Đây là lần thứ hai, Cục Trồng trọt phối hợp các đơn vị tổ chức hội thảo nhằm nâng cao nhận thức bảo hộ tác quyền về giống cây trồng ở khu vực ĐBSCL – vùng sản xuất lúa gạo và cây ăn trái lớn của cả nước.
OM5451, một trong các giống lúa OM của Viện lúa ĐBSCL đã đăng ký bảo hộ |
Ông Trần Xuân Định, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho rằng: Xuất phát từ việc thực thi tác quyền giống cây trồng ở nước ta, trong đó chủ yếu là các giống cây lương thực, thực phẩm, giống lúa, cây ăn trái… những năm qua Cục Trồng trọt, Văn phòng Bảo hộ giống cây trồng và Hiệp hội Thương mại giống cây trồng đã nhận rất nhiều đơn phản ánh từ tác giả, các cơ quan tác giả về việc xâm phạm tác quyền và việc không đảm bảo hiệu lực của tác quyền.
Do vậy các ý kiến tham gia đóng góp từ các chuyên gia UPOV, Văn phòng UPOV tại Việt Nam, Hiệp hội và các DN, cá nhân trong lĩnh vực giống cây trồng sẽ cung cấp thêm thông tin, văn bản quy định pháp lực. Qua đó góp phần vào việc thực thị đúng hành lang pháp lý để bảo hộ giống cây trồng. Trong bối cảnh hội nhập, Việt Nam tham gia UPOV hơn 10 năm qua, tham gia bảo vệ quyền sở hữu tác giả để phát triển thêm nhiều giống cây trồng mới theo đích đến tích cực vì lợi ích cộng đồng, hiệu quả, đưa sản phẩm giống cây trồng Việt Nam ra thị trường thế giới.
Năm 2004, Văn phòng Bảo hộ giống cây trồng bắt đầu nhận được 5-6 đơn đăng ký bảo hộ chủ yếu các giống lúa, ngô. Tính từ năm 2007, Việt Nam tham gia UPOV có 28 đơn đăng ký, có 61 bằng bảo hộ được cấp với nhiều giống cây trồng và cây dược liệu. Đến năm 2019 có 609 đơn từ các công ty, 421 đơn từ các viện nghiên cứu và 39 đơn của các trường đại học đăng ký quyền bảo hộ, trong đó hơn 1.400 bằng đã được cấp.