| Hotline: 0983.970.780

Khuyến cáo người dân hạn chế xây nhà ven sông

Thứ Hai 27/11/2023 , 07:41 (GMT+7)

CÀ MAU Bên cạnh việc giúp người dân thay đổi tập quán cất nhà ven sông để bảo đảm an toàn trước tình trạng sạt lở, cần chính sách hỗ trợ cho những trường hợp khó khăn.

Vùng ĐBSCL có hệ thống sông ngòi chằng chịt, do đó người dân có tập quán cất nhà ven sông để việc giao thương, trao đổi hàng hóa bằng đường thủy được dễ dàng. Tuy nhiên, chính tập quán trên đã đặt không ít hộ dân nơi đây phải đối mặt với nguy cơ trắng tay do sạt lở.

Tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển tại Cà Mau diễn ra rất phức tạp. Ảnh: Quốc Việt.

Tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển tại Cà Mau diễn ra rất phức tạp. Ảnh: Quốc Việt.

Cà Mau là tỉnh có hệ thống sông ngòi dày đặc với khoảng 8.120km. Những năm qua, biến đổi khí hậu và hiện tượng thời tiết cực đoan đã làm cho 425km bờ sông bị sạt lở và có nguy cơ sạt lở. Trong khi đó, nguồn vốn để thực hiện các công trình phòng chống sạt lở bờ sông rất lớn, trong khi nguồn ngân sách còn hạn chế nên rất cần những quyết sách mang tầm nhìn chiến lược để chủ động ứng phó, bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản cho nhân dân.

Thời gian qua, với sự quan tâm của Chính phủ và các bộ, ngành, tỉnh cực Nam của Tổ quốc đã đầu tư xây dựng được 9,2km kè bảo vệ bờ sông với tổng kinh phí khoảng 390 tỉ đồng. Những công trình xây dựng hoàn thành được đưa vào sử dụng bước đầu đã phát huy công năng, giúp người dân yên tâm lao động sản xuất.

Ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau cho biết: Các đoạn bờ sông đã và đang có nguy cơ sạt lở do ảnh hưởng của biên độ triều lên xuống chênh lệch cao, dòng nước chảy xiết tạo thành hàm ếch ăn sâu vào bên trong. Nếu người dân cất nhà mới hoặc gia cố tăng tải trọng thì rất nguy hiểm.

Trước tình trạng sạt lở diễn ra ngày càng phức tạp và khó lường, các ngành chức năng tỉnh Cà Mau ngoài tăng cường kiểm tra để kịp thời đưa ra những cảnh báo còn thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân không nên cất nhà ven sông để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản.

Tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển đã ảnh hưởng tới nhiều công trình giao thông nông thôn. Ảnh: Quốc Việt.

Tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển đã ảnh hưởng tới nhiều công trình giao thông nông thôn. Ảnh: Quốc Việt.

Hơn 3 tháng sau khi bị sạt lở nhấn chìm toàn bộ tài sản tích góp trong nhiều năm, ông Nguyễn Thanh Tuấn tại huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau kể lại: "Tối hôm đó, mọi người trong gia đình đang ngủ thì bất ngờ nghe tiếng động mạnh, sau đó căn nhà cất ven sông Cái Lớn bị nhấn chìm do sạt lở. Lúc này, chúng tôi chỉ kịp chạy thoát thân chứ không mang được tài sản gì ra ngoài do sạt lở diễn ra rất nhanh. Tôi đã xây dựng nhà bên trong, chứ không dám xây cạnh bờ sông như trước nữa".

Theo ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, cần phải có chủ trương hoặc quy định của pháp luật một cách thống nhất về việc cấm xây, cất nhà ven sông bởi việc này các địa phương rất khó xử lý. Người dân vùng ĐBSCL có thói quen gần như trở thành tập quán là cất nhà bám theo bờ sông, điều đó cực kỳ nguy hiểm.

Bên cạnh đó, phải có chính sách hỗ trợ về đất cho những trường hợp không có đất cất nhà, bởi nếu không có đất cất nhà, họ sẽ phải cất nhà ven sông. Đồng thời, phải có chính sách hỗ trợ di dời người dân, khu dân cư ven sông đến nơi an toàn.

Nhiều năm nay, tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển ở Cà Mau liên tục diễn ra với tần suất đáng báo động. Sạt lở ảnh hưởng trực tiếp đến hàng ngàn người dân địa phương, chưa kể thiệt hại về kinh tế. Từ tháng 8 đến nay, tỉnh Cà Mau đã 2 lần công bố tình huống khẩn cấp liên quan đến tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển trên địa bàn.

Xem thêm
Thủ tướng: Kiểm tra, giám sát từ đầu, tránh tích tụ vi phạm

Họp Chính phủ thường kỳ tháng 4, Thủ tướng lưu ý tăng cường kiểm tra, giám sát ngay từ lúc bắt đầu, không để vi phạm nhỏ tích tụ lại thành sai phạm lớn.

Sóc Trăng thay đổi từ tư duy ứng phó sang thích ứng với hạn mặn

ĐBSCL Dù hạn mặn trong mùa khô 2023 -2024 cao hơn trung bình nhiều năm, Sóc Trăng chưa ghi nhận thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh do hạn mặn gây ra.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Tân nghiên cứu sinh Harvard: Năng lượng tái tạo là nền tảng phát triển xã hội

Đối với Lê Mạnh Linh (sinh năm 2000), khả năng tiếp cận năng lượng chính là chỉ dấu quan trọng của sự phát triển xã hội, mang lại cuộc sống sung túc, đầy đủ hơn.