết thông qua Nghị quyết miễn giảm học phí năm học 2023-2024. Ảnh: N.Mai.

Theo ông Hoàng Xuân Tân, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Bình, trong những năm qua, người dân trong tỉnh liên tiếp gánh chịu những hậu quả nặng nề của đại dịch Covid-19, hay trận lũ lịch sử cuối năm 2020 và những trận lũ trái mùa những năm gần đây gây thiệt hại lớn đến sản xuất nông nghiệp.

Mặc dù dịch bệnh, thiên tai  đã qua nhưng ảnh hưởng để lại còn rất lớn đến tình hình phát triển kinh tế xã hội, đời sống của người dân. Do đó, việc miễn học phí cho học sinh là việc làm nhân văn và ý nghĩa. Không chỉ có tác động tốt đến đội ngũ giáo viên, các em học sinh mà còn là động lực giúp người dân vượt lên khó khăn này. Như thế, năm học này, Quảng Bình có gần 150.000 học sinh công lập được hưởng lợi từ Nghị quyết.

Trong bối cảnh nhiều khó khăn của một tỉnh còn nghèo thì đây là sự nỗ lực rất lớn của cấp ủy, chính quyền. Nhiều cử tri và nhân dân theo dõi kỳ họp đã bày tỏ sự đồng tình đối với Nghị quyết.

Chị Phan Thị Thủy (xã Gia Ninh, huyện Quảng Ninh) có ba con đang theo học từ bậc mầm non đến trung học cơ sở bày tỏ: “Mấy hôm sau khi khai giảng năm học mới, tôi lo lắng lắm. Không biết năm nay việc đóng học phí thế nào. Nhà còn gặp khó lại nuôi ba con đi học thì bán hết lợn, lúa… chưa đủ nộp đầu năm và đóng học phí. Nên khi nghe họp HĐND tỉnh thì tôi theo dõi để hay tin. Biết được các con được miễn học phí thì mừng lắm. Tôi cũng báo cho mấy phụ huynh khác biết thì nghe họ nói đã theo dõi lãnh đạo họp rồi. Đỡ lo biết mấy. Chính quyền đã chia sẻ những khó khăn với bà con chúng tôi”.

Các em học sinh trường Tiểu học Long Sơn (xã miền núi Trường Sơn) trong niềm vui đến trường. Ảnh: T. Cảm.

Các em học sinh trường Tiểu học Long Sơn (xã miền núi Trường Sơn) trong niềm vui đến trường. Ảnh: T. Cảm.

Nâng bước em đến trường…

Vùng biển bãi ngang huyện Lệ Thủy hiện có hai xã là Ngư Thủy và Ngư Thủy Bắc. Với đặc điểm là vùng biển bãi ngang nên đời sống bà con còn nhiều khó khăn. Vì vậy, việc con em đến trường với các khoản thu nộp cũng là gánh nặng cho bà con nơi đây.

Được miễn học phí trong nhiều năm, em Trần Thị Mỹ Linh đã phấn đáu đạt học sinh giỏi liên tục. Ảnh: Thầy Ngọc

Được miễn học phí trong nhiều năm, em Trần Thị Mỹ Linh đã phấn đáu đạt học sinh giỏi liên tục. Ảnh: Thầy Ngọc

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở số 2 Ngư Thủy có 520 học sinh gồm các lớp từ 1 đến 9. Thầy giáo Nguyễn Ánh Ngọc, Hiệu trưởng nhà trường cho hay, những năm trước do cuộc sống còn nhiều khó khăn và áp lực tiền thu, tiền học phí làm tình trạng học sinh bỏ học cũng thường hay xảy ra.

Những lần như vậy, các thầy cô trong nhà trường phải trực tiếp đến gặp gỡ phụ huynh, động viên học sinh quay lại lớp. Chúng tôi còn trích từ lương để góp vào hỗ trợ các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn để mong các em vươn lên, được học hành đến nơi, đến chốn.

Cũng theo thầy Ngọc, từ năm ngoái đến nay, học sinh trường được miễn giảm học phí nên phần nào đỡ khó khăn cho các gia đình. Việc các em bỏ học giữa chừng ít hơn. Nhiều em từ học lực trung bình vươn lên khá giỏi.

Tại trường, hiện có ba chị em của em Trần Thị Mỹ Linh đang theo học. Linh học lớp 9, còn hai em sau lần lượt học lớp 6 và lớp 3. Riêng cậu em út thì đang học ở lớp mầm non. Anh Trần Quang Bình (phụ huynh của các em) cho hay, do làm nghề đi biển nên thu nhập bấp bênh, cuộc sống gia đình cũng đang khó khăn nhiều.

