| Hotline: 0983.970.780

Ngành hồ tiêu kiến nghị Chính phủ 5 giải pháp

Chủ Nhật 19/09/2021 , 10:58 (GMT+7)

Các kiến nghị xuất phát từ tình hình dịch Covid-19 sẽ còn kéo dài và dự báo sẽ còn ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp hồ tiêu.

Theo Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam (VPA), các biện pháp mạnh được thực hiện để ngăn ngừa Covid-19 thời gian qua đã chồng chất thêm khó khăn cho doanh nghiệp, bởi các thủ tục để thực hiện "3 tại chỗ" và xin giấy đi đường. Thêm vào đó, doanh nghiệp phải gồng gánh thêm khoản chi phí về xét nghiệm và thiết bị cho nhân viên sản xuất thực hiện "3 tại chỗ".

Tình trạng kẹt cảng và thiếu container rỗng trong một thời gian dài đã tạo cơ hội cho các hãng tàu thao túng phụ phí và cước phí vận tải. Giá vận tải các tuyến tăng gấp 10 lần từ cuối năm 2020 đến thời điểm hiện tại và chưa có dấu hiệu dừng lại. Điều này đã khiến nhiều doanh nghiệp đứng trước bờ vực phá sản. Tuy nhiên, để giữ thị trường và uy tín, các doanh nghiệp buộc phải thực hiện hợp đồng với mức lỗ không hề nhỏ đã được ước tính cho mỗi đơn hàng xuất khẩu.

Doanh nghiệp hồ tiêu đang phải gồng gánh thêm nhiều khoản chi phí do dịch Covid-19. Ảnh: TL.

Doanh nghiệp hồ tiêu đang phải gồng gánh thêm nhiều khoản chi phí do dịch Covid-19. Ảnh: TL.

Đầu tháng 8, Cục Hàng hải Việt Nam đã tổ chức hội thảo trực tuyến giữa các Hiệp hội ngành hàng với một số hãng tàu về vấn đề tăng nóng cước vận tải biển. Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam đã chủ động cùng các Hiệp hội ngành hàng khác gửi công văn đến các cơ quan Bộ, ngành,... Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại thì cước vận tải biển vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Để giải quyết vấn đề này, các cơ quan nhà nước đặc biệt là Bộ Giao thông Vận tải, Cục Hàng hải cần phải có những biện pháp mạnh hơn nhằm hạn chế sự thao túng cước vận tải và tăng phí bất hợp lý của các hãng tàu.

Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam cũng cho rằng, mặc dù giá hồ tiêu tăng trong thời gian qua đã mang lại nhiều phấn khởi cho nông dân, nhưng đồng thời chi phí của các yếu tố đầu vào cũng đang có dấu hiệu gia tăng. Với mức giá hiện nay, khả năng đầu tư các vườn tiêu vẫn là bài toán khó đối với các hộ dân thiếu nguồn lực tài chính. Nếu nông dân vay cho mục đích tái đầu tư và kỳ vọng thu bói trong 3-4 năm, thì khả năng rủi ro rất cao khi biến động thị trường và ảnh hưởng thời tiết khó có thể dự báo trước.

Trước tình hình này, Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam đã đưa ra 5 kiến nghị, cụ thể:

Thứ nhất, dịch Covid-19 sẽ còn kéo dài và dự báo sẽ còn ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp. Từ việc lưu thông hàng hóa đến việc hạn chế cấp phép giấy đi đường làm cho các hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp bị ngưng trệ. Trước mắt, Chính phủ sớm có cơ chế mở cửa dần cho các tỉnh thành đã tiêm cho người dân 1 mũi, 2 mũi vaccine để các hoạt động kinh tế dần trở lại bình thường. Đặc biệt, ưu tiên cho đối tượng là nhân viên các doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất và vận tải để đảm bảo chuỗi cung ứng hàng hóa.

Thứ hai, để hỗ trợ cho các doanh nghiệp và nông dân, Chính phủ cần có chính sách giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong năm 2021 và 6 tháng năm 2022. Chỉ đạo các ngân hàng thương mại, ngân hàng chính sách cần giảm lãi vay cho các doanh nghiệp, đơn giản hóa các thủ tục vay cũng như tăng hạn mức cho các doanh nghiệp, khoanh nợ, nới lỏng các khoản trả nợ cho doanh nghiệp cũng như người nông dân. Xem xét giảm chi phí tiền điện, nước cho doanh nghiệp.

