“Hà bá” nuốt chửng nhà ven sông
Vào khuya 8/7 vừa qua, một vụ sạt lở xảy ra ở khóm 8, thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển. Đến nay, chúng tôi vẫn nhớ như in những giọt nước mắt lăn dài, những lời nói nghẹn lại của bà Nguyễn Thị Út Lia - người bị thiệt hại hoàn ngôi nhà trong vụ sạt lở: “Chạy nhanh chứ không chết rồi. Không còn gì hết chơn, sạt lở xảy ra nhanh dữ lắm. Tôi nghe rắc rắc, tưởng mưa rớt xuống mái nhà, rồi nghe mọi người la lên sạt đất… Chạy ra khỏi cửa là nó tuột cái ầm xuống kênh mất đi luôn cái nhà, đồ đạc đâu có kịp dời”.
Vụ sạt lở không chỉ khiến nhà bà Út Lia mà còn có 3 ngôi nhà khác thiệt hại hoàn toàn, 5 căn bị thiệt hại 1 phần. Ông Huỳnh Thanh Đảm, Chủ tịch UBND thị trấn Rạch Gốc cho biết: “Sau vụ sạt lở chúng tôi đã hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả. Huyện, xã đã có những hỗ trợ để người dân bớt khó khăn, ổn định cuộc sống. Điều đáng lo ngại là vị trí sạt lở này tiếp tục xuất hiện nhiều vết nứt kéo dài, nguy cơ sạt lở tiếp là rất cao. Chúng tôi đã thông báo và hỗ trợ người dân lân cận di dời để đảm bảo an toàn. Trên địa bàn cũng còn có 4 vị trí khác có nguy cơ bị sạt lở cao”.
Từ tháng 6 đến nay, sạt lở bờ sông đã làm sập 18 căn nhà của người dân trên địa bàn huyện Ngọc Hiển, ước thiệt hại trên 1,6 tỷ đồng. Toàn tỉnh Cà Mau hiện có khoảng 425km bờ sông, rạch bị sạt lở và có nguy cơ bị sạt lở với các mức độ khác nhau. Tình hình sạt lở bờ biển cũng rất nan giải, trong vòng 10 năm trở lại đây, sạt lở bờ biển đã làm mất 5.250ha đất rừng.
Bờ biển “cầu cứu”
Tình trạng sạt lở bờ biển của tỉnh Cà Mau đang đặc biệt nghiêm trọng ở mặt biển Đông của tỉnh. Vừa qua, UBND tỉnh Cà Mau có công văn gửi Bộ Kế hoạch - Đầu tư đề xuất hỗ trợ kinh phí khắc phục sạt lở bờ biển Đông. Cà Mau còn khoảng 84km bờ biển bị sạt lở đặc biệt nguy hiểm và nguy hiểm. Trong đó, bờ biển Tây bị sạt lở với chiều dài 22km; bờ biển Đông gần 62km.
Vào tháng 10/2023, tỉnh Cà Mau được Trung ương hỗ trợ nguồn vốn để xử lý sạt lở 3 dự án khẩn cấp ở biển Đông, với chiều dài 7,6km, kinh phí 500 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc Trung ương hỗ trợ vốn nêu trên chỉ giải quyết được 7,6/28,5km sạt lở đặc biệt nguy hiểm bờ biển Đông. Do đó, hiện còn gần 21km bờ biển Đông còn lại đang diễn biến sạt lở rất phức tạp, cần khẩn trương thực hiện giải pháp công trình để bảo vệ.
UBND tỉnh Cà Mau kiến nghị trung ương xem xét hỗ trợ tỉnh Cà Mau nguồn kinh phí để thực hiện 3 dự án gồm: Dự án đầu tư xây dựng kè chống sạt lở bờ biển Đông đoạn từ Hố Gùi đến Bồ Đề, chiều dài 7,5km; Dự án đầu tư xây dựng kè chống sạt lở bờ biển Đông đoạn từ Kiến Vàng đến Ông Tà, chiều dài 6,2km; Dự án đầu tư xây dựng kè chống sạt lở bờ biển Đông đoạn từ Kênh 5 Ô Rô đến Vàm Xoáy, chiều dài hơn 7km. Tổng kinh phí của 3 dự án này khoảng 1.300 tỷ đồng.
Theo Chi cục Thủy lợi Cà Mau, địa chất của tỉnh hình thành trên nền đất mềm yếu, khả năng chịu lực thấp; cùng với việc thiếu hụt nguồn phù sa bồi đắp; sự gia tải quá mức đối với bờ sông, bờ biển trong quá trình phát triển đô thị, khu dân cư, hệ thống đường giao thông đã dẫn đến tình trạng sạt lở diễn ra diện rộng. Đặc biệt, tình trạng biến đổi khí hậu đã khiến bờ biển Cà Mau chịu tác động nặng nề. Đã qua, Cà Mau đã triển khai làm các loại kè để bảo vệ được khoảng 80km bờ biển, chủ yếu ở mặt biển Tây.
“Trong điều kiện nguồn lực của tỉnh có hạn, còn sạt lở diễn ra khắp các bờ biển, bờ sông thì đơn vị chức năng như chúng tôi đang thực hiện các biện pháp để giải thiểu thiệt hại trước mắt. UBND tỉnh chủ trương rà soát sớm các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở để có phương án, kế hoạch, dự án chủ động phòng chống sớm, từ khi chưa xảy ra, các huyện cũng đang phối hợp thực hiện tốt vấn đề này.
Bên cạnh giải pháp mềm, ở những nơi sạt lở đặc biệt nghiêm trọng tỉnh cũng rất cần triển khai các công trình để kịp thời phòng, tránh để sạt lở có thể gây thiệt hại nghiêm trọng hơn như: nơi bờ biển xung yếu, các khu đô thị, khu dân cư tập trung; vị trí sạt lở có thể ảnh hưởng các công trình hạ tầng thiết yếu”, ông Nguyễn Thanh Tùng, Chi cục Trưởng Chi cục Thủy lợi Cà Mau, cho biết.