THIẾU QUỸ ĐẤT TRẦM TRỌNG
Theo Sở TN-MT Bắc Ninh, bình quân mỗi ngày tỉnh này cần thu gom, xử lí trên 500 tấn rác thải sinh hoạt. Trước đây, tất cả rác của Bắc Ninh đều được đổ tại bãi rác Đồng Ngo nên bắt đầu từ năm 2012 bãi rác này trở nên quá tải, gây mất vệ sinh và cảnh quan môi trường.
Tháng 8/2013, bãi rác Đồng Ngo chỉ được phép tiếp nhận rác thải tại TP. Bắc Ninh và huyện Quế Võ nhằm hạn chế ô nhiễm và bắt đầu từ tháng 1/2014 tiến hành đóng cửa, trồng cây xanh xung quanh, phun chế phẩm sinh học trong lúc chờ chọn nhà thầu xử lí triệt để.
Song song với việc đóng cửa bãi rác Đồng Ngo, tỉnh Bắc Ninh quy hoạch khu xử lí rác thải sinh hoạt theo hình thức chôn lấp tại xã Phù Lãng, huyện Quế Võ với quy mô 1 ha (giai đoạn 1) công suất tiếp nhận 200 - 230 tấn rác/ngày nhằm giải quyết “đầu ra” cho TP. Bắc Ninh và huyện Quế Võ.
Riêng 6 huyện thị còn lại phải tự thu gom, xử lí tạm thời tại 550 điểm tập kết tại các thôn (năm 2011 tỉnh Bắc Ninh chi hơn 100 tỉ đồng, trong đó chi cho mỗi thôn 200 triệu đồng xây điểm trung chuyển rác, nay bất đắc dĩ trở thành bãi chứa rác vì chưa có khu xử lí tập trung).
Để xử lí dứt điểm lâu dài vấn đề rác thải sinh hoạt nông thôn, ngày 10/7/2013, Tỉnh ủy Bắc Ninh có Thông báo số 506-TB/TU về việc thông báo kết luận của Bí thư Tỉnh ủy về một số giải pháp xử lý các bãi rác trên địa bàn.
Trong đó yêu cầu mỗi huyện, thị xã lựa chọn 1 - 2 địa điểm xây dựng khu xử lý rác tập trung. Việc lựa chọn địa điểm phải đúng tiêu chuẩn, tiến hành khảo sát cụ thể, tạo được sự đồng thuận cao của nhân dân.
Theo Thông tư số 32/2009/TT-BXD ngày 10/9/2009 của Bộ Xây dựng ban hành quy chuẩn về Quy hoạch xây dựng NTM và Thông tư Liên tịch số 13/2011/TTLT-BXD-BNNPTNT-BTN-MT quy định việc lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch xây dựng xã NTM nêu rõ, khoảng cách từ nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt đến khu dân cư phải cách ít nhất 3.000 m và với các công trình xây dựng khác là trên 1.000 m.
Nếu chiếu theo quy định này, tỉnh đất chật, người đông như Bắc Ninh khó tìm được địa điểm nào đáp ứng đầy đủ các tiêu chí trên.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Đại Đồng, Phó Giám đốc Sở TN-MT Bắc Ninh, cho biết, phải nhờ sự vào cuộc quyết liệt kết hợp tuyên truyền của các cơ quan, ban ngành đến thời điểm này mới có huyện Thuận Thành, Yên Phong có mặt bằng sạch triển khai xây dựng khu xử lí chất thải rắn tập trung.
Các huyện còn lại, địa điểm khảo sát, lựa chọn nếu đạt được tiêu chí này lại vi phạm tiêu chí khác, đặc biệt là chưa nhận được sự đồng thuận cao từ phía người dân.
Do đó, vừa qua tỉnh Bắc Ninh có chính sách ưu tiên hỗ trợ toàn bộ kinh phí xây dựng NTM cho địa phương nào bàn giao mặt bằng làm khu xử lí chất thải với hi vọng sẽ động viên, khích lệ đông đảo người dân ủng hộ.
CĂNG THẲNG VÌ RÁC
Ông Nguyễn Văn Liên, Chi cục trưởng Chi cục PTNT tỉnh Bắc Ninh, chia sẻ: "Khác với một số địa phương, trong quá trình xây dựng NTM tiêu chí môi trường với Bắc Ninh rất khó khăn nên hiện mới chỉ có khoảng 10 xã trong tỉnh đạt tiêu chí số 17. Vướng mắc lớn nhất với Bắc Ninh hiện nay là khâu chọn địa điểm xây dựng khu xử lí chất thải tập trung, rác thải làng nghề và lựa chọn công nghệ xử lí triệt để nhất, hi vọng nhận được sự đồng thuận cao từ phía người dân". |
Chỉ vì câu chuyện rác thải sinh hoạt mà giữa chính quyền và nhân dân một số địa phương trong tỉnh Bắc Ninh hiện nảy sinh căng thẳng không đáng có.
Đỉnh điểm của những bức xúc liên quan tới rác thải nông thôn khi dịp Tết Giáp Ngọ vừa rồi, hàng trăm người dân xã Phú Lâm, huyện Tiên Du đã "giam lỏng" lãnh đạo xã này cả ngày trời phản đối việc xã “đồng ý” để huyện chọn xã làm nơi xây dựng bãi rác mà người dân không hề hay biết.
Phải đến khi có sự vào cuộc của lực lượng an ninh và chính quyền huyện Tiên Du mọi việc mới tạm lắng xuống.
Chưa hết, đầu tháng 7/2014, hàng trăm người dân ở thôn Cổ Lãm, xã Bình Định, huyện Lương Tài kéo lên UBND tỉnh Bắc Ninh kiến nghị về việc Phòng TN-MT huyện chọn thôn Cổ Lãm làm địa điểm xây dựng khu xử lí chất thải rắn tập trung thiếu quy chế dân chủ. Người dân nơi đây phản ứng gay gắt tới mức phải đến khi được đích thân lãnh đạo tỉnh trả lời rằng, không xây dựng bãi rác tại thôn nữa họ mới chịu đi về.
Do vấp phải phản ứng quá gay gắt từ phía người dân, trong khi rác vẫn được xả ra hằng ngày nên tỉnh Bắc Ninh đang tạm thời triển khai đầu tư, vận hành lò đốt rác NFi05 để giải quyết rác tồn đọng tại một số điểm nóng.
Công nghệ lò đốt rác mini tại Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh
Nhưng đưa vào vận hành được chưa lâu, chúng tôi đã nhận được đơn thư của Cty TNHH Hương gia vị Sơn Hà đóng trên địa bàn xã Đình Bảng, huyện Từ Sơn phản ánh lò đốt rác nằm ngay cạnh đơn vị này trong quá trình đốt gây ô nhiễm khiến công nhân của họ khó thở. Lãnh đạo DN sợ rác đến nỗi cho biết, sẵn sàng chi ra hàng trăm triệu đồng chỉ với nguyện vọng chuyển lò đốt rác đi nơi khác.
Tham quan mô hình lò đốt rác đang triển khai tại Đình Bảng do Cty CP Đầu tư và Phát triển Đồng Xanh NK, phân phối, chúng tôi nhận thấy ngay nhược điểm là lượng rác đốt được/ngày của lò quá thấp, chỉ trên dưới 1 tấn.
Mặt khác, lò chỉ đốt được rác vô cơ, rác hữu cơ thời gian đốt rất lâu và với lượng không đáng kể nên vẫn phải chôn lấp lượng rác tại chỗ khá lớn. Việc tỉnh Bắc Ninh đưa công nghệ đốt rác bằng lò mini vào hoạt động tại một số huyện hiện nay chỉ là giải pháp mang tính tạm thời, nếu không muốn nói là cơ hội cho DN bán lò đốt rác.
Vì vậy, vấn đề rác thải của tỉnh Bắc Ninh trong tương lai hiện giờ phụ thuộc rất lớn vào sự thành bại của khu phân loại xử lí đốt rác có công suất trên 200 tấn/ngày tại xã Phú Lãng do Cty Hà Ngọc đang triển khai, dự kiến đi vào hoạt động cuối tháng 9/2014 này.