“Tôi cũng tính cho cháu Linh học xong lớp 9 rồi thôi để theo mẹ chạy chợ đỡ đần thêm, cho 3 em sau này đến trường. Nhưng hiện các con được miễn học phí thì khó khăn cũng được giảm đi phần nào. Vậy nên, thấy cháu Linh học giỏi thì vợ chồng tôi cũng cố gắng cho cháu học đến cùng thì thôi”- anh Bình phấn khởi nói.

Nghe bố nói vậy, khuôn mặt em Linh như rạng rỡ hẳn lên vì em đang nuôi ước mơ lên trung học phổ thông, đi học đại học và về làm cô giáo. Em nói trong niềm vui: “Hai năm nay, em cố gắng rất nhiều. Từ học lực trung bình em vươn lên đạt khá và giỏi rồi. Ngoài việc tự học, em còn chăm dạy thêm cho các em của mình vào mỗi tối để các em học lực cũng tốt hơn lên”.

Cùng chung niềm vui của các gia đình có hoàn cảnh khó khăn mà con em đi học được miễn học phí, chị Phan Thị Thủy (xã Gia Ninh) hình như đã cất được nỗi lo. Nhà có 4 con đang theo học bậc mầm non, tiểu học và trung học cơ sở nên mỗi năm gánh nặng học phí cũng làm chị chạy vạy ngược xuôi. “Nay thì đỡ nhiều rồi. Tiền học phí được miễn cũng như để dành dụm mua thêm cho con đôi dép, tập sách, ngòi bút… để đầy đủ đến trường”, chị Thủy nói thêm.

Được miễn giảm học phí, học sinh các cấp học tại Quảng Bình như được tiếp thêm động lực để học tốt. Ảnh: T.Phùng.

Được miễn giảm học phí, học sinh các cấp học tại Quảng Bình như được tiếp thêm động lực để học tốt. Ảnh: T.Phùng.

Tại trường THCS và THPT Trung Hóa (huyện miền núi Minh Hóa), không khí học tập sôi nổi ngay từ đầu năm học mới như cuốn lấy thầy và trò nhà trường. Thầy giáo Hoàng Văn Hải, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trung bình hàng năm trường có khoảng 750-800 học sinh từ lớp  7 đến lớp 12. Qua mỗi năm, số học sinh lớp 12 có khoảng 100 em thì tỷ lệ thi vào các trường đại học chỉ chiếm khoảng 35-40 em. Số còn lại đăng ký học nghề hoặc đi xuất khẩu lao động.

Cùng với các chính sách hỗ trợ hộ nghèo, gia đình chính sách, người dân vùng đặc biệt khó khăn, riêng trong lĩnh vực giáo dục, liên tiếp 3 năm học gần đây, Quảng Bình đã thực hiện việc miễn, giảm học phí cho học sinh với số kinh phí hàng trăm tỷ đồng. Mặt khác, tỉnh tạo điều kiện tuyển dụng gần 750 giáo viên hợp đồng để đáp ứng yêu cầu dạy và học.

Từ năm trước, các em học sinh được miễn học phí như tạo nên động lực mới cho thầy và trò trong trường. Các em học sinh yên tâm học hành hơn, các thầy cô thấy học sinh phấn đấu nên cũng lấy đó làm động lực trong việc dạy dỗ các em.

“Đến nay, tỷ lệ các em đang ký xét tuyển đại học cũng đã tăng lên. Đặc biệt có nhiều học sinh đã đủ điểm để vào học các trường đại học có tiếng như Y khoa, Bách khoa, Học viện Báo chí - Tuyên truyền, các trường quân sự, công an…”, thầy Hoàng Văn Hải, Hiệu trưởng trường THCS và THPT Trung Hóa cho biết.

Xem thêm
Ông Trịnh Văn Bình làm Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hà Giang

Ngày 4/11, UBND tỉnh Hà Giang đã công bố quyết định bổ nhiệm ông Trịnh Văn Bình, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản làm Phó Giám đốc Sở NN-PTNT.

Hà Lan tiếp tục hỗ trợ quản lý nước, rủi ro về nước vùng ĐBSCL

Chiều 4/11, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp tiếp và làm việc với bà Meike van Ginneken, Đặc phái viên về nước của Hà Lan. 

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Người phụ nữ 'biến đổi' vùng đất nghèo thành vườn rau bội thu

SƠN LA Bà Luyến, một nông dân ngụ cư, đã nỗ lực thay đổi bản Tự Nhiên từ vùng đất nghèo khó thành điểm sáng nông nghiệp sạch, mang lại cuộc sống ấm no cho cộng đồng.