Dù khó khăn, dự kiến năm 2021 ngành hồ tiêu vẫn nỗ lực mang về kim ngạch xuất khẩu 850 triệu USD (tăng 28% so với 2020). Vì thế, rất cần Chính phủ, Bộ, ngành quan tâm chỉ đạo hỗ trợ cho các doanh nghiệp hồ tiêu, trong bối cảnh dịch Covid-19 kéo dài. Ảnh: TL. 

Dù khó khăn, dự kiến năm 2021 ngành hồ tiêu vẫn nỗ lực mang về kim ngạch xuất khẩu 850 triệu USD (tăng 28% so với 2020). Vì thế, rất cần Chính phủ, Bộ, ngành quan tâm chỉ đạo hỗ trợ cho các doanh nghiệp hồ tiêu, trong bối cảnh dịch Covid-19 kéo dài. Ảnh: TL. 

Thứ ba, hỗ trợ kinh phí cho các doanh nghiệp tham gia chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài nước. Tăng cường quảng bá mặt hàng chủ lực của Việt Nam thông qua đại diện thương mại và Tham tán của Việt Nam tại nước ngoài.

Thứ tư, đối với ngành hồ tiêu, Bộ NN-PTNT cần sớm chỉ đạo Cục Trồng trọt thống kê diện tích và sản lượng hồ tiêu trên cả nước, để các doanh nghiệp có kế hoạch kinh doanh phù hợp và các khuyến cáo đưa ra kịp thời, trước tình hình diện tích có thể tăng và nguy cơ khủng hoảng ngành hồ tiêu có khả năng tái diễn khi giá hồ tiêu tăng cao.

Thứ năm, đề nghị Chính phủ và Bộ, ngành sớm có Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 9 tháng 9 năm 2021 của Chính phủ về việc hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19. 

Theo VPA, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu năm 2020 cũng như giá tiêu liên tục xuống quá thấp từ năm 2017-2020 nên người dân hạn chế đầu tư, chăm sóc, điều này dẫn tới việc sản lượng hồ tiêu Việt Nam năm 2021 giảm 25% so với năm 2020. Các nước sản xuất hồ tiêu trên thế giới như Brazil, Indonesia, Malaysia, Ấn Độ,… sản lượng năm 2021 cũng giảm do biến đổi khí hậu.

8 tháng đầu năm 2021 Việt Nam xuất khẩu trên 197.000 tấn, kim ngạch đạt 657,8 triệu USD, so với cùng kỳ năm 2020 lượng xuất khẩu giảm 2% tuy nhiên kim ngạch tăng 48,3%.

Nguồn cung sụt giảm dẫn tới giá xuất khẩu tăng mạnh so với năm trước. Dự kiến cả năm 2021, Việt Nam xuất khẩu ước đạt 240 ngàn tấn, kim ngạch đạt 850 triệu USD, so với năm 2020 lượng xuất khẩu sẽ giảm 15% tuy nhiên kim ngạch sẽ tăng khoảng 28%.

VPA cũng nhận đinh, hiện nguồn cung giới hạn khi hồ tiêu chỉ trồng ở một số quốc gia như Việt Nam, Brazil, Indonesia, Ấn Độ, Campuchia, SriLanka, trong đó Việt Nam đóng góp 40% sản lượng hồ tiêu toàn cầu; thêm vào đó, sản lượng hồ tiêu toàn cầu trong năm tới ước giảm khoảng 4%. Đây sẽ là những điều kiện cho phép chúng ta kỳ vọng giá hồ tiêu sẽ tiếp tục xu hướng tăng trong thời gian tới.

Xem thêm
Hội chợ xúc tiến thương mại khu vực kinh tế tập thể, hợp tác 2024

Hội chợ diễn ra từ 18-22/4 tại phố Trần Nhân Tông và công viên Thống Nhất, Hà Nội với sự tham gia của 120 HTX từ 44 tỉnh thành và 30 doanh nghiệp.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

TH và câu chuyện xây dựng thương hiệu từ chữ 'thật'

Đối với Tập đoàn TH, chữ ‘thật’ được khẳng định bằng mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn mà doanh nghiệp đang theo đuổi, áp dụng.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm