| Hotline: 0983.970.780

Nâng tầm cam Cao Phong: Doanh nghiệp 'đổ bộ' đất cam

Thứ Hai 26/10/2015 , 08:15 (GMT+7)

Cam Cao Phong (được trồng tại huyện Cao Phong, Hòa Bình) đã và đang lột xác để trở thành một thương hiệu sáng giá.

Trước đó, cam Cao Phong luôn phải núp bóng cam Vinh để tiêu thụ, thậm chí bị vu oan là cam Trung Quốc.

Thêm mùa cam ngọt

Vài năm gần đây, tôi đã trở đi trở lại và viết khá nhiều bài báo về vùng cam Cao Phong. Có lúc, cảm giác như mảnh đất ấy chẳng còn gì mới lạ. Thế mà, lần này theo chân Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh lên “thị trấn nơi không đếm xuể tỷ phú”, tôi vẫn nghe được vô vàn câu chuyện thú vị.

“Cam Cao Phong năm nay đạt kỷ lục về năng suất”, Bùi Việt Bách, chàng thanh niên “sinh ra từ làng” (nhân vật trong một phóng sự của kênh truyền hình VTC 16), hớn hở khoe với chúng tôi.

Năm ngoái, vườn cam 10 năm tuổi rộng 1,5 ha của gia đình anh đạt sản lượng suýt soát 100 tấn, bán được 2,3 tỷ đồng. Hiện thực cứ như là chuyện cổ tích. Thế mà bây giờ anh lại khẳng định chắc nịch “năng suất vụ cam 2015 phải đạt rưỡi (1,5 lần) năm ngoái”. Các đại biểu tham quan nghe thấy đều sửng sốt.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh băn khoăn: “Sai quả đến thế à?”. Chủ vườn: “Cây cam 11 tuổi là thời điểm sung sức nhất; tiết trời năm nay cũng rất thuận lợi. Đặc biệt, nhờ được bón phân hữu cơ phối trộn với phân đa lượng phù hợp; xử lý cắt tỉa rễ, khoanh vỏ trên thân cành đúng kỹ thuật để kích thích ra nhiều hoa nên quả rất sai, to và mọng nước”.

Mới chớm vào vụ thu hoạch cam CS1 (còn gọi là cam lòng vàng, thuộc nhóm chín sớm), thế nhưng đi dọc Quốc lộ 6, đoạn qua UBND thị trấn Cao Phong, khung cảnh bán mua vô cùng huyên náo. Chốc chốc lại thấy một chiếc ô tô con, ô tô khách tấp vào lề đường, ngã giá với chủ sạp hoa quả và vác lên xe.

Khi “ông lớn” nhập cuộc

Năm 2015, diện tích cam kinh doanh (đã cho thu hoạch) của huyện Cao Phong đạt 750 ha, tăng thêm 250 ha so với năm 2013. Thế nhưng ông Trần Văn Tiệp, Giám đốc Sở NN-PTNT vẫn khá lạc quan về thị trường tiêu thụ của loại quả có múi này. Bởi “thương lái, doanh nghiệp đã đến từng vườn cam để ký kết hợp đồng tiêu thụ từ lúc cây ra hoa”.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp lớn cũng đã lập kế hoạch hợp tác phân phối sản phẩm cho cam Cao Phong. Điển hình là Cty CP Xây dựng Sông Hồng (Incomex) - chủ đầu tư của chợ hàng Da, chợ Xuân La, chợ Khương Đình và có mối liên hệ với các chợ lớn nhỏ khác trên địa bàn Hà Nội như chợ Đồng Xuân, chợ Long Biên...

Đường đi nước bước của doanh nghiệp này khi “lấn sân” vào vùng cam Cao Phong khá bài bản. Đầu tiên, họ sẽ góp một nguồn vốn lớn với Cty TNHH MTV Cao Phong Hòa Bình (đơn vị đang quản lý gần 800 ha đất trồng cam để thành lập Cty TNHH hai thành viên cam Cao Phong Incomex).

Trước mắt, Cty Cao Phong Hòa Bình sẽ đóng vai trò là đầu mối thu gom cam từ các hộ giao khoán, cung cấp đầu vào. Còn Incomex tổ chức bộ máy phân phối tại thị trường Hà Nội, đồng thời sẽ ký hợp đồng với các đơn vị truyền thông để tổ chức các sự kiện nhằm quảng bá, giới thiệu và xúc tiến thương mại cho sản phẩm cam Cao Phong.

Dự kiến sẽ tổ chức tại 50 điểm, tập trung các trường mầm non, tiểu học và các khu vựng đông dân cư (thời gian thực hiện từ tháng 10/2015 đến 2/2016).

Đồng thời, doanh nghiệp này cũng chuẩn bị khoảng 10 điểm bán lẻ cố định tập trung ở các chợ để phân phối liên tục từ tháng 10/2015 đến tháng 4/2016 và phối hợp với một số siêu thị để dưa quả cam vào các hệ thống.

Nâng tầm thương hiệu

Ngoài Incomex, tập đoàn Vingroup cũng đã có kế hoạch hợp tác với các Cty TNHH MTV là: 2-9 Hòa Bình, Sông Bôi và Thanh Hà để chuyển đổi thành Cty TNHH hai thành viên. Những đơn vị này đều đang quản lý một diện tích đất trồng rau và cây ăn quả lớn. Vingroup sẽ đầu tư xây dựng hạ tầng, khoa học công nghệ... để phát triển vùng nguyên liệu rau và trái cây sạch cung ứng vào hệ thống siêu thị Vinmart.

Incomex cũng sẽ thiết kế nhãn hiệu cho sản phẩm cam Cao Phong trên bao bì mới và trên cơ sở đăng ký nhãn hiệu do Cục Quản lý trí tuệ cấp (bao bì mới phải thể hiện chỉ dẫn địa lý Cao Phong, có tính sáng tạo và tính thương mại cao), xây dựng tem chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm cam Cao Phong và toàn bộ các khâu trong quá trình phân phối.

Cứ mỗi lần nhắc đến vai trò của doanh nghiệp khi phát triển vùng cam hàng hóa của địa phương, ông Trần Văn Tiệp lại ủng hộ nhiệt tình.

“Nông dân chỉ có đất, có sức lao động, có kỹ thuật trồng trọt. Còn việc bao tiêu sản phẩm thì nhất quyết phải đưa doanh nghiệp vào cuộc.

Họ chính là đầu tàu để kéo hàng loạt toa tàu đi đúng quỹ đạo, không bị lệch đường ray.

Rút kinh nghiệm nhiều nơi, như câu chuyện “thanh long bán rẻ như cho”, “nông dân đổ sữa bò”, cứ phát triển ồ ạt mà không quan tâm điều tra, dự báo năng lực tiêu thụ của doanh nghiệp, tư thương”.

08-58-47_nh2
Cty CP Cam Cao Phong Việt Nam có ý định xây dựng một chợ đầu mối nông sản ngay tại vùng cam Cao Phong

Còn nhớ, khi nảy ra ý định tổ chức sự kiện có tầm vóc để đón nhận chỉ dẫn địa lý cho cam Cao Phong vào giữa tháng 11/2014 kết hợp với quảng bá thương hiệu, xúc tiến thương mại, ngay từ đầu năm đó, một đoàn cán bộ của tỉnh Hòa Bình và huyện Cao Phong đã chủ động đặt lịch hẹn gặp TCty Thương mại Hà Nội (Hapro), thuyết phục họ liên kết để quảng bá, tiêu thụ sản phẩm cam Cao Phong tới thị trường miền Bắc và người tiêu dùng Thủ đô.

Hapro đã chủ động xây dựng chiến lược kinh doanh, chiến lược sản phẩm mang tính khả thi cao, chú ý khâu dự báo, tìm kiếm thị trường, cân đối mặt hàng… Và, đến thời điểm chính vụ, các chợ đầu mối phía Nam, hệ thống siêu thị Hapro ngập tràn những trái cam Cao Phong được đóng trong hộp xốp hoặc gói trong bao bì bắt mắt do Hapro tự thiết kế. Cũng từ lúc đó quả cam Cao Phong đã thực sự “lột xác” để trở thành một thương hiệu sáng giá.

Từ nay đến tháng 11, huyện Cao Phong sẽ tổ chức lễ hội cam Cao Phong quy mô lớn để quảng bá thương hiệu của sản phẩm. Huyện cũng sẽ thành lập một ban chuyên trách về kiểm soát thương hiệu và chỉ dẫn địa lý cam Cao Phong. Đồng thời tổ chức hội nghị gặp mặt các hộ kinh doanh cam trên địa bàn huyện để tuyên truyền và triển khai phương án kinh doanh nhằm bảo vệ thương hiệu cho sản phẩm cam Cao Phong trong tháng 11/2015”, ông Tuấn nói.

Xây chợ đầu mối tại thị trấn Cao Phong

Ông Bùi Anh Tuấn, Phó Chánh văn phòng UBND huyện Cao Phong, cho biết: Thời gian qua Cty CP Cao Phong Việt Nam (Cao Phong Orange), có trụ sở tại Hà Nội, đã nhiều lần làm việc với huyện để thu thập dữ liệu về vùng cam Cao Phong. Họ đang lập kế hoạch cho dự án “Trung tâm đầu mối cam và nông sản Cao Phong”, trong đó mấu chốt là xây dựng một khu chợ đầu mối nông sản ngay tại thị trấn Cao Phong.

Bước đầu, doanh nghiệp này sẽ thiết kế bao bì, nhãn mác riêng và kết hợp với Cty Minh Hoàng Gia (hoạt động trong lĩnh vực truyền thông quảng cáo, tổ chức sự kiện) để quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng Hà Nội và các tỉnh thành phía Bắc.

Bà Đặng Thị Thúy Quỳnh, đại diện Cty CP Cam Cao Phong Việt Nam, khẳng định: Với số vốn điều lệ khoảng 100 tỷ đồng, chúng tôi hoàn toàn có đủ năng lực để chiếm lĩnh một thị thị phần lớn cho sản phẩm cam Cao Phong ở Việt Nam.

Chỉ những quả cam được chăm bón bằng phân hữu cơ vi sinh, đảm bảo nghiêm ngặt các quy định về VSATTP mới được đưa vào hệ thống của chúng tôi. Và người tiêu dùng hoàn toàn yên tâm về chất lượng của sản phẩm.

 

Xem thêm
Nhiều mặt hàng nông sản ở ĐBSCL tăng giá

Giá bán nhiều nông sản đều tăng hơn so với cùng kỳ năm ngoái là nhờ thông qua sự liên kết với doanh nghiệp và các kênh tiêu thụ từ hệ thống siêu thị.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

TH và câu chuyện xây dựng thương hiệu từ chữ 'thật'

Đối với Tập đoàn TH, chữ ‘thật’ được khẳng định bằng mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn mà doanh nghiệp đang theo đuổi, áp dụng.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm