Cà Mau đề xuất Trung ương cần sớm có cơ chế đặc thù để thu hút nguồn lực doanh nghiệp triển khai các dự án phòng chống sạt lở ven biển.
Cà Mau đề xuất cơ chế đặc thù để phòng chống sạt lở
Tỉnh Cà Mau có chiều dài bờ biển hơn 250km hiện nay đang chịu ảnh hưởng nặng nề của tình trạng sạt lở. Trung bình mỗi năm Cà Mau mất khoảng 400 héc ta đất và rừng phòng hộ. Tại hội nghị tổng kết mô hình hợp tác Công – Tư trong ứng phó với sạt lở ven biển, tỉnh Cà Mau đề xuất Trung ương cần sớm có cơ chế đặc thù để thu hút nguồn lực doanh nghiệp triển khai các dự án phát triển kinh tế ven biển và đồng thời bảo vệ bờ biển trước tình trạng sạt lở ngày càng gia tăng.
Ông LÊ VĂN SỬ -Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau: “Chúng ta thấy nguồn lực để đáp ứng yêu cầu ứng phó sạt lở thì chưa thể đáp ứng được. Nếu có được cơ chế mới thì sẽ tạo thêm nguồn lực cho nhiệm vụ này. Trong đó đặc biệt là cần giao thêm quyền hạn cho địa phương.”
Trước hiểm họa sạt lở, trong nhiều năm liên tục, Cà Mau ban bố tình huống khẩn cấp vùng ven biển và nhận được sự hỗ trợ tích cực từ Chính phủ và bộ, ngành Trung ương. Khu du lịch Khai Long tại xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển. Ngoài các công trình phục vụ khách tham quan, doanh nghiệp này cũng đã đầu tư bờ kè chống sạt lở để bảo vệ phần diện tích mà mình quản lý.
Ông NGUYỄN HOÀNG HIỆP - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: “Tôi thấy đây là cách làm rất tốt và đương nhiên trong quá trình làm thì sẽ có phát sinh nhiều vấn đề liên quan đến pháp luật. Tuy nhiên cần phải tháo gỡ theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng về đẩy mạnh việc xã hội hóa trong ứng phó với thiên tai và sạt lở.”
Hiện nay đã có nhiều nhà đầu tư mong muốn được đầu tư các dự án phát triển kinh tế tại khu vực ven biển. Do đó, nếu được cơ chế đặc thù thì Cà Mau sẽ có thêm nguồn lực để ứng phó với sạt lở./.